Vượt ngục đêm cuối năm

Thứ Ba, 02/02/2016, 10:25
Cuối năm 1932, thực dân Pháp ra sức đàn áp phong trào cách mạng săn bắt các chiến sĩ cộng sản và quần chúng cách mạng, chúng thực hiện biện pháp “bắt nhầm còn hơn bỏ sót”.


Các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Lương  Bằng, Nguyễn Tạo cùng nhiều đồng chí cán bộ cách mạng khác của Đảng bị giặc Pháp bắt và giam cầm tại nhà tù Hỏa Lò (Maison central), song không thể cam chịu cảnh chim lồng cá chậu này các đồng chí đã bí mật bàn kế hoạch vượt ngục về với Đảng với dân để tiếp tục hoạt động, chỉ đạo phong trào cách mạng.

Sau khi khảo sát nhà tù, thấy việc vượt ngục tại Hỏa Lò là rất khó khăn, nguy hiểm, vì vậy chỉ có cách là giả vờ lâm bệnh nặng, để được đưa sang nằm ở Nhà thương Phủ Doãn (Bệnh viện Việt Đức ngày nay), rồi tìm cách trốn tại bệnh viện là an toàn và có khả năng thực hiện nhất. Nhưng ở Nhà thương Phủ Doãn, các tù nhân bị ốm đưa sang đây cũng bị canh chừng cẩn mật, bị giam tại  một phòng riêng, các cửa sổ đều có chấn song kiên cố không kém gì Hỏa Lò.

Tác giả (thứ hai từ phải sang) tại Lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Trọn đời theo đảng” do sở VHTT TP Hà Nội - Ban quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò tổ chức, ngày 20-1-2016.

Vì vậy, nhóm vượt ngục thống nhất, phải chuẩn bị một phương án đề phòng những tình huống nhỏ nhất có thể gặp phải. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng vận động đồng chí Hào Lịch, là đảng viên xuất thân từ một gia đình khá giả lo giúp cho khoản tiền chi tiêu khi vượt ngục, thẻ thân… nếu không có giấy tờ tùy thân để xuất trình khi bị bọn mật thám, cẩm cò, tuần đinh… kiểm tra.

Danh sách vượt ngục lúc đầu dự kiến 10 người, trong số đó có đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Chí Hiền (Xứ ủy viên), Nguyễn Tuấn Thức (tức Thức “voi”). Nhưng bất ngờ đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Thức bị chúng tống giam sang xóm xà lim, vì nghi các đồng chí tổ chức “diễn kịch” nhân ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga và lãnh đạo tù nhân đấu tranh. Còn đồng chí Hiền đang nằm chờ ở Nhà thương Phủ Doãn trước đó lại bị địch chuyển trở lại nhà tù Hỏa Lò, vì vậy 3 đồng chí đành phải ở lại.

Các đồng chí còn lại gồm: Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tạo, Hào Lịch, Lê Đình Tuyển, Nguyễn Trọng Đàm, Bùi Xuân  Mẫn và Võ Duy Cương vẫn tiếp tục thực hiện  kế hoạch vượt ngục như đã bàn. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng trao đổi với đồng chí Nguyễn Tạo, trước mắt phải khôn khéo bố trí 5 đồng chí ra Nhà thương Phủ Doãn trước để chuẩn bị. 5 đồng chí được chọn ra trước phải tự tạo cho mình một căn bệnh hiểm nghèo để y tế nhà tù phải chuyển ra nhà thương chữa bệnh. Về khoản này, các đồng chí tỏ ra có nhiều kinh nghiệm, đã nhịn ăn mấy ngày liền cho người gầy gò, hốc hác, khi y tá đến thì giả vờ lên cơn đau quằn quại.

Đồng chí Nguyễn Trọng Đàm, Bùi Xuân Mẫn thì ho sù sụ, khạc ra đờm lẫn máu rồi nói là ho lao, đồng chí Tạo thì nín thở, khi y tế đến khám thấy nhịp tim không đều, đứt quãng, khai là suy tim cấp, đồng chí Hào Lịch, đồng chí Lê Đình Tuyển đập phá, la hét, khi y tá đến khám khai là bệnh “loạn thần kinh” bị bệnh tâm thần… Với cách đó cả 5 đồng chí đã được y tế nhà tù cấp giấy cho ra Nhà thương Phủ Doãn chữa bệnh.

Tại Nhà thương Phủ Doãn chung giam các đồng chí cách biệt với mọi người, có lính canh phòng cẩn mật, đi lại rất khó khăn, cửa luôn luôn khóa chặt, chỉ khi nào đến giờ khám bệnh, phát thuốc mới có người đến mở…

Đồng chí Lê Đình Tuyển là người giả “điên”, địch giam riêng một phòng, nhưng lại đối diện với phòng đồng chí Quỳ điên thật. Suốt ngày hai anh la hét đập phá làm cho bọn chúng cũng không chịu được, ảnh hưởng đến mọi người trong bệnh viện. Hai đồng chí Tuyển-Quỳ đối diện nhau lúc nào cũng ném đất đá sang nhau, thậm chí bốc cả phân của mình để ném…

Thấy không ổn, sợ ảnh hưởng đến cuộc vượt ngục của cả nhóm, các đồng chí còn lại nảy sáng kiến góp ý với bọn lính, cần cách ly hai người ra, nếu không họ sẽ đập phá, trêu trọc nhau làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Thấy có lý, địch đã chấp thuận. Hàng ngày anh Tuyển giả điên la hét, đập phá để át tiếng cưa sắt. Lưỡi cưa này do đồng chí Trịnh Thị Điền gửi vào. Thấy anh Tuyển vất vả, đồng chí Nguyễn Tạo, Nguyễn Trọng Đàm, Hào Lịch thay phiên nhau bí mật sang giúp đồng chí Tuyển cùng cưa song sắt.

Trong khi đó, ở nhà tù Hỏa Lò, các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Võ Duy Cương cũng “tạo bệnh” không ăn uống gì đã 5 ngày mà địch không chịu cho ra nhà thương điều trị. Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Lương Bằng bàn với đồng chí Võ Duy Cương phải đấu tranh với địch bằng cách giả “cắt cổ tự tử” để phản đối chế độ hà khắc của nhà tù thực dân, không cho người tù bị ốm nặng đi nhà thương chữa trị. Anh em hô hoán có hai người cắt cổ, chúa ngục chạy đến thấy máu chảy đỏ cả áo, người còn thoi thóp liền lệnh cho y tá và giám thị đưa đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Võ Duy Cương lên xe bò để kéo ra Nhà thương Phủ Doãn.

Thế là 7 đồng chí dự kiến vượt ngục đã tập trung đủ tại Nhà thương Phủ Doãn đúng  vào thời gian như đã dự kiến, chỉ đợi thời cơ thích hợp là “vượt ngục”.

Đêm Noel 24-12-1932, lợi dụng mọi người đi dự lễ Chúa Giáng sinh ở Nhà thờ lớn và vui chơi đêm Noel, 7 đồng chí mau lẹ bẻ song sắt chỗ đã cưa sẵn chui ra, trèo tường, vượt qua hàng rào dây thép gai của bệnh viện, nhảy ra ngoài, hòa vào dòng người đi dự lễ nhà thờ… Biết địch sẽ truy lùng ráo riết, các đồng chí đã nhanh ý để lại “lá thư” nhằm đánh lạc hướng địch: “Ở ngoài đã chuẩn bị sẵn sàng, các đồng chí ra có xe ôtô đón, đưa lên biên giới”…

Ra khỏi bệnh viện, các đồng chí Nguyễn Tạo, Nguyễn Trọng Đàm, Hào Lịch, Bùi Xuân Mẫn, Lê Đình Tuyển thuê xe tay đến phố Bạch Mai, rồi tìm đường đi về Hà Nam. Còn đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Võ Duy Cương đi ra bến đò Tứ Tổng, tìm đường về Vĩnh Yên.

Trời mùa đông giá rét, 5 đồng chí trong  nhóm đồng chí Nguyễn Tạo, không dám đi trên đường cái, mà phải băng hết cánh đồng ngập nước này đến đồng ngập nước khác. Đêm đi, ngày chui vào các lùm cây giữa đồng để ẩn nấp. Suốt hai ngày ba đêm, 5 đồng chí mới có mặt tại Phủ Lý, bắt được liên lạc với cơ sở. Sau đó, các đồng chí chia nhau mỗi người về một địa phương, để tiếp tục hoạt động.

Còn nhóm của đồng chí Nguyễn Lương Bằng về đến Vĩnh Yên, do sơ suất, đồng chí Võ Duy Cương đã bị bắt trở lại. Còn đồng chí Nguyễn Lương Bằng cải trang thành một tá điền về sống ở ấp Đại (Hải Dương) cùng nhân dân làm ruộng, xây dựng cơ sở hoạt động cách mạng, để bắt liên lạc với Đảng.

Tin 7 tù nhân cộng sản bị giam ở Hỏa Lò vượt ngục tại Nhà thương Phủ Doãn đêm Noel đã làm cho địch vô cùng tức tối. Chúng ra lệnh vây ráp, truy nã khắp nơi, thông báo dán ảnh, đăng tin trên báo chí. Đồng thời chúng treo giải thưởng ai bắt được tù cộng sản vượt ngục sẽ được thưởng to. Chánh tổng, lý trưởng ở địa phương nào bắt được tù trốn sẽ thăng quan, tiến chức. Nhưng nhân dân địa phương nơi anh em đến đều tìm cách che giấu, nuôi dưỡng mà không hề sợ bị liên lụy đến bản thân và gia đình mình.

Cuộc vượt ngục thắng lợi đã làm chấn động toàn cõi Đông Dương và cả nước Pháp. Từ kinh nghiệm của cuộc vượt ngục này, một sự trùng hợp lý thú - đã xảy ra, tròn 20 năm sau, cũng tại nhà tù Hỏa Lò, 16 đồng chí tử tù đã vượt ngục đúng vào đêm Noel ngày 24-12-1951.

Nhiều chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đã nằm lại vĩnh viễn chốn lao tù góp phần máu xương cho nền độc lập tự do, nhưng cũng không ít đồng chí đã từ đây bước ra làm rạng danh non sông đất nước.

Nguyễn Đình Cần (Phó trưởng ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày Hỏa Lò 1930-1954)
.
.