SCL và sức ảnh hưởng của truyền thông chiến lược: Từ Brexit đến Đông Nam Á

Thứ Sáu, 20/04/2018, 11:14
Trong "cuộc chiến" giằng co giữa "đi hay ở" của nước Anh, người ta thường nói đến sự thao túng bằng thông tin giả và ảnh hưởng dư luận xã hội đến từ Nga. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng, sự thao túng đó lại do chính những người chủ trương Brexit thuê công ty Cambridge Analytica thực hiện.

Trong khi đó, ở khu vực Đông Nam Á, SCL đã có mặt từ năm 1998, và kéo dài cho đến gần đây, khi ông Rodrigo Duterte lên làm Tổng thống Philippines vào năm 2016.

Cambridge Analytica và câu chuyện Brexit

Sự ra đời của Cambridge Analytica (CA) có vai trò rất lớn của Alexander Nix (Bertie) và Christopher Wylie. Do SCL có trụ sở tại Anh nên không thể trực tiếp tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ bầu cử tại Mỹ, mà theo luật Mỹ thì công ty phải có trụ sở tại Mỹ. Đó là lý do Cambridge Analytica được đăng ký trụ sở tại bang Delaware của Mỹ vào năm 2013. Mục tiêu của Cambridge Analytica là tham gia vào các cuộc bầu cử Mỹ, ký càng nhiều hợp đồng với các ứng cử viên càng tốt, chủ yếu là người của đảng Cộng hòa.

Người của nhóm vận động ủng hộ Brexit Vote Leave.

Vào mùa thu năm 2013, để tạo điều kiện cho Cambridge Analytica đi vào hoạt động, Nix và Wylie đến gặp ông trùm truyền thông, chủ bút tờ Breitbart News là Steve Bannon (sau này là cố vấn cấp cao của Tổng thống Donald Trump) nhờ giúp đỡ. Steve Bannon đã giới thiệu hai người này với tỉ phú Robert Mercer, nhà sáng lập công ty Renaissance Technologies và đã được tỉ phú đồng đồng ý đầu tư 5 triệu USD vào Cambridge Analytica. Đây là bước đệm hữu ích để Cambridge Analytica chuẩn bị tham gia vào những thương vụ tại các cuộc bầu cử năm 2014 và 2016.

Theo hai tờ báo The New York Times và The Observer, ngay trong kỳ bầu cử năm 2014, Cambridge Analytica đã ký được đến 44 hợp đồng cung cấp dịch vụ truyền thông, vận động và quản trị điều hành chiến dịch bầu cử với các ứng cử viên đảng Cộng hòa. Ngay từ mùa hè năm đó, Cambridge Analytica đã bắt đầu thu thập dữ liệu người dùng trên Facebook thông qua một nhà nghiên cứu ở Đại học Cambridge tên là Aleksandr Kogan. Cuối cùng, SCL - Cambridge Analytica đã có đầy đủ dữ liệu cần thiết để thực hiện những gì Nix và Wylie đề xuất: đó là giải quyết bài toán cử tri mà các ứng cử viên mong muốn.

Năm 2015, Ted Cruz quyết định tham gia cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 và ông đã thuê Cambridge Analytica điều hành chiến dịch của mình. Rick Tyler, phát ngôn viên của ông Cruz từng nói trên báo Politico: "Tôi đã nhìn thấy sản phẩm của họ, nó tốt hơn bất cứ thứ gì tôi từng thấy trước đây."

Mặc dù Cambridge Analytica đăng ký hoạt động tại Mỹ (còn được gọi là SCL USA), nhưng trong hoạt động không có sự phân biệt về địa lý. Văn phòng Cambridge Analytica tại Mỹ cũng chỉ có vài nhân viên làm việc và liên lạc với SCL ở Anh thông qua hệ thống email và phương tiện viễn thông khác.

Website của SCL còn liệt kê công ty này có khoảng 15 chi nhánh tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng chủ yếu các chi nhánh này chỉ có duy nhất một nhân viên để trực tiếp xử lý một số việc cần thiết tại chỗ, còn lại mọi hoạt động của công ty vẫn do văn phòng trung tâm. Điều này phản ánh một thực tế cho dù SCL có bao nhiêu chi nhánh không quan trọng.

Việc SCL tham gia vào bầu cử ở Mỹ đã được truyền thông đưa tin từ nhiều năm qua, nhưng vai trò của nó trong cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý dân về việc nước Anh rời EU (Brexit) thì vẫn còn là vấn đề bàn cãi.

Năm 2015, tại lễ ra mắt nhóm hành động Rời khỏi EU (Leave EU) của ông Nigel Farage, một nhân viên của Cambridge Analytica là Brittany Kaiser đã lên sân khấu buổi lễ để tham gia phát biểu, hô hào ủng hộ. Sau đó, Kaiser còn nói trên tờ báo Bloomberg rằng công ty của mình (Cambridge Analytica) đã thay mặt nhóm Leave EU trực tiếp phỏng vấn, quyến rũ gần nửa triệu người Anh.

Cho đến tháng 3-2017, Arron Banks, nhà tài trợ cho Leave EU, đã công khai trên Twitter rằng Leave EU đích thực đã hợp tác cùng Cambridge Analytica xây dựng nên một mạng lưới tình nguyện viên đông đảo trên mạng xã hội cùng tham gia vận động người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit.

Nhưng tạp chí Quartz cho rằng vai trò của SCL trong Leave EU không rõ nét và quan trọng bằng Vote Leave, một nhóm vận động Brexit chính thống hơn hẳn Leave EU, dẫn dắt bởi những chính khách chủ trương rời EU như Bộ trưởng Ngoại giao Boris Johnson. Vote Leave được Ủy ban Bầu cử quốc gia Anh lựa chọn để trao sứ mệnh chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu. Với sự lựa chọn này, Vote Leave có thể sử dụng đến 7 triệu bảng trong 3 tháng trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra (ngày 23-6-2016).

Những tấm áp-phích và khẩu hiệu được Vote Leave thực hiện nhằm vào khu vực miền Trung nước Anh sẵn sàng bỏ phiếu ủng hộ. Đồng thời, nhóm vận động này còn vận dụng cả công cụ mạng kỹ thuật số để vận động thành phần cử tri nghèo và ít học, đây thường là những người chống EU nhưng cũng ít quan tâm đi bỏ phiếu.

Trong một cuộc điều trần trước Quốc hội Anh vào năm 2017, Ủy ban Bầu cử quốc gia Anh đã công bố những hóa đơn cho thấy Vote Leave đã chi đến 3,9 triệu cho công ty phần mềm kỹ thuật số AggregateIQ của Canada để giúp vận động người dân đi bỏ phiếu ủng hộ Brexit.

Theo tờ The Observer, các chính khách Brexit tìm đến công ty AggregateIQ thông qua các số điện thoại và địa chỉ email liên lạc của công ty này niêm yết trên Website của SCL. AggregateIQ ra đời năm 2013 do một trong những chiến hữu của Wylie là Zack Massingham sáng lập. Khi Wylie về đầu quân cho SCL, AggregateIQ trở thành một bộ phận trong mạng lưới các tổ chức, cá nhân trên toàn cầu tham gia xây dựng và phát triển công nghệ phục vụ hoạt động bầu cử mà Wylie mang về phục vụ cho SCL.

Năm 2014, Zack Massingham đến văn phòng trụ sở chính của SCL ở London để trình bày một trình ứng dụng xây dựng diễn đàn trực tuyến RIPON mà công ty đã xây dựng dành riêng cho thị trường Mỹ. Tờ báo Anh The Observer đã từng đưa ra bằng chứng thỏa thuận hợp đồng làm ăn giữa AggregateIQ với Cambridge Analytica ký kết vào tháng 9-2014, trong đó có giao kèo AggregateIQ chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ công nghệ phục vụ bầu cử cho Cambridge Analytica.

Ảnh hưởng của SCL tại Đông Nam Á

Khu vực Đông Nam Á đã biết đến thương hiệu SCL từ rất sớm, trước năm 2000. Người của SCL đã đến Indonesia vào tháng 5-1998, giữa những ngày tháng sôi sục biểu tình bạo động để phản đối Tổng thống độc tài Haji Muhammad Suharto ở Jakarta, người đã lãnh đạo đất nước vạn đảo hơn 30 năm kể từ khi lật đổ nhà lãnh đạo Sukarno vào năm 1966. SCL nói rằng, công ty cử người đến Indonesia "theo yêu cầu của các nhóm ủng hộ dân chủ" nhằm "hỗ trợ một chiến dịch quốc gia cải cách chính trị và dân chủ hóa" Indonesia.

SCL đã giúp ông Abdurrahman Wahid lên nắm quyền nhưng lại không thể giúp ông duy trì quyền lực.

Sau khi ông Suharto thoái vị, người dân tiếp tục biểu tình vì không hài lòng với chính quyền mới của Tổng thống BJ Habibie, vốn được xem là cánh tay nối dài của ông Suharto. SCL được chính quyền mới thuê để giúp kiểm soát tình hình bất ổn này.

Các nhiệm vụ của SCL bao gồm: khảo sát tâm tư tình cảm của người dân Indonesia, điều tiết truyền thông theo hướng có lợi cho các chính khách, và nhất là tổ chức các cuộc tập hợp đông đảo trước cổng các trường đại học để "giúp sinh viên giải tỏa ức chế". Để nắm bắt được tâm tư tình cảm của người dân Indonesia, SCL đã tiến hành một chiến dịch khảo sát toàn quốc, trải khắp 33 tỉnh với hơn 17.000 hòn đảo.

Cuộc khảo sát của SCL được tiến hành với 72.000 người trả lời phiếu thăm dò. Kết quả thăm dò giúp SCL kết luận rằng lứa tuổi học sinh - sinh viên (từ 18-25 tuổi) là thành phần chính tạo nên tình trạng bất ổn, trong khi những lứa tuổi lớn hơn thì ít bộc phát do đã bị áp chế suốt hơn 30 năm. Sau đó, SCL tập trung nghiên cứu nguồn gốc bạo loạn của học sinh-sinh viên và phát hiện rằng họ phản kháng việc chính quyền sử dụng cảnh sát và quân đội đàn áp người dân có từ thời cựu Tổng thống Suharto.

Từ đó, SCL đề xuất tổ chức những cuộc tụ tập "biểu tình giả" tại các địa điểm định sẵn (tại các trường đại học) để thu hút thành phần học sinh sinh viên nổi loạn và giúp họ giải tỏa ức chế tâm lý, tránh để họ bộc phát thành những cuộc biểu tình bạo loạn. Rốt cuộc chính quyền của Tổng thống Habibie đã đồng ý hợp tác thực hiện ý tưởng này, dù trước đó phản đối việc tụ tập đông người.

Các cuộc tập hợp "biểu tình giả" được tổ chức chu đáo, có ban tổ chức và có nguồn tài trợ hoạt động hẳn hoi. Quy mô tổ chức lớn đến mức các sinh viên tham gia tưởng rằng tiếng nói của họ đã được lắng nghe, nhưng mục đích thật sự chỉ nhằm làm dịu cơn phẫn nộ của họ mà thôi.

Tài liệu của SCL viết rằng, giải pháp đó đã mang lại hiệu quả; bất ổn xã hội ở Indonesia đã nhanh chóng hạ nhiệt, đồng thời thuyết phục ông Habibie chấp nhận từ chức, dẫn đến cuộc bầu cử năm 1999 đưa ông Abdurrahman Wahid lên nắm quyền. Tài liệu SCL cho thấy công ty này đã phục vụ chiến dịch bầu cử của đảng Thức tỉnh dân tộc của ông Wahid. Chính Wahid sau này đã thừa nhận SCL đã giúp ông điều hành thành công chiến dịch tranh cử.

Tuy nhiên, ông Wahid tại vị không được lâu, và đã bị luận tội vào năm 2001 vì không ổn định được đất nước. Hầu như SCL đã không giúp được gì trong giai đoạn lãnh đạo đầy bất ổn của ông Wahid, cho nên dư luận cũng cho rằng sách lược của SCL không thật sự hiệu quả tại Indonesia.

Sau Indonesia, Thái Lan cũng là điểm đến khá sớm của SCL tại Đông Nam Á. Các tài liệu của SCL cho thấy công ty này đã tham gia vào chiến dịch tranh cử thành công của tỉ phú ngành viễn thông Thaksin Shinawatra, giúp ông lên làm Thủ tướng Thái Lan vào năm 2001. Trong chiến dịch này, sứ mệnh của SCL là xác minh để làm rõ hành vi mua phiếu - một vấn nạn nhức nhối kéo dài trong nền chính trị Thái Lan.

Mua phiếu bầu, tức dùng tiền mua chuộc cử tri, đã góp phần đẩy chi phí mỗi kỳ bầu cử ở Thái Lan lên mức 1 tỉ USD. Tương tự như ở Indonesia, SCL đã lập một dự án nghiên cứu quy mô lớn, sử dụng hơn 1.200 nhân viên tiến hành thu thập dữ liệu tại 79 khu vực bầu cử của Thái Lan, trong khoảng thời gian 9 tháng. Mục tiêu của dự án là đánh giá động cơ bỏ phiếu của cử tri và xác định mức độ chấp nhận việc mua phiếu tại các khu vực bầu cử. Tổng chi phí cho đợt nghiên cứu lên đến hơn nửa tỉ USD.

Để kiểm soát và khống chế tệ nạn mua phiếu, SCL đưa ra đề xuất giải pháp can thiệp tổng hợp (FSA) bao gồm áp lực xã hội, các hình phạt về kinh tế, khung pháp lý để kiềm chế và tăng cường giám sát trực tiếp, với sự tham gia của tất cả các đảng phái chính trị. Đề xuất của SCL đã nhận được sự đồng thuận của tất cả các đảng phái chính trị, và tiến trình can thiệp tổng hợp được thực hiện trong 6 tháng. Kết quả, theo báo cáo của SCL, tệ nạn mua phiếu đã giảm ngay tức thì 31%, và cuộc bầu cử đã gúp ông Thaksin lên nắm quyền.

Hoạt động của SCL tại Philippines và ảnh hưởng của công ty này trong việc đưa ông Rodrigo Duterte lên nắm quyền được giữ bí mật, không nhiều người biết đến. Một năm trước cuộc bầu cử 2016, khoảng tháng 5-2015, Nix đã đến Philippines và tham gia nói chuyện tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Philippines (NPC). Chuyến thăm đó được Phó chánh Văn phòng Hoạt động truyền thông của Tổng thống Philippines (PCOO) Joel Egco thuật lại trên tờ South China Morning Post, trong đó ông bảo mình chẳng hề biết Nix đến Philippines để thực hiện chiến dịch bầu cử cho ông Duterte.

Tuy nhiên, dữ liệu lưu trữ trên mạng Internet cung cấp những thông tin khá đầy đủ về việc SCL đã giúp ông Duterte thắng cử. Bên cạnh việc giúp ông Duterte sử dụng công nghệ để tranh thủ lá phiếu cử tri, công ty này còn vận dụng công cụ truyền thông chiến lược của mình vào việc đánh bóng tên tuổi, hình ảnh của ông Duterte.

Ban đầu SCL xây dựng hình ảnh Duterte là một người tử tế và đáng kính trọng. Nhưng các nghiên cứu, khảo sát cử tri sau đó đã cho ra kết luận tội phạm chính là vấn đề cử tri quan tâm nhất, cho nên công ty đã thay đổi hình ảnh Duterte thành một chính khách cứng rắn, chống tội phạm tới cùng.

Chính phẩm chất này đã giúp ông Duterte giành được lá phiếu của đa số cử tri Philippines vào cuối năm 2016. Sau bầu cử, SCL tiếp tục giúp ông Duterte duy trì hình ảnh cứng rắn chống tội phạm, đặc biệt là trong việc Tổng thống Duterte tiến hành chiến dịch bài trừ ma túy gây náo loạn cả trong và ngoài nước.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.