Nguyên soái G.K. Zhukov – "Đời chúng ta là trận chiến Borodino vì Tổ quốc"

Thứ Ba, 16/01/2018, 14:14
Bà Maria, con gái thứ ba của Zhukov, tâm sự: "Khi bạn của cha tôi hỏi: "Chúng ta là người kiểu gì mà lại để cuộc đời xoay ngược lại như thế?". Cha tôi im lặng lấy từ trên giá xuống cuốn sách và viết tặng cho bạn mình: "Cậu hỏi rằng đời chúng ta kiểu gì mà lại thế? Tôi trả lời: Đời chúng ta, đó là một trận chiến Borodino liên tục vì Tổ quốc của mình".

Trái tim có lúc lỗi nhịp

Cô con gái đầu tên Era của Nguyên soái Zhukov sinh ra ở Minsk (nay thuộc Belarus). Gần như toàn bộ giai đoạn binh nghiệp trước Chiến tranh vệ quốc của Zhukov là ở Belorussia (tên dưới thời Liên Xô của Belarus).

Năm 1937, con gái thứ hai Ella sinh ra ở thành phố Slutsk, khi ông đã là Quân đoàn trưởng kỵ binh. Các con ông vẫn giữ được cho đến ngày nay mẩu giấy mà cha mình chuyển vào nhà hộ sinh cho mẹ: "Shurik yêu thương. Chúc mừng và ôm chặt, hôn em và con gái xinh đẹp. Anh gửi cho em ít đường. Cần gì nữa cứ bảo để anh gửi…".

Nguyên soái Zhukov cùng vợ Alexandra và 2 con gái Era, Ella.

Zhukov một mực yêu thương các con, không bao giờ ép buộc các con mình nhất nhất phải làm theo ý ông, chỉ nhẹ nhàng hướng dẫn họ đi theo lối mà ông cảm thấy là con đường sáng.

Bằng nếp sống ngăn nắp, mực thước của chính mình, ông đã giáo dục con cái mình rèn luyện những phẩm chất đó. Từng phải trải qua một tuổi thơ đầy thiếu thốn, ông muốn các con mình được học hành đến nơi đến chốn, để "trở thành người lương thiện, để không ai lừa dối được mình". Ông không hề muốn con mình dựa hơi cha để gây ảnh hưởng thế nào đó trong công việc của họ.

Ông thường nói với các con: "Công lao của cha chỉ là của cha thôi. Các con phải tự mình nỗ lực để thành công"... Nói một cách công bằng, các con gái ông cũng từng phải chịu nhiều khốn đốn khi người cha vĩ đại của mình gặp những thời điểm vận hạn. Tuy nhiên, là con gái của một nguyên soái như Zhukov nghĩa là phải có bản lĩnh nên họ cũng đã vượt qua được những vận hạn lớn của gia đình mình.

Sau khi Stalin qua đời, Liên Xô rơi vào cuộc khủng hoảng lãnh đạo. Các nhân vật chủ chốt trong ban lãnh đạo tối cao Liên Xô khẩn trương tìm kiếm sự ủng hộ của những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn đối với đất nước và quân đội.

Tháng 6-1953, Bộ trưởng Nội vụ Lavrenti Beria bị bắt. Nguyên soái Zhukov được cho là đã tổ chức một lực lượng bí mật thay thế toàn bộ tay chân thân tín của Beria trong Điện Kremlin, tạo điều kiện cho việc bắt giữ diễn ra thuận lợi và không vấp phải sự kháng cự nào.

Lavrenti Beria bị đưa ra tòa với tội danh phản quốc và bị xử tử hình ngay sau đó. Việc đối thủ lớn nhất của Khrushchev bị loại bỏ tuy có giúp sự nghiệp của Zhukov thăng tiến nhưng nó cũng báo hiệu những bi kịch tiếp theo. Năm 1955, Nguyên soái Zhukov được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trở thành người lãnh đạo cao nhất của quân đội, Zhukov giờ lại biến thành cái gai lớn nhất trong mắt Nikita Khrushchev.

Ngày 4-10-1957, Nguyên soái Zhukov rời Moskva tới cảng Sevastopol, lên tàu tuần dương Kuibyshevazot bắt đầu chuyến thăm chính thức Nam Tư (cũ) và Albania. Ông vừa khởi hành, Nikita Khrushchev cũng lập tức bỏ ngang lịch nghỉ dưỡng ở Crimea, quay trở về Moskva để chuẩn bị cho kế hoạch "lật đổ" Zhukov. Ngày 29-10-1957, Nguyên soái Zhukov bị bãi nhiệm mọi chức vụ. Trong cuốn hồi ký của mình, Nikita Khrushchev sau này biện minh rằng, Zhukov khi đó nắm trong tay quyền lực quá lớn. Không chỉ ông ta mà các nhà lãnh đạo cao cấp khác của Liên Xô lúc bấy giờ cũng lo lắng, nên động thái này là cách tước dần sức mạnh của "người đàn ông quyền lực nhất".

"Ngày hôm ấy" - bà Era kể - "Cha tôi về nhà với gương mặt xám xịt. Sau khi mắc áo khoác lên giá, cha tôi bước ra phòng khách buông thõng câu: "Vậy đấy, họ cách chức rồi". Liên tiếp mấy ngày sau đó, ông uống thuốc ngủ thật nhiều, tỉnh dậy lại vơ lấy lọ thuốc. Ông chỉ ngủ và không nói chuyện, không tiếp bất cứ ai. "Thật không thể chịu nổi khi thấy bố tôi, một con người mạnh mẽ với tinh thần thép lại rơi vào tình trạng như thế".

Bà Alexandra và Zhukov chung sống bên nhau được 40 năm. Không ai trong các con gái Zhukov nối nghiệp cha theo đường binh nghiệp. Bà Era tốt nghiệp khoa Luật Học viện Quan hệ Quốc tế Moskva, với tấm bằng phó tiến sĩ Luật. Bà làm việc hơn 40 năm tại Viện Nhà nước và Pháp quyền.

Bà Ella, người con gái thứ hai cũng tốt nghiệp Học viện Quan hệ Quốc tế, làm việc hơn nửa cuộc đời tại Ủy ban Phát thanh Nhà nước Liên Xô. Bà qua đời năm 2010. Trong số các kỷ vật quý báu nhất về cha mẹ mình, bà Era còn giữ một cuốn album nhỏ bìa bọc da. Vào đầu cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Zhukov đã đặt một xưởng thủ công làm 4 cuốn album như vậy cho mỗi thành viên gia đình một cuốn.

"Khi cha tôi đến với người phụ nữ khác - bà Galina Alexandrovna Semenova - mẹ tôi suy sụp, những tưởng không thể vượt qua cuộc chia tay với ông. Bố tôi hiểu điều đó và ông day dứt rất nhiều, nên ông đi rồi lại trở lại, nhưng cuối cùng ông đi hẳn" - bà Era kể.

Nữ bác sĩ Galina Alexandrovna Semenova và Nguyên soái Zhukov biết nhau vào năm 1950 tại thành phố Sverdlovsk. Khi đó Zhukov là Tư lệnh Quân khu Ural, ông bị một cơn đột quỵ nhẹ. Còn Galina, trẻ hơn Zhukov 30 tuổi, đang làm việc tại thành phố đó sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y Kazan. Được phái đến chăm sóc riêng cho ông, nữ bác sĩ tóc đen mắt xanh đã hớp hồn ông ngay từ buổi đầu.

Năm 1951, Galina Semenova có thai với Zhukov nhưng không lâu sau đó, cô bị sảy thai. Sau khi lãnh tụ Stalin qua đời, năm 1953, Zhukov được chuyển về Moskva. Ông đã tìm cách để đưa Galina Semenova về phục vụ ở quân y viện Burdenko tại thủ đô. Năm 1957, nữ bác sĩ  đã sinh cho Nguyên soái cô con gái Maria. Zhukov đã quyết định chấm dứt  cuộc hôn nhân mang tính hình thức với Aleksandra và nói thẳng với vợ mình về "gia đình riêng".

Mãi đến năm 1965, khi Zhukov đã già và đang sống với hồi ức của một thời chinh chiến oanh liệt, ông mới hoàn tất việc ly hôn với bà Alaxandra và làm hôn lễ với người vợ sau. Bà Era kể: "Đó là một bi kịch trong gia đình chúng tôi. Sau khi bố đi khỏi, cuộc sống của mẹ tôi mất hết ý nghĩa. Tôi và em gái chứng kiến những đau khổ của mẹ nên tuyệt giao với bố khoảng một năm trời. Thời gian đó, mẹ tôi đau ốm liên miên".

Vẫn tỏa sáng khi ra khỏi vầng hào quang

Sau khi ra khỏi vầng hào quang mà những người tôn vinh ông đã dựng lên xung quanh, Zhukov cũng lánh xa tất cả các hoạt động chính trường. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không quên ông. Các tướng lĩnh dưới quyền ông thời Thế chiến thứ II thường đến thăm ông tại nhà riêng, đi săn với ông và gợi lại những kỷ niệm vui để cho ông khuây khỏa.

Bản thân Nguyên soái Koniev cũng đến thăm Zhukov, xin lỗi ông về bài báo chỉ trích Zhukov năm nào. Hành động hòa giải này được Zhukov đón nhận một cách chân thành. Tháng 9-1959, khi được Nikita Khrushchev, đang trong chuyến đi thăm Hoa Kỳ, cho biết Zhukov đã nghỉ hưu và thích câu cá, Thống tướng Dwight D. Eisenhower, lúc đó đã là Tổng thống Hoa Kỳ đã qua Đại sứ quán Mỹ tại Moskva gửi tặng Zhukov một bộ đồ câu cá và ông vô cùng yêu quý bộ đồ câu này.

Những năm cuối đời, ông dành phần lớn thời gian để tập trung viết bộ hồi ký "Nhớ lại và suy nghĩ", tác phẩm mà ông khởi thảo hồi năm 1958. Vì tuổi đã cao, suy nghĩ nhiều và làm việc căng thẳng, tháng 12-1967, bệnh tim của ông tái phát trầm trọng hơn đã làm ông bị đột quỵ. Ông phải nằm viện và điều dưỡng đến tháng 6-1968 mới trở về nhà và tiếp tục được điều trị bằng phương pháp trị liệu bởi người vợ thứ hai của ông, bà Galina Semenova.

Đến khoảng giữa thập niên 1960, một nhà xuất bản Pháp ngỏ lời muốn xuất bản một tác phẩm của Zhukov như là một phần trong bộ sách 20 cuốn của các nhà lãnh đạo quân sự trong Thế chiến thứ II. Kết quả của lời đề nghị này là vào tháng 4-1968, cuốn hồi ký của Zhukov được xuất bản. Nhưng tập bản thảo hồi ký dày đến 1.500 trang của ông trước khi chính thức ấn hành đã bị ban kiểm duyệt trong nước cắt đi khoảng 150 trang.

Theo lời các con gái ông nhớ lại, sau khi hoàn thành tập hồi ký đồ sộ "Nhớ lại và suy nghĩ", Zhukov đã buồn rầu nói: Trong đời ông có ba lần vận hạn và trong bất cứ vận hạn nào cũng đều dính dáng đến con số 7.

Lần thứ nhất, vào năm 1937, một số kẻ xấu đã viết đơn vu cáo ông không trông coi vợ con cẩn thận nên để vợ ông rửa tội cho cô con gái út. Lần ấy, ông đã vượt qua khỏi vận hạn nhờ uy tín của mình.

Lần thứ hai, năm 1947, ông phải đối mặt với những lá đơn vu khống. Nhưng cơ quan chức năng không thể nào tìm ra được bất cứ chứng cứ cụ thể nào về việc ông có dính dáng tới những trò đen bạc.

Lần thứ ba là khi ông bị loại hoàn toàn khỏi cuộc chơi lớn trên chính trường vào năm 1957. Khi đó, như chính lời ông về sau tâm sự: "Mọi việc có thể cứu vãn được, nếu tôi chịu khom lưng, nhưng tôi đã không làm thế. Tại sao tôi lại phải khom lưng? Tôi không cảm thấy tôi có lỗi để mà phải khom lưng xin lỗi...".

Hồi ký "Nhớ lại và suy nghĩ" của vị nguyên soái lừng danh thế giới nhanh chóng trở thành ấn phẩm bán chạy nhất. Trong vòng vài tháng, ông đã nhận được hơn 10.000 lá thư của các độc giả ca ngợi ông, cảm ơn ông, đề nghị chỉnh sửa và bình luận. Tất cả những việc này là một sự ủng hộ to lớn về mặt tinh thần đối với vị nguyên soái và cũng là động lực để ông tiếp tục chỉnh sửa hồi ký, chuẩn bị cho việc xuất bản lần thứ hai.

Chuẩn bị cho Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 24 diễn ra vào tháng 3-1971, Ban Chấp hành Trung ương đã mời ông làm đại biểu danh dự. Do gặp phải vài sự ngăn cản được viện lẽ từ nhiều lý do khác nhau, người ta đã làm cho ông mất đi cơ hội cuối cùng xuất hiện trước công chúng trong một sự kiện chính trị quan trọng.

Tang lễ của vị nguyên soái được tổ chức trọng thể theo nghi thức quốc tang. Ảnh: Gettyimages.

Ngày 18-6-1974, trái tim của Georgi Konstantinovich Zhukov vĩnh viễn ngừng đập sau cơn đột quỵ cuối cùng, không lâu trước khi cuốn hồi ký của ông được xuất bản lần thứ hai. Thi hài của ông được hỏa thiêu. Hộp tro thi hài của ông được an táng bên bức tường điện Kremlin tại Quảng trường Đỏ ở Moskva, bên cạnh nhiều tướng lĩnh khác của Liên Xô và Liên bang Nga. Tang lễ của vị nguyên soái được tổ chức trọng thể theo nghi thức quốc tang, gần 1 triệu người đã dự lễ truy điệu và tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.

Bà Maria, con gái thứ ba của Zhukov, tâm sự: "Cha tôi không bao giờ là người hai mặt, một dành cho các cuộc diễu binh, một dành cho cuộc sống và công việc trong quân ngũ. Một ví dụ nhỏ, trong những ngày cuốn hồi ức của cha tôi được xuất bản năm 1969, một người bạn chiến đấu tới chơi với cha tôi; ông này cũng là một vị tướng nhưng lại than thở về chuyện những vết thương từ chiến tranh hành hạ mình và về chuyện lắm lúc không đủ tiền để mua thuốc đắt tiền chạy chữa. Ông ấy nói: "Chúng ta là người kiểu gì mà lại để cuộc đời xoay ngược lại như thế?". Cha tôi im lặng lấy từ trên giá xuống cuốn sách và viết tặng cho bạn mình: "Cậu hỏi rằng đời chúng ta kiểu gì mà lại thế? Tôi trả lời: Đời chúng ta, đó là một trận chiến Borodino liên tục vì Tổ quốc của mình".

Câu trả lời ngắn nhưng đấy thực sự là khẩu khí của Nguyên soái Georgi Konstantinovich Zhukov.

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.