Vị Đại tướng không có nhà riêng

Thứ Tư, 26/04/2017, 13:45
Trong lịch sử các tướng lĩnh Việt Nam hiện đại, tên tuổi đứng sau Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, người thứ hai có lẽ là Đại tướng Lê Trọng Tấn. Ông là người chỉ huy Đại Đoàn 312 tấn công Điện Biên Phủ, bắt sống tướng De Castries và nội các kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.



Ông từng là chỉ huy các chiến dịch vang danh thời chống Mỹ và là Phó Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, kiêm Tư lệnh cánh quân phía Đông đập tan mọi cánh cửa tử thủ, phòng tuyến của địch tiến thẳng vào giải phóng Sài Gòn trưa ngày 30-4-1975, bắt Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng cùng nội các. Kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, thống nhất Tổ quốc.

Vị tướng "trận mạc"

Trong một lần gặp gỡ với một số tướng lĩnh Việt Nam, cố Chủ tịch Phidel Castro (Cu Ba) đã chủ động tiến đến bắt tay Đại tướng Lê Trọng Tấn, rồi Chủ tịch quay sang tươi cười nói với mọi người: "Đây có phải là vị tướng đánh giặc hay nhất Việt Nam?". Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang đứng cạnh đã tiếp lời Chủ tịch: "Đúng, đây là một trong những vị tướng giỏi nhất Việt Nam qua các thời đại".

Đại tướng Lê Trọng Tấn.

Đại tướng Lê Trọng Tấn còn là một trong những tướng lĩnh rất đặc biệt: "Ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đại đoàn 312 do Tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy đã bắt sống tướng De Castries và cắm cờ trên nóc hầm cứ điểm Điện Biên. Ở giai đoạn cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ - ngụy, thống nhất đất nước, Tướng Lê Trọng Tấn cũng là Tư lệnh chỉ huy cánh quân chủ lực từ phía Đông tiến vào giải phóng Sài Gòn, cờ đỏ sao vàng bay trên nóc Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ nội các Tổng thống Dương Văn Minh. Với hai chiến công đó, Lê Trọng Tấn xứng đáng hai lần tuyên dương Anh hùng" - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói về ông như thế.

Đại tướng Lê Trọng Tấn tên thật là Lê Trọng Tố (1914-1986), quê ở Yên Nghĩa, Hoài Đức, Hà Tây cũ (nay là TP Hà Nội). Xuất thân từ gia đình nhà giáo, ông từng học Trường Bưởi - Hà Nội, học lực giỏi, say mê võ nghệ và bóng đá. Sau khi gia nhập đội bóng Tia Chớp (Éclair) của không quân Pháp, ông nhập ngũ làm lính khố đỏ, đồn trú tại một đồn nhỏ khu vực sân bay Tông (Sơn Tây). Được bà Bích Vân (tức Hoàng Ngân -Xứ ủy Bắc Kỳ) làm công tác binh vận, Đội Tố đã tham gia Việt Minh và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1945, làm ủy viên quân sự Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh Hà Đông.

Vợ chồng Đại tướng Lê Trọng Tấn với con trai Lê Đông Hải. Ảnh tư liệu

Tham gia cách mạng từ năm 1944, lần lượt ông trải qua nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội như: Trung đoàn phó, trưởng các Trung đoàn Sơn La, Sơn Tây, Quyền Khu trưởng Khu XIV, Khu phó Liên Khu X. Trong chiến dịch Biên giới 1950, ông là Đại đoàn trưởng đầu tiên của Đại đoàn 312 và chỉ huy các Đại đoàn trong chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", bắt sống tướng De Castries và toàn bộ Bộ Tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên.

Từ năm 1954 đến 1961, ông là Hiệu trưởng Trường Sỹ quan Lục quân. Tư lệnh Mặt trận Đường 9, chiến dịch Bình Trị Thiên và Phó tổng Tham mưu kiêm Tư lệnh Quân đoàn 1. Từ tháng 3-1975, ông là Tư lệnh chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, Phó tổng Tham mưu, Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ huy cánh quân phía Đông dọc theo các tỉnh duyên hải Miền Trung với phương châm: thần tốc, táo bạo tấn công tiến vào giải phóng Sài Gòn trưa ngày 30-04-1975.

Đại tá Trần Văn Thức - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: Lê Trọng Tấn là tướng trận, tướng tấn công. Ông đi đến đâu, chỉ huy chiến dịch nào, mũi tiến công vào đâu, tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ của các Quân đoàn đều đoàn kết một lòng, tin tưởng, vững tâm vào trận đánh.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông chỉ huy trực tiếp Đại đoàn 312 trong 3 đêm 2 ngày phải đột phá, xuyên thủng 3 phòng tuyến cực mạnh của tập đoàn cứ điểm Him Lam, Mường Thanh. Trong chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng từ 26 đến 29-3-1975, chỉ trong   mấy ngày, Tướng Tấn đã chỉ huy Quân giải phóng đập tan 10 vạn quân địch…

Đồng chí Lê Trọng Tấn (thứ hai, từ trái sang) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số cán bộ trao đổi công việc. (Ảnh tư liệu)

Chiều 26-1-1954, người chỉ huy Đại Đoàn 312 phải đến từng chiến hào giải thích với bộ đội chủ lực về sự thay đổi phương án, từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" nên phải kéo pháo quay trở ra. Sau khi tiêu diệt cứ điểm Him Lam mở màn chiến dịch, chiều 7-5-1954, Đại đoàn 312 do Lê Trọng Tấn chỉ huy đã tấn công vào sở chỉ huy đầu não của Pháp tại cứ điểm Điện Biên, bắt sống tướng De Castries và toàn Bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên. Kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta "Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng".

Chiến trường miền Nam ngày càng trở nên ác liệt hơn khi Mỹ đổ bộ quân vào Miền Nam. Do đó, vào năm 1964, trên chiếc tàu buôn tỏi của nước ngoài cập cảng Sihanoukvile (Campuchia), trên tàu có chở 02 vị tướng "sừng sỏ" nhất của "Bắc Việt" là tướng Nguyễn Chí Thanh trong vai thợ máy và Lê Trọng Tấn trong vai ông chủ buôn tỏi, xách cặp da bóng loáng, được Bác Hồ và Bộ Chính trị đặc phái vào miền Nam chỉ huy cuộc chiến đấu mới.

Không lâu sau đó, chiến dịch Bình Giã khai hỏa, đánh một đòn rất mạnh vào âm mưu chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ. Tướng Lê Trọng Tấn đảm nhiệm cương vị Phó tư lệnh, Ủy viên Quân ủy Quân giải phóng miền Nam với bí danh Ba Long. Đồng thời, ông trực tiếp làm Tư lệnh của nhiều chiến dịch quan trọng của quân chủ lực...

Với quyết tâm cao độ giải phóng Miền Nam, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã giao cho tướng Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh chiến dịch giải phóng Huế- Đà Nẵng sau khi giải phóng Tây Nguyên. Tháng 4-1975, tướng Lê Trọng Tấn được cử làm Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, kiêm Tư lệnh cánh quân phía Đông gồm các Quân đoàn 2, Quân đoàn 4 và Sư đoàn 3 đập tan phòng tuyến từ xa tại Phan Rang (Ninh Thuận), đập nát cánh cửa thép tử thủ tại Xuân Lộc, trực diện tấn công vào cửa ngõ phía Đông giải phóng Sài Gòn.

Do phải vượt sông Đồng Nai, Sài Gòn với khoảng cách từ 15-20km với nhiều tuyến phòng thủ, kháng cự với hỏa lực cực mạnh của địch, Tướng Tấn đề nghị Quân ủy và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho cánh quân phía Đông nổ súng trước từ 18h ngày 29-4.

Cho đến trưa 30-4 sau khi trinh sát, đặc công tiêu diệt những ổ kháng cự cuối cùng tại cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn, Hàng Xanh, Thị Nghè đại quân phía Đông với Binh đoàn Tăng Thiết giáp, bộ binh đã tiến công thần tốc như vũ bão, húc đổ cánh cổng sắt Dinh Độc Lập giữa trưa ngày 30-4, bắt sống toàn bộ nội các Tổng thống Sài Gòn Dương Văn Minh, kết thúc cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Hòa bình, thống nhất đất nước nhưng ông chưa có một ngày nào để nghỉ ngơi. Sau thời kỳ quân quản của thành phố, biên giới Tây Nam của đất nước đã bị bọn diệt chủng Pol Pot và Khmer Đỏ xâm phạm biên giới, gây tội ác đối với nhân dân ta ở nhiều nơi. Tháng 12-1978, Tướng Lê Trọng Tấn được Trung ương giao nhiệm vụ chỉ huy các lực lượng vũ trang chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc.

Đến tháng 2-1979, ông tiếp tục được điều động về Bộ Tổng Tham mưu, trực tiếp chỉ huy cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Lúc sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết về ông như sau: "Với toàn quân, đồng chí Lê Trọng Tấn là một người chỉ huy kiên cường, lỗi lạc. Riêng tôi, đồng chí là người bạn chiến đấu thân thiết, là một trong những cán bộ tin cậy nhất để thực hiện những ý đồ chiến lược của Bộ thống soái tối cao".

Chuyện Đại tướng không có nhà riêng

Một chiều cuối năm cũ, sắp chạm ngày giỗ Đại tướng, tôi ngồi trong quán cà phê trên đường Trường Sơn trước cửa vào sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cùng con trai Đại tướng. Đây cũng chính là căn biệt thự mặt tiền trong cư xá gia binh cũ, xây dang dở thì giải phóng, mà lần thứ 3 ông đã trả lại cho Nhà nước, từ chối cuộc sống sang trọng ở các biệt thự, quay về sống giản tiện cho đến cuối đời.

Đại tá Lê Đông Hải cùng vợ con.

Câu nói cửa miệng của Đại tá, GS- TS Lê Đông Hải - Nguyên Viện trưởng Phân viện kỹ thuật quân sự 2 tại TP Hồ Chí Minh, là con trai duy nhất của Đại tướng từng khiến chúng tôi nghe rất chạnh lòng.

Theo cuốn "Họ Trịnh và Thăng Long" tác giả còn có những bằng chứng cho thấy: viễn tổ của gia tộc Đại tướng Lê Trọng Tấn là hậu duệ của Chúa Trịnh Căn. Trong ba anh em ruột của Đại tướng, có anh cả Lê Mạnh Hồ, đến Lê Trọng Tấn (Tố) và Lê Qúy Đông là út. Chắc không phải ngẫu nhiên mà cả ba chữ lót được cụ Đồ Lăng đặt cho con là những từ chỉ thứ tự thời tiết: "mạnh" là (đầu mùa), "trọng" ở giữa và "quý" là cuối, út và có họ Trịnh.

Từ nhỏ, anh Hải theo học trường thiếu sinh quân và trở thành "lính" của bố mình trong Đại Đoàn 312. Sau 1954, anh được sang Liên Xô học tập. Nhấp giọng bằng chút cà phê nóng thơm lừng, anh nhìn ra phía đường Trường Sơn rồi tâm sự: Cả một đời cha tôi, không để lại một chút tài sản, nhà cửa, đất đai nào, vì ông cụ chưa bao giờ nhận cho mình nhà riêng, đất riêng. Nhưng cha tôi đã để lại một sự nghiệp rất to lớn và đạo lý làm người để cho con cháu đời đời noi theo. Những biệt thự được cấp, ông đều từ chối nhận và trả lại cho Nhà nước, quân đội. Lúc nào bên mình ông cũng kè kè một cái ba lô và bên trong lúc nào cũng sẵn chiếc võng dù.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thư ký riêng của  Đại tướng kể lại: Đại tướng suốt ngày làm việc kín lịch từ 7h30 đến 22h tối, thậm chí có ngày 18 cuộc làm việc, với 18 cán bộ khác nhau. Tuy là con duy nhất của Đại tướng, nhưng anh Lê Đông Hải đã phải ngậm ngùi thừa nhận, anh cũng chỉ sống lâu nhất bên cạnh cha mình khoảng thời gian 2 đến 3 năm.

Miền Bắc xây dựng XHCN, ông tiếp tục lãnh đạo, chỉ huy công tác đào tạo, xây dựng lực lượng quân đội, vũ trang tiếp viện cho chiến trường Miền Nam đánh Mỹ. Từ năm 1960 đến 1975, ông nhiều lần ra vào miền Nam để xây dựng và chỉ huy lực lượng vũ trang chống Mỹ, đánh bại những âm mưu, chiến dịch của địch tại miền Nam và chống trả mọi cuộc tấn công xâm phạm không phận, hải phận miền Bắc.

Theo anh Hải kể lại, khoảng thời gian mà cả gia đình anh được hạnh phúc, sum vầy nhất là khi ở số 36 Hoàng Diệu (Hà Nội) trong căn nhà nhỏ, được cấp 2 phòng diện tích khoảng 48m2, cùng các bác Tạ Quang Bửu, Vương Thừa Vũ, Đặng Kính…

Thời kỳ đó, ông liên tục ra vào chiến trường còn anh Hải chuyển sang học tại Liên Xô và công tác ở đơn vị Bộ đội Hóa học. Nhà vắng người,  mẹ anh phải dời về khu nhà ngang ở 36C, Lý Nam Đế sống với mấy anh em phục vụ tiện trồng trọt, chăn nuôi… cải thiện đời sống.

Sau ngày đại thắng mùa Xuân 1975, anh em đồng đội chạy đôn đáo khắp nơi tìm những ngôi biệt thự sang trọng của giới chóp bu lãnh đạo chế độ Sài Gòn cũ để cho ông ở. Song, ông đều lắc đầu từ chối. Sau này, ông đồng ý về ở căn nhà số 2, đường Cửu Long, (cư xá gần sân bay) mặt tiền đường Trường Sơn, Tân Bình ngày nay có diện tích khoảng 30m2.

Thấy ông ở chật hẹp, bất tiện trong khi nhà ở bỏ hoang tàn khắp nơi sau chiến tranh.  Thế là nhân cơ hội ông ra Hà Nội họp, anh em ở Quân đoàn 4 cho xe Zeep đến nhà dọn hết đồ đạc, vật dụng cá nhân của ông "dời" đến biệt thự số 195, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đường Công Lý cũ), Quận 3 định dành cho ông một bất ngờ. Họp xong trở về, ông đành chấp nhận "sự đã rồi" dù không hài lòng và luôn có ý trả lại nhà.

Một hôm, ông điện thoại báo tin cho mọi người biết, ông quay lại sống ở nhà số 2 đường Cửu Long. Còn ngôi biệt thự ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa rộng thênh thang ông xin giao lại cho đồng chí Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TP để có điều kiện lo cho thương bệnh binh.

Nhiều anh em trong Quân khu 7 cùng một số tướng lĩnh vẫn không an tâm về nơi ở của vị tướng chỉ huy tài ba, đã bao năm xông pha trận mạc, nên đã tìm mọi cách thuyết phục, thậm chí còn áp dụng cả "nguyên tắc" để đưa ông tới ở tại biệt thự số 126, đường Pasteur, Quận 3, gần ngay giao lộ Điện Biên Phủ - Pasteur ngày nay.

Không nỡ khước từ tình cảm của đồng đội anh em, ông cũng khoác tạm ba lô đến ở "ví dụ" một thời gian, rồi sau đó lại kiên quyết đòi về số 2 đường Cửu Long. Đến nước này thì mọi người đành chịu thua ông. Đại tướng đã sống tại đây cho đến khi qua đời ngày 5-12-1986. Sau đó, nhà số 2 đường Cửu Long đã được cấp cho người khác….

Đại tướng Lê Trọng Tấn đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Sao vàng năm 2007, Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều huân, huy chương khác. Tên của ông đã được đặt cho nhiều trường học, đường phố tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số nơi khác.


Hoàng Châu
.
.