Mở lại hồ sơ “Mississippi bùng cháy”

Thứ Ba, 09/06/2020, 22:45
Những ngày vừa qua, nhiều cuộc biểu tình, đốt phá, hôi của đã diễn ra ở hơn 140 thành phố lớn trên toàn nước Mỹ mà nguyên nhân là vụ việc của George Floyd, một thanh niên da đen, bị cảnh sát thành phố Mineapolis, bang Minesota đè vào cổ đến ngạt thở rồi tử vong.

Nó khiến xã hội Mỹ nhớ lại những cuộc bạo loạn kinh hoàng - được gọi là Mississippi bùng cháy - xảy ra vào năm 1964 khi 3 công dân Mỹ là Michael Schwerner, James Chaney và Andrew Goodman cũng bị sát hại vì nạn phân biệt chủng tộc…

Bối cảnh của vụ “Mississippi bùng cháy”

Bước vào thập niên 1960, phần lớn người da trắng ở bang Mississippi cũng như các bang miền nam nước Mỹ đồng loạt tổ chức những cuộc tụ họp nhằm phản đối chính sách hội nhập chủng tộc do Chính phủ Mỹ ban hành, trong đó người da đen được hưởng quyền bình đẳng như người da trắng.

Từ trái qua: Chaney, Andrew, Schwerner, chết vì phân biệt chủng tộc.

Tại bang Mississippi, liên tiếp diễn ra những vụ ném bom xăng vào các cơ sở kinh doanh, phá hoại nhà cửa, đe dọa tính mạng cộng đồng da đen. Một số vụ nổi bật xảy ra năm 1961 mà cụ thể là Freedom Riders, người da đen, bị đánh trọng thương chỉ vì ông đã lên một chiếc xe bus dành riêng cho người da trắng.

Năm 1962, sinh viên da trắng ở Đại học Mississippi tổ chức biểu tình bạo loạn để ngăn không cho James Meredith, người da đen ghi danh vào trường. Tất cả những việc này được thực hiện bởi những "hiệp sĩ trắng" thuộc chi nhánh Mississippi của tổ chức phân biệt chủng tộc Ku Klux Klan (thường được gọi là 3K) do Edgar Ray Killen cầm đầu.

Đầu mùa hè 1964, các thành viên da trắng thuộc tổ chức 3K ở Mississippi nhận được thông tin, rằng 30.000 người ủng hộ phong trào bình đẳng từ các bang phía bắc và phía tây sẽ đến Mississippi để thành lập hội đồng liên bang người da đen, đòi quyền cử tri trong các cuộc bầu cử. Thông tin ấy lập tức tạo ra một không khí thù địch, dẫn đến hiện tượng nhiều người da trắng trước đây vốn ôn hòa thì nay ghi tên gia nhập 3K.

Ngày 20/5/1964, 3 thành viên trong nhóm ủng hộ quyền bầu cử của người da đen là James Chaney (da đen), Michael Schwerner và Andrew Goodman (cả hai đều là da trắng) đã tổ chức một buổi diễn thuyết với sự tham dự của gần 2.000 người da đen tại khuôn viên nhà thờ Zion Methodist thuộc quận Neshoba, thành phố Longdale, bang Mississippi. Trong buổi diễn thuyết, Schwerner nói như van nài: "Các bạn đã bị nô lệ quá lâu. Chúng tôi có thể giúp bạn thực hiện quyền làm người tự do của mình bằng cách đăng ký đòi quyền bầu cử…".

Ngay khi cuộc diễn thuyết chấm dứt, Chaney, Schwerner và Andrew cùng những người tham dự đã giải tán, nhóm 3K lập tức tấn công nhà thờ Zion Methodist rồi đốt cháy. Một số người da đen chậm chân chưa đi kịp bị nhóm 3K đánh đập. Vụ việc diễn ra trước mắt cảnh sát quận Neshoba nhưng họ chỉ khoanh tay đứng nhìn.

Sáng 21/6/1964, Chaney, Schwerner và Andrew từ Meridian, thành phố lớn hàng thứ 6 của bang Mississippi đến Longdale trên chiếc xe hơi hiệu Ford Wagon để tìm hiểu vụ đốt nhà thờ Zion Methodist. Trước khi đi, như có linh cảm xấu, Schwerner nói với Jackson, người đứng đầu Hội đồng bình đẳng chủng tộc thành phố Meridian (viết tắt là COFO): "Nếu chúng tôi không trở lại sau 4 giờ chiều, hãy cố gắng tìm kiếm. Nếu chúng tôi chết, hãy đưa nó ra ánh sáng…".

Diễn tiến vụ việc

3 giờ chiều ngày 21/6, sau khi thu thập chứng cứ, khẳng định vụ đốt nhà thờ Zion Methodist là do nhóm 3K chủ mưu, Chaney, Schwerner và Andrew rời khỏi Longdale nhưng không đi theo quốc lộ 491 để trở về Meridian vì đó là đường đất, hẹp và khúc khuỷu. Họ quyết định chọn cao tốc 16 đến Philadelphia rồi rẽ sang cao tốc 19. Theo ước tính, đi bằng đường này họ sẽ có mặt tại Meridian trước 4 giờ chiều.

Cảnh sát thả chó nghiệp vụ cắn xé người biểu tình.

3 giờ 20, thấy chiếc Ford Wagon do tài xế da đen James Chaney cầm lái trên cao tốc 16, lập tức phó cảnh sát trưởng quận Neshoba là Cecil Ray Price bật bộ đèn chớp trên nóc xe và vừa đuổi theo, Price vừa dùng bộ đàm gọi 2 sĩ quan cảnh sát là Harry Jackson Wiggs và Earl Robert Poe, lúc ấy đang tuần tra trên cao tốc Mississippi, đến hỗ trợ.

Khi Chaney dừng lại vì nhìn thấy hiệu lệnh, phó cảnh sát Price bắt anh ta với lý do lái xe với tốc độ 100km/giờ mặc dù Chaney chỉ chạy 55km/giờ. Cả ba được đưa về nhà tù nằm trên đường Myrtle, quận Neshoba, trong đó Schwerner và Andrew bị giam vì "ngồi chung xe với kẻ phạm tội".

4 giờ, tại văn phòng COFO thành phố Meridian, khi không thấy Chaney, Schwerner và Andrew trở về, Jackson, người đứng đầu văn phòng đề nghị các nhân viên tìm hiểu vụ việc. Tuy nhiên cảnh sát quận Neshoba cho biết họ không hề nhìn thấy 3 người này.

10 giờ tối ngày 21/6, cảnh sát quận Neshoba thả cả người lẫn xe sau khi Chaney nộp tiền phạt. Lúc ra khỏi Neshoba, họ không ngờ chiếc Chevrolet màu trắng bám sau lưng họ lại do phó cảnh sát Price lái. Đến lối rẽ sang cao tốc 19, Schwerner vào một buồng điện thoại công cộng gọi về Meridian, báo cho văn phòng COFO những chuyện đã xảy ra, cũng như cho biết họ đang trên đường trở lại Meridian. Lúc này, bí mật theo dõi họ từ bên kia đường là xe tuần tra của hai sĩ quan cảnh sát Earl Robert Poe và Harry Jackson Wiggs.

Thời điểm ấy, 26 thành viên trong nhóm 3K ở quận Neshoba được phó cảnh sát Price thông báo. Lập tức, họ chia nhau lên 9 chiếc xe hơi, đuổi theo. Gần 10 giờ rưỡi, xe của Barnette chở theo Roberts, Arledge, Jordan, Posey và Snowden đuổi kịp chiếc Ford Wagon của Chaney, Schwerner, Andrew trên quốc lộ 492.

Chĩa súng vào đầu họ, nhóm 3K ra lệnh cho Schwerner quay lại cao tốc 19 nhưng đến đoạn giao nhau giữa quốc lộ 515 và 264, Jordan và Robert lôi cả ba xuống xe, bắn vào đầu họ. Riêng Chaney vì là người da đen, ngoài việc bị bắn, anh còn bị đập nát mặt bằng gậy bóng chày.

Sau khi sát hại Chaney, Schwerner và Andrew, nhóm 3K khiêng xác họ lên chiếc Ford Wagon. Jordan lái chiếc xe này đến trang trại Old Jolly nằm trên quốc lộ 21, nơi có một con đập của một hồ chứa nước đang xây dựng. Tại đó đã có mặt Tucker, cũng là thành viên 3K, đứng chờ những người khác đến. Dùng xe ủi, Tucker đào một cái hố sâu khoảng 1,5m rồi hất 3 cái xác xuống, lấp đất lên.

Lúc mọi việc đã hoàn tất, Price, phó cảnh sát quận Neshoba nói với nhóm 3K: "Vâng, các chàng trai. Các bạn đã thực hiện một công việc tốt, một đòn tấn công của người da trắng. Mississippi có thể tự hào về các bạn. Bây giờ, các bạn hãy về nhà và quên nó đi. Nhưng trước khi các bạn đi, tôi nhìn thẳng vào mắt các bạn, nói với các bạn điều này: Đừng bao giờ mở miệng để bất kỳ một người ngoài cuộc nào biết về nó. Lắm mồm sẽ là chết!"

Về chiếc xe Ford Wagon của các nạn nhân, Tucker được phó cảnh sát Price giao nhiệm vụ lái nó đến bang Alabama rồi nhấn chìm nó xuống một đầm lầy nào đó. Tuy nhiên vì ngại đi xa và cũng vì lười, Tucker chỉ chạy theo quốc lộ 21, đến cạnh một con sông ở phía đông bắc quận Neshoba rồi lủi nó vào một lùm cây rậm rạp ven đường.

Sau này, khi khai quật hố chôn, Cục Điều tra Liên bang FBI nhận thấy trong miệng và hai lòng bàn tay của Andrew có nhiều đất. Điều đó chứng tỏ khi bị chôn, Andrew vẫn còn sống. Do ngạt thở, Andrew cố há miệng để hớp không khí cũng như cào cấu nên đất đã rơi vào.

 “Mississippi bùng cháy”

Ngày 22/6, khi không thấy Chaney, Schwerner, Andrew trở về Meridian, văn phòng COFO liền thông báo cho Cục Điều tra Liên bang FBI vì họ không tin vào cảnh sát. Theo lệnh giám đốc FBI Edgar Hoover, trưởng chi nhánh FBI ở thành phố Meridian là John Proctor tiến hành mở cuộc điều tra. Đến tối, Robert F. Kennedy, tổng chưởng lý và cũng là em trai cố Tổng thống John F. Kennedy ra lệnh cho 150 sĩ quan liên bang đến hiện trường. Về phía bang Mississippi, chính quyền bang điều động hơn 200 thủy thủ từ một căn cứ hải quân, tham gia cuộc tìm kiếm. 

Ngày 24, hải quân tìm thấy những phần thi thể của 2 sinh viên da đen là Henry Hezekiah Dee và Charles Eddie Moore, mất tích từ hồi tháng 2/1964. Tiếp theo, họ cũng tìm thấy thi thể của Hebert Oarsby, 14 tuổi cùng 5 đứa trẻ khác nhưng không xác định được danh tính, tất cả đều là người da đen. Riêng Chaney, Schwerner và Andrew vẫn biệt tích.

Ngày 25/6, FBI treo thưởng 25.000USD (tương đương 220.000USD hiện nay) cho bất cứ ai tìm thấy 3 người này trong lúc các quan chức bang Mississippi tỏ ra phẫn nộ trước sự chú ý của giới truyền thông. Cảnh sát trưởng Rainey nói: "3 người đó đang lẩn trốn ở đâu đó và đang cố gắng làm xấu đi hình ảnh của Mississippi". Riêng Paul B. Johnson Jr. thống đốc bang Mississippi thì cho rằng Chaney, Schwerner và Andrew có thể đã trốn sang Cuba!

Ngày 4-8, FBI nhận được tin mật báo của một người tự xưng là "ông X", chỉ chỗ chôn Chaney, Schwerner và Andrew (40 năm sau, danh tính "ông X" mới được tiết lộ. Đó là Maynard, sĩ quan cảnh sát da trắng, tuần tra đường cao tốc Mississippi). Việc khai quật xác 3 nạn nhân đã gây nên những làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng da đen và cả người da trắng ở Mississippi. Nhiều cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra tại nhiều thành phố lớn trên toàn nước Mỹ. Dưới sự đàn áp của cảnh sát, nó biến thành các vụ bạo động.

Cuối tháng 11/1964, FBI bắt 21 người, gồm B. Akin, E. Akin, Arledge, T. Barnette, Burkes, Burrage, Bowers, Harris, Herndon, Killen, Posey, Price, Rainey, Roberts, Sharpe, Snowden, Townsend, Tucker, Warner, H. Barnette và James Jordan vì đã trực tiếp liên quan đến vụ giết Chaney, Schwerner, Andrew. Phiên tòa xét xử bắt đầu từ ngày 10/7/1967. Đến ngày 20/10, tòa tuyên phạt phó cảnh sát trưởng Price 10 năm tù, những người còn lại là Bowers, Roberts, Snowden, Posey, H. Barnette và Jordan  lĩnh án từ 3 đến 10 năm tù.

Năm 2004, kỷ niệm 40 năm vụ thảm sát Chaney, Schwerner, Andrew, hơn 1.500 người - cả da đen lẫn da trắng - tổ chức những cuộc tuần hành kêu gọi công lý, trong đó có sự xuất hiện của ông Haley Barbour, thống đốc bang Mississippi. Nhóm tuần hành yêu cầu tòa án mở lại hồ sơ vụ giết Chaney, Schwerner và Andrew vì xuất hiện thêm nhiều tình tiết mới.

Ngày 6 tháng 1 năm 2005, sau gần 1 năm tái điều tra, dựa trên lời khai của các nhân chứng và can phạm, bồi thẩm đoàn tòa án quận Neshoba đã buộc tội Edgar Ray Killen, kẻ đứng đầu 3K ở Mississippi với 3 tội danh âm mưu giết người, chỉ đạo giết người và gián tiếp giết người. Đây là lần đầu tiên tổng chưởng lý bang Mississippi hành động chống lại tội ác bằng cách đứng ra truy tố vụ án.

Ngày 21/6/2005, bồi thẩm đoàn Tòa án bang Mississippi tuyên phạt Edgar Ray Killen 20 năm tù giam. Năm đó ông ta đã 80 tuổi. Trong kháng cáo, Ray cho rằng không thể kết tội ông ta chỉ vì lời khai của các đồng phạm nhưng kháng cáo này đã bị Tòa Tối cao Mississippi bác bỏ.

Ngày 20/6/2016, Jim Hood và Vanita Gupta, công tố viên các quyền dân sự, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo sẽ không tiếp tục điều tra vụ giết Chaney, Schwerner,  Andrew cùng 2 sinh viên Henry Hezekiah Dee, Charles Eddie Moore và 6 đứa trẻ da đen. Theo ông Hood: "Các bằng chứng đã bị suy thoái bởi trí óc theo thời gian. Do đó, những người liên quan còn sống đến lúc này khó có thể cung cấp điều gì chính xác…".

Vũ Cao (theo Criminal History)
.
.