Nữ hoàng Anh từ chối quảng bá hình ảnh cá nhân

Thứ Hai, 28/05/2018, 14:00
Nữ hoàng Elizabeth II đã khước từ lời đề nghị của Tập đoàn Bưu điện Hoàng gia, không cho phép việc sử dụng hình ảnh cá nhân của mình cho mục đích quảng bá kinh doanh thuần túy.

Vào ngày 22-5 vừa qua, người phát ngôn Điện Buckingham - nơi ở và làm việc của Nữ hoàng Anh - đã gửi công văn phúc đáp tới ông Peter Long, Chủ tịch Tập đoàn Bưu điện Hoàng gia (Royal Mail Group) chính thức thông báo, rằng Nữ hoàng Elizabeth II đã khước từ lời đề nghị của tập đoàn, không cho phép việc sử dụng hình ảnh cá nhân của mình cho mục đích quảng bá kinh doanh thuần túy.

Nguyên do dạo cuối tháng trước đó, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 92 cũng như đánh dấu 65 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II, nhà quân chủ tại nhiệm với thời gian lâu nhất trong Vương triều Anh, Ban lãnh đạo Royal Mail Group đã đề đạt lời thỉnh cầu bằng công văn tới người đứng đầu nền quân chủ Anh, với nội dung: "Ngoài việc phát hành tem bưu chính in chân dung Nữ hoàng trong những dịp trọng đại ra, đề nghị Nữ hoàng cho phép sử dụng hình ảnh cá nhân trong các dịch vụ khác, thuộc lĩnh vực do Bưu điện Hoàng gia đảm trách, ngõ hầu vực dậy công việc kinh doanh đang lâm vào cảnh sa sút".

Đáp lại, công văn phúc đáp từ Điện Buckingham đã nêu rõ: "Sau khi Nữ hoàng tham khảo ý kiến từ giới cố vấn cao cấp, đi đến khẳng định rằng đề xuất của Royal Mail Group là không phù hợp. Không thể lợi dụng hình ảnh của người đại diện tôn nghiêm của nền quân chủ cho mục đích kiếm tiền".

Được biết, Cơ quan Bưu điện Hoàng gia được thành lập từ 5 thế kỷ trước, vào năm 1516. Trong quá trình phát triển đã cung ứng các dịch vụ như thư từ, giao nhận bưu kiện và hàng hóa, chuyển phát nhanh (EMS), công tác hậu cần (logistics) cho bên thứ 3… cùng đội ngũ nhân viên hơn 161.000 người.

Tới năm 2013, Royal Mail Group được tư nhân hóa. Theo lời bà Moya Greene, đương kim Giám đốc điều hành Tập đoàn, thì tiếp theo đà trì trệ từ các năm trước, thu nhập của Royal Mail Group trong năm 2017 vừa qua đã sụt giảm tới 5%, khiến các cổ đông hết sức bất bình đòi hỏi một sự "lột xác" thực sự.

Q.Long (theo Daily Express)
.
.