“Bão“ quấy rối tình dục thổi tung chính trường Anh

Thứ Năm, 09/11/2017, 14:35
Trong suốt tuần lễ cuối tháng 10, đầu tháng 11-2017, chính trường Anh như lên cơn sốt với việc hàng loạt nghị sĩ, quan chức Chính phủ Anh bị tố cáo đã có những hành vi “không phù hợp”, tấn công, quấy rối tình dục đối với các thuộc cấp là nữ. Đã có 1 bộ trưởng từ chức và ít nhất 2 nghị sĩ bị “treo” ghế.

Con “bão” này được cho là bắt nguồn từ scandal quấy rối tình dục của ông trùm Hollywood Harvey Weinstein.

“Vỡ đập”

Ngày 1-11, Thủ tướng Anh Theresa May đã chọn ông Gavin Williamson, thủ lĩnh đảng Bảo thủ trong Hạ viện Anh, làm Bộ trưởng Quốc phòng thay thế ông Michael Fallon vừa từ chức do dính bê bối quấy rối tình dục. Williamson năm nay 41 tuổi, làm thủ lĩnh đảng Bảo thủ từ năm 2016 và được xem là người tâm phúc của bà May.

Việc bổ nhiệm ông mà không phải ai khác lên thay thế ông Fallon ở vị trí thống lĩnh quân đội Anh đã gây một số điều tiếng, bởi tuổi đời của Williamson còn khá trẻ, chưa đủ bản lĩnh để có thể thu phục các tướng lĩnh dưới quyền. 

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon.

Cựu Bộ trưởng Fallon là quan chức Chính phủ Anh đầu tiên và duy nhất cho đến nay buộc phải từ chức trong cơn “bão” quấy rối tình dục. Fallon đã nộp đơn từ chức ngay sau khi nữ nghị sĩ Andrea Leadsom tố cáo ông đã có những nhận xét “không phù hợp” cách đây 6 năm và nhiều lần choàng tay ôm bà.

Trong thư từ chức gửi Thủ tướng May tối 1-11, ông Fallon viết rằng ông đã có những hành vi “dưới chuẩn mực” mà ông yêu cầu các quân nhân dưới quyền của ông phải đạt. Trước bà Leadsom, ông Fallon cũng thừa nhận đã từng có những hành vi “không phù hợp” đối với nữ phóng viên báo chí tên Julia Hartley-Brewer cách đây 15 năm. Fallon thừa nhận đã “sờ đầu gối” bà Hartley-Brewer nhiều lần mà không có sự đồng ý của bà này.

Tuy nhiên, người trong cuộc là bà Hartley-Brewer lại cho rằng chính Thủ tướng May đã “ép” ông Fallon phải nộp đơn từ chức chứ bản thân ông Fallon cũng không muốn thế. Nguyên nhân có thể xuất phát từ những mâu thuẫn chính trị trong hậu trường, có liên quan đến việc Thủ tướng May đang cất nhắc người tâm phúc của mình là tân Bộ trưởng Williamson. Không có cáo buộc gì nhiều đối với ông Fallon.

Thậm chí chính bà Hartley-Brewer cũng không tố cáo ông Fallon vì bà không cho rằng mình bị quấy rối bởi hành vi của ông Fallon, mà chỉ cho rằng “sờ đầu gối người khác mà không có sự đồng ý của người ta là không thể được”. Phát biểu trên BBC News, Hartley-Brewer không tin rằng cái đầu gối của bà là nguyên nhân khiến ông Fallon mất chức.

“Vỡ đập” là ngôn từ mà lãnh đạo đảng Bảo thủ ở Scotland Ruth Davidson mô tả thực trạng quấy rối tình dục trong các cơ quan quyền lực bấy lâu nay mới được phanh phui. Được khích lệ bởi những phụ nữ can đảm ở kinh đô điện ảnh Hollywood của Mỹ, những nữ nạn nhân ở Anh đã mạnh dạn lên tiếng tố cáo những hành vi quấy rối tình dục của các quan chức, nghị sĩ đầy quyền lực.

Nữ nghị sĩ Andrea Leadsom tố cáo hành vi “sàm sỡ” của ông Fallon tại Quốc hội Anh.

Các hành vi bị cho là “quấy rối” rất đa dạng, từ đụng chạm nhỏ cho đến quan hệ nhạy cảm ở nơi làm việc, đến những lời nói bóng gió gợi ý tình dục đối với nữ thuộc cấp, đủ cả. Những lời tố cáo đó được gửi đến cho các cơ quan chức năng của Chính phủ Anh, đăng trên mạng xã hội và gửi cho báo chí. Kèm theo đó là danh sách những cái tên có liên quan, trong đó có cả những quan chức cấp cao trong chính phủ, các nghị sĩ trong Quốc hội.

Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Fallon từ chức, hàng loạt quan chức chính phủ và nghị sĩ trong Quốc hội, Bộ trưởng Nội các Damian Green và Thứ trưởng Bộ Thương mại Quốc tế Mark Garnier cũng bị các nữ nạn nhân tố cáo có “hành vi không phù hợp” (tức quấy rối tình dục) và đang bị Văn phòng Nội các Anh điều tra.

Green bị một nữ hoạt động chính trị đảng Bảo thủ tên là Kate Maltby, trẻ hơn ông đến 30 tuổi, tố cáo đã có hành vi tấn công tình dục trong 2 năm qua. Cụ thể, Maltby tố cáo ông Green đã nhiều lần sờ đầu gối cô tại một quán rượu ở Waterloo vào năm 2015 và sau đó còn nhắn tin cho cô nói những lời suồng sã về hình ảnh cô mặc áo lót xuất hiện trên báo chí.

Không riêng gì đảng Bảo thủ, “bão” quấy rối tình dục còn quét sang cả Công đảng đối lập. Đến ngày 3-11, ít nhất hai nghị sĩ Công đảng là Kelvin Hopkins và Jared OMara đã bị “treo” ghế. Công đảng hiện đang tiến hành một cuộc điều tra độc lập đối với hai ông Hopkins và OMara sau khi có thư tố cáo của cô Bex Bailey, trong đó Bailey cho rằng cô ta đã bị hiếp tại một sự kiện do Công đảng tổ chức vào năm 2011.

Theo Bailey, sau khi cô bị hiếp, quan chức Công đảng là Hopkins đã khuyên cô không tố cáo, vì vụ việc này “có thể làm hại đến sự nghiệp chính trị của cô”. Rồi một vụ việc khác, một phụ nữ (không nêu tên) tố cáo đã bị một nghị sĩ tấn công tình dục trong một chuyến làm việc ở nước ngoài vào năm ngoái, sau đó bà này tố cáo đến các cơ quan chức năng nhưng không được xem xét giải quyết.

Và sau vụ việc của cô Bailey, Công đảng đang chờ đợi sẽ có thêm nhiều nạn nhân khác nữa lên tiếng tố cáo. Điều này khiến cho bầu không khí chính trị ở Anh càng trở nên nóng sốt, không ai có thể dự đoán trước chuyện gì sẽ đến.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson.

Khi truyền thông vào cuộc nhiệt tình

Nhưng như thế nào thì có thể gọi là hành vi quấy rối tình dục? Trong những lời tố cáo vừa qua, không phải lời tố cáo nào cũng đáng tin cậy, và có khi đó chỉ là một sự hiểu nhầm. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Dominic Raab đã cảnh báo những tố cáo về hành vi của ông là “giả tạo và đầy ác ý”, và trong cơn sốt tố cáo “thật giả lẫn lộn” này còn có cả sự “châm dầu” hết sức nhiệt tình của truyền thông.

Rory Stewart, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng bị tố cáo là đã có lời lẽ “không phù hợp” khi ông yêu cầu nữ chuyên gia nghiên cứu Sophie Bolsover “làm những việc ngoại lệ”. Ông Stewart cho rằng cáo buộc ông như vậy là “hoàn toàn không đúng sự thật và gây tổn thương” cho ông. Bản thân cô Bolsover cũng bác bỏ lời tố cáo đối với ông Stewart.

Bộ quy tắc đạo đức công vụ mới của đảng Bảo thủ vừa ban hành ngày 3-11 có nêu rõ rằng “quấy rối là bất cứ hành vi nào dù là bằng lời hay không bằng lời, hay đụng chạm thể xác không mong muốn... Chỉ một cử chỉ cũng có thể được xem là quấy rối”.

Nạn quấy rối tình dục trong hành lang quyền lực ở Anh đã xảy ra từ rất lâu, dễ có đến hàng chục năm, nhưng chúng đã bị ém nhẹm, che đậy bởi các nhân vật có thế lực. Những phụ nữ yếu thế không thể và không dám lên tiếng đấu tranh. Một phần họ sợ làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng mà họ ủng hộ, phần nữa họ sợ bị ảnh hưởng đến sự nghiệp, công ăn việc làm của bản thân.

Không giống như các quốc gia khác trên thế giới, hệ thống chính trị Anh có một cơ chế đặc thù trong đó các nghị sĩ là những ông chủ thật sự, còn nhân viên dưới quyền là người làm công. Trong hệ thống đó, các “bí mật” (những chuyện thâm cung, bê bối) là một thứ hàng hóa có thể trao đổi, mua bán, được các bên thỏa thuận một cách âm thầm ở các góc hội trường, hành lang và bên trong phòng làm việc, vì mỗi ông nghị đều có văn phòng làm việc riêng. Các ông nghị đầy quyền lực này hoạt động như một doanh nghiệp tư nhân, họ có quyền tự mình tuyển dụng nhân sự và trực tiếp quản lý, sử dụng hoặc sa thải nhân sự đó, nhưng lấy ngân sách phân bổ cho mình để trả lương.

Ông Damian Green.

Trong cơ chế như thế, người nữ nhân viên không dám tố cáo hành vi xâm phạm, quấy rối của “ông chủ”, vì sợ bị sa thải, mất việc làm, ảnh hưởng đến tương lai chính trị. Và họ cũng chẳng biết kêu ai, tố cáo với ai. Không có cơ quan nào ở trung ương quản lý hoặc bảo vệ quyền lợi các nhân viên làm việc cho các nghị viên, cũng chẳng có bộ quy tắc đạo đức rõ ràng nào để ràng buộc các ông nghị hành xử trong khuôn khổ đạo đức cho phép.

Nói như thế không có nghĩa là các ông nghị hoàn toàn có quyền “muốn làm gì thì làm”. Hạ viện Anh vẫn có những biện pháp chế tài kỷ luật đối với những ông nghị vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật. Những trường hợp bị “treo” ghế như vừa qua là điển hình cho hình thức kỷ luật tạm thời trong thời gian điều tra bê bối. Nếu kết quả điều tra khẳng định những cáo buộc là có thật, hình thức kỷ luật chắc chắn sẽ không hề nhẹ.

Không còn vùng cấm

Dù sao thì loạt tố cáo quấy rối trong tuần qua đã đánh dấu một sự chuyển biến mới trên chính trường Anh, nói chính xác hơn là trong “văn hóa công sở” ở các cơ quan quyền lực Anh. Dấu hiệu cho thấy chính trị Anh không còn “vùng cấm” đối với các vấn đề nhạy cảm như quấy rối tình dục. Các ông nghị ngoài lục tuần giờ đây đang bóp trán suy nghĩ để cố nhớ xem trong quá khứ vài chục năm trước mình có “sàm sỡ” cô nhân viên hay nữ đồng nghiệp nào không, và hồi hộp lo lắng nhỡ họ bạo gan lên tiếng tố cáo thì rắc rối to, có khi phải chịu trách nhiệm hành chính, hình sự, hoặc ít nhất cũng bị mất mặt, xấu hổ với mọi người xung quanh.

Đã qua rồi cái thời của những ông nghị “văn hóa tình dục” cũ kỹ ấy. Cựu Bộ trưởng Fallon, phát biểu với báo chí sau khi gửi thư từ chức cho Thủ tướng May, cũng cho rằng “những gì có thể được chấp nhận cách đây 15 năm sẽ không được chấp nhận vào thời điểm hiện nay”. Và ông thừa nhận mình đã rất vất vả để hiểu được cái “chân lý” này.

Riêng các nam nghị sĩ trẻ ngày nay, những người vừa mới bước vào nghị trường chưa lâu, có thái độ và quan điểm rất khác đối với vấn đề này. Họ xem những ông lão bê bối kia như những “con khủng long tình dục”. Nghị sĩ Ben Bradley, năm nay mới 27 tuổi, đảng Bảo thủ, cho rằng thời thế bây giờ đã thay đổi khi thế hệ những người trẻ bước vào nghị trường thay thế cho thế hệ các “bô lão”. Ben xem những chuyện bê bối quấy rối tình dục đang bị phanh phui là những việc của “mấy ông già xưa cũ”.

Còn nghị sĩ Darren Jones, 30 tuổi, thuộc Công đảng, thì tỏ ra rất nghiêm túc đối với các cáo buộc quấy rối tình dục, đã phê phán gay gắt những ông nghị lớn tuổi vì đã cợt đùa đối với những lời tố cáo của các nạn nhân.

Đối với Chính phủ Anh và Thủ tướng May, việc ông Fallon từ chức xem ra mới chỉ là sự bắt đầu. Nghị sĩ Anna Soubry của đảng Bảo thủ đã kêu gọi ông Green từ chức hoặc bị đình chỉ chức vụ trong thời gian điều tra. Rồi các nghị sĩ “hàng ghế sau” cũng yêu cầu Thủ tướng May xử lý cựu Bộ trưởng Lao động Stephen Crabb vì ông này đã thừa nhận từng nhắn tin “chat sex” với một nữ nhân viên đến xin việc.

Thủ tướng May chưa đưa ra quyết định đối với các yêu cầu này. Bà không muốn vụ việc lùm xùm này ảnh hưởng quá nhiều lên nội các chính phủ của bà vốn cũng đang đối mặt nhiều khó khăn xuất phát từ Brexit. Bà May cũng chỉ đạo Thư ký Nội các Sir Jeremy Heywood “tập hợp dữ liệu” về các cáo buộc quấy rối tình dục và báo cáo cho bà càng sớm càng tốt.

Nếu “bão” quấy rối tình dục không dừng lại mà ngày càng hoành hành dữ hội hơn, rất có thể nước Anh sẽ phải tiến hành cuộc bầu cử bổ sung để lấp đầy những vị trí nghị sĩ bị khuyết do dính bê bối quấy rối tình dục. Kịch bản này cũng không phải là điều Thủ tướng May mong muốn, vì bà không thể chấp nhận việc đảng Bảo thủ bị mất thế đa số do hậu quả của cơn “bão” quấy rối tình dục này.

An Châu (tổng hợp)
.
.