Nguyên soái G.K. Zhukov – Cuộc đời như khúc tráng ca

Thứ Hai, 08/01/2018, 13:25
Nguyên soái huyền thoại, bốn lần Anh hùng Liên Xô Georgy Konstantinovich Zhukov (1896 - 1974) được cả giới sử gia quân sự phương Tây xếp ngang hàng với Alexander Đại đế và Napoléon, bởi họ cho ông là nhân vật đã làm đổi thay cả tiến trình lịch sử.

Trong rất nhiều tướng lĩnh nổi danh thế giới của Thế chiến thứ II, G.K. Zhukov được xếp đầu bảng về số lượng trận thắng, được công nhận về tài năng chỉ đạo chiến dịch và chiến lược. Những chiến tích của ông đóng góp rất lớn vào kho tàng di sản kiến thức quân sự nhân loại. Nhưng vào thời bình, khi trở về với sân khấu chính trị, hào quang trên chiến trận, tài năng quân sự thiên bẩm lại biến thành mối đe dọa khi uy danh lừng lẫy của ông vượt lên trên cả những quyền lực chấp chính.

Bài 1: Vị tướng bách thắng

Nhà cầm quân được đặt tên theo vị thánh của người La Mã

G.K Zhukov chào đời ngày 1-12-1896 tại làng Strelkovka gần thủ đô Moskva, trong một gia đình nông dân nghèo. Từ nhỏ, Zhukov đã buộc phải quen với những công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và nặng nhọc. Trong quyển hồi ký "Nhớ lại và suy nghĩ" của ông ấn hành năm 1969 (5 năm trước khi qua đời), ông viết: "7 tuổi đã cùng người lớn đi cắt cỏ, cố quá sức nên làm tay phồng lên... xấu hổ không dám nói với ai cả, cố hết sức chịu đựng và đến mùa gặt lúa mì... hấp tấp đưa liềm vào ngón tay út bên trái... đã bao nhiêu năm qua, vết sẹo ở đấy vẫn còn...".

Ông được đi học mấy năm ở trường làng, năm 12 tuổi lên Moskva làm ở cửa hàng đồ da, ngày ngày làm từ 7 giờ sáng đến 7giờ tối, chỉ có một tiếng buổi trưa để nghỉ ăn cơm. Vất vả như vậy nhưng ông vẫn kiên trì học thêm buổi tối về tiếng Nga, toán, địa lý, đọc sách khoa học phổ thông...

Năm 15 tuổi, Zhukov đã kịp tốt nghiệp khóa học hai năm của trường trung cấp thành phố và trở thành thợ cả. Năm 1915, nước Nga tổn thất nhiều trên các mặt trận khi đó đang diễn ra Thế chiến thứ I. Đến đợt tổng động viên, Zhukov bị bắt lính và phục vụ cho quân đội Sa hoàng.

Nguyên soái G.K Zhukov năm 1916.

Không những hoàn thành khóa huấn luyện trong trung đoàn Dự bị kỵ binh và bộ binh, vượt qua kỳ thi dành cho cấp bậc hạ sĩ quan, Zhukov còn nắm vững mọi thủ thuật của kỵ mã, tinh thông về các loại vũ khí và phương pháp rèn luyện của người lính. Một sự kiện quan trọng diễn ra trong đời binh nghiệp của Zhukov: Ngày 27-2-1917, ông gia nhập hàng ngũ Cách mạng. Tháng 8-1918, ông phục vụ trong đoàn kỵ binh 4, sư đoàn kỵ binh Moskva của Hồng quân và tham gia cuộc nội chiến 1918 - 1921.

Người dân gian Nga tin rằng, các cậu bé được đặt tên theo vị thánh quân sự nổi tiếng người La Mã George (St.George) sẽ trở thành chiến binh quả cảm. Lịch sử cho thấy điều đó đúng với Zhukov. Giáo sư-Tiến sĩ khoa học lịch sử Yuri Rubtsov của Trường Đại học Tổng hợp Quân sự Nga nhận xét: "Lý thuyết cầm quân từng lĩnh hội ở nhà trường được Zhukov lần lượt thay thế bằng kinh nghiệm thực tiễn của cuộc Thế chiến thứ I và Nội chiến. Ông chỉ huy đơn vị nghiêm minh, quản lý đúng phương pháp, đơn vị ông phụ trách bao giờ cũng là đơn vị lập nhiều chiến tích xuất sắc".

Năm 27 tuổi, ông giữ chức trung đoàn trưởng; đến năm 42 tuổi, đã là phó Tư lệnh đại quân khu Belorussia. Tháng 5-1939, quân Nhật khiêu khích vũ trang tại vùng Khalkhyn Gol (Mông Cổ). Tên tuổi và tài năng thống lĩnh quân sự của Zhukov bắt đầu được khẳng định khi vào tháng 7-1939, ông được Thống soái Joseph Stalin giao trọng trách chỉ huy Tập đoàn quân số 1 của quân đội Xôviết tại Mông Cổ.

Trong chiến dịch phản công ở Khalkhyn Gol, Zhukov đã sử dụng lực lượng xe tăng, cơ giới, máy bay và hỏa pháo mạnh để phản kích quân Nhật; mạnh dạn đánh chia cắt và bao vây tập đoàn trang bị vũ khí nặng của Nhật, gây cho quân địch tổn thất nặng nề. Sau chiến thắng này, ông được trao danh hiệu Anh hùng Liên Xô và được phong tướng. Năm 1940, ông được phong hàm Đại tướng, giữ chức Tư lệnh đại quân khu Kiev.

Với nhận xét tinh tường, Zhukov đã đoán chắc rằng, quân đội Liên Xô không thể tránh khỏi cuộc đối đầu sống mái với quân Đức, nên về mặt xây dựng quân đội, ông đã đề xuất thành lập các đơn vị xe bọc thép độc lập phòng khi nổ ra chiến tranh. Tuy nhiên ý kiến của ông đã không được giới lãnh đạo Liên Xô coi trọng. Điều này chỉ được chứng thực vào tháng 6-1941, khi nước Đức phát xít bất ngờ tấn công Liên Xô, thực tế chiến trường đã xác minh hầu hết các luận điểm của ông.

Có thể nói ở Zhukov hội đủ mọi tố chất của một vị tướng tài ba: Ông có "thiên nhãn" quan sát và phán đoán địch tình; dự kiến tình huống phát triển một cách chính xác; biết xử trí linh hoạt, ứng phó hữu hiệu với sự thay đổi của tình hình; điều chỉnh bố trí binh lực một cách hợp lý. Trong tình huống quân Đức tiến như vũ bão về hướng Moskva, nhiều chiến tuyến của Liên Xô nhanh chóng bị sụp đổ, mọi thứ mở toang trước quân Đức.

Nói theo cựu Đại tướng Makhmud Gareyev, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Nga, thì "không thể tưởng tượng là có ai khác, kể cả Napoléon trong thời điểm đó có thể tìm ra được giải pháp chống lại sức tấn công như chẻ tre của quân Đức và khôi phục lại các chiến tuyến. Nhưng Zhukov đã làm được. Và sau này đến bất cứ đâu, tướng Zhukov cũng tự làm rất nhiều việc, thay đổi rất nhiều thứ, đưa mọi sự trở về dòng chảy cần thiết".

Trên cơ sở những tư liệu xác thực, nhà sử học Aleksey Asayev đã chứng minh rằng Georgy Zhukov không phải là vị tướng "nướng quân", phung phí tính mạng cấp dưới. Bởi từ mệnh lệnh đầu tiên tới mệnh lệnh cuối cùng, bao giờ Zhukov cũng chú trọng tới yêu cầu hạn chế tối đa tổn thất về người và ông đã rất nghiêm khắc đối với những viên chỉ huy để cho đơn vị chịu nhiều thương vong.

Bên cạnh đó, Zhukov còn đưa ra những chỉ dẫn cụ thể, sát thực giúp các cấp chỉ huy giảm thiểu tổn thất binh lực. Thống kê cho thấy, tại tất cả các mặt trận và trong tất cả các chiến dịch mà Zhukov đã chỉ huy hoặc chỉ đạo, thiệt hại tính theo phần trăm trên số quân thường thấp hơn so với các tướng lĩnh Liên Xô, kể cả so với Nguyên soái Konstantin Rokossovsky, người thường được nêu như một ví dụ ngược lại với Georgy Zhukov.

Không chỉ là "Vị cứu tinh của Moskva"

Tháng 6-1941, khi Zhukov đang làm Tư lệnh Mặt trận Leningrad, lãnh tụ Stalin gọi điện cho ông nói rõ tình hình nguy cấp sát cửa ngõ Moskva và ra lệnh cho ông tức tốc về thủ đô. Lúc này vận mệnh quốc gia Liên Xô vô cùng nguy cấp. Ngay cuối mùa hè năm 1941, Zhukov từng đề xuất việc di tản Bộ Tư lệnh mặt trận, bảo toàn đơn vị đầu não chỉ huy cuộc phòng ngự bảo vệ thủ đô.

Nguyên soái Zhukov tại lễ ký văn bản chấp nhận đầu hàng của Đức.

Trong quyển sách nổi tiếng "140 cuộc trò chuyện với Molotov" (Ngoại trưởng Liên Xô thời trước và sau Thế chiến thứ II), tác giả Feliks Chuyev đã dẫn lời Molotov tiết lộ: chính Zhukov đã đề nghị Stalin bỏ trống Moskva vào mùa thu năm 1941! Khi ấy, Ngoại trưởng Molotov đã kiên quyết không để cho Chuyev ghi âm lại các cuộc trò chuyện.

Nhưng Chuyev đã tìm cách lén ghi lại. Nguyên soái Stalin gọi điện cho Zhukov và hỏi: "Đồng chí có xẻng không?". Zhukov bối rối: "Thưa đồng chí Stalin, xẻng để làm gì ạ?". "Xẻng dùng để đào đất ấy". Zhukov vẫn còn bối rối: "Có ạ, thưa đồng chí Stalin". Stalin nói rõ từng chữ: "Vậy thế này nhé, đồng chí Zhukov, hãy lấy xẻng đào mồ mình ở đây, nhưng chúng ta sẽ không chuyển Bộ Tư lệnh mặt trận ra xa Moskva!". Sau cuộc nói chuyện điện thoại này, Zhukov đã hiểu ra rằng, không còn gì khác được nữa, hoặc là hy sinh và đào mộ mình trước, hoặc là phòng ngự thành công Moskva!

Ngày 23-6-1941, ông được chỉ định làm thành viên Bộ Tổng chỉ huy tối cao. Rồi đến tháng 8 năm ấy, Zhukov đã thành Phó chỉ huy thứ nhất của Hội đồng Dân ủy Quốc phòng, là Phó của Tổng Tư lệnh tối cao Stalin.

Đầu mùa đông năm 1941, Hitler không ngừng lớn tiếng huênh hoang rằng, "những binh đoàn của Đệ tam Đế chế đã nhìn thấy các đỉnh chóp dát vàng của điện Kremli. Moskva sẽ thất thủ trong nay mai" và ra lệnh cho chở tới gần thủ đô Liên Xô mấy toa tàu hỏa đầy đá hoa cương Italy để nếu chiếm được Moskva sẽ dựng tượng đài cao 15m kỷ niệm chiến thắng to lớn đó của nước Đức phát xít trên đỉnh đồi Poklonnaya! Dưới sự lãnh đạo của Zhukov, Hồng quân Liên Xô đã đánh tan cuộc tấn công của đạo quân Đế chế Quốc xã tưởng chừng bất khả chiến bại ngay ở cửa ngõ Moskva.

Cuộc chiến chớp nhoáng "đánh nhanh thắng nhanh" như tham vọng của phát xít Đức đã chuyển sang giai đoạn cuộc giằng co đối đầu kéo dài. Vì vậy, chặn đứng đội quân hùng hậu của Đệ tam đế chế Quốc xã ở ngoại vi Moskva là chiến tích to lớn của Zhukov. Đích thân Zhukov không dưới một lần nói thế này: "Khi người ta hỏi, điều gì đáng nhớ nhất trong cả cuộc đời binh nghiệp của tôi, tôi luôn khẳng định: Đó là trận đánh vì Moskva".

Georgy Zhukov đã giữ các chức vụ: Tư lệnh Phương diện quân Dự bị, Tư lệnh Phương diện quân Tây, Tư lệnh Phương diện quân Beloussia 1, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Liên Xô, Thứ trưởng Bộ dân ủy Quốc phòng kiêm Phó Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô… Zhukov luôn được phái đến những khu vực khó khăn nhất, nơi đòi hỏi trước hết là sức mạnh ý chí và bản lĩnh cứng rắn của người chỉ huy cao cấp. Các dự báo chiến lược, chiến dịch của ông đều đúng.

Ngày 1-11-1941, giữa trăm ngàn gian khó, khi về đại bản doanh, Stalin hỏi tình hình có thể bảo vệ cho Lễ duyệt binh diễn ra vào ngày 7-11 được không, ông khẳng định: Được! Lễ duyệt binh có một không hai đã diễn ra đúng ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười và từ Quảng trường Đỏ, các đơn vị Hồng quân đã tiến thẳng ra chiến trường sát Moskva.

Nguyên soái Liên Xô A. M. Vasilevsky từng đưa ra nhận định: "Không có một trận đánh lớn nào mà trong đó Zhukov không đóng vai trò nổi bật, và trong phần lớn trường hợp ông giữ vị trí quan trọng hàng đầu. Zhukov thể hiện chính mình một cách rực rỡ đến mức ngay cả Stalin cũng phải thừa nhận và theo cách không chính thức trao cho ông danh hiệu "Vị cứu tinh của Moskva".

Tên tuổi của ông còn gắn liền với hầu hết các chiến thắng lớn của Hồng quân Liên Xô như trận Stalingrad, trận Kursk (Tháng 7-1943, Zhukov cùng với Aleksandr Vasilevsky chỉ huy quân đội Liên Xô trong trận Kursk- trận chiến xe tăng lớn nhất trong lịch sử. Với người Liên Xô, thất bại của quân Đức ở Kursk là bước ngoặt của cuộc chiến), cuộc chiến giải phóng Belarusia, chiến dịch "Bagration", Chiến dịch Visla-Oder…

Ở bất cứ đâu, tài thao lược của Zhukov cũng đều nổi lên sắc nét, cả như một vị thống lĩnh, cả như một nhà tư tưởng quân sự. Ông bao giờ cũng chọn đúng điểm đột phá, biết sử dụng binh đoàn xe tăng, chia cắt và đánh vu hồi, nhanh chóng đập tan tập đoàn địch. Là một nhà chiến thuật tài năng, ông hiểu rõ tầm quan trọng của yếu tố địa hình và khí hậu.

Trước khi nổ ra chiến dịch, bao giờ ông cũng tiến hành đo đạc địa hình, tính toán cân nhắc cẩn thận, so sánh lực lượng giữa hai bên, dựa vào sức mạnh của các quân binh chủng, nhằm bảo đảm về các mặt hàng không, pháo, công trình và thông tin. Ông không bao giờ chấp nhận một cuộc giao tranh không nắm chắc phần thắng.

Ngày 18-1-1943, ông được phong Nguyên soái Liên Xô, là người đầu tiên được phong Nguyên soái trong chiến tranh. Ngày 29-7-1944, ông nhận danh hiệu Anh hùng Liên Xô lần 2. Ngày 20-4-1945, trận công phá lịch sử Berlin bắt đầu. 15 giờ ngày 30-4-1945, ông là người được sự ủy  nhiệm của Thống soái Stalin chủ trì Lễ duyệt binh mừng chiến thắng trên Quảng trường Đỏ của thủ đô Moskva.

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.