Từ Hội nghị Yalta đến cuộc khủng hoảng đầu tiên của Chiến tranh Lạnh

Thứ Sáu, 25/08/2017, 19:57
Theo đánh giá của giới nghiên cứu lịch sử thế giới, trận cờ Thế chiến thứ II có thể đã tàn cuộc khi hiện rõ người chiếm thế thượng phong và cái kết của kẻ bại trận nếu như không có Hội nghị Yalta tạo nên bước đệm mới cho một trận cờ mới không kém phần khốc liệt và dai dẳng - Chiến tranh Lạnh.

Tại đó không phải chỉ có những đường nét phác thảo hình thành Liên Hiệp Quốc, mà sự phân chia lãnh thổ Đức, tương lai kinh tế và chính trị nước Đức còn trở thành đề tài tranh luận căng thẳng. Đại diện của "Tam cường"(Big Three) hiện diện đầy đủ tại hội nghị và chưa bao giờ, số phận của hằng trăm triệu con người lại được quyết định bởi rất ít người như thế. Sau 8 ngày diễn ra hội nghị, một trật tự thế giới mới đã được thiết lập.

Bài 1: Nước đi mới trên bàn cờ sắp tàn

Sau khi những phi đội "Thần phong" của Nhật Bản bất ngờ tấn công Trân Châu cảng vào ngày 7-12-1941, hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ bị thiệt hại nặng nề, nước Mỹ không có sự chọn lựa nào khác là tuyên chiến với phe trục Đức-Italy-Nhật, chính thức can dự vào Thế chiến thứ II.

Kể từ đây, Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt nắm quyền chủ động trong các hội nghị thượng đỉnh của khối Đồng minh bao gồm hơn 15 hội nghị. Yalta là hội nghị sau cùng trước khi chiến tranh chấm dứt và cũng là hội nghị quan trọng nhất về mặt chính trị, không những cho Châu Âu mà cả những lục địa khác trong nhiều thập niên sau này.

Đến giữa năm 1944, quân đội Đức Quốc xã bắt đầu tan rã trên hầu hết các chiến trường. Quân Đồng minh cũng đã đổ bộ vào Tây Âu và mở những mặt trận mới ở vùng Địa Trung Hải và Đông Âu. Tổng thống Roosevelt thấy đã đến lúc ba nguyên thủ cần thỏa thuận với nhau những giải pháp chính trị cho châu Âu và châu Á sau chiến tranh.

Lâu đài Livadia, nơi diễn ra Hội nghị Yalta tháng 2-1945.

Một loạt đề nghị về thời điểm và địa điểm diễn ra hội nghị được phía Mỹ đưa ra như Hy Lạp, Marocco, Iran… đều không nhận được sự đồng thuận.

Lãnh đạo Stalin của Liên Xô hầu như không muốn đề cập đến chuyện tham gia hội nghị cho đến cuối năm ấy rồi bỗng dưng đề xuất một địa điểm hoàn toàn bất ngờ đối với nguyên thủ các nước còn lại trong khối - cung điện Livadia của thành phố Yalta thuộc bán đảo Crimea bên bờ Hắc Hải, nơi nghỉ mát yêu thích của các đời Nga Hoàng trong suốt mấy thế kỷ trước.

Tương truyền rằng, Nga hoàng Nicholas II và vợ sau chuyến du lịch đến Italy đã bị vẻ đẹp của những cung điện thời Phục Hưng chinh phục. Trở về, ông đã quyết định xây dựng lại lâu đài Livadia vốn có từ thời Nga hoàng Alexander, theo lối kiến trúc mà ông ngưỡng mộ và mời kiến trúc sư Monighetti nổi tiếng người Italy thực hiện thiết kế.

Thế là hội nghị được thống nhất diễn ra vào ngày 4-2-1945 tại Yalta, thành phố ở phía đông nam của bán đảo Crimea, một chiến trường khốc liệt mà Liên Xô chỉ mới vừa giành lại được từ tay Đức Quốc xã hơn nửa năm trước đó - tháng 5-1944. 

Bán đảo Crimea có một vị trí quân sự rất quan trọng về hàng hải; từ đây có thể kiểm soát toàn bộ vùng phía Bắc Hắc hải để phát huy sức mạnh của không quân và hải quân đến các vùng đất ven bờ biển từ Rumania đến Gruzia. Trong chiến dịch giải phóng Crimea, Hồng quân Liên Xô chỉ mất 35 ngày để giải phóng toàn bộ bán đảo, trong đó chỉ mất 8 ngày để đánh chiếm thủ phủ Sevastopol.

Đây là một trong những chiến dịch phối hợp hoạt động của hải, lục, không quân lớn nhất của Quân đội Liên Xô trong Thế chiến thứ II; về tổng quy mô binh lực, nó chỉ đứng sau Chiến dịch Overlord của quân Đồng minh đổ bộ lên miền Bắc nước Pháp ngày 6-6-1944.

Stalin hẳn nhiên đã có chủ ý sâu xa khi chọn địa điểm tiến hành hội nghị này. Trước hết, Liên Xô đến đó với tư thế của người thắng trận hơn hẳn những nước Đồng minh còn lại, và báo giới (dù sự tham dự bị hạn chế) sẽ tường thuật rằng, bản đồ thế giới được vẽ lại trên vùng đất lịch sử của Liên Xô. Stalin cũng muốn nhân dịp này trình bày cho Tổng thống Mỹ Roosevelt thấy mức độ thiệt hại mà Liên Xô phải gánh chịu trong chiến tranh.

Sau nhiều lần từ chối dự họp ở những nơi khác nhưng cuối cùng đề nghị họp tại Yalta, Stalin cũng đã tính toán thời điểm thuận lợi: Ông sẽ đại diện nhà nước Xôviết đến hội nghị với hào quang chiến thắng vì Hồng quân đã áp sát thủ phủ  Berlin và chỉ chờ ngày tổng tấn công buộc Hitler đầu hàng. Trong hội nghị này, Stalin biết rõ Roosevelt đang cần Liên Xô, Churchill thì lúc này chưa hiển hiện là một người đáng sợ.

Cuộc sắp xếp ai thắng ai thua ở hội nghị này có vẻ như đã hoàn tất. Điều mà trước đây Churchill sợ và Stalin mong muốn đã xảy ra: hầu hết khu vực Đông Âu đã in rõ dấu chân của Hồng quân Liên Xô. Đối với Stalin thì Churchill không còn là nhân vật đáng gờm như trước đó mười năm. Sự thất trận và thiệt hại của Anh trên mọi lục địa đã đẩy vị nguyên thủ này vào thế bị động và tiếng nói không còn trọng lượng.

Tác giả Max Hastings trong tác phẩm "Cuộc chiến của Winston" đã viết rằng "chiến thắng của người Nga ở Đông Âu đã gần như lấn át toàn bộ niềm vui của ông này trước sự sụp đổ của Đức Quốc xã". Bay đến Yalta dự hội nghị, bản thân Churchill từng chua chát nhận xét: "Một bên là gấu Nga khổng lồ, một bên là voi Mỹ vĩ đại. Ở giữa hai thế lực này là chú lừa Anh quốc nhỏ bé và tội nghiệp".

Tuy vậy, thành phần tham dự của "Tam cường" cũng nói lên tầm quan trọng đặc biệt của phiên họp đề cập và quyết định nhiều vấn đề quan trọng thời hậu chiến. Mỗi phái đoàn có năm người chỉ đạo các cuộc họp lớn nhỏ giữa ba bên. Phía Mỹ, ngoài Tổng thống Roosevelt còn có Bộ trưởng Ngoại giao Edward Stettinius, chuyên gia châu Âu William Leahy, Tổng tư lệnh quân đội George Marshall và Tư lệnh hải quân Ernest King.

Đại diện của "Tam cường" hiện diện đông đủ tại hội nghị.

Phái đoàn Liên Xô, ngoài Stalin còn có Bộ trưởng Ngoại giao Viascheslav Molotov, Nguyên soái Nicolai Kusnezov, Tổng tư lệnh quân đội Alexei Antonov và Tư lệnh không quân Chudjakow. Phía Anh, ngoài Churchill còn có Bộ trưởng Ngoại giao Anthony Eden, cố vấn quân sự Alan Brooke, Tư lệnh không quân Charles Portal và nguyên soái Harold Alexander. Tính riêng hai phái đoàn Anh và Mỹ đã có tổng cộng 700 thành viên.

Khi chiến tranh vừa bắt đầu, Roosevelt - mặc dù vẫn chủ trương không can thiệp trực tiếp - đã không ngần ngại chuyển hướng và thúc đẩy công nghiệp chiến tranh, do đó Hoa Kỳ đã trở thành nguồn cung cấp vũ khí khổng lồ cho tất cả các nước tham chiến từ châu Âu sang châu Á và châu Phi, đẩy tổng sản lượng Hoa Kỳ (GDP) lên gấp đôi chỉ sau 5 năm.

Bất chấp những hoạt động phá hoại của tàu ngầm Đức, Mỹ đã cung cấp đến Liên Xô 16 triệu tấn dụng cụ chiến tranh được chuyên chở trên 2.600 tàu vận tải đường biển, gần 500.000 xe vận tải và hơn 10.000 xe chiến đấu, hơn 35.000 xe mô tô và gần 3.000 xe chuyên chở đại pháo; 1.045 đầu máy xe lửa, 10.000 xe chở hàng, 120 xe lửa vận chuyển nguyên liệu, 2,6 triệu tấn chất đốt và 4,5 triệu tấn lương thực.

Với sự hậu thuẫn to lớn như thế, Roosevelt đến hội nghị với phong thái của người mang tiếng nói đầy trọng lượng nhưng trong thâm tâm vẫn tính toán rằng, giới lãnh đạo quân phiệt Nhật, kết hợp với tinh thần chiến đấu can trường đến độ cuồng tín của binh lính Nhật, Mỹ muốn thắng Nhật trên chiến trường châu Á phải hy sinh rất nhiều binh lực.

Mục đích quan trọng hàng đầu của Roosevelt khi đến hội nghị là tìm cách nhanh chóng thắng trận và sớm chấm dứt chiến tranh để rồi Mỹ sẽ có vai trò quan trọng trên địa bàn châu Âu. Mục đích thứ ba của Roosevelt là đạt được thỏa thuận về đề tài yêu thích số một của ông: Việc thành lập Liên Hiệp Quốc.

Chuyện chiếm đóng tại châu Âu thì Roosevelt không quan tâm lắm và ông có vẻ quá lạc quan khi trả lời cho Stalin: "Chắc chắn quốc hội chúng tôi sẽ không cho phép tôi giữ quân tại đây lâu hơn hai năm".

Cũng cần nói thêm, cả Churchill và Roosevelt đều nghĩ rằng, cuộc chiến với Nhật có thể kéo dài lâu, và cả hai đều chưa được báo cáo cụ thể về công cuộc nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử ở Mỹ có dấu hiệu sẽ thành công, vì thế Roosevelt và Churchill đều muốn Liên Xô tham chiến ở châu Á và vì thế, họ sẵn sàng nhượng bộ Stalin trong những vấn đề khác.

Cả Mỹ và Anh đều mong nhận được lời hứa từ vị nguyên thủ đại diện cho Liên Xô sẽ mở một mặt trận ở Đông Bắc Á, và để đạt được những mục tiêu chiến lược lâu dài của mình, Stalin không khó khăn gì gật đầu đáp trả.

Giới tình báo quân sự Nhật vào mùa xuân năm 1945 đã có trong tay thông tin về việc tại Hội nghị Yalta, Stalin đã hứa với các nước Đồng minh rằng, sau khi đánh bại nước Đức của Hitler chừng 2-3 tháng, sẽ tham chiến chống Nhật, thế nhưng đa số các nhà sử học Nhật Bản lại cho rằng, chính phủ của Thiên Hoàng đã không biết gì quyết định của Stalin cho đến sau khi chiến tranh kết thúc và do đó, Nhật đã không ngừng hy vọng là Moskva sẽ đóng vai trò trung gian để thiết lập đàm phán hòa bình với Mỹ.

Quan điểm đó đã bị bà Yuriko Onodera, vợ của Trung tá (có nguồn khác nói là Thiếu tướng) Makoto Onodera, một điệp viên nổi tiếng của Nhật khoác bên ngoài tấm áo của tùy viên quân sự làm việc tại cơ quan đại diện ngoại giao Nhật Bản đóng tại Stockholm, Thụy Điển, phủ nhận.

Bà Yuriko Onodera trong những năm thế chiến là nhân viên cơ yếu tại cơ quan đại diện ngoại giao Nhật, khẳng định: chính bà đã mã hóa báo cáo tình báo liên quan đến những thỏa thuận mật giữa "Tam cường" về Nhật Bản đạt được ở Yalta, trong đó có việc Liên Xô sẽ tham chiến chống Nhật.

Trong quyển hồi ký xuất bản vào năm 1985, bà Yuriko viết: "Tôi đã mã hóa bức điện này với tâm trạng phiền muộn và sau đó gửi nó về Trung ương tình báo Nhật cho Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Nhật Hoàng, Trung tướng Hikosaburo Hata". Người cung cấp tin cho tùy viên quân sự Nhật là điệp viên người Ba Lan có mật danh Ivanov hoạt động ở London, nơi điệp viên này được ông Makoto Onodera phái đến hoạt động.

Tiết lộ này của bà quả phụ Yuriko trùng hợp với các thông tin được tờ báo Sankei Shimbun của Nhật Bản từng đề cập rằng, theo các tài liệu trong hồ sơ lưu trữ của Anh, tình báo Nhật đã nhận được tin tức về các thỏa thuận ở Yalta từ những nhân vật nằm trong "chính phủ Ba Lan lưu vong". Đồng thời, cũng có những thông tin chỉ ra rằng, tình báo Nhật đã hợp tác với tình báo Đức để thu thập tin tức về "Hội nghị Tam cường" ở Yalta.

Việc bức điện mã hóa của Onodera quả thực đã đến tay sĩ quan Cục tình báo Bộ Tổng tham mưu Nhật Eijo Hori và Trưởng phòng Liên Xô của Cục Tình báo này Hayashi Saburo xác nhận. Họ cho rằng, thông tin có tầm quan trọng sống còn này đã bị Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu Nhật cố tình giấu kín. Vì sao?

Tờ Sankei Shimbun đưa ra giả thuyết: Bộ Tư lệnh quân đội Nhật không muốn báo cáo tin Liên Xô sẽ tham chiến với giới chính trị gia cấp cao vì họ lo ngại điều đó sẽ khiến những chính trị gia mang quan điểm chủ hòa sẽ ủng hộ cho giải pháp xoay sang thỏa hiệp với Anh-Mỹ.

Vào ngày 14-2-1945, chỉ hai ngày sau khi Hội nghị Yalta kết thúc, Hoàng thân Fumimaro Konoye, chính trị gia đầy thế lực của Nhật Bản, người từng ba lần đứng đầu Chính phủ Nhật, đã vội vã đệ trình Nhật Hoàng Hirohito một bản báo cáo mật hối thúc Nhật Hoàng "chiến tranh cần sớm kết thúc càng nhanh càng tốt".

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.