Những nữ tướng của châu Âu

Thứ Năm, 15/06/2017, 15:49
Lần đầu tiên trong lịch sử Liên minh châu Âu xuất hiện đồng thời 6 nữ bộ trưởng quốc phòng. Mới nhất là tân nữ Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sylvie Goulard. Trước đó là các nữ Bộ trưởng Quốc phòng Mimi Kodheli (Albania), Jeanine Hennis-Plasschaert (Hà Lan), Ursula von der Leyen (Đức), Ine Marie Eriksen Soreide (Na Uy) và Roberta Pinotti (Ý).


Nếu tính cả Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) cũng là nữ, bà Federica Mogherini, rõ ràng sức mạnh an ninh quốc phòng EU dường như đang được đảm trách bởi các nữ tướng -  những bông hồng thép châu Âu.

Những nữ Bộ trưởng... chưa từng có kinh nghiệm về quân sự

Năm 1990, bà Elisabeth Rehn tại Phần Lan được ghi nhận là nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của châu Âu. Từ đó đến nay, đã có 18 quốc gia châu Âu có bộ trưởng quốc phòng là nữ giới. Người mới nhất đứng vào hàng ngũ những bông hồng thép châu Âu là nữ Bộ trưởng Quốc phòng Pháp của tân Tổng thống Macron, nữ Bộ trưởng Quốc phòng Sylvie Goulard (52 tuổi).

Nữ Bộ trưởng Quốc phòng Pháp và Tổng thống Macron tới thăm một đơn vị đặc nhiệm Pháp. Ảnh: Malay Mail Online.

Nữ Bộ trưởng Quốc phòng Pháp là nhân vật có chủ trương ôn hòa. Bà Sylvie Goulard là một thành viên của nghị viện châu Âu từ năm 2009 và tham gia vào đảng Tiến bước của ông Macron từ năm 2016. Bà là cố vấn cấp cao của ông Macron trong chiến dịch tranh cử về các vấn đề châu Âu. Bà thông thạo tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Ý.

Là người am hiểu về vấn đề kinh tế và tiền tệ. Bà có quan hệ thân thiết với Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble, cánh tay đắc lực của Thủ tướng Angela Merkel. Bà Sylvie được xem là cầu nối giúp ông Macron gắn kết quan hệ hai nước Pháp - Đức.

Trong lần xuất hiện mới nhất, bà Sylvie Goulard được đánh giá là một trong 3 nữ bộ trưởng quyền lực và tài sắc của thế giới. 3 nữ Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Nhật Bản và Australia cùng có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á còn gọi là Đối thoại Shangri La 2017 đều là những phụ nữ giàu kinh nghiệm và nổi tiếng cứng rắn trong giới quân sự nước mình.

Bà Goulard tốt nghiệp ngành luật tại Đại học Aix-en-Provence. Sau đó, bà tiếp tục theo học tại Đại học Sciences Po và Trường Hành chính Quốc gia (ENA) ở Paris. Bà được Tổng thống Pháp Macron bổ nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng vào ngày 17/5.

Ngoài bà Sylvie Goulard, châu Âu còn có những nữ bộ trưởng quốc phòng khác là bà Ursula von der Leyen tại Đức, bà Roberta Pinotti tại Italy, bà Jeanine Hennis-Plasschaert chỉ đạo quân đội Hà Lan và bà María Dolores de Cospedal hiện là người điều hành lực lượng vũ trang Tây Ban Nha... 

Điều đặc biệt, đa số họ chưa từng có kinh nghiệm về quân sự. Bà Von der Leyen theo ngành y. Bà Goulard và Hennis-Plasschaert đã làm việc nhiều năm ở Nghị viện châu Âu tại Brussels (Bỉ). Bà Cospedal theo ngành ngoại giao. Còn bà Pinotti thì có bằng về văn học, chính trị...

Kỷ nguyên mới mở cửa đón những phụ nữ tài năng

Tờ Guardian (Anh) dẫn lời bà Alexandra Ashbourne-Walmsley tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh bày tỏ: “Tôi cho rằng rào chắn đã bị phá dỡ”. Theo bà Ashbourne-Walmsley, quân sự có truyền thống do nam giới lãnh đạo, do vậy việc phái nữ trỗi dậy phản ánh khả năng “tư duy và đa nhiệm” cũng như sự thay đổi trong bản chất của lĩnh vực này.

Các nữ Bộ trưởng Quốc phòng Mimi Kodheli (Albania), Jeanine Hennis-Plasschaert (Hà Lan), Ursula von der Leyen (Đức), Ine Marie Eriksen Soreide (Na Uy) và Roberta Pinotti (Ý) tại trụ sở NATO.

Bà Ashbourne-Walmsley phân tích: “Quốc phòng là một công việc phức tạp và diễn biến nhanh. Những điều không thể ngờ tới thường xảy ra. Quốc phòng sẽ bao gồm cả chiến tranh mạng và nhiều dạng đối đầu khác. Ngoài ra, lĩnh vực quốc phòng còn bao gồm việc xây dựng liên minh và tìm kiếm sự đồng tâm”.

Bà Ashbourne-Walmsley đồng thời cho rằng trường hợp của Pháp là vô cùng đặc biệt bởi với việc nước Anh rời liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit) thì Pháp sẽ trở thành lực lượng quốc phòng quan trọng hàng đầu tại khu vực này. Guardian đánh giá rằng bà Goulard sẽ là nhân vật then chốt trong quốc phòng châu Âu ở thời điểm các quốc gia trong lục địa này đang xích lại gần nhau trong bối cảnh ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ và nghi ngờ về cam kết của Washington với NATO.

Việc số lượng nữ bộ trưởng quốc phòng ngày càng gia tăng đã thu hút sự chú ý của nhiều học giả. Năm 2015, hai nhà nghiên cứu người Mỹ Tiffany Barnes và Diana OBrien đã tìm hiểu về hơn 40 quốc gia từng chỉ định nữ giới đảm nhận chức vụ này.

Hai ông Barnes và OBrien nhận ra rằng bình đẳng giới tại một quốc gia sẽ là dấu hiệu cho thấy khi nào đất nước này bổ nhiệm nữ bộ trưởng quốc phòng. Guardian bình luận, việc bà Goulard nắm giữ chức bộ trưởng đã khiến cán cân quyền lực quân sự châu Âu nghiêng về phái nữ, với việc 5 nền kinh tế mạnh nhất Liên minh châu Âu đều có nữ bộ trưởng quốc phòng.

Trước khi nước Pháp có nữ Bộ trưởng Quốc phòng, một “bông hồng thép” xinh đẹp của Italia cũng gia nhập hàng ngũ “nữ tướng” châu Âu, bà Roberta Pinotti. Bà tuyên thệ nhậm chức ngày 1/3, và trở thành người phụ nữ đầu tiên ngồi vào ghế bộ trưởng quốc phòng tại đất nước hình chiếc ủng ở tuổi 52.

Khởi nghiệp chính trị 2 thập kỷ trước từ vị trí thấp, bà Pinotti được bầu vào quốc hội năm 2001 và từng giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng dưới thời Thủ tướng Enrico Letta mới đây. “Có thể đây là thời của phái đẹp và chúng tôi hy vọng ngày càng lớn mạnh”, bà Pinotti nói với hãng tin AP trong một dịp bà cùng các vị nữ Bộ trưởng Quốc phòng NATO họp tại trụ sở ở Bỉ.

Trong khi đó, năm 2013, khi Quốc hội Albania thông qua thành phần chính phủ mới, trong danh sách nội các của tân Thủ tướng Edi Rama có tới 6 nữ bộ trưởng, và người gây được nhiều sự chú ý là bà Mimi Kodheli giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Ngay sau khi giữ chức, Bộ trưởng Mimi Kodheli  đã giúp Albania lần đầu tham gia sứ mệnh của NATO trên biển Aegean nhằm ngăn chặn nạn buôn người và nhập cư trái phép ở biển Aegean.

Bộ trưởng Quốc phòng Albania Mimi Kodheli cho biết sứ mệnh trên biển Aegean, nơi tàu chiến của Albania sẽ phối hợp với 2 quốc gia thành viên khác của NATO là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, là minh chứng thể hiện tinh thần đoàn kết và sẵn sàng phối hợp của các quốc gia thuộc khối quân sự này. Một bước đi cho thấy dưới sự lãnh đạo của bà, quân đội Albani đang thực sự hòa nhập với NATO.  

Có thể thấy châu Âu đang có bước tiến lớn trong việc nâng cao vai trò người phụ nữ trong hàng ngũ lãnh đạo. Trước đây “bà bầu” 7 tháng Carme Chacón xinh đẹp (37 tuổi) đã từng duyệt đội danh dự quân đội Tây Ban Nha khi bà làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước này trong suốt nhiệm kỳ 3 năm (2008-2011).

Nói về vai trò của phụ nữ trên chính trường, đặc biệt là những người phụ nữ nắm giữ cương vị bộ trưởng quốc phòng của những nước có tiềm lực quốc phòng mạnh trên thế giới, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Jeanine Heniss-Plasschaert nói với báo The Guardian: “Vật đổi sao dời và phụ nữ có thể làm được nhiều điều tương tự nam giới”. Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan cho rằng, một kỷ nguyên mới, nơi các thành trì vốn dành riêng cho nam giới cuối cùng cũng mở cửa đón những phụ nữ tài năng.

Đã từng xuất hiện những gương mặt nữ giới chịu trách nhiệm chiến lược quốc phòng kể từ những năm 1970 với Indira Gandhi tại Ấn Độ. Canada có 5 nữ bộ trưởng quốc phòng, Na Uy cũng có 5 người trong địa hạt vốn thuộc về nam giới trong vòng 20 năm trở lại đây. Tuy nhiên trong bối cảnh thế giới và các khu vực đầy phức tạp như hiện nay, thì chuyện những người phụ nữ ngồi ở bàn nghị sự có thể tạo ra sự khác biệt trong phản ứng của châu Âu.

 “Tôi nghĩ chúng ta có chút bất ngờ khi chứng kiến sự xuất đồng loạt của các nữ bộ trưởng, nhưng dĩ nhiên là vì họ được bổ nhiệm cùng một thời điểm. Tôi cho rằng bức tranh này là tín hiệu tốt trong kỷ nguyên truyền thông hiện tại”, nhà phân tích chiến lược quốc phòng Alex Ashbourne-Walmsley, Giám đốc Cơ quan Tư vấn chiến lược Ashbourne nói.

Những “bông hồng” giúp giảm thiểu căng thẳng đang leo thang

Theo kinh nghiệm thì phụ nữ có xu thế tìm ra cách tiếp cận hợp lý hơn và có thể giảm thiểu căng thẳng đang leo thang”. Dĩ nhiên, điều đó chỉ có thể xảy ra khi họ được đối xử bình đẳng trên bàn nghị sự. Ashbourne-Walmsley, nhà phân tích cấp cao, cũng là gương mặt nữ hiếm có xuất hiện trong rất nhiều hội nghị chiến lược cho rằng, phụ nữ thường phải nỗ lực nhiều hơn so với nam giới trước các vấn đề quốc phòng quan trọng.

“Bạn không chỉ phải thông minh hơn, xuất sắc hơn họ, bạn còn phải chắc chắn hơn và không bao giờ làm hay nói bất kỳ thứ gì ngớ ngẩn”, bà nói. Bà cũng tin rằng, thực tế, quốc phòng không còn là chuyện dàn quân chiến đấu khiến nó trở thành địa hạt tốt với phụ nữ - mặc dù không một nhà lãnh đạo mới nào trong nhóm trên có kinh nghiệm phụng sự quân đội. “Quốc phòng hiện tại là hợp tác và làm việc cùng nhau. Phụ nữ có kỹ năng tốt hơn để làm điều này”, bà nhấn mạnh.

Trong khi toàn bộ nữ bộ trưởng quốc phòng mới của châu Âu có kiến thức chiến lược quốc phòng phong phú thông qua giáo dục và trải nghiệm thì không ai có kinh nghiệm chiến đấu thực sự, vì châu Âu hiện tại vẫn tụt hậu với quyết định cho phép phụ nữ tham gia hoạt động quân sự. Đúng như vây, cả 6 gương mặt nữ đều rất nổi tiếng. Bà Von der Leyen, Bộ trưởng Quốc phòng Đức được cho là sẽ kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel một ngày nào đó.

Bà Ine Marie Eriksen Soreide của Na Uy là diễn giả thường xuyên về chính sách đối ngoại và quốc phòng tại châu Âu. Hennis-Plasschaert của Hà Lan - người từng làm việc về ngân sách quốc phòng trong nước tin tưởng rằng, phụ nữ tham gia lĩnh vực quốc phòng là lẽ tự nhiên.

“Rất nhiều người bình luận rằng hình ảnh này mở ra một kỷ nguyên mới, thậm chí là bước ngoặt phá vỡ ranh giới từng chỉ thuộc về nam giới”, bà viết trên tờ Jerusalem Postto. “Tôi nghĩ nó hơi đi xa quá. Tôi không cho rằng các sĩ quan quân sự chúng tôi làm việc cùng xem chúng tôi có sự khác biệt”.

Trong bối cảnh Liên minh châu Âu hướng tới một liên minh quốc phòng và an ninh, rất có thể những “nữ tướng” sẽ trở lên gần gũi nhau hơn trong các cuộc đàm phán để cùng nhau giải quyết các đe dọa an ninh và quốc phòng ngày càng gia tăng đối với châu Âu và củng cố năng lực quốc phòng của châu Âu vào năm 2025.

Trong thế giới ngày càng bình đẳng hơn, những người phụ nữ tài giỏi họ đã không hẹn mà gặp trong cả những lĩnh vực khó nhất, tưởng như không dành cho “phái yếu”.  Từ châu Á, châu Âu, châu Phi cho tới châu Mỹ, xu hướng các nữ chính trị gia đóng vai trò lãnh đạo đã và đang càng trở nên đậm nét hơn. Không chỉ tại châu Âu, mà ở châu Á, châu Úc, châu Phi châu Mỹ cho tới Liên Hiệp Quốc... từ các thành viên G7 cho đến những quốc gia thuộc hàng kém phát triển, các nữ chính trị gia đang ngày càng thể hiện được vai trò cũng như tầm ảnh hưởng của mình.

...Và vẫn còn những quan điểm trái chiều

Khi được Thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero (2008-2011) bổ nhiệm làm nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Tây Ban Nha, dư luận đã có phản ứng khác nhau trước việc bà Carmen Chacon 37 tuổi, là Bộ trưởng Nhà ở, đang mang thai tháng thứ 7 và không có kinh nghiệm về quân sự.

Hình ảnh bà Carme Chacon mặc chiếc áo bầu trắng duyệt đội danh dự đã khiến dư luận và người Tây Ban Nha có những phản ứng khác nhau. Đặc biệt từ giới quân sự. Khi đó tờ El Mundo coi quyết định bổ nhiệm bà Carme Chacon của Thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero giống như việc “đang sử dụng lực lượng vũ trang làm chuột bạch cho một cuộc thử nghiệm đầy khiêu khích”. Nhưng các nhóm ủng hộ phụ nữ lại hoan nghênh khi lần đầu tiên trong lịch sử Tây Ban Nha có phụ nữ làm Bộ trưởng Quốc phòng.

Tuy không mang bụng bầu khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Đức, nhưng bà Ursula Gertrud von der Leyen (sinh ngày 8-10-1958) ngồi vào chiếc ghế này khi đã là mẹ của 7 người con (lớn nhất sinh năm 1987 và nhỏ nhất sinh năm 1999). Và quyết định bổ nhiệm ngày 15-12-2013 của Thủ tướng Angela Merkel đã khiến bà Ursula Gertrud von der Leyen trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nước Đức làm Bộ trưởng Quốc phòng.

Chức Bộ trưởng Quốc phòng của những nước có nền kinh tế lớn nhất châu Âu thời gian qua đều rơi vào tay các "bóng hồng" và điều này đang trở thành một xu hướng mới ở châu Âu. Sau lễ tuyên thệ nhậm chức, bà Carme Chacon đã đi duyệt đội danh dự Hải Lục Không quân. Bà phát biểu: “Việc hôm nay một phụ nữ lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho thấy quân đội và xã hội rất hài hòa với nhau”.

Thủ tướng Tây Ban Nha Zapatero từng tuyên bố: “Có thể họ không xuất sắc hơn một nam bộ trưởng quốc phòng nhưng bà ấy (Carme Chacon ) ít nhất cũng sẽ không kém cỏi hơn họ”.

Tổ chức phụ nữ Tây Ban Nha thì rất hoan nghênh quyết định của Thủ tướng. Họ ra tuyên bố: “Carme Chacon là một ví dụ sinh động chứng tỏ việc mang thai và công tác chả ảnh hưởng gì đến nhau cả”. Tuy nhiên, phái quân sự thì không nhìn nhận vấn đề như thế. Và ông Zapatero không hề nao núng trước những lời chỉ trích. Ông tuyên bố: “Phải loại trừ những hành vi phạm tội do tư tưởng trọng nam gây ra”.

Hoa Huyền
.
.