Kỷ niệm 70 năm Hội nghị Fontainebleau (9/1946-9/2016)

Từ Đà Lạt đến Fontainebleau

Thứ Năm, 01/09/2016, 14:23
Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 được ký kết giữa Phính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa (DCCH) và Chính phủ Pháp là chủ trương sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh để tránh một lúc phải đối đầu với nhiều kẻ thù và tranh thủ thêm thời gian hòa bình, xây dựng lực lượng, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân non trẻ.

Tuy nhiên, phía Pháp luôn trì hoãn thi hành những điều khoản đã ký và thường xuyên vi phạm Hiệp định. Ngày 24-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Cao ủy Pháp D'Argenlieu trên tuần dương hạm Emile Bertin ở vịnh Hạ Long bàn về tiến trình thi hành Hiệp định.

Hai bên đã thống nhất ba điểm: Tháng 4-1946 sẽ có một phái đoàn Quốc hội Việt Nam thăm hữu nghị Quốc hội Pháp; Cùng thời gian đó sẽ có một cuộc họp trù bị giữa hai đoàn đại biểu Pháp và Việt; Sau phiên họp trù bị, nửa cuối tháng 5-1946 sẽ có một đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam DCCH sang Pháp để tiến hành thương thảo tại Paris.

Cũng nhân dịp này, Chính phủ Pháp mời Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm chính thức nước Pháp. D'Argenlieu muốn tổ chức tất cả các cuộc đàm phán ở Đông Dương để dễ bề kiểm soát và khống chế còn Chính phủ ta yêu cầu hội nghị chính thức sẽ diễn ra ở Paris để tranh thủ hậu thuẫn của dư luận Pháp, nhất là lúc đó đảng Cộng sản Pháp khá mạnh, nhưng vẫn đồng ý địa điểm họp trù bị ở Đà Lạt để vừa tìm hiểu lập trường của Pháp vừa kiềm chế Pháp, hỗ trợ cho đồng bào Nam Bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Việt Nam dự hội nghị ở Fontainebleau.

Hội nghị trù bị bắt đầu từ ngày 19-4-1946. Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam là Nguyễn Tường Tam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Phó trưởng đoàn là ông Võ Nguyên Giáp cùng các nhân sĩ trí thức có ảnh hưởng rộng lúc đó như Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Xuân Hãn. Phía Pháp liên tục kiếm cớ gây khó dễ cho đoàn Việt Nam: thông báo D'Argenlieu là Trưởng đoàn nhưng sau lại thay đổi, không cho đại biểu Phạm Ngọc Thạch từ Sài Gòn lên nhập đoàn, ngăn đoàn ta dùng máy vô tuyến điện…

Trong quá trình họp, phía Pháp luôn thay đổi thái độ như không công nhận Việt Nam có quyền ngoại giao, không có quyền ký các hiệp ước quốc tế và đặc biệt muốn tách Tây Nguyên thành khu tự trị, không bàn đến vấn đề Nam Bộ. Vì những bất đồng căn bản giữa hai bên nên Hội nghị kết thúc ngày 11-5-1946 mà không có kết quả.

Mặc dù Hội nghị Đà Lạt đổ vỡ, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn theo kế hoạch, tiếp tục cử đoàn đại biểu sang Pháp đàm phán cùng với chuyến thăm chính thức nước Pháp của Người từ 31-5-1946.

Phái đoàn Việt Nam đến Fontainebleau.

Khi phái đoàn Việt Nam sắp lên đường thì trưởng đoàn Nguyễn Tường Tam chuồn mất, cuỗm theo toàn bộ kinh phí chuẩn bị cho đoàn đi Pháp vì vậy ông Phạm Văn Đồng được cử làm trưởng đoàn. Với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp nên Chủ tịch Hồ Chí Minh không trực tiếp tham dự hội nghị đàm phán nhưng Người luôn quan tâm theo sát quá trình đàm phán và giữ vai trò tác động quan trọng trong quá trình thương thảo và tìm kiếm hòa bình cho Việt Nam.

Sau khi đến Paris ba ngày, vào hồi 18 giờ 40 phút ngày 25-6, Người tiếp anh em trong phái đoàn Việt Nam cùng với Trưởng đoàn đàm phán Pháp và các nghị sĩ đảng Cộng hòa bình dân của Thủ tướng Pháp đương nhiệm. 7 giờ ngày 26-6, Người đến thăm đoàn Việt Nam tại khách sạn và 20 giờ 30 phút, Người tổ chức chiêu đãi các đại biểu trong phái đoàn ta cùng một số yếu nhân đảng Xã hội Pháp.

Hội nghị đàm phán Pháp-Việt được tổ chức ở lâu đài Fontainebleau, một quần thể kiến trúc thời Phục Hưng bao gồm các cung điện, sân chơi, nhà hát và công viên cách Paris khoảng 60km. Phái đoàn ta gồm trưởng đoàn Phạm Văn Đồng và các thành viên: Phan Anh, Bửu Hội, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Văn Bính, Đặng Phúc Thông, Dương Bạch Mai, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Mạnh Hà, Chu Bá Phượng, Huỳnh Thiện Lộc, Phạm Khắc Hòe.

Các chuyên viên có: Nguyễn Đệ, Hoàng Văn Đức, Vũ Trọng Khanh, Hồ Đắc Liên, Nguyễn Văn Luyện, Nguyễn Văn Tịnh, Nguyễn Đắc Khê. Trưởng phái đoàn Pháp là Max André (nguyên Giám đốc nhà băng Đông Dương) cùng các thành viên: Pignon (cố vấn Cao ủy D'Argenlieu), Gonon, Torel (viên chức bộ máy thuộc địa), Mesmer (nguyên là công sứ), Bourgoin (quan chức kinh tế Đông Dương), Darcy, đô đốc Barjot, tướng Slan, các nghị viên Loseray và Juglas.

Toàn cảnh lâu đài Fontainebleau.

Sáng ngày 6-7-1946, lâu đài Fontainebleu được trang hoàng theo nghi lễ ngoại giao, treo quốc kỳ Việt - Pháp và trước khi khai mạc có cử quốc ca hai nước. Hội nghị diễn ra tại phòng họp chính của lâu đài.

Trưởng đoàn Pháp đọc diễn văn khai mạc và Trưởng đoàn Việt Nam đọc diễn văn đáp từ, có đoạn: "Chúng tôi lấy làm đau đớn mà phải nói rằng người Pháp ở Việt Nam không thi hành đúng theo những khoản trong Hiệp định. Họ đã không đình chiến lại tìm cách lấn thêm… Nhưng trước hết chúng tôi hết sức phản đối sự chia rẽ Tổ quốc của chúng tôi, hết sức phẫn nộ người Pháp ở Sài Gòn lập ra một nước mới và một chính phủ Nam Bộ… Chúng tôi muốn cộng tác vì chúng tôi yêu mến Tổ quốc của chúng tôi, chúng tôi muốn cộng tác với nước Pháp trong một đại gia đình gồm những nước dân chủ tự do…".

21 giờ ngày 8-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức chiêu đãi cả hai đoàn đàm phán Việt - Pháp tại khách sạn Royal Monceau. Trong quá trình đàm phán, phái đoàn Việt Nam theo đuổi các mục tiêu về độc lập chính trị và thống nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, quan điểm của phái đoàn Pháp chỉ xét Việt Nam là quốc gia tự trị hay độc lập trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp còn Liên bang Đông Dương là một liên hiệp các quốc gia tự trị tại Đông Dương trong Liên hiệp Pháp. Phái đoàn Việt Nam muốn Việt Nam trong Liên hiệp Pháp là sự hợp tác tự do và bình đẳng về mọi mặt, còn Việt Nam trong Liên bang Đông Dương chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế và tài chính vì Liên bang Đông Dương không phải là một quốc gia.

Về ngoại giao, Pháp muốn Việt Nam chỉ quan hệ với Pháp còn Việt Nam muốn có Bộ Ngoại giao riêng. Về vấn đề thống nhất Việt Nam phía Pháp đòi phải tái lập trật tự trước tiên rồi sau đó sẽ mở cuộc trưng cầu dân ý ở Nam Kỳ về vấn đề sát nhập Nam Kỳ vào Việt Nam DCCH (thống nhất với Trung và Bắc Kỳ). Điểm gây nhiều tranh luận nhất là Chính phủ Pháp đã đơn phương tán thành việc thành lập Nam Kỳ quốc, tách rời khu vực này khỏi những phong trào độc lập ở hai miền Bắc và Trung.

Ngày 12-7, sau khi hai đoàn thỏa thuận chương trình nghị sự và bắt đầu làm việc ở các tiểu ban chính trị, kinh tế, tài chính, văn hóa và quân sự thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức một cuộc họp báo khẳng định các nguyên tắc: Việt Nam độc lập, Nam Bộ là một bộ phận của Việt Nam, nước Việt Nam có quyền cử lãnh sự đi các nước, tham gia liên hiệp Pháp, cộng tác kinh tế, văn hóa với Pháp, bảo hộ tài sản Pháp ở Việt Nam và ưu tiên dùng cố vấn Pháp… Đây là một động thái ngoại giao ngoài Hội nghị để tranh thủ dư luận Pháp, tiếp thêm động lực tinh thần cho phái đoàn ta trong Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị Fontainebleau.

Ngày 26-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Fontainebleau và ăn trưa cùng các đại biểu của cả hai phái đoàn Việt - Pháp. Buổi chiều Người đi thăm nơi ở của đoàn ta và cùng anh em đi dạo, chụp ảnh, nói chuyện đến 19 giờ 40 phút. Ngày 31-7, Người đến tận nhà thăm Trưởng đoàn Pháp Max André và cùng dùng bữa ở đó.

Giữa lúc Hội nghị diễn biến giằng co vẫn không đạt được sự đồng thuận của cả hai bên, ngày 1-8-1946, mặc dù Bộ trưởng Bộ Hải ngoại Pháp Moutet đã khuyên cần phải thận trọng nhưng Cao ủy Đô đốc D'Argenlieu vẫn triệu tập một Hội nghị Liên bang Đông Dương gồm đại diện Nam Kỳ, Tây Nguyên, Lào, Campuchia và Nam Trung Kỳ họp tại Đà Lạt. Trước hành động ngang ngược, khiêu khích đó, ngày 2-8-1946, Trưởng đoàn Việt Nam Phạm Văn Đồng đã tuyên bố tạm ngừng Hội nghị cho đến khi phía Pháp giải thích về sự kiện ở Đà Lạt.

Ngày 8-8, trưởng phái đoàn Pháp Max André gửi thông báo cho phái đoàn Việt Nam nói rằng Hội nghị Liên bang tại Đà Lạt chỉ để nắm bắt dư luận của các dân tộc trên bán đảo Đông Dương về vấn đề Liên bang Đông Dương. Sau đó, do Chủ tịch Hồ Chí Minh nỗ lực dàn xếp nên ngày 19-8, Hội nghị được nối lại theo hình thức trao đổi văn kiện và họp nhóm trong phạm vi hẹp. 1

9 giờ ngày 6-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chiêu đãi hai phái đoàn Việt - Pháp. 19 giờ ngày 7-9-1946, đoàn Việt Nam yêu cầu Pháp tạm ngưng thảo luận về những vấn đề khác để tập trung bàn các vấn đề kinh tế, tài chính và thuế quan nhằm ký kết một Tạm ước giữa Việt Nam và Pháp. 16 giờ cùng ngày, Trưởng phái đoàn Pháp Max André đến thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đến ngày 9-9, phía Pháp đưa ra dự thảo Hiệp định tạm thời với những điểm chưa được thỏa thuận và không đề cập đến vấn đề Nam Bộ.  Đoàn Việt Nam không chấp nhận dự thảo này.

Chiều ngày 10-9-1946, hai phái đoàn gặp nhau để ký Tạm ước Việt Pháp. Trưởng phái đoàn Việt Nam yêu cầu Pháp ấn định chắc chắn thời điểm và cách thức thực hiện cuộc trưng cầu dân ý ở Nam Kỳ trước khi ký Tạm ước, phía Pháp không trả lời nên phái đoàn Việt Nam rời phòng họp. Như vậy là Hội nghị Fontainebleau chính thức tan vỡ.

Ba ngày sau, phái đoàn Việt Nam lên đường về nước. Để tiếp tục cứu vãn hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động gặp Thủ tướng Pháp Bidault và trực tiếp đàm phán với Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Moutet.

Từ khi đến Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 8 lần cùng Moutet tham dự các sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa xã hội và 8 lần đến nhà riêng của Moutet để thảo luận, bàn bạc, cùng dùng bữa. Trước thời điểm ký Tạm ước, từ sáng sớm đến tận đêm khuya ngày 14-9-1946, hai bên cùng nỗ lực hoàn thiện văn bản chính thức cuối cùng.

Đến 1 giờ sáng ngày 15-9-1946, tại nhà riêng của Moutet, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Moutet đã ký một văn bản gồm 11 điều khoản mà về sau gọi là Tạm ước 14-9 với cam kết hai bên sẽ tiếp tục đàm phán, sẽ cùng ấn định thể thức trưng cầu dân ý ở Nam Bộ và đảm bảo các quyền tự do, dân chủ ở Nam Bộ.

Do phía thực dân ở Pháp vẫn điều hành chính sách thuộc địa nên mấy tháng sau, việc phá bỏ Tạm ước, gây nên cuộc chiến trên toàn Đông Dương là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc ký Tạm ước 14-9 vào thời điểm đó vẫn là một giải pháp chính trị linh hoạt, tài tình để nhằm bảo tồn Hiệp định sơ bộ 6-3, cứu vãn Hội nghị Fontainebleau và kéo dài thêm một khoảng thời gian hòa bình quý giá cho Việt Nam.

Đỗ Hoàng Linh (PGĐ Khu Di tích Hồ Chí Minh)
.
.