Mỹ-Triều Tiên hướng tới cuộc gặp thượng đỉnh: Đường tới chặng cuối

Thứ Hai, 14/05/2018, 16:08
Bước ngoặt quan trọng của Triều Tiên gần đây chính là Đại hội toàn quốc lần thứ 7 của Đảng Lao động Triều Tiên, từ 6 đến 9-5-2016. Đây là lần đầu tiên trong 36 năm, Đảng Lao động Triều Tiên tổ chức đại hội với sự tham dự của 3.400 đại biểu...

Tháng 6-2000, lần đầu tiên kể từ khi bị chia cắt, lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã tổ chức được cuộc gặp Thượng đỉnh, hai bên đã ra Tuyên bố chung, nhắc lại 3 nguyên tắc thống nhất đã xác định năm 1972, quyết định tự chủ thúc đẩy tiến trình thống nhất theo những quan điểm chung của phương án mà hai bên đã thống nhất, thông qua triển khai giao lưu và hợp tác trên các lĩnh vực, cân đối phát triển kinh tế dân tộc và tăng cường tin cậy lẫn nhau.

Cuộc Maraton trường kỳ

Trên phương diện quan hệ quốc tế, Triều Tiên đã cùng với Nga sửa đổi Hiệp ước hợp tác láng giềng hữu nghị, khôi phục chuyến thăm của các đoàn cấp cao tới Nga và Trung Quốc, mở lại đàm phán về thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhật, khôi phục hoặc thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước phương Tây...

Những thay đổi nhanh chóng của tình hình bán đảo Triều Tiên cũng đã thúc giục Mỹ đẩy nhanh bước đi trong cải thiện quan hệ với Triều Tiên. Giữa Mỹ và Triều Tiên đã tiến hành những cuộc thăm viếng cấp cao, đạt được nhất trí về vấn đề chống khủng bố và cải thiện cơ bản quan hệ hai nước, quan hệ giữa hai nước đã phát triển đến giai đoạn cuối cùng của thực hiện bình thường hóa. Nhưng do bầu cử tổng thống Mỹ, tiến trình bình thường hóa quan hệ Triều Tiên - Mỹ đã bị bỏ dở giữa đường.

Chính phủ của Tổng thống G.Bush tuy tuyên bố ủng hộ chính sách hòa giải hợp tác của Hàn Quốc đối với Triều Tiên, nhưng lại công khai bày tỏ không tin tưởng đối với Triều Tiên, thay đổi chính sách "tiếp xúc và mở rộng" đối với đường lối của Chính phủ tiền nhiệm B.Clintơn bằng chính sách "tiếp xúc mang tính tấn công". Chính sách này của Tổng thống G.Bush đã đóng lại cánh cửa quan hệ với Triều Tiên, làm lung lay cơ sở quan hệ Mỹ - Triều Tiên được thiết lập bởi "Hiệp định khung" và "Hiệp định về tên lửa".

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung tháng 6-2000. Ảnh: AP.

Sau đó, Triều Tiên đã ngừng tiếp xúc với Mỹ và Hàn Quốc, tăng cường quan hệ với Trung Quốc và Nga, thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước châu Âu và Liên minh Châu Âu (EU), cam kết với EU ngừng các vụ thử tên lửa đến cuối năm 2003. Hàn Quốc thì cho rằng, sự phát triển của quan hệ hai miền Nam, Bắc Triều Tiên nhất thiết phải có sự hỗ trợ từ việc cải thiện quan hệ giữa Triều Tiên - Mỹ, vì thế rất lo ngại việc Mỹ áp dụng chính sách cứng rắn với Triều Tiên sẽ cản trở tiến trình hòa giải hợp tác hai miền Nam-Bắc bán đảo Triều Tiên, liên tục thúc giục Mỹ thay đổi thái độ, tiến hành đối thoại với Triều Tiên.

Trước đó, lấy mốc thời gian từ năm 1988, khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt Triều Tiên sau khi đưa quốc gia này vào danh sách các nước tài trợ khủng bố khiến quan hệ hai bên vô cùng căng thẳng. Năm 1989, các bức ảnh vệ tinh của Mỹ phát hiện nhà máy tái xử lý hạt nhân tại khu tổ hợp Yongbyon của Triều Tiên. Năm 1994, nguy cơ của một cuộc chiến tranh Mỹ - Triều nổ ra khi Triều Tiên tháo dỡ các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng từ lò phản ứng Yongbyon.

Tuy nhiên, cựu Tổng thống Jimmy Carter đã tháo ngòi nổ căng thẳng bằng chuyến thăm tới Bình Nhưỡng. Theo một thỏa thuận với Mỹ, Triều Tiên tuyên bố đóng băng và từ bỏ chương trình hạt nhân của mình, để đổi lại viện trợ năng lượng. 

Năm 1998, Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo tầm xa lần đầu tiên. Năm 2000, Ngoại trưởng Mỹ M.Albright gặp lãnh đạo Kim Jong-il trong chuyến công du Bình Nhưỡng 2 ngày. Năm 2001, quan hệ Mỹ - Triều xấu đi sau khi George W.Bush trở thành tổng thống Mỹ. Năm 2002, Tổng thống Mỹ G.Bush đưa Triều Tiên vào danh sách các nước thuộc "Trục ma quỷ".

Thỏa thuận năm 1994 sụp đổ sau khi Mỹ cáo buộc Triều Tiên có chương trình vũ khí hạt nhân bí mật. Năm 2003, Triều Tiên rút khỏi Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Tháng 8-2003, các cuộc đàm 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên bắt đầu tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Năm 2005, lần đầu tiên, Triều Tiên tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân. Ngày 4-7-2006, Triều Tiên tiến hành thử tên lửa vào đúng ngày Quốc khánh Mỹ.

Ngày 9-10-2006, sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên, LHQ áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Ngày 18-12-2006, đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên được nối lại sau 13 tháng gián đoạn. Năm 2007, Triều Tiên khẳng định đã đóng cửa cơ sở hạt nhân chính của nước này. Tháng 6-2008, Triều Tiên phá hủy tháp làm lạnh tại Yongbyon. Tháng 10-2006 Mỹ đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi "danh sách các nước khủng bố".

Sau đó là tuyên bố của Tổng thống Mỹ G.Bush tại Hội nghị APEC-15 ở Australia. Ông Bush cho biết, ông muốn chấm dứt xung đột trên bán đảo Triều Tiên và ký một hiệp định hòa bình với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il khi điều kiện được đáp ứng.

Trước đó, phía Triều Tiên cũng đã yêu cầu Mỹ phải ký một hiệp định bảo đảm an ninh và hòa bình với Triều Tiên và đó là điều kiện để nước này chấm dứt chương trình hạt nhân của mình. Ngày 30-9-2007, 6 bên (Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ) tham gia đàm phán về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên ở Bắc Kinh cơ bản đã thống nhất được tuyên bố chung về các bước tiếp theo trong tiến trình phi hạt nhân hóa.

Mặc dù nội dung bản thỏa thuận cấp trưởng đoàn chưa được tiết lộ, nhưng trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đồng ý công khai toàn bộ chương trình hạt nhân và vô hiệu hóa những thiết bị có thể chế tạo vũ khí hạt nhân vào cuối năm đó nhằm đổi lấy viện trợ kinh tế, năng lượng và bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

Các nước tham gia sẽ chịu toàn bộ cho chi phí thực hiện việc phi hạt nhân hóa này. Triều Tiên và Mỹ sẽ thúc đẩy đàm phán song phương về bình thường hóa quan hệ, đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước tài trợ hoạt động khủng bố. Đây thực sự là những dấu hiệu đáng mừng cho tiến trình hoà bình trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt trước thềm cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai.

Những bước ngoặt quan trọng

Về quan hệ hai miền Triều Tiên kể từ sau cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ nhất tháng 6-2000 giữa nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-il và Tổng thống Hàn Quốc Kim Dea-jung đã làm ấm lên niềm hy vọng thống nhất của hơn 70 triệu dân đã nửa thế kỷ ở trong tình trạng chia cắt, đánh dấu giai đoạn mới trong quan hệ hai miền: từ đối đầu chuyển sang đối thoại, hoà giải và hợp tác. Sau cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ nhất này, đã có nhiều chuyển động tích cực trong quá trình đối thoại, hợp tác giữa hai miền.

Hai bên đã nối lại được mối quan hệ do đã đạt được những thoả thuận nhất định về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Về chính trị, hai bên đã tổ chức các cuộc hội đàm liên Triều mà tại đó nhiều vấn đề đã được thảo luận và giải quyết.

Những cuộc hội đàm liên Triều đóng góp cho việc củng cố nền tảng trao đổi và hợp tác liên Triều trên cơ sở hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Về quân sự, hai bên đã có những cuộc thảo luận nhằm tìm các biện pháp giảm tình hình căng thẳng quân sự, xây dựng lòng tin về quân sự giữa hai bên. Hai bên đã đạt được thoả thuận không sử dụng lực lượng quân sự, giải quyết xung đột vũ trang bằng biện pháp hoà bình, thông báo và chứng kiến tập trận, trao đổi nhân sự và thông tin quân sự, thiết lập đường dây nóng tạo hoà bình ở khu vực phi quân sự (DMZ).

Về kinh tế, hai bên tích cực tạo ra những phương thức để kích hoạt và đảm bảo trao đổi hàng hóa và con người liên Triều. Những biện pháp này bao gồm đơn giản thủ tục hải quan và quá cảnh và một thỏa thuận về đảm bảo qua lại an toàn giữa hai miền Triều Tiên. Hai bên cũng đã thành lập Ủy ban chung giải quyết tranh chấp kinh tế nhằm thúc đẩy buôn bán và hợp tác kinh tế giữa hai bên. Văn phòng hợp tác kinh tế liên Triều cũng được mở ở Kê Xâng nhằm tư vấn trực tiếp cho những người Bắc Triều Tiên trong quan hệ hợp tác kinh tế liên Triều.

Trao đổi và hợp tác liên Triều cho tới nay tập trung vào ba dự án kinh tế: nối lại đường sắt và đường bộ liên Triều, xây dựng Cụm Công nghiệp Kê Xâng và khu du lịch Núi Kim Cương.

Vấn đề viện trợ nhân đạo cũng đã được nối lại, phía Hàn Quốc đã viện trợ gạo, phân bón, dầu nhiên liệu cho Triều Tiên từ tháng 2-2007, sau khi các bên đạt được một số thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Về tuyến đường sắt liên Triều, ngày 17-5-2007 sau hơn 50 năm bị gián đoạn, hai bên đã tiến hành chạy thử tuyến đường sắt này. Đây được coi là cột mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển tích cực trong tiến trình hoà giải hai miền Triều Tiên. Ngoài ra, hai bên cũng đã tổ chức các đợt đoàn tụ cho những gia đình bị ly tán trong chiến tranh.

Tháng 8-2008, ông Kim Jong-il bị đột quỵ. Tháng 10-2008, Mỹ đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách "các nước tài trợ cho khủng bố". Tháng 4-2009, Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa và tuyên bố sẽ từ bỏ đàm phán 6 bên. Ngày 25-5-2009, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ hai. Ngày 12-11-2010, CHDCND Triều Tiên đồng ý cho các nhà khoa học Mỹ thăm nhà máy làm giàu uranium của nước này.

Năm 2011, CHDCND Triều Tiên tiến hành cuộc gặp với các phái viên hạt nhân Hàn Quốc để bàn về khả năng nối lại đàm phán 6 bên, gặp các phái viên Mỹ tại Geneve (Thụy Sĩ). Ngày 15-1-2011, lần đầu tiên kể từ năm 1997, Triều Tiên thông qua "Kế hoạch chiến lược quốc gia 10 năm về Phát triển kinh tế " và sẽ thành lập một cơ quan đặc biệt của chính phủ chịu trách nhiệm giám sát quá trình thực hiện các dự án chiến lược.

Ngày 19-12-2011, Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên (KCNA) đưa tin Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã qua đời lúc 8 giờ 30 ngày 17-12-2011 khi đang trên một chuyến tàu hỏa đi thị sát ngoài thủ đô Bình Nhưỡng. Trước đó, ngày 8-10-1997, ông Kim Jong-il được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên. Ông chính thức nắm quyền, 3 năm sau cái chết của người cha là ông Kim Nhật Thành.

Trong hai ngày 23 và 24-2-2012, tại Bắc Kinh (Trung Quốc), các quan chức ngoại giao cấp cao của Triều Tiên và Mỹ đã tiến hành hội đàm song phương về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Đây cũng là vòng đàm phán song phương thứ ba giữa hai bên kể từ tháng 7-2011, nhằm tái khởi động tiến trình đàm phán sáu bên "đổi viện trợ lấy giải trừ hạt nhân" mà Triều Tiên tuyên bố rút lui năm 2009.

Quân đội Hàn Quốc dỡ bỏ hệ thống loa phát thanh tuyên truyền chống Triều Tiên ở khu vực biên giới. Ảnh: Yonhap.

Cuộc đàm phán lần này cũng thu hút được rất nhiều sự quan tâm, khi dường như nó phản ánh được lập trường, chính sách của Mỹ và Triều Tiên trong giai đoạn chuyển giao quyền lực tại Triều Tiên, dưới sự điều hành của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un.

Điều này hết sức quan trọng đối với Mỹ trong việc xây dựng chiến lược ngoại giao nhằm giải quyết các vấn đề quan hệ song phương, chương trình hạt nhân của Triều Tiên...

Sau khi ông Kim Jong-il qua đời, ông Kim Jong-un lên nắm quyền, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố Mỹ hy vọng sẽ cải thiện mối quan hệ với Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un. Tuy nhiên, việc Mỹ thay đổi một số điều kiện về viện trợ lương thực khiến dư luận Triều Tiên thêm hồ nghi thiện chí của Mỹ.

Trước khi diễn ra đối thoại, Triều Tiên đã chấp nhận cho hãng tin AP của Mỹ mở văn phòng đại diện tại nước này. Cùng với việc đồng ý nối lại đối thoại song phương, giới quan sát cho rằng chính quyền Triều Tiên trong chừng mực nào đó ít nhiều cũng bắt đầu muốn "mở cửa" với bên ngoài.

Từ năm 2003 - 2008, 7 "vòng đàm phán 6 bên" - gồm: Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đã diễn ra. Cho dù không đi được tới cùng của vấn đề, nhưng đây là các vòng đàm phán rất quan trọng và các bên cũng hiểu nhau nhiều hơn, làm tiền đề cho các cuộc đối thoại sau này.

Bước ngoặt quan trọng của Triều Tiên gần đây chính là Đại hội toàn quốc lần thứ 7 của Đảng Lao động Triều Tiên, từ 6 đến 9-5-2016. Đây là lần đầu tiên trong 36 năm, Đảng Lao động Triều Tiên tổ chức đại hội với sự tham dự của 3.400 đại biểu. Đại hội lần này đề ra các chính sách quan trọng về chính trị và kinh tế, các chương trình phát triển trung và dài hạn, cùng những thay đổi nhân sự cấp cao; chiến lược phát triển kinh tế 5 năm, cải thiện về cơ bản mối quan hệ với Hàn Quốc, thống nhất đất nước; nâng cao đời sống của nhân dân, và phi hạt nhân hóa toàn cầu...

Hoa Huyền
.
.