Nguyễn Bình – Vị tướng huyền thoại: Những trận đánh du kích kiểu mẫu

Thứ Sáu, 24/02/2017, 07:15
Chớp nhoáng hạ đồn Bần Yên Nhân, thần tốc chiếm đồn Đông Triều là những trận đánh du kích kiểu mẫu thể hiện tài năng quân sự của Nguyễn Bình.

Đây cũng là những trận đánh đánh dấu sự ra đời của Chiến khu Trần Hưng Đạo - một căn cứ địa cách mạng có ý nghĩa, tầm vóc rất quan trọng trong giai đoạn tiền khởi nghĩa và trong Cách mạng Tháng Tám ở vùng Duyên hải và Đông bắc của Tổ quốc.

Những trận đánh vang danh

Chuẩn bị cho kế hoạch đánh chiếm đồn Bần Yên Nhân, Nguyễn Bình cùng một cán bộ tên Phúc Kiên mở Hãng dầu Phúc Thảo và mua xe ngựa chạy trên đường số 5 từ thị trấn Bần Yên Nhân thuộc huyện Mỹ Hào, Hưng Yên đi ga Đình Dù (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) hoặc Hà Nội để chuyên chở người và hàng hóa, nhưng thật ra là chuyên chở vũ khí.

Để đảm bảo tuyệt đối bí mật, Nguyễn Bình cho xây bức tường hai lớp ngay tại nhà mình ở Bần Yên Phú, vũ khí được cất giấu ở giữa. Ngay cả người trong nhà cũng không hay biết, họ tưởng đó là những của cải quý báu do ông buôn bán được.

Trung tướng Nguyễn Bình tại chiến trường Nam Bộ.

Một sự kiện chính trị làm cho trận đánh trở nên thuận lợi. Sau ngày 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp, theo lệnh của tên giám binh tỉnh Hưng Yên, đồn Bần Yên Nhân thực hiện "bó gọn súng đạn sẵn sàng nộp cho Nhật". Đây là thời cơ thuận tiện để ta tranh thủ chớp nhoáng đóng giả quân Nhật tước vũ khí của bọn lính trong đồn…

Trận đánh diễn ra một cách chớp nhoáng, nhanh gọn nhờ ta hiệp đồng bài bản và có cơ sở bên trong làm đúng quy ước ám hiệu. Trận tấn công kinh điển này về sau được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là "một trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ", thể hiện được sự mưu trí, sáng tạo, chớp đúng thời cơ. Và quan trọng hơn là tài chỉ huy quyết đoán trong bối cảnh hết sức khó khăn của Nguyễn Bình.

Sau khi gây dựng các cơ sở đủ mạnh, Nguyễn Bình mở rộng địa bàn hoạt động sang Kiến An, Hải Phòng. Sau 4 tháng kể từ ngày Nhật đảo chính Pháp, tổ chức Việt Minh do Nguyễn Bình phụ trách đã gây dựng được cơ sở trong các đơn vị thủy binh và quan thuế ở Hải Phòng, trại bảo an binh tại thị xã Kiến An, đồn binh Uông Bí, trại huấn luyện quân sự của thanh niên Đại Việt ở Bí Chợ và đồn binh Cửa Ông. Rất nhiều súng ống, đạn dược của khu căn cứ cũng được bổ sung từ những nguồn cơ sở do Nguyễn Bình phụ trách.

Một ngày hạ bốn đồn địch

Đầu tháng 6-1945, một sự kiện quan trọng diễn ra tại khu căn cứ Đông Triều. Sau một thời gian nhận bức thư đề nghị cùng Việt Minh hợp tác chống Nhật, đầu tháng 6-1945 tướng phỉ Lương Sâm gửi thư đề nghị Tỉnh bộ Việt Minh cử đại diện đến nơi đóng quân của bọn chúng để đàm phán. Ban lãnh đạo khu căn cứ thống nhất cử Trần Cung và Hải Thanh đi. 

Phát xít Nhật tại Đông Dương.

Trong buổi đàm phán, phó tướng phỉ Lương Đại Bân tỏ ý khoe khoang lực lượng và cho biết quân phỉ sẽ đánh đồn Chí Linh vào đêm ngày 7 rạng sáng 8-6-1945. Với mục đích áp chế tinh thần đối phương, hai cán bộ của ta cho biết phía Việt Minh có lực lượng vũ trang rất mạnh, đã chuẩn bị đánh đồn từ lâu và quan trọng là có nhiều cơ sở trong binh lính ở đồn. 

Cuối cùng hai bên thống nhất cùng tấn công đồn Chí Linh vào sáng 8-6-1945, do phía Việt Minh chỉ huy, đồng thời huy động lực lượng đánh luôn các đồn Đông Triều, Tràng Bạch, tước vũ khí bọn chủ mỏ Mạo Khê.

Theo đó, Nguyễn Bình, có Nguyễn Hiền làm nội ứng phối hợp có nhiệm vụ tấn công đồn Đông Triều (Nguyễn Hiền là Đồn trưởng đồn Đông Triều đã được ta giác ngộ, sau này được Nguyễn Bình rất tin dùng); Hải Thanh phụ trách việc phối hợp với quân phỉ Lương Đại Bân lấy đồn Chí Linh; Trần Cung, có Nguyễn Văn Đài phối hợp phụ trách lấy đồn Tràng Bạch, tước vũ khí của bọn chủ mỏ ở Mạo Khê.

Rạng sáng ngày 8-6-1945, lực lượng do Nguyễn Bình chỉ huy xuất quân. Trên cánh tay trái từng người đều đeo băng vải đỏ với ba chữ "Việt Minh quân". Riêng Nguyễn Bình cài ở trước ngực một phù hiệu bằng vải đỏ hình chữ nhật thêu ba chữ "TCH" (Tổng chỉ huy). Tất cả đều hừng hực khí thế cho cuộc tấn công đồn Đông Triều.

Việc đánh thắng cùng một lúc 4 đồn địch ở Đông Triều, Chí Linh, Mạo Khê, Tràng Bạch là một chiến công vang dội đánh dấu ngày chính thức ra đời của Chiến khu Trần Hưng Đạo, tức Đệ tứ Chiến khu theo nghị quyết của Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Bộ (từ ngày 15 đến ngày  20-4-1945) tại Bắc Giang để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa.

Chiến công gắn liền tên tuổi

Tháng 7-1945 Ủy ban Quân sự cách mạng Chiến khu Trần Hưng Đạo quyết định tấn công vào tỉnh lỵ Quảng Yên để hỗ trợ cho các địa phương Hòn Gai, Kiến An, Hải Phòng hoạt động mạnh mẽ hơn. Với tài chỉ huy linh hoạt và quyết đoán của Nguyễn Bình, du kích quân cách mạng đã có một trận đánh táo bạo, chính xác, chiếm toàn bộ tỉnh lỵ Quảng Yên.

Đây là địa phương duy nhất ở miền Bắc được giải phóng trước Cách mạng Tháng Tám - một thành tích quân sự nổi bật của Chiến khu Trần Hưng Đạo và người có công lớn nhất chính là Nguyễn Bình.

Bức tượng bán thân Trung tướng Nguyễn Bình tại Bảo tàng Quân sự Việt Nam.

Trại thanh niên ở Bí Chợ do viên quan hai Nhật chỉ huy, huấn luyện. Đây cũng là trường đào tạo sĩ quan của Đảng Đại Việt, thường xuyên có 70 học viên, án ngữ trên trục đường số 18 chếch về phía bắc phố Uông Bí. Từ trại thanh niên Đại Việt xuôi về hướng đông nam theo trục đường 18 là đồn Uông Bí.

Đồn đóng trên một đồi cao khoảng 50m, xung quanh cây cối xanh tốt. Dưới chân đồi ở hướng đông nam là ngã ba sông. Ở điểm cao khống chế này, địch có thể kiểm soát toàn bộ hoạt động trên sông và trung tâm thị trấn Uông Bí. Đồn Uông Bí có 4 sĩ quan và một lính Nhật chỉ huy 80 lính bảo an binh và lính khố đỏ. Trong đồn có cai Dung là cơ sở của ta và đội Cẩn, đội Kinh là những người có cảm tình với cách mạng.

Trại Bí Chợ giải quyết một cách chớp nhoáng, Nguyễn Bình lập tức lên đường đến Uông Bí để chỉ đạo lực lượng đánh đồn Uông Bí đang trên đường tới. Sáng 1-7-1945, nhờ sự hiệp đồng chặt chẽ, đồn Uông Bí cũng nhanh chóng bị hạ. Chiến thắng Uông Bí và Bí Chợ tạo thêm thế và lực cho Chiến khu Trần Hưng Đạo, mở hướng phát triển về phía Quảng Yên, Hòn Gai và Kiến An, Hải Phòng.

Nhờ thu được số lượng lớn vũ khí, lực lượng vũ trang Chiến khu Trần Hưng Đạo có điều kiện phát triển nên Ủy ban Quân sự cách mạng chiến khu quyết định tổ chức thêm lực lượng vũ trang tập trung. Tổng quân số của chiến khu đã lên tới 400 người, được biên chế thành các trung đội hoàn chỉnh, trong đó có cả một tiểu đội nữ vũ trang tuyên truyền, một tiểu đội nữ du kích, một tiểu đội nữ cứu thương. Đặc biệt sau đó còn tổ chức thêm một đơn vị thủy binh.

Giải phóng Quảng Yên

Tháng 7-1945, trên đà thắng lợi, Ủy ban Quân sự cách mạng chiến khu quyết định đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên. Quảng Yên là nơi tập trung các cơ quan chính quyền bù nhìn cấp tỉnh và có lực lượng bảo an binh khá đông, là địa phương nằm trên các trục đường giao thông thủy, bộ quan trọng. Chiếm được nơi này sẽ tạo đà cho phong trào cách mạng ở các địa phương phát triển mạnh mẽ hơn.

Đoàn Giải Phóng quân ở Việt Bắc về duyệt binh ở Quảng trường Ba Đình sau Cách Mạng tháng Tám.

Quảng Yên cách Hải Phòng và núi Đèo không xa lắm, hai nơi này đều có quân Nhật chốt giữ. Để sang được Quảng Yên, địch phải đi bằng ca nô rồi đổ quân lên bến, hai bên bờ đều là những bãi sú vẹt, trong khi nước sông đang lên cao. Quân ở núi Đèo đến phải dùng ôtô chuyển quân, sau đó qua phà Rừng nên mất nhiều thời gian.

Còn quân ở Hòn Gai tới dù đi đường thủy hay bộ cũng đều mất rất nhiều thời gian vì đường đi có nhiều cây cối rậm rạp, nhiều dốc. Ta phải có lực lượng chặn địch ở cả đường thủy lẫn đường bộ, không để chúng chi viện cho Quảng Yên. Một điều cần lưu ý là đánh chiếm một tỉnh lỵ khác với đánh một đồn.

Ngoài việc tước vũ khí của bảo an binh, còn phải kiểm soát các công sở, kho tàng và dinh tỉnh trưởng. Ban chỉ huy đã bàn bạc nhất trí đánh chiếm Quảng Yên phải bảo đảm nhanh gọn, không cho địch kịp trở tay, không để phải nổ súng.

Chiều 20-7-1945, trong khi Nguyễn Bình cùng Quách Lĩnh, Sơn Vĩ và Nguyễn Hùng Phong đang gấp rút chuẩn bị cho trận đánh thì bỗng nghe vài tiếng súng nổ  trong thị xã Quảng Yên. Thì ra có mấy thanh niên Đại Việt từ Hải Phòng sang, chúng vào dinh tỉnh trưởng lấy súng xả đạn lên trời rồi ép tỉnh trưởng Ngô Ngọc Thanh, một người có cảm tình với cách mạng giao chính quyền và vũ khí cho chúng.

Nguyễn Bình lập tức cử Quách Lĩnh, Hùng Phong mang theo 2 đội viên du kích đến dinh tỉnh trưởng để bắt bọn chúng. Đến nơi, mọi người thấy có 4 thanh niên Đại Việt đang cầm súng ngắm nghía, ngoài đường dân chúng tò mò xúm lại xem rất đông. Quách Lĩnh, Hùng Phong đang phân vân chưa biết xử lý cách nào thì Nguyễn Bình đột ngột xuất hiện. Ông ra lệnh đưa đám thanh niên Đại Việt xuống thuyền và giải tán đám đông.

Sự việc xảy ra ngoài dự kiến, tin Việt Minh có mặt tại tỉnh lỵ Quảng Yên được nhân dân truyền đi rất nhanh. Tình thế bắt buộc, Nguyễn Bình quyết định đánh chiếm Quảng Yên ngay trong đêm 20-7. Trận đánh diễn ra đúng kế hoạch, ta thu toàn bộ vũ khí, đạn dược với 500 khẩu súng, nhiều quân trang, quân dụng, lương thực, thuốc men.

Ngày 22-7-1945, Nguyễn Bình tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại sân vận động tỉnh lỵ Quảng Yên. Hàng ngàn nhân dân trong tỉnh lỵ và các làng phụ cận giương cao cờ đỏ sao vàng trong niềm hân hoan chào mừng thắng lợi của cách mạng.

Có thể nói đây là một chiến thắng mang tầm chiến lược, tạo đà thuận lợi cho việc tiến đến giải phóng các địa phương ở khu Duyên hải Bắc Bộ. Và người có công lớn nhất trong thắng lợi vẻ vang này chính là Nguyễn Bình. Trong những ngày Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Bình đã chỉ huy lực lượng vũ trang cách mạng phối hợp với nhân dân tổ chức giành chính quyền ở thành phố Hải Phòng, Kiến An và Hải Dương.

Cách mạng Tháng Tám thành công, tháng 9-1945, do quy mô phát triển của Chiến khu Trần Hưng Đạo ngày càng rộng lớn và nhiệm vụ ngày càng nặng nề, theo chỉ thị của Trung ương, Chiến khu Trần Hưng Đạo được đổi thành Chiến khu miền Duyên hải Bắc Bộ (sau này là Quân khu 3) gồm các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên, Hòn Gai và Hải Ninh. Và người được giao đảm nhiệm Tư lệnh là Nguyễn Bình.

Duy Tường
.
.