Dịch vụ “trải nghiệm cái chết” ở Trung Quốc đang hút khách

Thứ Ba, 24/05/2016, 22:00
Bất kỳ ai sinh ra cũng phải chết đi. Nhiều người trong số chúng ta thường có một thắc mắc muốn biết "chết sẽ như thế nào?". Dựa vào tâm lý tò mò, hiếu kỳ của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, một số công ty tại Trung Quốc đã sáng tạo ra các trò chơi về trải nghiệm cái chết.

Có thể bạn sẽ cho rằng, việc làm này là kỳ quặc, nhưng hiện tượng "giả chết" đang trở thành một xu hướng ở Trung Quốc thời gian gần đây. Ẩn ý sau nó cũng rất nhiều ý nghĩa. ChinaDaily mới đây cho hay.

Bị hỏa thiêu và tái sinh

Dịch vụ mới này có tên "Samadhi-4D Experience of Death" là một dịch vụ nhằm thu hút du khách ở Thượng Hải, trong đó người chơi sẽ được tham gia vào chính đám tang của mình, bị hỏa thiêu và sau đó là tái sinh.

Dịch vụ trải nghiệm cảm giác chết đi và bị hỏa thiêu diễn ra trong hai giờ. Loại hình này mang ý nghĩa "thức tỉnh" (Xinglai), cho phép các tình nguyện viên thử cảm giác mạnh với giá 70 USD/ lần. Nhóm tham gia sẽ phải trả lời một loạt câu hỏi tình huống về sống và chết. Người bị cho là đưa ra câu trả lời tệ nhất sẽ phải "chết" bằng cách nằm xuống một băng trượt đưa xuống dàn hỏa thiêu. Tại đây, lò đốt sẽ tạo ra cảm giác nóng ran và ánh sáng giống như khi đang hỏa táng thật. Sau đó, người chết được tái sinh qua "tử cung" là một kén hình con nhộng mềm mại.

Nhưng điểm quan trọng nhất đằng sau ý tưởng này không phải là khiến con người cảm thấy u ám hơn. Ding Rui và Huang Wei-ping, những người sáng lập ra dịch vụ trên hy vọng, trải nghiệm này sẽ giúp mọi người tham gia ít sợ hãi hơn đối với cái chết.

Ông nói: "Khi chúng ta chưa hiểu rõ về điều gì đó, việc nói lời chia tay sẽ trở thành nhiệm vụ phức tạp và khó khăn. Nó bao gồm rất nhiều sự xung đột trong ý nghĩ và thậm chí ngăn cản bạn đưa ra quyết định, khiến bạn không biết phải làm gì. Tôi đã nghĩ làm thế nào để giáo dục mọi người về cuộc sống. Vì thế, trải nghiệm này sẽ giúp họ tìm kiếm ý nghĩa đang theo đuổi và đối mặt với cái chết theo cách riêng".

Cả hai nhà sáng lập dịch vụ trên cho biết thêm, họ đã phải đến thăm các nhà hỏa táng để lấy kinh nghiệm thực tế.

Huang là một người thích làm từ thiện. Ông từng tham gia vào chiến dịch giúp đỡ những nạn nhân của trận động đất kinh hoàng ở Tứ Xuyên vào năm 2008 giết hại hàng trăm ngàn người. Hai người cũng có thời gian phục vụ ở trại tế bần. "Nhìn những người bị bệnh ra đi và chứng kiến cảnh người nhà của họ đau khổ, không chấp nhận sự mất mát này, chúng tôi rất buồn", những người sáng lập trò chơi cho biết. Và đây là một trong những nguyên nhân giúp Huang và Ding sáng tạo ra ý tưởng "chết thử" độc đáo này.

Để biến ý tưởng thành hiện thực, Huang và Ding đã kêu gọi tài trợ trên mạng và họ nhận được sự trợ giúp từ mọi người là 67.000 USD chỉ trong ba tháng. "Điều này nằm ngoài kế hoạch của chúng tôi. Hóa ra nhiều người Trung Quốc cũng đang tò mò về cái chết".

Dịch vụ trải nghiệm cái chết ở Trung Quốc đang hút khách.

"Cái chết" lãng mạn

Tại Trùng Khánh, mọi người còn được tham gia một trò chơi, ở đó bạn sẽ nói chuyện với những người còn sống đang nằm trong chiếc quan tài và đoán xem liệu bạn còn có thể sống được bao lâu nữa.

Trong trò chơi này, bạn sẽ được lựa chọn giữa hai chiếc quan tài được đặt ở ngoài trời, một chiếc có ghi nhãn "tài xế say" (drunk driver) và cái thứ 2 ghi là "trong cơn say" (in drunken stupor). Loại quan tài số 2 được nhiều người lựa chọn hơn vì nó có kích thước đủ rộng để chứa được 2 người. Vì vậy, những cặp đôi đang yêu nhau đã lựa chọn chiếc quan tài thứ 2 để cùng nhau trải nghiệm một "cái chết lãng mạn".

Anh Yang ở quận Nananqu, Trùng Khánh đã chia sẻ với phóng viên về kinh nghiệm của bản thân khi trải nghiệm trò chơi này. "Khi nắp quan tài đóng lại, tôi bị bao quanh bởi bóng tối đáng sợ. Mặc dù tôi vẫn biết có rất nhiều người đứng ở bên ngoài nhưng tôi vẫn hoảng sợ và mồ hôi ra rất nhiều", anh Yang chia sẻ.

Dù đây chỉ là một hoạt động giúp mọi người có cảm giác chân thực hơn về cái chết, nhưng sau trò chơi này, hy vọng mọi người sẽ biết trân trọng hơn cuộc sống bên ngoài chiếc quan tài chật hẹp.

Văn Nguyễn - K.D. (tổng hợp)
.
.