“Ông trùm” bến Thượng Hải: Mãnh hổ đối địch quần hồ

Thứ Bảy, 29/08/2020, 12:58
Nếu quan tâm văn hóa Trung Hoa, người ta dễ nhận ra người Trung Quốc rất ưa kiểu tư duy thống kê, biểu đạt mọi sự kiện bằng con số. Đầu thập niên 1920, hình mẫu, thần tượng của nam Thanh niên Thượng Hải là "Tứ đại quốc dân công tử".

Đứng đầu là Tôn Khoa, con trai lãnh tụ dân tộc Tôn Trung Sơn, một đại công tử được xem là người hùng tâm tráng chí, dù trong sinh hoạt lại  khá giản dị, ôn hòa. 

Người thứ hai là Thiếu soái Trương Học Lương, chính là người vẫn được nhắc đến trong cái so sánh mang tính bao biện mắc cười "vừa bài bạc, vừa trai gái, vừa uống rượu, vừa hút xách… vẫn thọ 105 tuổi". Dĩ nhiên điều này không chính xác. Trương Học Lương thọ chỉ 101 tuổi thôi.

Ông sinh năm 1901, mất năm 2001 tại Hawai, được táng tại Đài Loan. Trương Thiếu Soái là quý tử truyền vị của Đại soái Phụng hệ Trương Tác Lâm. Sau này, Trương Học Lương cũng võ nghiệp lẫy lừng.

Trương Học Lương, một trong tứ đại quốc dân công tử.  

Ở tuổi 35, ông đã trở thành Tổng Tư lệnh Hải - Lục - Không quân trong quân đội Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch đứng đầu. Năm 1936, ông gây "sự biến Tây An", bắt Tưởng Giới Thạch để gây sức ép, buộc Tưởng phải bắt tay liên kết Quốc - Cộng để kháng Nhật, sau đó thả ra. Vì việc này, Trương Học Lương bị Tưởng tước hết bình quyền, giam lỏng tại Thượng Hải rồi Đài Loan cho đến tận cuối đời.

Người thứ ba là Đoàn Hoằng Nghiệp, con trai thủ lĩnh quân phiệt Bắc Dương Đoàn Kỳ Thụy. Sau này Đoàn Kỳ Thụy trở thành Đại Tổng thống tạm quyền Chính phủ Trung Hoa Quốc dân giai đoạn 1924-1926. Đoàn Hoằng Nghiệp, trong toan tính, sẽ là người kế vị cha. Song, sự nghiệp của đại công tử đã không kịp đi đến hồi kết như tham vọng.

Người cuối cùng là Lư Tiểu Gia (Cây trúc nhỏ họ Lư), quý tử nối nghiệp Đại soái Lư Vĩnh Tường, Đốc quân Chiết Giang, Trực Lệ và Giang Tô, phái quân phiệt Hoãn hệ. Bản thân Lư thiếu soái cũng là một quân nhân, lúc bấy giờ là Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn cơ động số 7 trong quân đội Hoãn hệ. Lư Tiểu Gia có một người em ruột không đẹp trai bằng, nhưng cũng ngỗ ngược không kém, tên là Lư Du Gia (Cây trúc xê dịch họ Lư).

Mang danh "tứ đại quốc dân công tử", các thiếu gia tuy bản quán khác nhau nhưng đều là những "ông trời con" ở đất Thượng Hải, không cần coi ai ra gì. Mọi ý thích của các thiếu gia, tất cả mọi cư dân, từ hạ lưu đến thượng đẳng ở Thượng Hải đều phải tự coi đó là mệnh lệnh, có nghĩa vụ "vinh hạnh được đáp ứng ngay", nếu không mất mạng như chơi.

Một đêm có nhã hứng, Lư Tiểu Gia đã kéo đoàn tùy tùng đến nhà hát Thiên Cung xem Lộ Lan Xuân biểu diễn. Đến không báo trước, không xưng danh, phía nhà hát không chú ý, việc đón tiếp không được như ý. Lư và túc hạ không được săn đón, chào mời hay biệt đãi, chỉ được đón tiếp như những khán giả bình thường thuộc giới thượng lưu.

Niềm kiêu hãnh của một "Từ đại quốc dân công tử" bị tổn thương khiến Lư thiếu gia nổi giận. Giữa chừng buổi diễn, Lư Tiểu Gia bỗng đột ngột đứng dậy quát tháo, la ó chê Lộ Lan Xuân hát dở. Chưa hết, gã còn công nhiên đuổi cô đào ra khỏi sân khấu và nói rất nhiều câu sỉ nhục, ngông nghênh như thể ông trời, không cần biết mình đang đứng ở đâu.

Cũng có mặt dự khán suất hát, Hoàng Kim Vinh tím mặt thét lên một tiếng. Lập tức, hàng chục vệ sĩ xuất hiện. Không nói không rằng, Lư thiếu gia bèn xông vào tự tay đấm, tát đám bảo kê. Cả nhà hát nhốn nháo, bỏ chạy tán loạn. Hoàng lão đại điên tiết hạ lệnh: "Quăng nó ra ngoài!". Lập tức hàng chục cây búa Bác Cổ bang vung lên, dồn hết đám càn quấy vào một góc. Khách xem hát kêu la inh ỏi và bỏ chạy tán loạn, cố thoát ra ngoài.

Cả Lư Tiểu Gia lẫn đám tùy tùng đều bị đám Bác Cổ Bang đập nhừ tử rồi ném ra đường. Dù vậy, Lư Tiểu Gia vẫn quyết không xưng danh hay xin lỗi, chỉ ôm đầu máu cùng đàn em rút lui, không quên ném lại mấy câu đe dọa sẽ quay lại san bằng nhà hát Thiên Cung thành bình địa.

Hai đêm sau, khi Hoàng Kim Vinh đang ngả người khoan khoái thưởng thức suất hát khác của Lộ Lan Xuân thì một toán commando Triết Giang đồn trú tại Thượng Hải vũ trang hùng hậu, mặc thường phục đã ập vào nhà hát. Những chiếc búa nhỏ nhanh chóng rơi tọt xuống sàn trước hàng chục tay súng đang lăm lăm nhả đạn.

Toán commando không nói không rằng, ốp tất cả vệ sĩ Bác Cổ bang úp mặt xuống sàn và xộc thẳng vào lô riêng của Hoàng Kim Vinh, lôi lão đại ra ấn vào xe phóng đi. Hoàng "mặt rỗ" bị chúng chở đến giam tại đồn Long Hoa, đánh đập và bỏ đói tàn nhẫn, không coi vị thế trùm Thanh Bang lẫn chức vụ Đốc sát trưởng của lão là gì cả.

Khu Tô Giới Thượng Hải nửa đầu Thế kỷ XX là sự chen chúc giữa hiện đại và tồi tàn.

Phe Thanh Bang và toàn ngành cảnh sát Thượng Hải náo loạn, tung hết người ra tìm kiếm nơi Hoàng lão đại bị giam giữ. Tuy nhiên, do bất ngờ, toán bắt cóc không xưng danh, Thanh Bang vẫn không tài nào tìm ra ngay ai là thủ phạm. Số phận Hoàng Kim Vinh thập phần nguy hiểm, bởi lẽ phe Thanh Bang vẫn không biết những kẻ bắt cóc muốn gì, giam giữ Đốc sát trưởng kiêm lão đại giang  hồ ở đâu.

Tự tay đấm, tát, hành hạ Hoàng chán chê, Lư Tiểu Gia đã đích thân tìm đến tận Tổng bộ Tuần Bổ tuyên bố: "Đốc chưởng nhân của các người là do ta bắt, sống chết là do ta định. Muốn y toàn mạng, kêu hết vợ con y cùng toàn bộ chỉ huy Tuần Bổ đến sân trại Lữ đoàn số 7 (Quân đoàn số 4) của ta dập đầu tạ tội, biết đâu ta sẽ động lòng mà không giết".

Yêu cầu của Lư Lữ trưởng quả là coi trời bằng lỗ mũi, song cả Thượng Hải không ai dám hé răng. Đỗ Nguyệt Sênh cũng thất kinh, vội tìm đến Trương Tiêu Lâm, ông trùm số 2 của Thanh Bang, đồng thời là người đang nắm toàn bộ cảnh sát trong khu Tô giới Anh nhờ giúp thương lượng. Trong tham vọng quyền lực, họ Đỗ mở cờ trong bụng. Sự khốn quẫn của kẻ này luôn là cơ hội tốt cho kẻ khác trong trò chơi quyền lực sặc mùi bạo lực.

Mang theo 500.000 USD do Đỗ Nguyệt Sênh cấp, Trương Tiêu Lâm đã tìm đến Lư Vĩnh Tường, cha của Lư Tiểu Gia  xin khấu đầu tạ tội, năn nỉ Đại soái khuyên giải Thiếu soái giúp. Trong khi đó, Đỗ Nguyệt Sênh cũng bỏ thêm 1 triệu USD khác đi gặp tất cả các Ủy viên Quốc phòng của chính phủ Dân quốc, cũng là thủ lĩnh quân sự các phái, đút tiền nhờ họ phân tích cho cha con Lư Vĩnh Tường - Lư Tiểu Gia hiểu thiệt hơn.

Bản thân Đỗ Nguyệt Sênh chỉ dẫn theo một tốp vệ sĩ 10 người cũng vào tận doanh trại Lữ đoàn 7 gặp Lư Tiểu Gia.

Bên ngoài, 3000 tay búa Thanh Bang được điều động sẵn chờ lệnh. Đỗ vừa biếu tiền, vừa thuyết phục, lại vừa đe dọa Lư Tiểu Gia. Thứ nhất sỉ nhục Hoàng lão đại vậy là quá đủ. Thứ hai, Thanh Bang quyết sẽ không ngồi yên để cho đầu lĩnh của họ bị sỉ nhục.

Đỗ nói với Lư Tiểu Gia: "Thanh Bang có thực lực, người đông như kiến, quan hệ chằng chéo. Nếu Thanh Bang khởi loạn, quân đội quân phiệt các hệ sẽ không can thiệp, không ủng hộ Phụng hệ. Lúc đó, thân cô thế cô, viện binh Triết Giang lại ở xa, một mình quân Lữ đoàn 7 của thiếu soái e khó lòng đương cự nổi. Chưa kể, toàn bộ cảnh sát Thượng Hải có vũ trang cũng một lòng cứu chủ…".

Sau mấy ngày, cơn giận đã nguôi, Lư Tiểu Gia tỉnh ra, nhận rất rõ nguy cơ thập diện mai phục, tứ bề thọ địch, bèn chấp nhận các điều kiện thương thảo của Đỗ. Hoàng Kim Vinh được thả, đổi lại, việc buôn bán ma túy và tiền tệ của Thanh Bang từ đây phải có phần chia cho quân phiệt Phụng hệ. Lư Thiếu soái chỉ đồng ý bàn chuyện cùng Thanh Bang qua Đỗ tiên sinh (lên bậc mất rồi), không nói chuyện với cựu "tù nhân" Hoàng "mặt rỗ".

Biết là không thể từ chối, nhưng rất khôn ngoan trong nước cờ củng cố thế lực của riêng mình, Đỗ Nguyệt Sênh vẫn không vội tự quyết. Y đề nghị được gặp và "thỉnh thị ý kiến Hoàng lão đại". Đã quá khiếp những trận đòn, lại muốn thoát ngay ra khỏi thân phận tù nhân, Hoàng Kim Vinh tất nhiên không thể phản đối, vội đồng ý ngay. Trước mặt Lư Tiểu Gia trẻ tuổi, Hoàng Kim Vinh không thể gọi Đỗ Nguyệt Sênh là "tiểu điệt" hay "hiền điệt", đành cắn răng chấp nhận nhún mình: "Cứ làm như nhị vị... tiên sinh sắp xếp"!

Là tổng chỉ huy chiến dịch giải cứu kiêm thuyết khách trực tiếp, uy tín của Đỗ Nguyệt Sênh lên cao ngất, trở thành ông trùm thật sự trong mắt đám đầu lĩnh Thanh Bang trẻ tuổi. Trong khi đó, là người được cứu, vị thế của Hoàng Kim Vinh yếu dần.

Như đã thỏa thuận khi cần đổi tự do, bất đắc dĩ Hoàng Kim Vinh đã gần như giao hết quyền lực bang hội cho Đỗ Nguyệt Sênh, bằng lòng lùi lại đứng ngang Trương Tiêu Lâm, mỗi người nắm quyền lực cảnh sát trong một vùng tô giới. Nhưng Đỗ vẫn chưa vội "chó liếm mặt chủ", chưa truất phế hoàn toàn quyền lực của Hoàng mà vẫn tiếp tục củng cố thực lực, diệt các đối thủ bên ngoài.

Vì quyền lợi thuốc phiện, sau vụ mưu sát Lộ Lan Xuân bất thành 4 năm trước, Thanh Bang hội của Hoàng Kim Vinh và Tam Hoà hội của Vương Sung luôn gầm ghè, sẵn sàng bắn giết nhau. Ngoài ra, một số bang hội yếu hơn cũng không ngần ngại rình mò cơ hội triệt hạ các đối thủ lớn hơn để ngoi lên. Khi đã được Hoàng Kim Vinh giao quyền, Đỗ Nguyệt Sênh quen nghề dao búa lại bất ngờ quyết định chọn chước hoà hoãn. Thay vì rình rập cơ hội hạ thủ nhau, Đỗ chủ trương bắt tay nhau giữa các bang hội để cùng khai thác nguồn lợi.

Đối thủ mạnh nhất là Vương Sung của Tam Hoà hội tỏ ra ngần ngừ, bởi xét cho cùng, nếu bắt tay nhau thì Tam Hoà Hội yếu hơn sẽ nhanh chóng bị Thanh Bang hội nuốt chửng. Nhưng nếu tiếp tục đối đầu, cái chết có thể còn đến nhanh hơn. Về thực lực, Tam Hoà hội không thể sánh ngang với Thanh Bang hội. Đã thế, sau vụ đụng độ long trời lở đất, Thanh Bang lại còn có thêm sự hậu thuẫn của quân đội… Mất khá nhiều thời gian, Vương Sung vẫn chưa thể đưa ra quyết định hòa hay chiến.

Trong khi đó, Lục Bang hội, một đối thủ nhỏ lại nhất quyết khước từ "lời mời" hợp tác mà Đỗ Nguyệt Sênh đưa ra. Không chút ngần ngừ, Đỗ Nguyệt Sênh đã ra lệnh tập kích và giết chết đầu lĩnh Lục Bang hội trong một trận chiến đường phố thảm khốc và cố ý công khai khuếch trương. Kết quả trận chiến đã giúp Đỗ đạt hai mục đích: vừa loại trừ một đối thủ ương ngạnh, đồng thời vừa gây áp lực khiến Vương Sung hoảng sợ, buộc phải xin  "bắt tay" với Đỗ.

Chỉ sau một năm "làm ăn chung", Tam Hoà hội đã mất luôn tên gọi. Hầu hết các tay đao tay búa của bang này đều chính thức chuyển thành những tên bảo kê mang danh nghĩa Thanh Bang. Chưa kịp trở tay tính kế thu hồi quyền lực, Vương Sung cũng đột ngột bỏ mạng vì… tai nạn xe hơi. Giang hồ Bến Thượng Hải chắc mẩm chẳng có tai nạn ngẫu nhiên nào cả, tất cả đều do Đỗ Nguyệt Sênh đạo diễn.

Đến năm 1923, quyền lực Thượng Hải đã hoàn toàn do Thanh Bang nắm giữ. Nội các tam đầu chế Thượng Hải hình thành với quyền lực chia đều ra ba ông chủ Hoàng Kim Vinh - Trương Tiêu Lâm - Đỗ Nguyệt Sênh. Tên xếp thứ ba chẳng qua do Đỗ ít tuổi nhất. Kỳ thực, quyền lực của y một tay che kín mặt trời. Đỗ mới đích thị là ông trùm của mọi ông trùm vì nắm quyền điều khiển mọi băng đảng xã hội đen, cũng là người chỉ huy toàn bộ mạng lưới buôn bán điều chế - cung cấp thuốc phiện và heroin tại Thượng Hải.

Hoàng Kim Vinh biết rõ đã nuôi ong tay áo. Nhưng thế giảm thần suy, đành ngậm đắng nuốt cay. Trương Tiêu Lâm cũng không cam tâm chia sớt quyền lực cho kẻ hậu sinh đắc chí, song nếu công khai kìm hãm hay phản đối Đỗ Nguyệt Sênh, cũng đồng nghĩa phải đối đầu với cả Hoàng Kim Vinh, dẫu sao thực lực  vẫn trùm trời.

Bằng mặt không bằng lòng, ba đại giang hồ đất Thượng Hải đành chấp nhận bắt tay nhau nói nói cười cười dành cho nhau không ít lời chúc tụng như mây như gió. Kỳ thực, cả ba đều chực chờ cơ hội dìm nhau trong máu.

(Còn tiếp)

Nguyễn Hồng Lam
.
.