Bốn người phụ nữ chinh phục chính trường Bồ Đào Nha
- Chính phủ Bồ Đào Nha bị phe đối lập lật đổ
- Truy tố cựu Bộ trưởng Nội vụ Bồ Đào Nha
- Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha từ chối biện pháp quản thúc tại gia
- Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha bị bắt giữ
- Tổng thống Bồ Đào Nha ngất xỉu khi đang duyệt binh
Sau cuộc bầu cử ngày 4/10 vừa qua, đảng Bloco de Esquerda (Khối tả) đã giành được kết quả khả quan, vươn lên trở thành thế lực có đủ sức mạnh để tạo nên đột biến. Tuy mới ra đời cách đây 10 năm, nhưng đảng Bloco de Esquerda hiện nay đang khiến cho giới chính trị ở Bồ Đào Nha kiêng dè. Bloco de Esquerda là đảng của những người đấu tranh vì nữ quyền và bình đẳng giới. Nhưng suốt từ khi thành lập cho đến năm 2014, 4 đời lãnh đạo đảng này chỉ toàn đàn ông, như Francisco Lourca, Luis Fazenda, Miguel Portas và Fernando Rosas.
Bà Mariana Matias, ứng viên Tổng thống Bồ Đào Nha 2016. |
Còn hiện nay, tình thế đã thay đổi hoàn toàn; những người lãnh đạo hiện nay của đảng là 4 người phụ nữ, gồm: Catarina Martins, Chủ tịch đảng, kế đến là các thành viên cao cấp đóng vai trò chủ chốt trong Bloco de Esquerda như hai Phó chủ tịch Joana và Mariana Mortagua, và Marisa Matias, Nghị sĩ châu Âu.
Từ năm 2009, Martins và Matias đã cùng nhau bàn bạc làm cách nào để giúp phụ nữ đóng vai trò nổi bật nhiều hơn trong đảng Bloco de Esquerda. Trong suốt một năm qua, "bộ tứ nữ kiệt" này đã sử dụng nghị trường để đấu tranh chống lại các ông chủ ngân hàng và doanh nhân tham nhũng và đã giành chiến thắng trong các cuộc tranh luận với các nam đồng nghiệp. Từ đó, phụ nữ đã bắt đầu hành động để đấu tranh với chế độ "đàn ông trị" trong một đảng chính trị Bồ Đào Nha.
Bà Catarina Martins, Chủ tịch đảng Bloco de Esquerda. |
"Kết thúc cuộc họp, chúng tôi đếm số lần đàn ông và phụ nữ phát biểu, thì thấy đàn ông luôn phát biểu nhiều hơn phụ nữ, nhưng thường họ nói không có gì mới mẻ cả. Phụ nữ thường thận trọng hơn khi phát biểu trước đám đông". Hiện đảng Bloco de Esquerda đang huấn luyện các nữ đảng viên cách ăn nói trước đám đông để có thể trở thành một chính khách hoàn hảo, mạnh dạn như nam giới.
Chiến thuật đấu tranh của "bộ tứ nữ kiệt" Bồ Đào Nha đã gặt hái thành quả bước đầu vào năm 2012, khi Chủ tịch đảng Francisco Lourca thoái vị và đề cử người thay thế. Ông đã mô phỏng theo mô hình một số chính đảng cánh tả ở châu Âu và giới thiệu cùng lúc hai người - một nam một nữ - làm đồng chủ tịch đảng, đó là ông Joao Semedo và bà Martins.
Ban đầu, mô hình này hoạt động không trôi chảy, vì sự chênh lệch quá lớn về tuổi tác và tư tưởng, quan điểm giữa hai người một già, một trẻ. Người ta thường dí dỏm gọi ông Joao Semedo là "ông nội" còn bà Martins là "cháu gái" và mang hai người ra làm trò bỡn cợt. Rốt cuộc thì ông Semedo không chịu nổi cảnh khôi hài này nên đã từ chức.
Tuy nhiên, từ đây câu chuyện về kỳ thị giới tính mới chỉ bắt đầu. Kỳ thị giới tính vốn vẫn còn ăn sâu trong xã hội lẫn trong chính trị Bồ Đào Nha, nay được dịp bùng phát nhắm vào vị nữ lãnh đạo đầu tiên của đảng Bloco de Esquerda. Joana Mortagua chua chát nói: "Các đồng nghiệp ở các đảng phái khác đối xử với chúng tôi rất tệ, họ xem thường chúng tôi. Còn người dân trên đường phố thì pha trộn tên họ của chúng tôi lại để trêu đùa".
Ngay trong nội bộ đảng Bloco de Esquerda, biểu hiện kỳ thị cũng rất rõ, với việc một số thành viên lãnh đạo trong đảng đã rời bỏ đảng, và trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua, đảng này cũng bị mất 2 ghế do các thành viên rời bỏ đảng. Ngay cả vị lãnh đạo kỳ cựu theo quan điểm nữ quyền, ông Semedo, cũng thoái vị vì không thể "ngồi chung ghế" với bà Martins (vì lý do như đã nêu trên).
Bất chấp chuyện kỳ thị giới tính, Bloco de Esquerda dưới thời lãnh đạo của bà Martins vẫn đang từng bước tiến lên phía trước. "Chúng tôi đặt để phụ nữ phụ trách các lĩnh vực vốn chỉ dành cho đàn ông, chẳng hạn như cho Marisa Matias dẫn đầu tranh cử tại châu Âu, còn Mariana Mortagua thì giao cho phụ trách mảng kinh tế" - bà Martins nói. Bà Matias đã trở thành Phó Chủ tịch khối Cánh tả Thống nhất toàn châu Âu trong Nghị viện châu Âu, và được chọn đại diện cho Khối tả ra tranh cử tổng thống Bồ Đào Nha.
Chủ tịch đảng Xã hội Antonio Costa, ứng viên Thủ tướng mới. |
Ngày 10/11 vừa qua đã diễn ra một cuộc "lật đổ" trong nghị trường Bồ Đào Nha, trong đó, các đảng cánh tả gồm đảng Xã hội, đảng Cộng sản và đảng Bloco de Esquerda đã liên kết lại với nhau để tạo thành một liên minh cánh tả chiếm tỉ lệ đa số với 122 ghế, đủ để ngăn chính phủ của Thủ tướng Pedro Passos Coelho thông qua chương trình hành động thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của EU, và sau đó là cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ.
Như vậy là chỉ sau 2 tuần nắm quyền, chính phủ thiểu số của Thủ tướng Coelho đã phải từ chức. Cánh tả đang đứng trước cơ hội lên nắm quyền lần đầu tiên kể từ khi thành lập. Người được cho là có nhiều khả năng lên nắm quyền trong nay mai là ông Antonio Costa, lãnh đạo đảng Xã hội Bồ Đào Nha.
Người ta cũng cho rằng với liên minh 3 đảng cánh tả lên nắm quyền, một "Syriza mới" đang bắt đầu xuất hiện tại Bồ Đào Nha (Syriza là đảng cánh tả có nguồn gốc từ đảng Cộng sản Hy Lạp trước đây, là đảng chính trị chống lại chính sách thắt lưng buộc bụng của EU, hiện đang nắm quyền ở Hy Lạp).
Việc liên minh 3 đảng này bỏ phiếu bất tín nhiệm đảng theo đường lối thắt lưng buộc bụng là tín hiệu đầu tiên của đường lối hoàn toàn mới sẽ được khai mở tại Bồ Đào Nha. Đó là con đường thiên tả, với những chính sách dân túy, đi ngược lại đường lối chính trị bảo thủ vốn đã làm cho cựu lục địa trở nên ì ạch trong thời gian dài. Trong cuộc khủng hoảng nợ công vừa qua, đường lối bảo thủ đã làm cho cả xã hội châu Âu điêu đứng, đời sống người dân khó khăn, và nhiều chính đảng cầm quyền đã trở nên thất thế.
Một trở ngại cho liên minh 3 đảng cánh tả chính là Tổng thống Cavaco Silva. Sở dĩ Bồ Đào Nha có chính phủ thiểu số và dễ dàng bị phế truất cũng vì quan điểm bảo thủ của Tổng thống Silva. Sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng 10, ông Silva đã chọn đảng của ông Coelho với tỉ lệ không quá bán đứng ra thành lập chính phủ còn hơn là để cho đảng Xã hội liên kết với các đảng cánh tả lên nắm quyền.
Giờ đây, khi thực tế liên minh 3 đảng cánh tả đã chứng minh họ có thể phế truất bất kỳ chính phủ nào do ông Silva chọn, ông vẫn bảo thủ quan điểm và tuyên bố sẽ không để liên minh này lên nắm quyền. Tuy nhiên, dù quyết tâm thế nào thì ông cũng không thể làm gì hơn, vì rất có thể một người của liên minh cánh tả sẽ lên thay ông sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.