Paul Manafort, thần hộ mệnh hay kẻ gieo họa cho ông Trump?

Thứ Hai, 22/08/2016, 18:25
Báo chí Mỹ đang “soi” kỹ Paul Manafort - Chủ tịch chiến dịch tranh cử của ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Ông này vốn được đánh giá là “tài sản quý” của ông Trump khi được tuyển vào cách đây hơn 2 tháng, nhưng hiện nay đang bị xem là “món nợ” có nguy cơ khiến ông Trump càng lún sâu hơn vào khủng hoảng niềm tin trên đường đua vào Nhà Trắng.

Lính đánh thuê kỳ cựu

Ở Washington, nói đến Paul Manafort, ai cũng biết đó là một nhân vật vận động hành lang rất sành sỏi. Sinh năm 1949, Manafort vốn là một cử nhân quản trị kinh doanh và luật. Năm 1980, Manafort cùng vài người bạn lập Công ty Black, Manafort, Sotne and Kelly (BMSK) chuyên vận động hành lang và tư vấn pháp luật, chính trị cho các tổ chức, quốc gia.

Đây là giai đoạn Manafort hoạt động chính trị đình đám ở Mỹ. Ông làm cố vấn cho các Tổng thống Ronald Reagan, George HW Bush và ứng cử viên Tổng thống Bob Dole. Đến năm 1996, Manafort rời BMSK để tham gia sáng lập công ty luật Davis, Manafort and Freedman (DMF).

Năm 2007, ông thành lập công ty luật tư nhân Pericles Emerging Partners LP (PEP), trụ sở đặt tại thiên đường thuế Caymans. Mục đích của việc thành lập Công ty Pericles là đầu tư vào Ukraine, cụ thể là các thành phố Kiev, Odessa và Mariupol. Kế hoạch của Manafort là mua lại các công ty nhỏ, sáp nhập chúng thành những công ty lớn hơn rồi bán lại với giá cao gấp nhiều lần.

Paul Manafort.

Trong số các đối tác đầu tư của Manafort ở Ukraine có tỉ phú Oleg Deripaska, ông trùm ngành sản xuất nhôm người Nga. Tuy nhiên, sau đó, hoạt động đầu tư yếu ớt của Công ty Pericles khiến nhiều người ngạc nhiên, chỉ đầu tư vào công ty truyền hình cáp Black Sea Cable. Hồ sơ Panama ghi nhận rằng, tiền mặt của Công ty Pericles đã được rót vào nhiều công ty bình phong ở hải ngoại, trong đó có Công ty CadrMan ImEx Corp, đăng ký tại thiên đường thuế British Virgin Islands.

Ngoài ra, Pericles cũng bỏ tiền vào một công ty bình phong khác là Cascado AG do hãng luật Mossack Fonseca (Panama) thành lập và quản lý.

Trước khi đến Ukraine, Manafort từng làm việc cho rất nhiều khách hàng trên khắp thế giới, từ châu Phi cho đến Đông Nam Á. Trong danh sách khách hàng của ông luôn là những người sẵn sàng chi hàng triệu USD cho ông. Năm 1985, Manafort ký hợp đồng làm cố vấn cho một tập đoàn kinh tế đứng sau ủng hộ Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, vài tháng trước khi ông Marcos bị lật đổ.

Năm 1989, Manafort ký hợp đồng làm cố vấn cho Mobutu Sese Seko của Zaire (nay là Cộng hòa dân chủ Congo) với mức thù lao 1 triệu USD/năm. Trong thập niên 90, Manafort nhận tiền của một nhà tài phiệt Liban để vận động giúp ứng cử viên Tổng thống Pháp Edouard Balladur. Số tiền này sau đó được phanh phui trong cuộc điều tra vụ Pháp bán tàu ngầm cho Pakistan năm 2010.

Ở Angola, năm 1992, Manafort đã trực tiếp tham gia làm thay đổi cục diện cuộc nội chiến giữa Phong trào Nhân dân giải phóng Angola (MPLA) theo tư tưởng Mác-xít và Liên minh Quốc gia vì độc lập hoàn toàn cho Angola (UNITA) của tướng Jonas Savimbi do chính phủ Apartheid ở Nam Phi ủng hộ. Rốt cuộc, UNITA thất bại trong cuộc bầu cử năm 1992, và UNITA quay trở lại con đường chiến tranh du kích.

Liệu có cứu được Donald Trump?

Cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ đang diễn biến theo chiều hướng như thường lệ: moi móc những chuyện bê bối của các ứng cử viên. Báo chí Mỹ đang làm ầm ĩ chuyện Manafort từng làm cố vấn cho ông Viktor Yanukovych trong giai đoạn 2007-2010 và nhận một khoản tiền thù lao lên đến 12,7 triệu USD. Những giấy tờ ghi nhận các giao dịch tài chính giai đoạn đó vừa được Cục Chống tham nhũng Quốc gia Ukraine công bố hôm 17-8-2016 đã được báo chí Mỹ đăng lại và phát động một làn sóng nghi ngờ về hoạt động của Manafort ở Ukraine.

Tuy nhiên, sự thật về hoạt động của Manafort ở Ukraine dường như không phải như vậy. Donald Trump đang bị nhiều người phản đối, đương nhiên Chủ tịch chiến dịch tranh cử của ông cũng không được yên. Một trong những nhược điểm đang được báo chí và đối thủ của ông Trump khai thác mạnh là thái độ và mối quan hệ của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đối nghịch với nước Mỹ.

Ông Donald Trump.

Người ta khai thác hình ảnh và những câu phát biểu liên quan đến nước Nga và Tổng thống Putin nhằm làm mất uy tín ông Trump. Và những người tham gia phục vụ cho chiến dịch của ông cũng thế. Báo chí Mỹ cho rằng Yanukovych thân Nga, từ đó suy ra khi làm việc cho Yanukovych, Manafort cũng dính líu đến nước Nga.

Sự thật chưa hẳn như thế. Tổng thống Ukraine Yanukovych là khách hàng ngoại quốc lớn nhất của Manafort trong khoảng thời gian rất lâu. Ông bắt đầu tham gia cố vấn cho ông Yanukovych từ năm 2004, vài tháng sau cuộc Cách mạng cam, Yanukovich và đảng Các khu vực (Party of Regions) bắt đầu vận động cho các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống Ukraine.

Năm 2005, Manafort tiếp tục tham gia cố vấn cho những người có quan hệ thân thiết với ông Yanukovych và các nhà tài trợ cho đảng Các khu vực của ông. Manafort được đánh giá là một chuyên gia rất giỏi trong vận động tranh cử. Ông làm việc rất chuyên nghiệp, thu thập những thông tin, dữ liệu thăm dò ý kiến cử tri, gửi tin nhắn cho cử tri và tung ra những phát biểu có trọng tâm nhằm cổ vũ, vận động cho khách hàng của mình.

Ở giai đoạn đầu làm việc cho Yanukovych, ông đã giúp đảng Các khu vực giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2007, từ đó giúp ông Yanukovych lên làm Thủ tướng Ukraine. Năm 2010, Manafort một lần nữa giúp Yanukovych đánh bại bà Yulia Tymoshenko trong cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine vòng 2.

Với hai sự kiện này, Manafort đã phạm một lỗi lầm to lớn với nước Mỹ, đó là giúp một người thân Nga đánh bại những đại diện tiêu biểu cho Cách mạng cam, vốn được Mỹ và châu Âu cổ vũ mạnh mẽ. Thậm chí một số người Mỹ, trong đó có thượng nghị sĩ John McCain, còn đích thân đến Kiev để ủng hộ Cách mạng cam.

Cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, khách hàng lớn của Manafort.

Những người từng làm việc chung với Manafort giai đoạn đó kể rằng, ý kiến của Manafort luôn được ông Yanukovych lắng nghe. Tuy nhiên, kể từ khi lên làm tổng thống vào năm 2010, ông Yanukkovych không còn nghe ý kiến của Manafort nữa. Oleg Voloshin, một cựu trợ lý của ông Yanukovych, người  từng làm việc chung với Manafort cho rằng giai đoạn trước khi ông Yanukovych lên làm Tổng thống Ukraine, những điều Manafort tư vấn không mang tính tư tưởng, không có tính lợi ích phương Tây, cho nên Yanukovych chịu lắng nghe. Nhưng khi lên làm Tổng thống, Manafort đã thay đổi cách làm việc, tập trung thúc đẩy các lợi ích của Mỹ và phương Tây, và điều này không phù hợp với quan điểm chính trị của ông Yanukovych, người được cho là thân Nga.

Trong hoạt động của mình tại Ukraine, Manafort luôn tư vấn cho ông Yanukovych và những phụ tá của ông những vấn đề liên quan đến kinh tế và chính trị theo chiều hướng xích lại châu Âu, thúc đẩy ông Yanukovych mau chóng gia nhập Liên minh châu Âu. Riva Levinson, cựu trợ lý đắc lực của Manafort kể rằng, cách ông Manafort xúc tiến cho các lợi ích của nước Mỹ tại Ukraine đã khiến cho những người Ukraine thân Nga nghi ngờ ông là gián điệp của CIA.

Năm 2014, trước khi xảy ra các cuộc biểu tình chống chính phủ rầm rộ ở Kiev, Manafort là người tích cực thúc đẩy ông Yanukovych ký kết thỏa thuận hợp tác kinh tế với EU để cứu vãn nền kinh tế Ukraine đang lâm khủng hoảng. Thế nhưng, vào giờ chót, ông Yanukovych đã không nghe Manafort, ký kết hợp tác với Nga để nhận khoản tiền cứu nợ khẩn cấp 15 tỉ USD từ Moskva.

Tháng 5-2016, Manafort được ông Trump thuê làm Chủ tịch chiến dịch tranh cử thay thế cho Corey Lewandovski. Cuộc thay máu này được cho là có phần động cơ thúc đẩy từ phía Manafort, bởi trước đó giữa ông và Lewandovski liên tục xảy ra va chạm, cãi vã. Tuy nhiên, chỉ hơn hai tháng sau khi làm chủ tịch chiến dịch, đến lượt Manafort gặp rắc rối.

Những thông tin về việc ông từng làm việc cho ông Yanukovych đang làm cho dư luận có cái nhìn tiêu cực, mặc dù chính Manafort đã không ít lần khẳng định mình chỉ thúc đẩy lợi ích của nước Mỹ khi làm việc ở Ukraine. Một số người từng làm việc cho Manafort cho rằng, với tình thế của ông Trump hiện nay, nhiệm vụ của Manafort là vô cùng khó khăn.

Ngày 17-8, ông Trump tiếp tục cải tổ lần thứ hai, đưa 2 người mới lên nắm giữ các chức vụ quản lý quan trọng của chiến dịch, bao gồm Stephen Bannon, Tổng Biên tập hãng tin Breibart News LLC làm Tổng Giám đốc chiến dịch; Kellyyanne Conway làm Giám đốc Điều hành chiến dịch. Manafort vẫn giữ chức vụ Chủ tịch chiến dịch, nhưng quyền điều hành thực tế đã được chuyển giao cho Bannon và Conway.

Cuộc thay máu lần này khiến dư luận xôn xao về việc Manafort thất sủng do những vấn đề liên quan đến công việc trong quá khứ của ông ở Angola và Ukraine. Ngày 19-8, ông Trump đã phát biểu trên báo chí về cuộc thay máu và “xin lỗi” vì hành động cải tổ ban vận động đã khiến một số người, trong đó có Manafort cảm thấy “không vui”.

Nói cho cùng, ông Trump đang trong thế hết sức khó khăn, và những chuyện lùm xùm trên báo chí gần đây về người lãnh đạo chiến dịch của ông đã khiến ông không an tâm, buộc phải có hành động để cứu vãn.

An Châu (tổng hợp)
.
.