Nữ cảnh sát đầu tiên của nước Anh

Thứ Ba, 22/12/2015, 07:25
Chiến tranh thế giới thứ nhất đã thay đổi sâu sắc cuộc sống của phụ nữ khi họ được làm những nghề mà trước đây chỉ dành cho nam giới. Bà Edith Smith là một trong số những người đi tiên phong đó. Tháng 12 cách đây 100 năm, ở Grantham, Lincolnshire (Anh), người phụ nữ này đã tuyên thệ để trở thành một cảnh sát chính thức.

Vai trò của bà Smith quan trọng vì bà có quyền lực tương đương một cảnh sát bình thường, được tuyển dụng làm thành viên của lực lượng cảnh sát địa phương. Ngoài bà Smith, nước Anh có 4.000 phụ nữ thực hiện chức năng của cảnh sát, làm công tác tuần tra tự nguyện nhằm đảm bảo người dân cư xử đúng mực trong công viên, nhà ga và các nơi công cộng khác.

Những người khác thì được Bộ Đạn dược giao nhiệm vụ giám sát nữ công nhân làm việc trong các nhà máy sản xuất đạn dược. Tuy nhiên, họ không có quyền của một cảnh sát thực thụ như bà Smith.

Bà Edith Smith.

Việc bà Edith Smith được chỉ định làm cảnh sát có đầy đủ các quyền thực thi luật pháp, như việc bắt người chẳng hạn, đã gây tranh cãi thời đó. Bộ Nội vụ khuyến cáo rằng phụ nữ không thể tuyên thệ làm cảnh sát vì họ không được tính là "người chuẩn mực" trong con mắt luật pháp. Thời đó, phụ nữ Anh không được bỏ phiếu trong bầu cử Quốc hội hoặc không thể làm thành viên bồi thẩm đoàn cũng vì lý do bị coi là "không chuẩn mực".

Tuy nhiên, ở Grantham, cảnh sát trưởng và Ủy ban Giám sát hoàn toàn ủng hộ bà Smith vì họ cho rằng công việc của bà rất cần thiết trong bối cảnh thành phố phải đối mặt với những vấn đề rất đặc biệt trong điều kiện chiến tranh. Việc bổ nhiệm bà Smith làm cảnh sát đã khiến những người phản đối nữ quyền giận dữ là một lẽ. Chính những người ủng hộ nữ quyền cũng tranh cãi về sự việc.

Trước chiến tranh, những người ủng hộ nữ quyền như Nina Boyle thuộc Liên đoàn Tự do Phụ nữ đã nói rằng cần có cảnh sát nữ để nữ nạn nhân của một tội ác nào đó có thể được đối xử công bằng tại tòa và Sở cảnh sát. Tuy nhiên, báo cáo hàng năm mà bà Smith viết vào những năm làm cảnh sát cho thấy công việc của bà chủ yếu là chấn chỉnh và kiểm soát gái điếm cũng như những phụ nữ nổi loạn tràn các con phố Grantham ban đêm, thu hút sự chú ý của hàng nghìn quân nhân đồn trú trong hai trại quân đội của thành phố.

Bà Smith đưa tên những phụ nữ hành xử không đúng mực vào danh sách đen và cấm họ lui tới rạp hát hay rạp chiếu phim. Nhờ công việc giám sát của bà Smith, 100 "cô gái ngang ngạnh" và 50 gái điếm bị đưa vào diện lưu tâm, thêm 40 phụ nữ nữa bị kết tội liên quan tới mại dâm. Báo cáo của bà Smith cho thấy một số "phụ nữ hư hỏng" từ nơi khác đến đã tự nguyện rời thành phố vì cho rằng bà cảnh sát này gây phiền toái.

Đến năm 1923, nữ cảnh sát mới có quyền như bà Smith.

Không chỉ thế, bà Smith còn có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho những quân nhân vắng nhà mà muốn giám sát vợ mình. Với nhiệm vụ này, bà Smith đã trở thành điệp viên chính thức cho các quân nhân nơi chiến trận vì sợ vợ ngoại tình ở nhà. Bà Smith luôn để mắt tới các cô vợ có nguy cơ ngoại tình cao và khiển trách những cô gái phù phiếm đến Grantham để lả lơi với những anh lính phóng túng đóng quân trong các trại gần đó. Khi phát hiện những cô vợ có chồng đi lính xa nhà mà ở nhà bán thân xác, bà Smith sẽ tới tận nhà họ để cảnh báo về hành vi trên.

Mỗi khi tuần tra trong công viên, bà thường nhắc nhở các cặp đôi đang nằm dài trên bãi cỏ trong công viên, nghiêm khắc nhắc nhở họ về mối nguy hiểm mà họ có thể gây ra, đồng thời khuyên họ nên cư xử đúng mực để bảo vệ các cô gái.

Bà Edith Smith làm tốt nhiệm vụ được giao ở Grantham. Bà được nhận xét là một người cương trực, thẳng thắn, không sợ hãi và có thể tùy nghi ứng biến. Dù nghiêm khắc và là hung thần của những cô gái hư hỏng nhưng bà Smith biết rõ phụ nữ dễ bị tổn thương như thế nào. Họ có thể bị bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Dư luận cũng kỳ thị với những phụ nữ sinh con ngoài giá thú, khiến họ rơi vào tình thế dễ bị tổn thương và trại tế bần thường là lựa chọn duy nhất của họ. Bà Edith Smith hiểu điều này và bà thường phối hợp với nhân viên trại tế bần và thanh tra y tế để hỗ trợ những đối tượng này. Hành động của bà Smith rất dũng cảm trong bối cảnh chiến tranh.

Những người như bà Smith được tuyển dụng sau khi 14.000 quân nhân đã phải tập trung trong các doanh trại khi Thế chiến I bùng nổ. Dù được nhiều thế hệ cảnh sát kính trọng nhưng trong cuộc sống, bà sống cô độc và không hạnh phúc. Sau hai năm làm việc liên tục 7 ngày một tuần, bà rời lực lượng cảnh sát năm 1918. Hai năm sau, bà mất vì dùng morphine quá liều.

Từ năm 1923, nữ cảnh sát mới được trao đủ quyền giống như bà Smith. Khi đạo luật về trả lương công bằng và chống phân biệt giới tính được thông qua vào những năm 1970, phụ nữ mới được làm nghề cảnh sát với điều kiện, lương bổng ngang bằng nam giới.

Nhật Minh (tổng hợp)
.
.