9 đại sứ Mỹ trong chiến tranh Việt Nam:

Những “quan thái thú” thế kỷ XX (kỳ 1)

Thứ Năm, 16/06/2016, 14:20
Từ tháng 6-1950 đến cuối tháng 4-1975, đã có 9 quan chức Mỹ lần lượt thay nhau làm đại sứ tại miền Nam Việt Nam, trong đó ông Henry Cabot Lodge hai lần làm đại sứ.

Và mặc dù tất cả những vị đại sứ này đều ra sức "hà hơi thổi ngạt" cho chính quyền Sài Gòn nhưng cuối cùng, đội quân được xếp vào hạng lớn thứ 4 trên thế giới với 1.350.000 sĩ quan, binh lính, cảnh sát, 1.783 máy bay mà trong đó số máy bay trực thăng đứng thứ 3 so với không quân các nước cùng hơn 1.600 chiến hạm, giang thuyền vũ trang đã sụp đổ chỉ trong có 50 ngày…

1. Ngày 29-6-1950, Donald R. Heath là đại sứ Mỹ đầu tiên đến nhận nhiệm sở ở Sài Gòn trong bối cảnh "Quốc gia Việt Nam" do Bảo Đại làm Quốc trưởng, Trần Văn Hữu làm thủ tướng, đang chuẩn bị ký với thực dân Pháp bản "Hiệp định thành lập Quân đội Quốc gia Việt Nam" bằng cách đặt một số đơn vị lính Pháp tại Việt Nam dưới quyền chỉ huy của "Quốc gia Việt Nam" nhưng các hoạt động quân sự của "Quốc gia Việt Nam" vẫn thuộc quyền chỉ huy của Ủy ban quân sự mà tư lệnh là một tướng Pháp.

Vai trò của Donald R. Heath trong giai đoạn này hầu như khá mờ nhạt. Đến ngày 25-6-1952, Joseph L. Collins thay Heath làm đại sứ. Mang hàm trung tướng, chỉ huy Quân đoàn 7 đổ bộ lên bờ biển Normandy, Pháp, trong Thế chiến 2, Tham mưu trưởng lục quân Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên, Collins là viên đại sứ thiên về quân sự.

Thời điểm ấy, cuộc kháng chiến chống Pháp do Việt Minh lãnh đạo đã bắt đầu bước vào giai đoạn quyết định. Nhận thấy người Pháp sẽ đại bại và Mỹ sẽ thay thế Pháp, theo chỉ đạo của những quan chức đứng đầu Chính quyền Mỹ, Collins chọn ra một nhân vật có khả năng đứng đầu Việt Nam Cộng hòa sau này, và nhân vật được Collins chọn là Ngô Đình Diệm.

Tháng 7-1954, Hiệp định Geneve ra đời, Việt Nam bị chia đôi, lấy sông Bến Hải làm giới tuyến. Căn cứ vào tinh thần của bản Hiệp định thì cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước sẽ được tổ chức 2 năm sau đó. Theo ý kiến của Collins, Ngô Đình Diệm không ký vào bản hiệp định để có cớ không thi hành điều khoản hiệp thương tổng tuyển cử. Bên cạnh đó, Collins yêu cầu Chính phủ Mỹ tăng cường viện trợ cho Diệm nhằm xây dựng một Việt Nam Cộng hòa đủ mạnh để "Bắc tiến".

Ngày 14-11-1954, Collins mãn nhiệm kỳ, về nước. Người thay thế ông ta là G. Frederick Reinhardt, nhận nhiệm sở ngày 20-4-1955. Đây là giai đoạn mà mối quan hệ giữa Ngô Đình Diệm và chính quyền Mỹ nồng ấm nhất. Trong 2 năm làm đại sứ ở Sài Gòn, tiên đoán việc miền Bắc sẽ chi viện cho phong trào du kích ở miền Nam khi Diệm từ chối tổng tuyển cử, Reinhardt đã cho thành lập "Nhóm Tư vấn hỗ trợ quân sự" đồng thời mở rộng mạng lưới tình báo nhằm thu thập thông tin về những cán bộ Cộng sản được cài cắm lại ở miền Nam. Bên cạnh đó, Reinhardt cũng là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về tầm ảnh hưởng của người Pháp ở Việt Nam, và những việc cần làm khi Mỹ thay chân Pháp.

Đại sứ Henry Cabot Lodge và Ngô Đình Diệm.

Ngày 10-2-1957, Reinhardt về Mỹ. Kế tục ông ta là Elbridge Durbrow, nhậm chức hôm 14-3-1957. Lúc này ở miền Nam Việt Nam, người Mỹ đã có một nhóm cố vấn nhỏ và những toán biệt kích "mũ nồi xanh", hoạt động bí mật ở Tây Nguyên, trong vùng người dân tộc thiểu số - chủ yếu là lực lượng Fulro để xây dựng nền móng cho những toán "dân sự chiến đấu" về sau.

Khi đã nghỉ hưu, Durbrow cho biết ông đã có một thời gian khó khăn trong vai trò đại sứ: "Tôi phải thường xuyên chứng kiến những cách hành xử độc tài của Ngô Đình Diệm. Bên cạnh đó, nạn tham nhũng đã khiến việc hoạch định các chính sách bằng tiền viện trợ Mỹ không mang lại kết quả như mong muốn, chưa kể nhiều viên chức cao cấp trong không quân còn tổ chức các đường dây buôn lậu ma túy từ Lào về Sài Gòn. Một số sĩ quan và những người đứng đầu các giáo phái bất mãn với chế độ "gia đình trị" của Diệm đã cố gắng thuyết phục tôi tham gia các nhóm chống Diệm, nhưng tôi phải từ chối vì Chính phủ Mỹ vẫn ủng hộ Diệm".

Ngày 11-11-1960, lính dù dưới quyền chỉ huy của đại tá Nguyễn Chánh Thi và trung tá Vương Văn Đông làm đảo chính, âm mưu lật đổ anh em Diệm, Nhu. Durbrow  nhớ lại: "Đảo chính thất bại, tôi bị Ngô Đình Nhu cáo buộc là đã ủng hộ Nguyễn Chánh Thi mà nguyên nhân là khi vụ việc đang diễn ra, tôi nhận được một cú điện thoại. Người gọi yêu cầu tôi phải thuyết phục Diệm đầu hàng, hoặc phải đối mặt với một cuộc tấn công vào dinh tổng thống". Xin chỉ thị từ Nhà Trắng, Durbrow được lệnh đứng ngoài biến cố này.

Một lính Mỹ tháo chạy khỏi chiếc trực thăng bị bắn rơi ở Ấp Bắc.

2. Tháng 4-1961, khi vừa được bầu làm Tổng thống Mỹ, John F. Kennedy đã thành lập một ủy ban để đánh giá tình hình chính trị, quân sự và kinh tế của miền Nam Việt Nam nhằm vạch ra những chiến lược mới, giúp chính quyền Ngô Đình Diệm đối phó với sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Thành tích nổi bật nhất của Durbrow được biết đến qua việc mời Robert Thompson, chuyên gia chống du kích người Anh - đã từng giúp Chính phủ Philippines và Malaysia đàn áp phong trào nổi dậy của những người Cộng sản ở hai quốc gia, đến Sài Gòn nghiên cứu. Kết quả là các "khu trù mật", "khu dinh điền", "ấp chiến lược", "ấp tân sinh" lần lượt mọc lên theo chiến lược của Robert Thomson: "Tát nước ra khỏi cá".

Ngày 3-5-1961, Durbrow mãn nhiệm kỳ. Frederick E. Nolting Jr. được Tổng thống Kennedy cử sang thay. Là một nhà ngoại giao kỳ cựu, có bằng đại học môn lịch sử, bằng thạc sĩ và tiến sĩ triết học ở cả hai Đại học Virginia, Harvard, Nolting rất nhiệt tình ủng hộ Diệm. Trong bài diễn văn đọc vài ngày sau khi nhậm chức, viên tân đại sứ nêu rõ quan điểm của mình trước sự tố cáo Diệm, Nhu độc tài: "Những nỗ lực quân sự chống lại Cộng sản ở miền Nam Việt Nam quan trọng hơn là cải cách chính trị".

Đến năm 1962, một lần nữa Nolting lại tuyên bố: "Sẽ là một biến đổi kỳ diệu xảy ra ở đất nước này nếu tất cả những người chỉ trích Chính phủ Ngô Đình Diệm lại quyết định cộng tác với ông Diệm vì mục tiêu chung là chống Cộng". Bên cạnh đó, Nolting còn cực kỳ ác cảm với một số tờ báo Mỹ, có phóng viên thường trú tại Sài Gòn - những tờ báo thường đăng tải bài viết mô tả sự kỳ thị của Diệm đối với Phật giáo.

Ông gọi họ là "những kẻ chưa trưởng thành và chưa có kinh nghiệm" bởi lẽ theo ông: "Chính phủ Ngô Đình Diệm đã có những tiến bộ đáng kể trong việc chống du kích Cộng sản vào những năm 1960-1963, nhưng thành tích của Diệm đã bị bóp méo bởi báo chí Mỹ".

Frederick E. Nolting Jr. gọi một số tờ báo Mỹ là "những kẻ chưa trưởng thành và chưa có kinh nghiệm".

Khi trận Ấp Bắc nổ ra vào tháng 4-1963, Nolting đã chỉ trích đại tá John Paul Vann, cố vấn trưởng của Quân đoàn 4, quân đội Việt Nam Cộng hòa: "Điều tồi tệ nhất đã xuất hiện khi đại tá Vann cho rằng sự thất bại của quân đội Nam Việt Nam là do họ bất chấp những gì người Mỹ đã đào tạo và cung cấp cho họ, rằng họ chỉ là những tên lính hèn nhát, không thể giành được chiến thắng…". Khi anh em Diệm, Nhu bị giết, Nolting đã gọi việc giết Diệm là "ngu ngốc và đê tiện".

Ngày 1-8-1963, Henry Cabot Lodge Jr. thay thế Nolting làm đại sứ. Chỉ một thời gian ngắn, Cabot Lodge đã nhận thấy sự chống đối của người dân miền Nam - đặc biệt là của giới tu sĩ Phật giáo và tín đồ Phật tử với chế độ Diệm, Nhu. Thời điểm này, quân đội Việt Nam Cộng hòa được bố trí thành 4 vùng chiến thuật với 9 sư đoàn bộ binh, 4 không đoàn không quân tác chiến và yểm trợ, 1 liên đoàn nhảy dù gồm 7 tiểu đoàn, 1 lữ đoàn lực lượng đặc biệt, 4 thiết đoàn xe tăng, xe bọc thép, 6 trung đoàn pháo binh cùng lực lượng hải quân gồm nhiều tàu chiến và lực lượng giang thuyền, tất cả hoạt động bằng tiền viện trợ Mỹ, dưới sự chỉ đạo của cố vấn Mỹ.

Thế nhưng, một đạo quân hùng hậu như vậy mà lại thất bại trước sự tiến công của Quân Giải phóng qua các trận Ấp Bắc, Đồng Xoài, đã khiến Cabot Lodge phải tính đến chuyện tìm một con bài mới, giữa dòng thay ngựa.

Ngày 8-5-1963, một chỉ thị của Chính phủ Ngô Đình Diệm cấm treo cờ tôn giáo ở những nơi công cộng. Dựa vào chỉ thị này, cảnh sát đã không cho phép treo cờ Phật giáo nhân ngày Phật Đản, dẫn đến việc các tăng ni thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam quyết định đấu tranh chống lại chính quyền.

Đỉnh điểm là khi Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo rồi tiếp theo là một loạt các cuộc tự thiêu khác của Phật tử, đã làm chấn động dư luận trong nước và thế giới, vượt khỏi tầm kiểm soát của Chính phủ Diệm

3. Sáng ngày 1-11-1963, đảo chính nổ ra. 3 tiếng sau đó, Ngô Đình Diệm điện thoại cho đại sứ Cabot Lodge. Chẳng cần rào đón gì cả, Diệm hỏi ngay: "Ngài có biết lực lượng nào đang nổ súng vào dinh tổng thống hay không?". Vờ như không biết, Cabot Lodge trả lời: "Tôi nghĩ rằng tôi không được thông báo đầy đủ tin tức để có thể trả lời câu hỏi của ngài. Tôi có nghe thấy tiếng súng nổ nhưng chẳng rõ thực hư. Vả lại bây giờ là 4 giờ 30 phút sáng tại Washington nên chính quyền Mỹ chưa thể đưa ra ý kiến về vấn đề này".

Khá cáu kỉnh, Diệm nói gằn từng tiếng: "Nhưng chắc chắn ngài cũng phải có những nhận định về những chuyện đang xảy ra chứ, vì dẫu sao tôi cũng là quốc trưởng. Tôi đã cố gắng làm tròn tất cả bổn phận…".

Không để cho Diệm nói hết, Cabot Lodge ngắt lời: "Dĩ nhiên ngài đã làm tròn bổn phận của ngài. Như tôi đã nói với ngài lần đầu tiên khi tôi đến miền Nam Việt Nam với cương vị đại sứ, tôi khâm phục sự can đảm của ngài và khâm phục sự đóng góp to lớn của ngài đối với quê hương ngài. Không ai có thể lấy đi công lao của ngài đối với tất cả những gì ngài đã làm. Nhưng bây giờ tôi lo ngại cho sự an toàn của bản thân ngài. Tôi được báo rằng những kẻ đang chỉ huy cuộc nổ súng đã đề nghị để cho ngài và em ngài bình yên đi ra ngoại quốc nếu ngài đồng ý từ chức. Ngài có nghe nói điều đó không?".

Câu trả lời của Cabot Lodge đã khiến Ngô Đình Diệm hiểu ra tất cả. Lặng đi một chút, Diệm trả lời: "Không" rồi sau vài giây Diệm hỏi: "Ngài biết số điện thoại khẩn cấp của tôi?". Qua ống nghe, giọng của Cabot Lodge nhẹ như gió thoảng: "Vâng. Nếu tôi có thể làm được điều gì cho sự an toàn của bản thân ngài thì xin ngài cứ gọi". Diệm đáp: "Tôi đang cố gắng lập lại trật tự. Hy vọng ngài hiểu được điều này".

Và đó cũng là cuộc nói chuyện cuối cùng giữa Ngô Đình Diệm với đại sứ Cabot Lodge. 8 giờ 30 phút sáng ngày 2-11-1963, anh em Diệm, Nhu bị bắn chết trên một chiếc xe bọc thép M113 khi đang trên đường từ nhà thờ cha Tam ở Chợ Lớn về Bộ Tổng tham mưu để gặp các tướng lĩnh trong "Hội đồng quân nhân cách mạng"…

Cũng cần nói thêm rằng ngày 27-10-1963, William Colby, trùm CIA ở Sài Gòn gửi cho Kennedy một báo cáo, nội dung Colby đã gặp gỡ hai viên tướng Nam Việt Nam. Một tướng cho biết tình hình của cuộc đảo chính là thuận lợi và dự báo nó sẽ diễn ra trong vòng một tuần. Hai ngày sau đó, Kennedy gửi cho Cabot Lodge một bức điện: "Đồng ý ủng hộ kế hoạch đảo chính nhưng tuyệt đối giữ bí mật bức điện này"…

Vũ Cao
.
.