Vụ bắt cóc xe chở học sinh chấn động dư luận

Thứ Năm, 24/10/2019, 11:25
Buổi chiều muộn đó, ngày 15 tháng 7 năm 1976, một gã đàn ông đeo mặt nạ đã leo lên chiếc xe buýt đưa đón học sinh của trường tiểu học Dairyland ở Chowchilla (tiểu bang California) vừa kết thúc ngày học cuối cùng trong mùa hè.

Chương trình hè của trường Dairyland rất vui nhộn với nhiều hoạt động thủ công và bơi lội tại hồ bơi cộng đồng. Tất cả chúng leo lên chiếc xe buýt số 1 của trường Dairyland và cất tiếng chào tài xế Frank Edward Ray. Monica Ardery, 5 tuổi, là học sinh nhỏ tuổi nhất. Mike Marshall, 14 tuổi, là học sinh lớn tuổi nhất. Lũ trẻ trên xe thuộc đủ các cấp học, tất cả có 26 em.

Âm mưu bắt cóc học sinh

Khi gã đeo mặt nạ chĩa khẩu súng và ép bác tài Edward Ray ra đuôi xe, lại có 2 kẻ khác tham gia vào vụ việc. Ba tên nhắc nhở đám học sinh rời các hàng ghế trước. 

Monica Ardery và các bạn học không hề hay biết rằng họ phải di chuyển suốt 11 tiếng tới một mỏ đá, nơi đám học sinh bị ép leo vào bên trong một cái xe tải được chôn trong đống đất bẩn. Những đứa trẻ trở thành nạn nhân của một trong những vụ bắt cóc lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Xe buýt chở 26 học sinh của trường tiểu học Dairyland, thành phố Chowchilla (California) bị những kẻ bắt cóc giấu trong rừng. Ảnh nguồn: Los Angeles Times.

Trước khi các bức ảnh của những học sinh được liệt kê rầm rộ trên báo chí khắp nước Mỹ, 2 anh em Richard và James Schoenfeld cùng tay bạn Fred Woods cùng trang lứa giữa tuổi 20 đang bước tới giữa một giao lộ. James và Fred Woods tốt nghiệp trong cùng năm. 

Bộ ba xuất thân từ các gia đình giàu có ở khu vực vịnh San Francisco. Cha của 2 anh em nhà Schoenfeld là một bác sĩ. Người cha của Fred Woods làm chủ một bất động sản và nhiều cơ sở kinh doanh, bao gồm mỏ đá California và mỏ đá Gravel (Livermore, California). 

Dù gia đình giàu có, song không có ai trong 3 gã thanh niên đi đúng quỹ đạo của họ. James Schoenfeld tự đi làm để có tiền học đại học. Cha của James cho gã tiền mua chiếc “xế hộp” Jaguar nhưng gã không biết đào đâu ra tiền để mua bảo hiểm và đành bán xe. James còn đầu tư mua nhà nhưng thất bại, mất toi 30.000 USD.

Bộ ba cố gắng xoay tiền để thoải mái chi tiêu theo ý muốn, nhưng thảy đều thất bại. Khi James ngó thấy hàng xóm có nhiều tiền, tâm tà hắn liền nổi lên. Y nghĩ chỉ có hành động nào đó táo bạo mới có nhiều tiền để xài. Một thời gian trước đó, bộ ba rủ nhau kinh doanh phim ảnh. Chúng nghĩ ra cách dựng một bối cảnh sao cho đúng một “tội ác hoàn hảo”. 

Có lúc, cả 3 nghĩ rằng ý tưởng đó có thể hái ra tiền miễn sao làm cho nó giống y như thật. Sau đó, James sực nhớ rằng tiểu bang California có một khoản thặng dư trị giá 1 tỷ USD. Hắn tự nhủ rằng chính quyền có thể tiết kiệm được số tiền 5 triệu USD nếu đảm bảo an toàn cho trẻ em. Chúng âm mưu sẽ đánh cắp một chiếc xe buýt học sinh, sử dụng ngay mỏ đá của cha Woods để “cầm tù” các học sinh cho đến khi nhận được tiền chuộc.

Sau này James nhớ lại rằng bộ ba chọn học sinh tiểu học vì chúng ít sức kháng cự. Frank Ray (biệt danh “Ed”) có nghề làm nông, nhưng cũng kiêm luôn nghề lái xe buýt bán thời gian trong suốt 23 năm. Buổi chiều định mệnh, Frank Ray lái chiếc xe buýt chở học sinh đi theo đại lộ 21 ở thành phố Chowchilla, và nhìn thấy một cái xe tải nhỏ màu trắng đang đậu ở đó. 

Có ai đó vẫy tay từ xe tải nhờ Frank Ray giúp đỡ. Trước khi Frank Ray định xuống xe thì bỗng đâu xuất hiện một gã đeo mặt nạ và chĩa súng đe bác tài phải mở cửa xe buýt. Khoảng 15 phút sau khi lên xe, đám người lạ mặt yêu cầu bác tài Frank Ray chạy xe vào một bụi cây to. 

Bác tài Ray và đám học sinh được lệnh rời xe buýt đi lên 2 chiếc xe tải, cái xe buýt học sinh bị bỏ lại phía sau. Toàn bộ cửa sổ trong 2 chiếc xe tải đã bị bôi đen thui khiến đám học sinh không biết chúng được đưa đi đâu.

Bị cầm tù trong mỏ đá

Đám học sinh lờ mờ cảm nhận chúng được chở đi rất xa. 1 tiếng trôi qua, rồi 4 tiếng. Vào lúc 2 chiếc xe tải dừng, bọn trẻ mới hay chúng đã đi suốt 11 tiếng đồng hồ mà không được uống nước hay sử dụng phòng tắm. Những học sinh lớn cố gắng an ủi các em bằng cách ca hát. Khi bọn trẻ nhoài đầu ra khỏi xe và nhìn thấy thứ hiện ra trước mắt, cả bọn bắt đầu la hét om sòm. 

Từng đứa một phải đi xuống một cầu thang chui xuống lòng đất. Bên dưới mỏ đá có một chiếc xe tải đang chuyển động và có một cái cửa mở ở phía trên. Đám học sinh không thể nào xé rách các bức tường kim loại để thoát ra ngoài, cũng như vô hình trước người khác. 

Ba gã thanh niên yêu cầu lũ trẻ nói tên, địa chỉ, số điện thoại nhà và một mẫu quần áo nhỏ, trong trường hợp của Mike Marshall là một cái mũ lưỡi trai. Trong mỏ đá có để sẵn những cái nệm nhỏ, chút đồ ăn và nước uống.

Dồn bác tài Frank Ray cùng với đám học sinh trong hầm đá, bộ ba gian ác đã rút cái thang và kéo một tấm sắt để đậy lối đi xuống. Tiếp đó chúng đổ thêm đất bẩn lên tấm sắt để che đậy dấu tích. Rồi thì bộ ba tỉnh bơ lái xe đi. Đó là lúc 3 giờ 30 phút sáng. Chiếc xe buýt đưa rước học sinh bỗng dưng mất tích khiến cho cả thành phố nhỏ Chowchilla lên cơn hoảng loạn. Cảnh sát rối bời. 

Các hung thủ tham gia bắt cóc học sinh. Nguồn: Mercury News.

Người ta cho rằng đích thị bọn “khủng bố” ra tay, nhưng chỉ có 5.000 dân ở Chowchilla lúc đó, nên khó có thể là mục tiêu của khủng bố? Không để cho sự cuồng hãi bị kích động, cảnh sát cho biết họ sẽ điều tra vụ án một cách nghiêm túc nhất.

Chiếc xe buýt học sinh được tìm thấy lúc 7 giờ 30 phút tối trong đêm 15 tháng 7 ngay trong bụi cây. Trong xe buýt, cảnh sát không tìm thấy bất kỳ mẫu máu hay bằng chứng của trò chơi khăm nào. Những con đường gần đó, cảnh sát đã tìm thấy những mẫu quần áo nằm rải rác, đây có vẻ như một nỗ lực nhằm đánh lạc hướng cuộc điều tra.

Từ đêm thứ Sáu cho đến cả ngày thứ Bảy, các bậc phụ huynh “sốc” toàn tập. Mạng điện thoại địa phương bỗng dưng bị nghẽn mạch do quá nhiều cú gọi đến từ khắp các ngả. Những kẻ bắt cóc cũng xui xẻo khi không thể gọi điện thoại cho cảnh sát để tống tiền như kế hoạch đã vạch ra. 

Đinh ninh rằng lũ trẻ và tài xế mệt nhoài sau chặng hành trình dài 100 dặm đến Livermore sẽ không thể chui ra khỏi hầm đá, bọn bắt cóc liền yên trí đi ngủ. Nhưng trong chiếc xe tải dưới hầm đá, mọi thứ thật khủng khiếp. Bọn bắt cóc đã đặt các hệ thống thông hơi và quạt để giữ cho không khí lưu thông, nhưng đột nhiên chúng ngừng hoạt động. Chiếc xe tải ngợp ngụa mùi nước tiểu. 

Thức ăn chỉ đủ cho 1 bữa. Bác tài Frank Ray cố sức an ủi, dỗ dành lũ trẻ phải hết sức bình tĩnh, nhưng thật khó khăn. Trong hơi nóng mùa hè ngột ngạt ở California, nhiệt độ bên trong chiếc xe tải tăng lên ngột ngạt.

Hàng giờ trôi qua, lũ trẻ bắt đầu kiệt sức. Như các bạn học khác, Mike Marshall mệt mỏi, đói khát và sợ hãi. Tài xế Frank Ray bắt đầu do dự. Marshall nhờ các bạn xếp chồng các tấm nệm lên nhau lên gần miệng cửa hầm phía trên đầu để có thể với tới nó. Sử dụng một thanh gỗ lấy ở trong hầm, Marshall bắt đầu đặt thanh gỗ giữa khoảng hở giữa xe tải và tấm sắt che đậy miệng hầm đá. 

Marshall cố gắng bặm môi dùng các ngón tay để dịch chuyển tấm sắt, và nhờ các bạn cùng bác tài Frank Ray tiếp sức với mình. Sau nhiều giờ vật lộn mệt mỏi, cuối cùng Marshall cũng ló đầu lên khỏi mặt đất, nhìn thấy ánh hoàng hôn lúc 7 giờ 30 phút ngày thứ Bảy. 

26 học sinh bị “chôn sống” đúng 27 tiếng đồng hồ. Lũ trẻ thi nhau leo lên “thang nệm” và nhờ bác tài Ray bế thốc lên mặt đất. Marshall chạy vào rừng, cậu tự tách mình ra khỏi nhóm bạn và tìm ai đó giúp đỡ.

Trừng phạt

May thay, họ gặp được một người đi rừng. Chẳng mấy chốc, các bậc phụ huynh từ chốn tăm tối nhất đã vụt thấy ánh sáng huy hoàng. Tất cả 26 học sinh và bác tài Frank Ray đều sống sót và không ai bị thương. Nỗi sợ biến đâu mất, nhường chỗ cho cơn giận dữ ngút trời. Đám đông thề bắt bằng được thủ phạm. Bác tài Frank Ray đã nhớ lại biển số một trong 2 chiếc xe tải dùng để chở các nạn nhân vào mỏ đá, thậm chí ông còn có thể nhớ hết số trên biển chiếc xe còn lại. 

Xâu chuỗi các số biển xe, nhà chức trách đã tìm thấy những chiếc xe tải đậu trong nhà kho Jose vốn do gia đình Woods cho thuê, mà người cha lại là chủ mỏ đá. Lùng kiếm ngôi nhà của ông Woods, cảnh sát tìm thấy một tờ giấy đòi tiền chuộc. 

Nhưng bọn bắt cóc biến đâu mất tiêu: chúng đã nghe ngóng biết âm mưu bị bại lộ khi vừa thức giấc. Rất nhanh chóng, một cuộc tầm nã quy mô quốc gia nhắm vào Richard và James Schoenfeld cùng Fred Woods, những kẻ có súng và khá nguy hiểm.

Các nhà báo đến căn hầm ở mỏ đá nơi các nạn nhân từng bị nhốt bên dưới. Ảnh nguồn: Los Angeles Times.

Nhận thấy không còn đường thoát khi báo chí cả nước đăng lệnh truy nã bọn bắt cóc, Richard Schoenfeld quyết định quay về đầu thú chỉ sau 1 tuần chạy trốn. Vài ngày sau, James Schoenfeld bị tóm ở thành phố Menlo Park (quận San Mateo, California) sau khi ai đó thấy y đang lái xe tải. Fred Woods bị tìm thấy ở Vancouver. Cả 3 gã thanh niên đều phạm tội bắt cóc tống tiền như là một phần của thỏa thuận nhằm giảm 18 tội danh cướp tài sản. 

Chúng giữ nguyên lời khai không thừa nhận việc tự bắt cóc với tổn hại thân thể. Công tố viên David Minier phải thuyết phục Thẩm phán tòa án tối cao Leo Deegan rằng tội ác diễn ra có gây hại cơ thể vì có 3 học sinh được báo cáo rằng đã bị buồn nôn, chảy máu cam và ngất xỉu. Lời buộc tội là 3 kẻ bắt cóc phải chịu án chung thân trong tù mà không được đặc xá. Cả 3 bị cáo bị tuyên có tội, mỗi tên nhận mức án 27 năm tù tương ứng với số nạn nhân. 

Đối với tài xế xe buýt Frank Ray và các bậc phụ huynh nghe có vẻ như công lý đã được thực thi. Sau tất cả việc hồi phục sức khỏe tâm thần cho các học sinh nạn nhân là không hề dễ dàng. Suốt nhiều thập niên và trong nhiều trường hợp, các học sinh nạn nhân ở thành phố Chowchilla thường đối mặt với nỗi lo âu và cả nhiều đêm trường ác mộng. Các học sinh đã bị nhốt trong bóng tối suốt 16 tiếng. Rõ ràng, vụ án đã để lại ký ức đen vĩnh viễn. Thế rồi lại xảy ra một sự việc không ngờ. 

Năm 1980, một phiên tòa phúc thẩm đã xác định rằng thẩm phán đã sai khi tuyên bố tội ác có bao gồm thương tổn cơ thể. Các chứng chảy máu cam, buồn nôn, ngất xỉu đều không phải là “thương tích cơ thể”. Những kẻ bắt cóc vẫn đang “bóc lịch”, nhưng lần này thì nghe có vẻ như chúng sẽ được đặc xá. Trước đó, đã hàng chục lần mỗi tên bắt cóc đều bị từ chối phóng thích.

Năm 2012, Richard Schoenfeld được thả. Người em trai của hắn là James cũng rời nhà tù vào năm 2015. Chỉ còn lại Fred Woods, do không ăn năn cải tạo nên vẫn còn ở tù. 

Năm 2017, vụ kiện đã được đưa ra hòa giải dù không có thông báo công khai nào được đưa ra. Ra tù, hai anh em Richard và James Schoenfeld chuyển tới sống với người mẹ già 93 tuổi. Tù nhân Fred Woods vừa có một phiên điều trần đặc xá khác vào ngày 8 tháng 10 năm 2019.

Những nạn nhân ngày nào giờ đã là người lớn, họ luôn có cảm giác ngột ngạt, thường mở đèn ngủ, và cự tuyệt cho con đi học bằng xe buýt trường học. Hơn 40 năm qua họ vẫn không thể quên ký ức khủng khiếp. 

Tài xế Frank Ray quay trở lại trường Dairyland để tiếp tục làm việc chỉ 2 tháng sau vụ việc, tiếp tục lái xe buýt số 1. Dù Ray không coi mình là anh hùng khi cứu giúp lũ trẻ, nhưng ông vẫn được đích thân Tổng thống Gerald Ford viết thư tán dương. Frank Ray tạ thế năm 2012 ở tuổi 91.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.