Lady Astor - người phụ nữ đầu tiên trở thành nghị sĩ Anh

Thứ Ba, 31/12/2019, 16:37
Cách đây đúng 100 năm, Nancy Astor - được công chúng và giới chính trị Anh thời đó gọi là Lady Astor - đã chính thức trở thành người phụ nữ đầu tiên ngồi vào ghế nghị sĩ ở Anh. Xuất thân từ tầng lớp đấu tranh nữ quyền nhưng cuộc đời bà lại khiến cho giới nghiên cứu lịch sử ở Anh chia rẽ nhiều năm sau khi bà qua đời.

Một thế kỷ sau sự kiện Lady Astor được bầu vào Nghị viện Anh, những thành tựu của bà đã được trong suốt thời gian làm nghị sĩ đã được giới nghiên cứu sử học Anh đặc biệt trân trọng và đề nghị mọi người tôn vinh. Thành tựu lớn nhất của bà chính là tinh thần tiên phong, mở đường, dẫn lối cho phụ nữ tiến sâu vào chính trường nước Anh thời kỳ đế quốc hùng mạnh, cũng là giai đoạn đấu tranh nữ quyền gay gắt nhất. Jacqui Turner - phó giáo sư Đại học Reading cho rằng chính Lady Astor đã mở toang cánh cửa bình đẳng giới trong chính trị và việc này không hề dễ thực hiện.

Tuy nhiên, đối với Julie Gottlieb - giáo sư lịch sử hiện đại tại Đại học Sheffield thì ngược lại, Lady Astor là một nhân vật “có vấn đề”. Và dịp kỷ niệm 100 năm sự kiện của bà cũng là dịp để các nhà đấu tranh bình đẳng xã hội kêu gọi người Anh chống lại chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc và các định kiến bất công của xã hội.

Nguyên do của trong thời gian làm nghị sĩ, Lady Astor từng gây tranh cãi khi mời Joachim von Ribbentrop - một tay chân thân tín của trùm Đức Quốc xã Adolf Hitler - đến dự dạ tiệc tại lâu đài Cliveden vào năm 1936. Lady Astor sau đó cũng có những phát ngôn mang tính kỳ thị chủng tộc, bị xem là bài xích người Do Thái.

Thực ra Lady Astor không phải là người phụ nữ đầu tiên được bầu vào Nghị viện Anh. Trước bà, vào năm 1918, nhà hoạt động độc lập của Ailen Constance Markievicz đã giành chiến thắng trở thành đại biểu cho một quận ở Dublin khi bà đang ở trong nhà tù Holloway, London.

Nhưng, chính sách kỳ thị của đảng Sinn Fein không cho phép bà được nhậm chức nghị sĩ. Vì thế, việc Lady Astor trở thành nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ Anh vào năm 1919 được xem là cột mốc lịch sử trọng đại không chỉ ở Anh mà cả ở Mỹ. Nối bước truyền thống do bà tạo nên, sau này, trong đảng Bảo thủ Anh đã xuất hiện nhiều gương mặt phụ nữ xuất sắc, không chỉ là những nữ nghị sĩ mạnh mẽ đấu tranh cho bình đẳng giới mà còn được mệnh danh là những “bà đầm thép” - những nữ chính khách nổi bật, lãnh đạo nước Anh trong thời gian dài, tiêu biểu như 2 cựu Thủ tướng Margaret Thatcher và Theresa May.

Trước khi bước vào Nghị viện Anh, Nancy Astor xuất thân từ tầng lớp giàu có và nhiều đặc quyền ở đế quốc Anh cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Tuy là nghị sĩ Anh nhưng Lady Astor lại là người Mỹ. Bà sinh ra tại Danville, bang Virginia, năm 1879. Gia đình bà từng rất giàu có và sở hữu nô lệ nhưng đã lâm vào cảnh khó khăn do mất đất trong cuộc Nội chiến Mỹ. Tuy vậy, chỉ một thời gian ngắn sau đó, cha bà khôi phục được gia sản nhờ chăm chỉ làm ăn và giàu lên nhanh chóng trong ngành kinh doanh tàu hỏa.

Nghị sĩ Lady Astor.

Lớn lên, Nancy kết hôn với Robert Gould Shaw II, xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc ở bang Masschusetts nhưng nổi tiếng ăn chơi và nghiện ngập. Vợ chồng bà có một con trai nhưng cuộc hôn nhân tan vỡ do Nancy không chịu được các thói hư tật xấu của chồng. Bà đi về miền Nam nước Mỹ sinh sống và hoạt động như một nhà nữ quyền.

Cơ duyên của Nancy với chính trường Anh thật tình cờ. Trong một chuyến đi sang Anh nhân mùa săn bắn, Nancy đã gây ấn tượng mạnh với giới chính trị nước này. Bà tỏ ra là người thẳng thắn, tự tin, lanh trí và có thói quen hành động “lệch chuẩn” khiến giới quý tộc bảo thủ ở Anh mê tít, còn các bà vợ thì nổi cơn lôi đình vì... ghen.

Thế rồi duyên phận lại tự nó chạm đến Nancy trên một chuyến bay khác từ Mỹ sang Anh. Bà đã tình cờ gặp gỡ Waldorf Astor, con trai của William Astor, một người Mỹ giàu có và rất mê nước Anh và vì thế mà được nước Anh phong tước vị quý tộc. Nancy gây ấn tượng với William Astor đến độ ông đã tặng hai người một tòa lâu đài lộng lẫy đặt tên là Cliveden ở gần London để làm quà cưới. Waldorf được bầu vào Nghị viện Anh năm 1910.

Năm 1919, William Astor qua đời, Waldorf thừa kế tước vị quý tộc của bố nên mặc nhiên trở thành thành viên Thượng viện, đồng thời buộc phải thôi giữ ghế ở Hạ viện. Không muốn để mất ghế nghị sĩ về tay người khác, Waldorf khích lệ vợ tham gia tranh cử và bà đã dễ dàng giành chiến thắng, trở thành người phụ nữ đầu tiên bước chân vào Điện Westminster, tại vị cho đến năm 1945. Danh xưng Lady Astor cũng bắt nguồn từ đó (mệnh phụ phu nhân họ Astor).

Dù là một người tự tin nhưng những ngày đầu khi mới bước chân vào Điện Westminster, Lady Astor vẫn thấy rất khó khăn. Khi bà lần đầu bước chân vào Điện Westminster ngày 1-12-1919, Lady Astor hình dung nhiều người đàn ông trong đó sẽ phản đối bà một cách ầm ĩ nhưng bà ngạc nhiên vì chính những người bà quen biết ngoài xã hội, trong đó có cả ông Winston Churchill (sau này là Thủ tướng Anh) lại trở nên lạnh nhạt với bà.

Trong 2 năm đầu, chỉ có mình bà đơn độc trong thế giới toàn đàn ông ở Điện Westminster, cho đến khi có người phụ nữ thứ hai được bầu vào Nghị viện với bà. Đó là 2 năm cực hình đối với Lady Astor, bởi cánh đàn ông trong Nghị viện luôn sẵn sàng tấn công bà bất cứ lúc nào, vì bất kỳ lý do gì. Ngày đầu tiên vào làm việc, bà sợ đến nỗi “ngồi im không nhúc nhích trong suốt 5 tiếng đồng hồ”.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, Lady Astor dần lấy lại tư thế và bắt đầu những hoạt động chính trị nhiều màu sắc, ghi vào lịch sử chính trị Anh quốc bằng những thành tựu nổi bật. Chính bà đã vận động thông qua luật để nâng tuổi uống rượu lên 18 tuổi, kéo dài cho đến ngày nay và cũng chính bà đã liên tục thúc đẩy đảng Bảo thủ thông qua luật vào năm 1928 cho phép phụ nữ Anh được đi bầu cử ở tuổi 21 thay vì 30 như trước đó.

Lady Astor qua đời năm 1964, ở tuổi 85. Nhân kỷ niệm 100 năm bà trở thành nghị sĩ, nhiều sự kiện đã được tổ chức tại những nơi bà từng đặt chân đến ở nước Anh, trong đó có ga tàu hỏa được đặt theo tên bà. Một bức tượng của bà đã được dựng lên ở Plymouth.

An Châu (tổng hợp)
.
.