Kỳ tích văn hóa – giáo dục của chính quyền Xô Viết non trẻ
- Chuyện về nữ Phó Thủ tướng đầu tiên của chính quyền Xôviết1
- Vị Ngoại trưởng lỗi lạc của chính quyền Xô Viết non trẻ
Bảo tồn các di sản văn hóa
Với thông tin về cuộc Cách mạng Tháng Mười, thế giới cũng biết được rằng, những người nghèo vừa cướp chính quyền ở Nga trong "cơn thịnh nộ giai cấp quá khích", xem ra họ đã hủy diệt không thương tiếc mọi công trình văn hóa và kiến trúc trong các cung điện và dinh thự(!).
Lọt tới "thế giới văn minh" bên ngoài là giọng điệu của tờ báo "Novosti Rossi" (Tin tức nước Nga), trong đó viết: "Tổ quốc chúng ta đã chết. Nỗi lo ngại về sự tồn tại của nền văn hóa Nga đã tăng lên cùng với cả quá trình biến động đáng sợ này…". Nhưng những tiếng la ó về "chủ nghĩa triệt phá văn hóa của người Bolshevik" ấy đều là một sự dối trá trơ trẽn. Sự thật lại khác hẳn.
Ngay trong ngày công phá Cung điện Mùa đông, Ủy ban quân sự cách mạng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đã chỉ định 2 ủy viên đặc biệt về công tác bảo vệ các bảo tàng, cung điện cùng các giá trị nghệ thuật. Nhà chính luận Mỹ Albert Rizk Williams, một "nhân chứng sống" trong cuộc công phá, sau đó kể lại: "Giữa đám đông binh lính đằng đằng sát khí đang cuồng nộ nguyền rủa giới nhà giàu và vua quan, là một nhóm công nhân Petrograd vừa chen vào… Họ hét to: "Các bạn đừng lấy gì hết! Cách mạng cấm đấy! Đừng có cướp bóc! Đây là tài sản của nhân dân!…".
Chủ tịch Ủy ban Quân sự Cách mạng Vladimir Antonov-Ovseyenko (người ngồi bên trái), tiến hành kiểm kê đóng gói bảo quản các hiện vật văn hóa trong Cung điện Mùa đông. |
John Reed, một ký giả người Mỹ cũng đang có mặt ở Petrograd, kể lại trong cuốn sách bất hủ "Mười ngày rung chuyển thế giới" của ông về sự hành động đầy trách nhiệm của công nhân cách mạng, thủy thủ và binh lính trong việc bảo quản các tài sản văn hóa vô giá tại Cung điện Mùa Đông: "Tranh, tượng, rèm và thảm trải trong các căn phòng xa hoa khổng lồ không hề bị một ai động tới".
Trong những ngày cách mạng sục sôi ấy, Hội đồng Dân ủy Chính phủ Xôviết đã ban hành Sắc lệnh đặc biệt về đăng ký, khai báo và quản lý các giá trị nghệ thuật tại các tư dinh, hiệp hội và công sở.
Hội đồng đại biểu công nhân và binh lính Moscow còn ban hành bản khuyến nghị, kêu gọi dân chúng thành phố với những lời sau: "Hỡi các công dân, những ông chủ cũ đã ra đi, để lại những tài sản khổng lồ. Giờ đây chúng thuộc về sở hữu toàn dân. Các công dân, hãy bảo vệ thứ tài sản ấy, hãy giữ gìn các tranh, tượng, các tòa nhà… Đó chính là sự thể hiện sức mạnh tinh thần của các bạn, cũng như sức mạnh tinh thần của cha ông chúng ta - những nghệ nhân kỳ tài đã tạo ra được chúng ngay cả dưới sự áp bức của chế độ chuyên chế, thể hiện vẻ đẹp và sức mạnh của tâm hồn con người. Hỡi các công dân, xin chớ động đến một vật gì, hãy giữ gìn và bảo vệ các đài kỷ niệm, các công trình kiến trúc, các đồ vật cổ, các tài liệu - tất cả những cái đó chính là lịch sử của các bạn, là niềm tự hào của các bạn. Hãy nhớ rằng, tất cả những điều đó là mảnh đất màu mỡ, sẽ làm mọc lên những sáng tạo nghệ thuật mới cho các thế hệ đời sau".
Những lời kêu gọi đại loại như vậy được phổ biến khắp đất nước. Và đến đây không thể không kể về một câu chuyện liên quan tới một con người mà tên tuổi nổi danh khắp thế giới: Leon Tolstoy. Ngay sau cái chết của đại văn hào cuối năm 1910, bà vợ góa của L. Tolstoy là Sophia Andreyevna Tolstaya liền hướng tới Chính phủ Sa hoàng, với lời thỉnh cầu hợp tác giúp bà trong việc duy trì trang trại Yasna Polyana nổi tiếng của gia đình Tolstoy.
Bà quả phụ S. Tolstaya từng viết trong đơn rằng: "Với nguồn lợi tức ít ỏi của gia đình, thật khó mà bảo quản cho xứng đáng được ngôi nhà cổ cùng khuôn viên bao quanh mà sinh thời Lev Nicolayevich rất đỗi yêu quý, cũng như đã trở thành chốn lui tới thăm viếng của hàng nghìn người hâm mộ từ khắp nước Nga và cả từ nhiều nước khác nữa".
Đơn thỉnh cầu này đã bị Chính quyền Sa hoàng bỏ xó. Sau Cách mạng tháng Mười và sau đó là cuộc nội chiến bùng nổ, cuộc sống trở nên rất khó khăn. Gia đình của L. Tolstoy cũng sống trong cảnh gian nan thiếu thốn ấy, khiến khu trang trại ngày một hoang phế. Hội đồng Dân ủy khi ấy lại nhận được bức thư về Yasna Polyana, nhưng chấp bút lá thư lần này là những người nông dân quanh vùng trang trại. Họ đề nghị chính thể mới giúp đỡ quả phụ của nhà văn vĩ đại. Lần này, Chính phủ Xôviết nhận trách nhiệm tu bổ và bảo quản khu trang trại của đại văn hào.
Cuộc chiến chống giặc dốt
Đầu năm 1906, tờ nhật báo "Obrazovanye Rossi" (Giáo dục Nga) đăng tải thông tin từ giới chuyên gia hàng đầu thuộc Bộ Giáo dục Sa hoàng, đề cập tới viễn cảnh của công tác phổ cập giáo dục toàn Nga. Trong đó chỉ rõ, rằng nếu như công việc thúc đẩy giáo dục - văn hóa của nhà nước vẫn được tiếp tục như trong giai đoạn lúc đó, thì nạn mù chữ với đàn ông sẽ được xóa bỏ trong một khoảng thời gian tối cần thiết là 180 năm, còn với phụ nữ - 280 năm. Thế mà chỉ trong vòng 20 năm, chính quyền Xôviết đã xóa bỏ triệt để nạn mù chữ.
Áp phích cổ động kêu gọi giới trẻ đến trường trau dồi kiến thức. |
Trong 10 năm đầu sau cách mạng, chính thể Xôviết đã xóa nạn mù chữ cho 10 triệu người lớn tuổi, điều này có nghĩa là một triệu người mỗi năm. Trong thập niên tiếp theo - 50 triệu người, nghĩa là 5 triệu người/năm. Đây là sự "công phá" thực sự! Tất cả mọi người đến 50 tuổi đều nô nức đi học.
Thầy giáo trước hết là các sinh viên, những học sinh lớp trên, các chiến sĩ Hồng quân - từng được xóa mù chữ trong quân ngũ. Chính quyền các cấp đều nêu cao khẩu hiệu: "Người biết chữ hãy dạy cho người chưa biết chữ!".
Hiệp hội "Đả đảo nạn mù chữ!" được thành lập do đích thân Mikhail Kalinin (1875-1946), Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xôviết Tối cao Liên Xô đứng đầu. Chỉ 2 thập niên sau Cách mạng Tháng Mười, ở Liên Xô đã áp dụng chế độ phổ cập bán trung học bắt buộc (hệ 7 năm) tại tất cả các địa bàn dân cư trong toàn Liên bang. Và đây là kỳ tích văn hóa - giáo dục mà chính thể Xôviết lập được: Ngay từ giữa thập niên 30 thế kỷ trước, số chuyên gia có bằng đại học ở Liên Xô đã vượt hơn 9 triệu người.
Một lớp học thuộc chương trình phổ cập bắt buộc hệ 7 năm. |
Những người mù chữ không chỉ đi học dựa vào kinh phí của nhà nước, nghĩa là họ không phải trả tiền học phí, mà trong những ngày làm việc họ còn được nghỉ 2 giờ sớm hơn để đi học mà không bị cắt giảm tiền lương. Trong những vùng xa xôi nhất của đất nước, nơi cư ngụ của các dân tộc lạc hậu nhất, các chuyên viên khoa học từ Moscow, Leningrad và nhiều thành phố lớn khác được cử tới với nhiệm vụ cụ thể: thiết lập một cách nhanh nhất văn tự cho các sắc dân thiểu số, cũng như nghiên cứu về các phong tục dân tộc, điều kiện sinh hoạt và lao động cùng nền nghệ thuật dân gian của họ. Công việc này được hoàn tất chỉ sau một vài năm.
Một điều nữa mà chúng tôi muốn đề cập, như luận điệu của các thế lực không thân thiện vẫn rêu rao, là "sau Cách mạng Tháng Mười nước Nga trở thành một quốc gia không có hàng ngũ trí thức dân tộc, bởi vì tất cả các nhà khoa học, nhà văn, họa sĩ, kỹ sư, cũng như những bộ óc thông minh nhất đều đã bỏ chạy khỏi đất nước".
Sự thật là một phần đáng kể tầng lớp trí thức cũ đã quyết định ở lại với tổ quốc để phục vụ nhân dân. Và đây là vài tên tuổi tiêu biểu trong số đó: Người đoạt giải thưởng Nobel Y học - nhà sinh lý học vĩ đại Ivan Petrovich Pavlov; "Cha đẻ" của ngành hàng không Nga - Giáo sư Nikolay Yegorovich Zhukovsky; Viện sĩ Kliment Arkadievich Timiryazev, một trong những người sáng lập trường phái hiện đại về sinh lý học thực vật; Viện sĩ Nông học huyền thoại Ivan Vladimirovich Michurin, người có công lai giống tạo ra hơn 300 loại táo, nho và lê; người đặt nền móng cho ngành du hành vũ trụ hiện đại Konstantin Eduardovich Tsiolkovsky; các nhà thơ lỗi lạc Vladimir Vladimirovich Mayakovsky và Aleksandr Blok; các nhà hoạt động sân khấu nổi tiếng Konstantin Sergeievich Stanislavski và Vladimir Ivanovich Nemirovich-Danchenko; nhà toán học Otto Yulyevich Schmidt, người phát minh thuyết cấu tạo thiên hà vẫn còn phổ biến cho đến nay; tướng cận vệ kiêm cựu tư lệnh mặt trận tây nam trong Thế chiến I Aleksei Alekseevich Brusilov…