Mở lại hồ sơ vụ “Buôn lậu có còi hụ” ở Long An trước năm 1975:

Những quân cờ thí

Thứ Hai, 09/11/2015, 23:20
Theo cáo trạng, hàng lậu do Giang đoàn 56 tuần thám, chỉ huy trưởng là Hải quân thiếu tá Ninh Duy Định vận chuyển từ ngoài biển vào Chợ Gạo, Mỹ Tho rồi được xe GMC đưa về Sài Gòn. Trước vành móng ngựa, thiếu tá Định than trời: "Tôi chỉ lên kế hoạch hành quân hoặc tuần tiễu, kiểm tra kiểm soát cho cả giang đoàn, còn tàu nào đi vùng nào, làm gì thì do sĩ quan chỉ huy của từng tàu phụ trách chứ tôi có phải là Tề thiên đại thánh đâu mà hóa thân ra làm trăm mảnh, mỗi mảnh ở một tàu để biết họ có chở hàng lậu hay không…?".

Đánh từ vai đánh xuống!

Khi vụ "buôn lậu có còi hụ" ở Long An nổ ra, trước sức ép của dư luận, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu buộc phải ra lệnh thành lập một ủy ban điều tra đặc biệt đồng thời tống giam phần lớn những người dính líu đến vụ việc - kể cả người buôn lậu lẫn người… bắt buôn lậu!

Cựu Thượng sĩ Nguyễn Văn Sang và tấm ảnh chụp ông lúc còn là Trung sĩ Quân cảnh.

Những người bị giam gồm đại úy Nhiều - Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 6 Quân cảnh Biệt khu thủ đô; đại úy Thế - Trưởng đồn Quân cảnh Mỹ Tho; đại úy Qưới, chỉ huy đoàn xe chở hàng lậu; Hải quân trung tá Lê Huệ Nhi; Hải quân thiếu tá Ninh Duy Định; trung tá Biên - Quận trưởng quận Châu Thành; hai chủ hàng người Hoa cùng một số sĩ quan Quân cảnh ở hai tỉnh Định Tường, Long An nhưng những con cá mập như đại tá Lê Văn Năm, Tỉnh trưởng Long An, đại tá Chung Văn Bông, Tỉnh trưởng Mỹ Tho, chuẩn tướng Phạm Hữu Nhơn, Trưởng phòng 7 Bộ Tổng tham mưu, trung tướng Phạm Quốc Thuần, Tư lệnh Quân Đoàn III và phó đô đốc, trung tướng Chung Tấn Cang, Tư lệnh Biệt khu thủ đô hoàn toàn lọt lưới.

Riêng hai nhân vật được coi là chủ chốt, trực tiếp "bảo kê" cho buôn lậu là bà Đinh Thúy Yến, vợ Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và bà Đỗ Thị Năm, vợ trung tướng Đặng Văn Quang, cố vấn an ninh cho Tổng thống Thiệu thì không được nhắc đến trong kết luận điều tra mặc dù lời khai của một số tướng, tá đều khẳng định điều này. Số hàng lậu còn lại được đưa về một nhà kho thuộc "Hội cô nhi quả phụ tử sĩ" ở quận 5. Hội này do bà Mai Anh, vợ Tổng thống Thiệu thành lập và điều hành…!

Sau này, khi đã chạy ra nước ngoài, một số sĩ quan trong chính quyền Sài Gòn viết hồi ký, nhận xét về bà Đỗ Thị Năm, vợ Đặng Văn Quang là một người đàn bà xảo quyệt. Thú giải trí ưa thích nhất của bà ta là chơi bài với các "xì thẩu" người Hoa Chợ Lớn nhưng không chơi bằng tiền mà chơi bằng "lính". Hồi đó, nếu một thanh niên muốn khỏi bị đi lính thì phải đưa hối lộ cho bà Năm hoặc cho vợ của một số tướng tá khác từ 10.000 đến  15.000 đồng (1 lượng vàng giá 7.000 đồng). Bởi vậy trong những lần chơi bài, nếu bà Năm nói: "Tôi tố 2 lính" thì có nghĩa là bà đặt 20.000 đồng!

Bên cạnh đó, bà ta còn có thói quen gọi những sĩ quan cấp bậc thấp hơn chồng bà là "em" dù họ lớn tuổi hơn bà. Để kiếm tiền, trong những câu chuyện "thân mật" với vợ của các trung tá, đại tá hay tỉnh trưởng, bà làm như vô tình tâm sự: "Nghe nói ông xã em sắp có lệnh chuyển ra Vùng 1 phải không? Chừng nào ảnh đi?", hoặc: "Anh Quang kể với chị là bên An ninh quân đội đang có vấn đề gì với chồng em đó" khiến người được nghe bà "tâm sự"… chết đứng! Vậy là phải "chạy", chạy cho chồng khỏi ra vùng hỏa tuyến để không phải trở về với "hòm gỗ cài hoa", chạy để An ninh quân đội hủy hồ sơ vì thực tế thì hiếm có ông tướng, ông tá nào dưới thời chế độ cũ ngày ấy không kiếm ăn bằng cách buôn lậu, hay lĩnh lương từ danh sách lính "ma", lính "kiểng".

Đinh Thúy Yến, vợ Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, một trong những người được cho là chủ mưu vụ buôn lậu.

Mà "chạy" thì chạy với ai ngoài bà Năm, vợ ông cố vấn an ninh cho tổng thống? Bởi vậy sau này, khi vợ chồng Đặng Văn Quang đến trại tị nạn ở bang Arkansas, Mỹ thì chỉ một thời gian rất ngắn, cả hai đã phải vội vã bỏ đi vì thái độ phẫn uất của những sĩ quan đã từng bị bà Năm bóp cổ lấy tiền. Lúc hai vợ chồng sang Canada thăm con rồi khi trở lại Mỹ thì Chính phủ Mỹ từ chối cho nhập cảnh mà không nêu lý do. Ngay cả Chính phủ Canada cũng không muốn sự có mặt của vợ chồng Đặng Văn Quang trên đất nước họ vì những cáo buộc về buôn lậu, tham nhũng. Mãi đến tháng 9-1989, người Mỹ mới chính thức cho vợ chồng Quang định cư…

Khi vụ buôn lậu Long An đổ bể, Đỗ Thị Năm điện thoại cho bà Yến, vợ Thủ tướng Trần Thiện Khiêm: "Bây giờ tính sao hả chị?". Rất khôn khéo, vợ Khiêm đá quả bóng trách nhiệm về phía Đặng Văn Quang: "Ông xã em là cố vấn về an ninh và quân sự cho Tổng thống Thiệu. Em biểu ổng nói với ông Thiệu một tiếng là êm ngay chứ đừng nói lung tung, sau này khó cho đường làm ăn của chị em mình". Chẳng rõ Quang có nói với Thiệu không, và nói như thế nào nhưng sau đó, khi phiên tòa xử vụ "buôn lậu còi hụ" diễn ra, chỉ có những con tép riu là… ăn đủ!

Phiên tòa thí tốt

Chỉ hơn 3 tháng sau khi bắt được vụ buôn lậu, một phiên xét xử chớp nhoáng được mở ra bởi Tòa án Quân sự mặt trận Vùng III chiến thuật mà không bị cáo nào có luật sư bào chữa. Tất cả đều bị truy tố bởi 2 tội danh, gồm "đã để cho những chính phạm và nhân chứng dân sự trong vụ buôn lậu tẩu thoát gây trở ngại cho cuộc điều tra của nhà chức trách, đã để thất thoát một số hàng hóa, gây thiệt hại lớn cho công quỹ".

Một trung sĩ Quân cảnh ở Tiểu khu Long An tham gia bắt hàng lậu.

Theo cáo trạng, hàng lậu do Giang đoàn 56 tuần thám, Chỉ huy trưởng là Hải quân thiếu tá Ninh Duy Định vận chuyển từ ngoài biển vào Chợ Gạo, Mỹ Tho rồi được xe GMC đưa về Sài Gòn. Trước vành móng ngựa, thiếu tá Định than trời: "Tôi chỉ lên kế hoạch hành quân hoặc tuần tiễu, kiểm tra kiểm soát cho cả giang đoàn, còn tàu nào đi đâu, làm gì thì do sĩ quan chỉ huy của từng tàu phụ trách chứ tôi có phải là Tề thiên đại thánh đâu mà hóa thân ra làm trăm mảnh, mỗi mảnh ở một tàu để biết họ có chở hàng lậu hay không…".

Trung tá Đặng Kim Thu (biệt danh Thu “đen”), là Quận trưởng quận Chợ Gạo, từng có thời làm sĩ quan tùy viên cho đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đã kể lại chi tiết về hoàn cảnh bị bắt và xét xử của mình như sau: "Trong khi đang làm nhiệm vụ, theo lệnh trên, tôi đã cắt cử lính canh, giữ an ninh cho một tàu hải quân của Giang đoàn 56, đậu trên kênh Chợ Gạo. Vài ngày sau, chiếc tàu bị bắt vì dính líu đến vụ buôn lậu lớn ngoài hải phận quốc tế mà báo chí đặt tên là "còi hụ Long An". Ngày 31/1/1974, vụ buôn lậu bị phát giác thì ngày 1/3/1974, tôi bị gọi lên Cục An ninh Quân đội để điều tra. Tại đây tôi đã trình bày rằng tôi chỉ thi hành theo lệnh trên, không biết đó là chiếc tàu dùng để buôn lậu, và không hề có chân trong tổ chức này…".

Vẫn theo trung tá Thu, trước khi vào trình diện Cục An ninh Quân đội, ông ta  đã đến nhà đại tướng Viên để cầu cứu thì Viên cho biết vụ này lớn lắm, nó nằm ngoài tầm can thiệp của ông ta. Viên còn nói thêm rằng vụ buôn lậu Long An không còn là vụ buôn lậu bình thường nữa mà là một vụ liên quan tới thời cuộc, không khéo chính phủ sẽ gặp rắc rối.

Trung tá Thu kể tiếp: "Ông Viên khuyên tôi: "Thôi thì chú ráng chiụ đựng trong lúc này, chờ đến khi tình hình lắng diụ, dư luận không còn ồn ào nữa, lúc ấy tôi sẽ liệu cách cứu chú. Hiện giờ không ai dám nói gì hết vì ông Thiệu đang tức. Báo chí ngoại quốc, báo chí đối lập trong nước đang theo dõi để đả kích chính phủ". Và mặc dù với những lời khai như đã nói ở trên, tôi vẫn bị tòa án kết án 20 năm tù, đày ra Côn Đảo với tội danh "lũng đoạn nền kinh tế quốc gia". Một lao công đào binh (lính đào ngũ) bị trưng dụng đi bốc vác số hàng lậu rồi bị bắt đã khai trước tòa: "Tại khu vực kho hàng ở Chợ Gạo, tôi thấy có nhiều chiếc xe GMC thuộc đơn vị Quân vận Vùng III chiến thuật, đặt dưới quyền chỉ huy của đại tá Trần Quốc Khang".

Điều đáng nói ở đây là địa điểm chứa hàng lậu nằm trong phạm vi quận Chợ Gạo, tỉnh Định Tường, thuộc Vùng IV chiến thuật nhưng đoàn quân xa chở hàng từ Chợ Gạo về Cây Da Sà lại là những chiếc xe  thuộc đơn vị Quân vận của Quân đoàn III. Ngay cả quân cảnh mở đường cho đoàn xe chở hàng lậu cũng là người của Quân khu III, địa điểm xuống hàng lậu cũng thuộc Quân khu III, do Biệt khu Thủ đô đảm trách. Điều đó chứng tỏ rằng  đã có sự thỏa hiệp của những tướng tá từ cấp quân khu trở lên.

Khi vụ buôn lậu được công bố, nhiều người mới té ngửa vì có quá nhiều mặt hàng xa xỉ phẩm. Tổng số hàng ấy trị giá khoảng 600 triệu đồng tiền Việt Nam lúc bấy giờ.

Theo một báo cáo của đại úy William E. Le Gro thuộc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử Quân đội Mỹ thì mặc dù sau Hiệp định Paris, lính Mỹ đã rút khỏi miền Nam Việt Nam nhưng chính quyền Sài Gòn vẫn sống nhờ viện trợ Mỹ, và cố vấn Mỹ, nhân viên tình báo CIA khoác áo dân sự vẫn hoạt động nhan nhản ở Sài Gòn cũng như các tỉnh từ Huế đến Cà Mau.

Trong báo cáo này, tại chương 20, William E. Le Gro viết: "Không chỉ buôn lậu hàng xa xỉ, các bà vợ của một số ông tướng còn buôn lậu gạo nhưng oái oăm thay, nhiều khi số gạo ấy lại được bán cho… Quân Giải phóng! Ví dụ, 1kg gạo ở miền Nam Việt Nam có giá 80 đồng vào thời điểm tháng 6/1974 thì khi đưa đến khu vực biên giới huyện Hồng Ngự, giáp với tỉnh Svey Rieng, Campuchia thì nó có giá 115 đồng. Theo ước tính, mỗi tháng ít nhất 600 tấn gạo đã được chuyển lậu ra khỏi vùng đồng bằng sông Cửu Long với sự đồng lõa của một số viên chức chính quyền địa phương cũng như Hải quân VNCH. Bằng chứng đáng tin cậy cho thấy vợ của các tướng: Đặng Văn Quang, Ngô Dzu, Nguyễn Văn Toàn đã trực tiếp tham gia và thu lợi từ việc buôn lậu…".

Trở lại với kết quả của phiên tòa xử vụ buôn lậu Long An: đại tá Trần Thiện Thành, Chỉ huy trưởng Cục Quân vận bị khiển trách; đại tá Phước, Chỉ huy trưởng Quân cảnh bị khiển trách; Trung tá Lâm Văn Biên, Quận trưởng Châu Thành, tỉnh Định Tường lĩnh án 12 năm tù, bị đày đi Côn Đảo; Thiếu tá Đặng Kim Thu, Quận trưởng Chợ Gạo tỉnh Định Tường lĩnh án 20 năm, bị đày đi Côn Đảo; Đại úy Nhiều Tiểu đoàn phó Quân cảnh lĩnh án 18 năm, bị đày đi Côn Đảo; Thiếu tá Hải quân Lê Huệ Nhi, Chỉ huy trưởng Giang đoàn 21 Xung Phong lĩnh án tù 6 năm, bị giáng cấp xuống thành binh nhì và bị đày đi Côn Đảo; Thiếu tá Hải quân Ninh Duy Định, Chỉ huy trưởng Giang đoàn 56 Tuần thám bị giáng cấp xuống còn thủy thủ và đi tù Côn Đảo. Những người khác như đại úy Thế, Trưởng đồn Quân cảnh Mỹ Tho; đại úy Qưới, chỉ huy đoàn quân xa chở hàng lậu; thiếu tá Bé, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 332 Địa phương quân…, mỗi người lĩnh 15 năm tù giam sau khi bị lột lon.

Thượng sĩ Quân cảnh Dương Văn Hảo, người trực tiếp áp tải đoàn xe buôn lậu do đã bỏ trốn nên bị kết án tử hình vắng mặt.

Ít lâu sau, ông Hảo ra đầu thú nên được giảm án xuống còn chung thân khổ sai. Thiếu tá Đeo, Trưởng ban 2 Tiểu khu Long An tuy không bị tù nhưng bị cách chức xuống làm binh nhì vì đã để cho một can phạm bỏ trốn. Riêng đại tá Lê Văn Năm, tỉnh trưởng Long An, ông ta chỉ bị điều chuyển làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 14, Sư đoàn 9 còn các lao công đào binh làm nhiệm vụ bốc vác hàng lậu từ tàu hải quân lên xe, mỗi người lĩnh 2 năm tù! Người duy nhất được "thưởng" trong vụ này là trung sĩ Nguyễn Văn Sang. Ông ta được thăng cấp lên… thượng sĩ rồi được chuyển về Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 3 Quân cảnh làm xử lý thường vụ.

Ông Sang cho biết: "Lúc ấy tôi mới 23 tuổi. Công việc xử lý thường vụ tiểu đoàn buộc tôi phải điều động, kiểm tra cả những sĩ quan và hạ sĩ quan lớn tuổi, thâm niên cao hơn tôi. Việc này rất tế nhị và rắc rối trong quan hệ nên chỉ một thời gian ngắn, tôi xin chuyển đến Đại đội C Quân cảnh ở Đồng Dù, sau đó là Gò Dầu…".

Cuối cùng là chiếc xe Jeep màu trắng có mặt trong đoàn quân xa chở hàng lậu. Theo trung sĩ Sang, lời khai của những người vận chuyển hàng lậu cho thấy trên chiếc xe ấy có 6 triệu đồng, là số tiền mang theo để hối lộ nếu chẳng may bị kiểm tra. Tuy nhiên, lợi dụng lúc hỗn loạn vì những người lính Địa phương quân ở Gò Đen cướp hàng, hai người ngồi trên xe không rõ là ai, chạy thoát.

Cao Trí
.
.