Những khúc buồn của tác giả “Tiến Quân Ca”

Thứ Tư, 17/08/2016, 15:30
Thực hiện tâm nguyện của cố nhạc sĩ Văn Cao, vợ và 5 người con của ông đã cùng ký tên hiến tặng bản “Tiến quân ca” cho Nhà nước. Chiều 15/7, Văn phòng Quốc hội tổ chức lễ tiếp nhận bài “Tiến quân ca” và truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cố nhạc sĩ Văn Cao.

Mà lạ. Bên Tây hay bên ta hễ động đến chuyện sửa sang quốc ca là có chuyện?

Như mọi người đều biết, Quốc ca của Liên Xô (từ năm 1944), được đích thân Đại nguyên soái Stalin duyệt với phần lời của Sergey Mikhalkov và Gabriel El-Registan, âm nhạc của Alexander Alexandrov. Tháng 12/1955 Liên Xô bí mật tổ chức cuộc thi sáng tác quốc ca mới. Nói là bí mật bởi khi đó người ta chỉ tổ chức cuộc thi nội bộ, với sự tham gia của 67 tác giả...

Chuyện thì dài, nhưng đại để có thể tóm lược: Riêng phần lời lọt vào vòng hai có 11 lời quốc ca mới. Vào chung kết có 3 phần lời của 3 tác giả M.Isakovski, S.Mikhalkov và M.Rylskii. Nhưng không hiểu vì lý do gì, loay hoay mãi, ban tổ chức vẫn không tìm ra phần lời nào khả dĩ thay được những ca từ - những con chữ như có lửa của nhà thơ Liên Xô S.Mikhalkov đặt. Vậy nên quốc ca cũ vẫn tiếp tục “sống sót”.

Chuyện chưa kết thúc ở đây. Bốn năm sau, vào năm 1959, một cuộc thi quốc ca tương tự lại được tổ chức. Nhưng cũng dềnh dàng và loay hoay như lần trước, cuộc thi khởi đầu cũng rầm rộ nhưng sau đó dần dần rơi vào quên lãng. Vẫn chưa hết, chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 60 Cách mạng tháng Mười Nga, trên các báo lớn Xôviết trang trọng đăng quyết định của Suslov tại kỳ họp Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô tháng 5/1977, rằng, để chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng Mười, sẽ tổ chức trọng thể cuộc thi Quốc ca Liên Xô mới. Những thủ tục cần thiết đã hoàn tất... Nhưng không lâu sau cũng chính ông Suslov, trong một cuộc họp quan trọng đã đề nghị giữ nguyên quốc ca cũ.

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, nước Nga đã có thời gian dài sử dụng một bài của Mikhail Glinka làm quốc ca, nhưng chỉ có nhạc mà không có lời. Năm 2000, sau khi lên nắm quyền, Tổng thống V.Putin đã cho khôi phục lại phần nhạc Quốc ca Liên Xô và yêu cầu tác giả phần lời năm xưa, nhà thơ Sergey Mikhalkov viết lời mới để làm quốc ca của Liên bang Nga.

Và như thế, giai điệu của bản quốc ca ra đời từ trong máu lửa của cuộc Chiến tranh Vệ quốc năm nào lại vang lên hùng tráng, như đã từng vang lên như thế, hình như cho đến bây giờ?

Dân mình hẳn nhớ, các tờ báo lớn sau thời điểm kết thúc cuộc bầu cử Quốc hội Khóa VII ra ngày 28/4/1981 đồng loạt đăng thông báo cuộc thi sáng tác quốc ca mới với lý do: Theo quyết định của Quốc hội, nước ta cần có bản quốc ca mới cho phù hợp với tình hình cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới. Thông báo cũng đăng thể lệ cuộc thi cùng hội đồng giám khảo (HĐGK). Theo đó, HĐGK có nhiệm vụ giúp Quốc hội lựa chọn một số bài xuất sắc trình Quốc hội để quyết định lấy một bài làm quốc ca.

Nhạc sĩ Văn Cao (phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu.

Để ý trong HĐGK có các yếu nhân như nhà thơ Huy Cận, Thứ trưởng Bộ VH-TT (Chủ tịch HĐGK); Phó Chủ tịch là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (khi đó là Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD của Quốc hội). Các ủy viên như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhạc sĩ Trần Hoàn, nhạc sĩ Huy Du, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhà văn Nguyễn Đình Thi... Cuộc thi được mở rộng cho mọi công dân Việt Nam và chỉ xét những bài hát viết sau năm 1975.

Tôi còn nhớ thời điểm ấy, theo chân mấy anh bạn làm văn nghệ cũng có dịp đáo qua Ban Tổ chức (BTC) cuộc thi mấy lần. Được biết cuộc thi trọng thể ấy thế này. Từ 19/5 đến 19/12/1981, Ban giám khảo (BGK) cuộc thi quốc ca mới đã nhận được 1.420 tác phẩm của 1.181 tác giả. Trong số này, có 625 tác phẩm với cả nhạc và lời, còn lại là thơ. 

Cũng vui nữa, khi được biết, có rất nhiều bài dự thi - có lẽ do phổ cập là mọi công dân đều có quyền tham gia (và có lẽ do hăng hái nữa?) đã gửi đến BTC, ngoài thơ và những bài na ná như xã luận, còn có nhiều bài với những dòng viết tháu đại loại tò te tí tò te tí te... (Sau này, chuyện với nhạc sĩ Phạm Tuyên, được biết thời điểm ấy có nhiều người nhiệt thành, mặc dầu không quen biết gì nhạc sĩ Phạm Tuyên nhưng đã vác đến nhà ông nào gà, vịt, gạo nếp, đỗ xanh... khẩn khoản nhờ ông viết hộ quốc ca để dự thi! Nhân đây cũng nói thêm, riêng nhạc sĩ Phạm Tuyên ngay từ đầu đã thẳng thắn từ chối tham dự cuộc thi mặc dù nhiều người, có cả quan chức nữa động viên, vận động ông tham gia).

Nhiều việc cảm động đã xuất hiện tại cuộc thi quốc ca. Có cụ già gửi hàng chục bài thơ để “nói hết tấm lòng với Tổ quốc”, có những cặp vợ chồng, vợ viết nhạc, chồng viết lời ca để dự thi.

Trong số các tác giả dự thi, có 173 người là nhạc sĩ được đào tạo chuyên nghiệp. 74 tác phẩm được chọn qua vòng một. Sau gần 7 tháng làm việc nghiêm túc, thận trọng, bộ phận thường trực HĐGK đã sơ tuyển vòng một được 74 bài của 74 tác giả (58 tác giả soạn nhạc chuyên nghiệp và 16 tác giả soạn nhạc không chuyên, trong đó có một nữ giáo viên dạy văn cấp III và chồng là giáo viên dạy toán cùng trường, làm chung nhạc và lời; có một sĩ quan công an, hai sĩ quan quân đội, một vụ trưởng của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

Và một linh mục. Khỏi nói ở đây thái độ nghiêm túc và lao động hết sức công phu của BGK. Tỷ như ở vòng một, các ủy viên HĐGK là nhạc sĩ, sau khi đọc kỹ lời ca, còn xướng âm giai điệu nhạc vài ba lượt rồi hát lời ca theo đúng giai điệu, đánh đàn để nghe riêng giai điệu.

Như vậy, trung bình mỗi bài được đọc lời ca, đàn, hát tất cả khoảng từ 8 đến 10 lượt, có trường hợp tới 15, 20 lượt. Sau đó, các ủy viên ghi nhận xét riêng, cân nhắc kỹ, rồi ghi dự kiến bỏ phiếu cho từng bài và chuyển cho ban thư ký. Ban thư ký tập hợp các dự kiến, chuẩn bị nội dung cho các cuộc họp chấm thi tập thể của toàn bộ phận thường trực HĐGK.

Sau vòng hai, danh sách rút lại còn 17 bài. Tất cả được hòa âm, dàn dựng, thu âm ở ba dạng: đơn ca, tác phẩm nhạc không lời và cuối cùng là đồng ca với dàn nhạc. Bây giờ cũng xin bật mí, nhạc sĩ tài danh, tác giả của “Khúc hát sông quê” Nguyễn Trọng Tạo trong cuộc thi đã góp một ca khúc có tên “Ngợi ca đất nước”. Ca khúc này đã được xếp thứ 14 trong số 17 ca khúc dự thi.

Đặc biệt cũng có 3 tác phẩm dự thi phổ thơ Xuân Thủy (khi đó cụ Xuân Thủy đương là Phó Chủ tịch Quốc hội). Sau đó, những bài hát này đều được thể hiện trước Quốc hội, được in trên 6 tờ báo và tạp chí, được phát trên đài phát thanh cho công chúng nghe.

17 nhạc phẩm xuất sắc đã được chọn lựa và liên tục phát trên làn sóng điện của Đài Tiếng nói Việt Nam để nhân dân cả nước thưởng thức cùng chọn lựa. Một thời gian sau, 5 ca khúc được chọn để Quốc hội bầu chọn lấy một bài. Quy mô, chu đáo, cẩn trọng là thế, nhưng như mọi người đều biết, tính đến thời điểm này, 35 năm đã qua đi mà tịnh chưa thấy có ca khúc nào trong 5 nhạc phẩm ấy được ấn hành lại hay diễn tấu cả (!?). Cuộc thi hoành tráng sáng tác quốc ca mới dần lui vào dĩ vãng cùng quên lãng...

Chuyện thứ cũng là nỗi buồn tiếp theo của nhạc sĩ Văn Cao khởi nguồn từ chính tờ báo nơi tôi tòng sự.

Tờ Tiền phong Chủ nhật khổ nhỏ khi ấy (do nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn phụ trách. Nhà thơ Dương Kỳ Anh tức Dương Xuân Nam làm Tổng Biên tập) tháng 8/1991 cuốn hút người đọc đến tận tòa soạn mua báo rầm rầm bởi đăng bài của một cộng tác viên tôi quên tên với cái tít: “Tiến quân ca” có hai tác giả?

Mà tác giả bài báo là một cộng tác viên.

Khỏi nói nhạc sĩ Văn Cao đã choáng váng, đau khổ như thế nào.

Có lẽ đến đây, do câu thúc bởi khuôn khổ bài báo, tôi sẽ tiếp tục câu chuyện mình đã đến gặp tác giả “Tiến quân ca” - nhạc sĩ Văn Cao tại nhà riêng mùa thu năm 1991 và nội dung cuộc gặp ấy vào một dịp thích hợp. Chỉ biết rằng, ròng rã suốt 6 tháng trời, Cơ quan Bảo hộ quyền tác giả đã tích cực vào cuộc và kết luận: “Không có bằng chứng nào cho thấy ai đã tham gia viết lời bài “Tiến quân ca” ngoài nhạc sĩ Văn Cao”.

Ngày 28/3/1992, Cơ quan Bảo hộ quyền tác giả đã họp báo chính thức công bố kết luận về phần lời của nhạc phẩm “Tiến quân ca”, nay là Quốc ca của nước CHXHCN Việt Nam.

Thêm một khúc buồn, có lẽ lần cuối sau 20 năm ngày nhạc sĩ Văn Cao qua đời.

Ấy là tại một phiên họp kỳ thứ 5 Quốc hội Khóa XIII, một vị Đại biểu Quốc hội (tôi quên mất tên) trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội đã dõng dạc đề nghị Quốc hội phải sửa lời bản Quốc ca gấp. Vị này hăng hái, lời bài Quốc ca, như hiện chúng ta đã biết và vẫn hát, nó sát máu và không hợp với tình hình bây giờ (!?).

Tự dưng cuộc gặp nhạc sĩ Văn Cao mùa thu 1991 ấy thêm hằn trong tâm trí... Cũng chợt nhớ lần hầu chuyện trưa đó, khi chúng tôi gạn rằng, về nhạc và lời của “Tiến quân ca” nếu giờ cho biên tập lại, nhạc sĩ sẽ thêm bớt ở đoạn nào? Ông cười, lắc đầu: “Ngay trong cái đêm tình cờ lần đầu được nghe “Tiến quân ca” trong một ngõ vắng, tôi có nhận ra được vài chỗ nhịp điệu còn chưa hoàn chỉnh nhưng bài hát đã in ra rồi, bài hát đã phổ biến và không còn là của riêng tôi nữa...”.

Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước...

Đường vinh quang xây xác quân thù”.

Chợt nhớ đến giai điệu Quốc ca Cộng hòa Pháp hiện vẫn đương dùng. Phần lời bài “La Marseillais” ấy có đoạn điệp khúc.

Tiến lên! Tiến lên! Hãy để cho dòng máu nhơ bẩn (của kẻ thù) tưới đẫm những luống cày của chúng ta!”.

Lời ấy tinh tế, khoái hoạt và không sát máu bằng “đường vinh quang xây xác quân thù” của Văn Cao chăng? Cách đây mấy năm, bạn đọc đã biết đến nghĩa cử mẫn tiệp của phu nhân cố nhạc sĩ Văn Cao, bà Nghiêm Thúy Băng, lần ấy đã chính thức có thư gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó, bà Nghiêm Thúy Băng với tư cách người đại diện gia đình, đang hưởng quyền thừa kế đã trân trọng hiến tặng Đảng, Quốc hội, Nhà nước và công chúng tác phẩm “Tiến quân ca” được sử dụng làm Quốc ca nước CHXHCN Việt Nam từ năm 1946.

Trong thư ấy, bà quả phụ nhạc sĩ Văn Cao đã bộc bạch: “Đúng tâm nguyện của ông nhà tôi là Quốc ca không của riêng ông nên tôi xin hiến tặng Nhà nước, Quốc hội. Đây không đơn thuần là một ca khúc âm nhạc nên gia đình chúng tôi không thể trao tặng cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà chúng tôi muốn trao tặng cho Quốc hội. Vì Quốc hội đã là cơ quan chính thức chọn “Tiến quân ca” thành Quốc ca Việt Nam năm 1946”.

Trở lại ý kiến sửa lời Quốc ca, sau phiên họp ấy, người viết bài này đã đề cập với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng việc sửa lời Quốc ca của vị ĐBQH nhân một lần phỏng vấn. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã cười mà rằng, sửa hay không là quyền của Quốc hội vì Quốc hội đã chọn nhạc và lời của “Tiến quân ca” từ năm 1946 là Quốc ca chính thức của nước VNDCCH. Có lẽ vì những lý do trên và duyên do nào đấy chưa biết, ý kiến của vị ĐBQH nọ đã trở nên lạc lõng, không thấy ai nhắc lại việc sửa sang ấy nữa? Rồi người ta đã mau chóng quên nó đi như cái lần thi quốc ca cũng như Quốc ca có hai tác giả?

Đâu đó trong địa hạt chữ nghĩa văn chương, người ta có nói đến những nỗi buồn sang trọng? Mấy khúc buồn trên của  nhạc sư (bậc thầy âm nhạc, không phải người dạy nhạc) Văn Cao trộm nghĩ không hẳn là những nỗi buồn bã bượi, rất thực, rất đời nhưng đã không hạ gục nổi ông. Nỗi buồn ấy cùng thời gian dường đã tôn thêm những hào quang lấp lánh của “Tiến quân ca” mà gia đình nhạc sĩ vừa hiến tặng cho Quốc hội.

Xuân Ba
.
.