Danh tướng Mỹ trên đất nước Mặt trời mọc: Sứ quân da trắng mắt xanh

Thứ Ba, 10/10/2017, 14:15
Thống tướng Douglas MacArthur được phần đông phụ nữ Nhật xem như một "Shogun" - "sứ quân da trắng mắt xanh" mang lại cho họ quyền bình đẳng giới. Ngay từ trong Hiến pháp 1946, ông quy định "phụ nữ được quyền đi học". Ông mở thêm hàng chục trường đại học dành riêng cho phụ nữ...

Với kinh nghiệm tiếp quản hoạt động cải cách đất nước ở Philippines và vốn hiểu biết sâu rộng về văn hóa châu Á, Thống tướng Douglas MacAthur đã khéo léo đưa Nhật hoàng Hirohito vào vị trí hỗ trợ tốt nhất cho tham vọng mang dân chủ đến cho nước Nhật vì bản thân ông - người đại diện cho nước Mỹ - tin tưởng mạnh mẽ rằng, nền dân chủ chỉ thật sự được xây dựng khi nước Nhật chấp nhận cải cách và kiên quyết thực hiện cải cách.

Đúng như điều MacAthur kỳ vọng vào "đại quân tử thức thời" - người đứng đầu quá trình cải cách này chính là Nhật hoàng Hirohito đã ra lời huấn dụ thần dân hãy "mở đường cho tất cả những thế hệ tương lai bằng cách chịu đựng những gì không thể nào chịu đựng được và đau khổ trước những gì không thể đau khổ hơn… để theo kịp đà tiến bộ của thế giới".

Bước đầu thực thi chính sách hòa hợp, MacAthur lập tức ra lệnh phóng thích những tội phạm chính trị, trong đó có rất nhiều đảng viên Cộng sản, bị chính phủ Nhật giam giữ trong một thời gian dài. Để cấp tốc giải quyết nạn đói, đề phòng những bất ổn xã hội do tình trạng đói kém và thiếu thốn gây ra, MacArthur kiến nghị chính phủ Mỹ phải hỗ trợ Nhật Bản, thế là 3,5 triệu tấn lương thực và 2 tỷ đôla tức tốc được gửi đến Nhật.

Không chỉ phân phát lương thực cho các hộ dân, MacAthur còn ra lệnh thực hiện chương trình ăn trưa cho học sinh tại các trường học, nghiêm cấm quân Mỹ không được ăn thực phẩm của dân Nhật. Chương trình cứu trợ với thực phẩm Mỹ đã giúp Nhật tránh được nạn đói mùa đông năm 1945.

Tướng Douglas MacArthur (mang kính râm, ngậm tẩu) thị sát sân bay quân sự Atsugi gần Tokyo.

Khoảng 400.000 lính Mỹ khi đặt chân lên đất Nhật được lệnh phải tôn trọng phong tục tập quán địa phương và giúp đỡ người dân. Chẳng hạn, khi vào nhà dân phải cởi giày để ở bên ngoài, đứng điều khiển giao thông, trước các trạm xe đông đúc. Không bừa bãi xâm phạm phụ nữ Nhật.

Vốn đã ăn sâu vào đầu cách hành xử của kẻ thắng cuộc, nhiều phụ nữ Nhật lúc ấy không thể không kinh sợ chuyện bị lính Mỹ hãm hiếp nên họ hè nhau cắt tóc ngắn, ăn vận như đàn ông khi đi ra ngoài. Bị đàn ông, lại là những người đàn ông ngoại bang xâm hại thì còn gì nhục nhã hơn nên có nhiều người đã giắt theo bên mình những viên thuốc độc, phòng khi bị cưỡng hiếp thì họ sẽ uống thuốc độc quyên sinh.

Vào ngày 11-10-1945, Thống tướng MacArthur tuyên bố bỏ lệnh cấm báo chí, Nhật Bản được tự do thông tin và tự do ngôn luận. Ngày 22-12-1945, ban hành "Luật Công hội", giai cấp công nhân thực sự có tổ chức của mình.

Ngay từ Hội nghị Potsdam diễn ra vào đầu năm 1945, MacArthur đã nêu ý kiến: Để đạt mục đích dân chủ hóa nước Nhật thì nhất thiết phải sửa đổi Hiến pháp Minh Trị ban hành từ năm 1889. Khi nói câu đó, ông không ngờ rằng, trách nhiệm này cuối cùng đã được trao vào tay ông, và trên thực tế, chỉ sau đó gần một năm, văn phòng của ông đã viết ra một bản hiến pháp hoàn toàn mới cho Nhật Bản hiệu lực cho đến ngày nay.

Từ cuối tháng 1-1946, phía Nhật Bản đã soạn ra một dự thảo hiến pháp, nhưng MacArthur không chấp nhận, coi đó chẳng qua chỉ là một thứ "bình cũ rượu pha" của Hiến pháp Minh Trị. Ngày 3-2-1946, MacArthur chỉ thị cho Tổng bộ Liên minh khởi thảo Hiến pháp Nhật Bản sao cho kịp xong trước phiên họp ngày 26-2-1946 của quân Ðồng minh bởi ông không muốn các nước Ðồng minh khác nhúng tay vào nội tình nước Nhật.

Thừa lệnh MacArthur, thiếu tướng kiêm luật sư Courtney Whitney đã thành lập một hội đồng gồm 25 người phải thảo ra hiến pháp mới của Nhật Bản trong vòng một tuần. Những người trực tiếp chấp bút cho bản dự thảo hiến pháp này là thiếu tướng Whitney, trung tá kiêm luật sư Milo Rowell và nữ thông dịch viên Mỹ gốc Do Thái Beate Sirota Gordon.

Chính phủ Mỹ truyền đạt nguyên tắc chế định hiến pháp cho tướng MacArthur là: Chính phủ Nhật Bản phải do toàn thể cử tri trao quyền và phải chịu trách nhiệm trước toàn thể cử tri. Ngày 3-5, quân liên minh đưa ra Bản dự thảo Hiến pháp.

Ngày 7-10, Quốc hội Nhật Bản thông qua và ngày 3-11-1946, Thiên hoàng cho ban hành Tân Hiến pháp (mà nhiều người khi đó gọi là 'Hiến pháp MacArthur' bởi người Mỹ đóng vai trò chủ chốt trong việc soạn thảo ra nó) khác hoàn toàn với hiến pháp thời Thiên hoàng Minh Trị.

Những thay đổi quan trọng nhất trong Hiến pháp Nhật Bản năm 1946 bao gồm: Chủ quyền đất nước thuộc về quốc dân chứ không phải Thiên hoàng. Thiên hoàng là biểu tượng cho sự đoàn kết và văn hóa Nhật, nhưng không mang quyền lực chính trị thực tế. Thiên hoàng chỉ được tiến hành các hành vi liên quan đến việc nước theo quy định của bản hiến pháp này và Thiên hoàng không có quyền lực liên quan tới chính phủ.

Quốc hội Nhật là cơ quan chính trị có quyền lực cao nhất, thành viên quốc hội là những người được bầu cử tự do. Phụ nữ được hưởng thêm nhiều quyền mới, trong đó có quyền bầu cử (bình đẳng giới được nâng lên mức cao nhất so với tất cả các bản hiến pháp trước đó).

Chính quyền các địa phương được củng cố để tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia vào các sinh hoạt chính trị. Công dân có thêm nhiều quyền dân sự mới, trong đó bao gồm quyền tự do ngôn luận, quyền lực của cảnh sát được giảm bớt và được kiểm soát chặt chẽ…

Và cuối cùng, điều 9 Hiến pháp ghi: "Nhân dân Nhật không sử dụng chiến tranh để áp đặt lên nước khác uy quyền của mình và không dùng vũ lực trong các vụ tranh chấp với các nước khác". Theo đó, Nhật không được phép duy trì quân đội hoặc tham gia vào bất kỳ cuộc chiến nào, chỉ được thành lập Lực lượng phòng vệ quốc gia.

Ngày 21-10-1946, Quốc hội Nhật Bản thông qua "Luật Cải cách ruộng đất". Chính phủ Nhật Bản mua lại đất đai dư thừa của giới địa chủ, sau đó bán đất lại cho nông dân không có ruộng. Với những nông dân không có tiền mua đất, chính phủ cho vay thế chấp. Tất cả diễn ra không đổ một giọt máu, một mạng người, những người nông dân ai nấy đều có được một phần đất cho mình.

Khi hay tin mình sẽ bị xử tử, để không bị ô nhục, Thủ tướng thời chiến Hideki Tojo dùng súng lục bắn vào tim.

Thống tướng Douglas MacArthur được phần đông phụ nữ Nhật xem như một "Shogun" - "sứ quân da trắng mắt xanh" mang lại cho họ quyền bình đẳng giới. Nếu như trong quá khứ, phụ nữ Nhật từng không được đi học, nhiều người không biết đọc, biết viết hoặc nếu họ được đi học thì cũng không được học Hán tự - thứ ngôn ngữ từng được xem là "tài sản trí tuệ" của tầng lớp quý tộc. Ngay từ trong Hiến pháp 1946, ông quy định "phụ nữ được quyền đi học". Ông mở thêm hàng chục trường đại học dành riêng cho phụ nữ.

Sau đó, trong Luật Lao động, ông góp phần đưa ra quy định trả lương công bằng cho phụ nữ. Trong Luật Bất động sản, phụ nữ được đứng tên cùng chồng với những tài sản mua sau hôn nhân và tài sản được chia trong trường hợp ly dị. Phụ nữ cũng được đảm bảo toàn bộ quyền giám hộ con cái nếu hai vợ chồng chia tay. Nhờ những thay đổi đó, vị trí của phụ nữ Nhật trong gia đình và xã hội đã được cải thiện đáng kể.

Trước khi nổ ra Thế chiến thứ II, Nhật đã là một nước công nghiệp với hệ thống kinh tế, chính trị có những nét giống như các nước Phương Tây với những "Zaibatsu"- trong tiếng Nhật nghĩa là tập đoàn tài chính - do tư nhân làm chủ và kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như khai thác quặng mỏ, luyện thép, chế tạo máy móc, chế tạo vũ khí, buôn bán với các nước.

Một số Zaibatsu này là cơ sở kinh tế của tầng lớp chủ chiến tại Nhật. Chế độ chính trị Nhật cũng phát triển theo quy luật hạ tầng cơ sở chi phối thượng tầng kiến trúc với các công ty lớn có liên hệ với các đảng chính trị và các đảng này tranh đấu cho quyền lợi của các công ty có thành viên trong quốc hội.

Thời chiến, các Zaibatsu cùng các đảng phái chính trị và giới quân phiệt chủ trương dùng chiến tranh bành trướng để chiếm các vùng có nhiều quặng mỏ, nhiêu liệu. Số công ty lớn đáng được gọi là Zaibatsu có đến hàng chục; trong đó 4 Zaibatsu lớn nhất là Mitsubishi, Sumitomo, Misui và Yasuda. Các công ty này đã hiện diện hàng chục năm, từ khi Minh Trị Thiên Hoàng canh tân nước Nhật vào thập niên 1860. Hãng Mitsubishi cũng chế tạo khí giới, bom đạn để phục vụ cho chiến tranh.

"Sứ quân da trắng mắt xanh" ra lệnh giải tán 16 Zaibasu, trong số đó có 4 Zaibasu lớn nhất, 26 Zaibatsu được tái cấu trúc lại để trở thành hàng trăm công ty nhỏ. Mục đích của việc tái cấu trúc là để xóa bỏ ảnh hưởng của những thành phần chủ chiến trong xã hội Nhật, từ lĩnh vực chính trị cho đến kinh tế, văn hóa chứ không chỉ giới hạn trong việc đem xét xử những người lãnh đạo chiến tranh trong quân đội và chính phủ mà thôi. Cùng với đó là việc ban hành Luật Tản quyền và Kinh doanh công bằng; luật này nhằm mục đích giảm bớt việc tập trung nguồn lợi kinh tế vào tay một nhóm người.

Nói chung, Mỹ không tìm cách làm cho kinh tế Nhật suy yếu đi khi giải tán các công ty lớn mà chỉ tìm cách xóa bỏ ảnh hưởng của các thành phần chủ chiến, muốn Nhật có một nền kinh tế thịnh vượng phát triển trong khung cảnh hòa bình. Nền kinh tế thịnh vượng đem lại công ăn việc làm cho người dân sẽ giảm bớt số người nghèo khổ bất mãn, thấy cuộc đời mình bị bế tắc sẽ gia nhập các phong trào chính trị cực đoan, chủ trương dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề xã hội.

Như bài trước đã đề cập, ngay từ ban đầu, bất chấp sự phản đối từ đại diện các nước Đồng minh khác, MacArthur từ chối trừng phạt Nhật hoàng Hirohito. Ngày 6-12-1945, được lệnh của Tổng thống Mỹ Harry S. Truman, người đứng đầu Tòa án tối cao Mỹ khi đó là Thẩm phán Joseph Keenan đã cùng 40 luật sư đến thủ đô Tokyo. 2 ngày sau, Joseph Keenan thành lập một cơ quan điều tra và xét xử các tội phạm chiến tranh tại Nhật (IPS). 23 nhân vật lãnh đạo cao cấp của Nhật đã bị bắt và bị khởi tố với tội danh "Tội phạm chiến tranh".

Cả hoàng cung Tokyo như trải qua một cơn địa chấn trước tin Thiên hoàng có tên trong danh sách tội phạm chiến tranh. Nhưng Thiên hoàng Hirohito vẫn bình tĩnh tự nhận mình là người phải chịu trách nhiệm trước một loạt các chiến dịch quân sự của quân đội Nhật Bản sau chiến thắng Trân Châu Cảng và đã không ngăn chặn quân đội Nhật tiến đánh Trung Quốc năm 1937.

Thiên hoàng Hirohito nói với cố vấn thân cận của mình là Koichi Kido về việc thoái vị, xem đó như hành động tự chịu trách nhiệm trước đại thần và quân đội Nhật. Tư lệnh tối cao của quân đội Nhật đã kịch liệt phản đối vì cho rằng, trong lịch sử Nhật Bản, chưa từng có tiền lệ Thiên hoàng thoái vị.

Tháng 3-1946, Thiên hoàng Hirohito đã mời Terasaki Hidenari, đại sứ Nhật Bản tại Mỹ, dự yến tiệc tại hoàng cung, chủ đích là muốn biết ý kiến của tướng Douglas MacArthur đối với việc thoái vị của ông. Câu trả lời mà vị vua này nhận được là: "Mỹ và quân Đồng minh luôn coi Thiên hoàng Hirohito như một người bạn thực sự".

Cũng theo tiết lộ của đại sứ Terasaki Hidenari, tướng MacArthur đã gửi một bức điện khẩn cho Dwight D.Eisenhower - Tổng tham mưu trưởng quân đội Đồng minh - để biện hộ cho những hành động của Thiên hoàng Hirohito khi ông bị buộc tội.

Trong bức điện, vị tướng này có nhắc tới những cụm từ như: "Thiên hoàng tượng trưng cho sự đoàn kết của Nhật Bản… Nếu như Thiên hoàng thoái vị, sẽ gây ra một cuộc hỗn loạn lớn chưa từng có…". Nhờ bức điện này của Thống tướng Douglas MacArthur, IPS đi đến kết luận: "Không có bất kỳ lý do nào để quy tội ác chiến tranh cho Thiên hoàng Hirohito, bởi vì ông không phải là người ra quyết định phát động chiến tranh".

Quang Hiếu (lược dịnh từ quyển “Hồi tưởng” - Reminiscences - của Douglas MacArthur).
.
.