Brazil – Israel: Chấm dứt tranh cãi vì đại sứ “khu định cư”

Thứ Năm, 31/03/2016, 08:25
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 28-3 đã thực hiện một động thái hạ nhiệt, xuống nước trong cuộc tranh cãi với Brazil 7 tháng qua xung quanh việc bổ nhiệm ông Dani Dayan làm Đại sứ Israel tại Brazil, qua đó chấm dứt cuộc tranh cãi.

Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Israel, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Israel Benjamin Netanyahu đã rút lại quyết định bổ nhiệm ông Dani Dayan, thay vào đó là một ứng viên khác, còn ông Dayan thì được chuyển đến New York làm Tổng lãnh sự.

Cuộc tranh cãi giữa Brazil và Israel bắt đầu bùng phát từ tháng 8-2015, khi đó Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu quyết định bổ nhiệm ông Dani Dayan làm Đại sứ Israel tại Brazil. Việc bổ nhiệm này phía Israel không thông báo ngay cho nước chủ nhà Brazil biết, mà lại đưa thông tin lên mạng xã hội Twitter, và các quan chức ngoại giao Brazil tình cờ biết được thông tin qua mạng xã hội này. Ngay sau đó, Brasilia có phản ứng không chấp nhận tư cách đại sứ của ông Dayan.

Thủ tướng Israel Netanyahu.

Lý do phía Brazil đưa ra là vì ông Dayan là người chủ trương chống người Palestine, chủ trương xây dựng các khu định cư trên đất chiếm đóng của người Palestine, vi phạm luật pháp quốc tế, cho nên không phù hợp làm đại diện ngoại giao tại Brasilia.

Ngay trong tháng 8-2015, đích thân Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã gửi thông điệp sang Israel nói rõ rằng bà không chấp thuận sự bổ nhiệm ông Dayan bởi vì ông ấy dính líu đến hoạt động xúc tiến xây dựng trái phép các khu định cư của Israel.

Ông Dani Dayan sinh năm 1955 tại Argentina, sau đó cùng gia đình di cư về Israel sinh sống vào năm 1971, khi ông 16 tuổi. Ông nổi tiếng là người chủ trương chống việc thành lập nhà nước Palestine, ủng hộ việc xây dựng các khu định cư Do Thái trên đất chiếm đóng của người Palestine. Ông đã làm Chủ tịch Hội đồng Yesha đại diện cho người Israel định cư ở Bờ Tây sông Jordan trong giai đoạn từ năm 2007-2013.

Với tư cách chủ tịch Hội đồng Yesha, ông Dayan từng ủng hộ ông Netanyahu lên làm Thủ tướng Israel và được ông Netanyahu bổ nhiệm làm Trưởng đại diện Ngoại giao của Hội đồng Yesha – đại diện duy nhất của cộng đồng người Do Thái ở các khu định cư. Với bản “lý lịch trích ngang” như thế, Brasilia đã có đủ chứng lý để từ chối tư cách đại sứ của ông.

Thời gian gần đây, Brazil ngày càng nâng cao vị thế trên trường quốc tế, mở rộng ảnh hưởng toàn cầu trong một số vấn đề, vụ việc. Đối với vấn đề xung đột Israel-Palestine, Brazil và một số quốc gia Mỹ Latinh theo quan điểm ủng hộ người Palestine giành lại lãnh thổ, thành lập nhà nước của riêng mình. Năm 2010, Brazil tuyên bố công nhận Nhà nước Palestine trên các vùng lãnh thổ ở Bờ Tây sông Jordan, Dải Gaza và Đông Jerusalem.

Động thái này đã khiến cho Israel tức giận, và quan hệ giữa hai quốc gia đã trở nên xấu đi. Đến năm 2014, Brazil rút Đại sứ tại Israel về nước để phản đối Israel tiến hành cuộc tấn công đẫm máu vào Dải Gaza giết hại hàng ngàn dân thường Palestine, trong đó có nhiều trẻ em – một tội ác không thể bào chữa. Israel phản pháo, gọi Brazil là “gã lùn ngoại giao”, là “đối tác ngoại giao không phù hợp”.

Ông Dani Dayan.

Trong cuộc tranh cãi quanh việc bổ nhiệm ông Dayan, Israel cũng đã vài lần suýt phải nhượng bộ Brazil, tuyên bố chấp nhận thay ông Dayan bằng một người khác, nhưng rồi sau đó lại cương quyết giữ y quan điểm, không thay người. Về phần mình, ông Dayan cũng châm dầu vào lửa bằng tuyên bố rằng, nếu Brazil thành công trong việc từ chối tư cách đại sứ của ông, thì nước này sẽ tạo ra một tiền lệ “ngăn cản những người định cư Do Thái làm đại diện ngoại giao cho Nhà nước Israel ở nước ngoài”.

Tháng 12-2015, rồi tháng 1-2016, Thủ tướng Israel Netanyahu liên tiếp thể hiện quan điểm cứng rắn, với việc tuyên bố ông Dayan vẫn tiếp tục được bổ nhiệm Đại sứ tại Brazil, không đưa người khác ra thay thế. Tiếp theo đó, các quan chức Chính phủ Israel mở một cuộc vận động tuyên truyền ầm ĩ về Dayan, tôn vinh cá nhân ông Dayan nhằm tạo khí thế cho việc bổ nhiệm Đại sứ đối với ông này, với hy vọng sẽ thuyết phục Brazil “mềm lòng” chấp nhận.

Nhưng trước sau như một, Brazil giữ nguyên chủ trương đối ngoại của mình, không chấp nhận một người chủ trương đi ngược lại quan điểm, lợi ích quốc gia của Brazil và vi phạm luật pháp quốc tế làm đại diện ngoại giao trên đất Brazil.

Tức khí vì thái độ kiên quyết của Brazil, Thứ trưởng Ngoại giao Tzipi Hotovely đưa ra tuyên bố dọa dẫm rằng nếu Brazil cứ tiếp tục từ chối việc bổ nhiệm ông Dayan thì quan hệ giữa hai quốc gia sẽ bị ảnh hưởng, Israel sẽ đáp trả bằng việc hạ cấp đại diện ngoại giao tại Brazil xuống cấp Phó Đại sứ. Tuy nhiên, nói gì thì nói, Israel đang ở thế yếu hơn Brazil nên không cứ tiếp tục kéo dài cuộc tranh cãi. Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Israel ở châu Mỹ Latinh, và là một cường quốc khu vực và có sức mạnh đang lên trên trường quốc tế.

Việc cương quyết bổ nhiệm ông Dayan chẳng qua chỉ là động thái “giữ thể diện”, không chịu lép vế trước đối tác của ông Netanyahu – đây vốn là cá tính đặc thù của riêng ông không chỉ trong cuộc tranh cãi hiện tại với Brazil mà còn trong nhiều vấn đề khác, với Mỹ, với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria hay Palestine. Lợi ích quốc gia không thể được đánh đổi chỉ bằng một quyết định vì một cá nhân. Và một khi lợi ích quốc gia bị đe dọa, đương nhiên phải hy sinh lợi ích cá nhân.

Tháng 2-2016, sau nhiều lần vận động quyết liệt vẫn không lay chuyển được quyết định của Tổng thống Brazil Rousseff, Thủ tướng Israel Netanyahu đã thay đổi quyết định, chuyển ông Dayan sang làm Tổng lãnh sự tại New York. Phát biểu Jerusalem hôm thứ Hai 28-3, ông Dayan đắc ý cho rằng, dù không được chấp nhận làm Đại sứ Israel tại Brazil, nhưng việc được chuyển sang làm Tổng lãnh sự tại “kinh đô của thế giới” là một “thắng lợi về mặt tinh thần” đối với ông.

An Châu (tổng hợp)
.
.