Thủ tướng Israel Netanyahu thăm lại “nỗi đau xưa”

Thứ Tư, 13/07/2016, 17:30
Hôm 3-7, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã khởi đầu chuyến công du 5 ngày đến 4 nước châu Phi, gồm Uganda, Kenya, Rwanda và Ethiopia. Mục đích của chuyến đi đã được truyền thông Israel và thế giới nêu rõ ràng: Tìm kiếm mối quan hệ đồng minh mới trong bối cảnh chung chống khủng bố; bên cạnh đó là gia tăng quan hệ kinh tế, thúc đẩy đầu tư.

Còn ẩn sâu bên trong bề nổi đó là một câu chuyện buồn của riêng ông Netanyahu, cũng liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố, cách đây đúng 40 năm.

Thăm lại nối với kỷ niệm buồn

Không phải ngẫu nhiên mà ông Netanyahu chọn ngày khởi đầu chuyến đi vào đúng ngày 3-7, và chặng dừng chân đầu tiên lại là sân bay quốc tế Entebbe, Uganda. Tâm điểm chú ý trong chuyến đi của ông Netanyahu tới châu Phi hôm 4-7 không gì khác ngoài sân bay Entebbe của Uganda.

Đây là nơi mà cách đây 40 năm, vào ngày 3-7-1976, đã diễn ra cuộc tập kích giải cứu con tin người Israel bị 2 người Palestine và 2 người Đức bắt cóc, và trong chiến dịch đó, người anh trai “huyền thoại” của ông đã tử nạn cùng với một số binh sĩ Israel lẫn Uganda.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) đi cùng Tổng thống Uganda Yoweri Museveni đến thăm địa điểm diễn ra chiến dịch giải cứu con tin ở sân bay Entebbe.

Báo chí Israel và thế giới đã dành nhiều giấy mực để nói về chuyến dừng chân đầy ẩn ý này của ông Netanyahu. Sáng sớm ngày 4-7-2016, chuyến bay chở ông Netanyahu cũng bay theo đường bay mà năm xưa người anh trai ông đã đi để đến sân bay Entebbe.

Người ta nói chuyến bay này đã đưa ông Netanyahu dò tìm lại con đường đi đến quyền lực của chính bản thân ông xuất phát từ cái chết của người anh trai năm xưa.

Đối với người dân Israel, Yonatan là một vị anh hùng, đã can đảm hy sinh khi đang chỉ huy lực lượng giải cứu con tin ở Uganda. Nhiều người lính Israel đã ngã xuống, nhưng ít ai được đặt tên cho nhiều con đường, nhiều trường học, nhiều công viên như Yonatan.

Còn với riêng Netanyahu, người anh trai Yonatan là một huyền thoại, một đấng để tôn thờ. Mỗi khi nói về người anh trai huyền thoại của mình, giọng Netanyahu bỗng trở nên khác hẳn, không còn “gầm gừ” như mọi khi mà trở nên thanh thoát, bay bổng và trong lời nói không còn dè dặt, đề phòng đối phương.

Tờ New York Times của Mỹ đã có bài viết riêng về ông Netanyahu và chuyến thăm sân bay Entebbe của ông. Tờ báo viết, ông Netanyahu đã kể với báo chí rằng mỗi khi ông gặp chuyện gì, hay đứng trước một quyết định khó khăn nào, bất kể là vì quốc gia đại sự hay chuyện cá nhân riêng tư, ông đều “hội ý” với một người mà ông tâm phúc nhất: Yonatan Netanyahu, người anh ruột đã mất cách đây 40 năm. Netanyahu nói rằng ông thường xuyên “trò chuyện” cùng người anh đã khuất của mình.

Yonatan Netanyahu.

Mức độ trò chuyện thường xuyên hơn người ta tưởng, thường là mỗi khi ông phải quyết định cử người đi vào những nơi nguy hiểm, mà nếu thất bại thì họ khó có thể quay về. Những lúc như thế “tôi hay hỏi ý kiến anh trai tôi”. Nghe có vẻ huyền hoặc, nhưng Netanyahu khẳng định đó là sự thật 100%.

Nhưng báo chí thế giới thì xem ông là một “huyền thoại độc đáo” của Israel – vừa là nhà thơ, nhà triết lý, lại vừa là chiến binh, kẻ giết người. Báo chí viết, đánh giá về Yonatan rất khó, vì ở ông người ta không biết đâu là giá trị đích thực, đâu là cái giả tạo bề ngoài.

Ông Yonatan từng là một chỉ huy biệt kích trẻ tài năng và năng nổ của lực lượng biệt kích tinh nhuệ Sayeret Matkal của Israel. Còn Netanyahu khi đó cũng là một thành viên trong lực lượng Sayeret Matkal do anh mình chỉ huy. Tên tuổi Yonatan gắn liền với sự kiện mang tên Chiến dịch Entebbe, vì trong chiến dịch đó, vai trò của Yonatan quả thực nổi bật như một người hùng.

Chiến dịch này bắt đầu từ chuyến bay định mệnh mang số hiệu 139 của hãng hàng không Air France khởi hành từ Tel Aviv đi Paris vào ngày 27-6-1976. Chuyến bay chở 246 hành khách và phi hành đoàn 12 người. Trên hành trình, nó ghé sân bay Athens, Hy Lạp để rước thêm 58 hành khách, trong đó có 4 kẻ không tặc gồm 2 người thuộc Mặt trận Giải phóng Palestine (PLO) và 2 người Đức thuộc một tổ chức đấu tranh cho người Palestine.

Ngay sau khi máy bay cất cánh, chuyến bay bị cướp và chuyển hướng bay đến Benghazi, rồi sau đó đến sân bay Entebbe của Uganda. Tất cả hành khách trên chuyến bay đều bị bắt làm con tin. Bọn không tặc đã tách các con tin thành hai nhóm. Đến ngày 30-6, chúng thả nhóm 48 hành khách không phải người Israel (rước tại sân bay Athens).

Đất nước Uganda khi đó do nhà độc tài Idi Amin lãnh đạo, vốn không ưa thích Israel, và nhà lãnh đạo này cũng đã phái quân đội bao vây bọn không tặc trong sân bay Entebbe để tìm cách giải cứu các con tin.

Ban đầu, Israel có vẻ thiên về giải pháp đáp ứng các yêu cầu của bọn không tặc là thả vài chục tù nhân đang bị giam giữ, vì tình hình có vẻ rất khó thực hiện chiến dịch giải cứu con tin. Uganda ở cách xa Israel trên 2.000 km, ít có máy bay nào của Israel có tầm bay dài đến thế, và nếu có sự cố gì thì cũng sẽ không thể tiếp viện. Đây là thời kỳ chưa có điện thoại di động và hình ảnh vệ tinh thì còn rất mơ hồ.

Israel cũng không thể biết được có bao nhiêu lính Uganda đang bảo vệ sân bay Entebbe, và các con tin đang bị giam giữ ở đâu. “Đường thì dài, thời gian thì ngắn, và tình hình thì mù tịt” – cựu Tổng thống Shimon Peres, lúc đó là Bộ trưởng Quốc phòng, kể lại.

Chiếc ôtô biệt kích Israel dùng để giải cứu con tin ở sân bay Entebbe.

Chuyển biến đã bắt đầu xuất hiện vào ngày 30-6, khi bọn không tặc bắt đầu tách nhóm và thả 48 con tin không phải người Israel và chuẩn bị hành quyết các con tin Israel. Một kế hoạch dài hơi đã được vạch ra chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi, do một người rất quan trọng thực hiện: đó là Yonatan Netanyahu, chỉ huy biệt kích Syeret Matkal.

Kế hoạch của ông Yonatan là đáp một máy bay chở hàng đến sân bay Entebbe vào ban đêm, bên trong máy bay chở theo một chiếc ôtô đã được cải trang giống như xe của ông Idi Amin, các biệt kích Israel chỉ việc lái chiếc ôtô ra sân bay Entebbe, làm như thể ông Idi Amin vừa mới đi nước ngoài về.

Kế hoạch được triển khai trót lọt. Lính Israel đã đáp xuống sân bay Entebbe một cách êm xuôi, không xảy ra sự cố nào. Tuy nhiên, khi chiếc xe chở lính Israel tới gần khu nhà ga, một lính bảo vệ sân bay từ trong bóng đêm bước ra. Yonatan bắn chết người lính này, và lập tức một cuộc đấu súng nổ ra làm cho mui chiếc xe của lính Israel bị cháy.

Nhiều con tin sau này kể lại rằng, khi nghe tiếng súng nổ, và nghe tiếng người nói tiếng Do Thái, họ mừng và ngạc nhiên đến sửng sốt, vì họ không thể tin rằng quân đội Israel có thể bay đến tận Uganda để giải cứu họ.

Ngay sau cuộc đấu súng, lính Israel tràn vào khu nhà ga và bắn chết cả 4 tên không tặc, giải cứu hơn 100 con tin còn đang bị giam giữ. 3 con tin chết do đạn lạc. Và một người nữa nằm chết bên ngoài cửa cũng do đạn lạc: Yonatan, năm đó vừa tròn 30 tuổi. Không ai biết được viên đạn bắn thẳng vào ngực Yonatan là của ai, các không tặc hay một người lính Uganda tham gia giải cứu con tin?

Chiến dịch giải cứu con tin thành công, nhưng Netanyahu mất đi người anh trai mà ông yêu quý nhất. Sau sự kiện đau buồn đó, Benjamin Netanyahu bắt đầu các hoạt động mang tính chất chính trị nhiều hơn, đi khắp nơi thuyết giảng về chủ nghĩa khủng bố, rằng chúng là “con rối” trong tay các quốc gia Arập nhằm chống lại Israel.

Hoạt động của Netanyahu đã gây ấn tượng mạnh cho Đại sứ Israel tại Washington, và ông này đề nghị Netanyahu làm nhân vật số 2 tại Đại sứ quán. Đó chính là điều mà ông Netanyahu gọi là “nấc thang” đầu tiên ông bước lên trên con đường quyền lực sau này.

Châu Phi liệu có thể là bạn của Israel?

Đây là câu hỏi khó tìm được câu trả lời vào thời diểm hiện nay. Rào cản cho ước muốn này thì có nhiều, không chỉ từ các quốc gia châu Phi, mà còn ngay cả trong nội bộ Israel. Trước chuyến đi của ông Netanyahu, tranh cãi đã bắt đầu râm ran xung quanh việc tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm chiến dịch giải cứu con tin ở sân bay Entebbe.

Người dân Kenya không xem vụ tấn công giải cứu con tin ở Entebbe năm 1976 là một “thảm họa”, vì họ căm ghét nhà độc tài Idi amin, trong khi một số người khác, trong đó có Phó Thủ tướng Uganda, người từng phục vụ dưới thời nhà độc tài Idi Amin, đã lên tiếng cho rằng người dân Kenya nên xem sự kiện đó như là một thảm họa và nên “bày tỏ đau buồn cho những người chết” thay vì lo ăn mừng “chiến thắng của người Israel”.

Bên trong nội bộ Israel cũng xảy ra tranh cãi xung quanh việc tổ chức lễ kỷ niệm cuộc tập kích Entebbe. Người ta tranh luận về việc Nhà nước Israel đã không tôn vinh xứng đáng cho những người khác nữa đã chiến đấu bên cạnh Yonatan và cũng ngã xuống như Yonatan trong chiến dịch tập kích đó. Những người không ưa thích ông Netanyahu thúc giục ông không nên khai thác câu chuyện đau buồn cũ trong chuyến công du.

Một bài bình luận trên tờ báo Haaretz của Israel viết như thế này: “Bên cạnh sự thành công về mặt ngoại giao, kinh tế qua những cuộc tiếp xúc cấp cao, nhưng người ta vẫn có ấn tượng rằng chuyến đi có lẽ đã không diễn ra nếu không phải vì ông Netanyahu muốn tổ chức lễ kỷ niệm ngay tại sân bay Entebbe – dấu tích cũ”.

Ngay trong chuyến đi của ông Netanyahu mọi chuyện cũng không diễn ra suôn sẻ. Tờ báo al-Jarida của Kuwait hôm 6-7 đưa tin, khi ông Netanyahu đang trên đường từ sân bày về khách sạn nơi ông dự định nghỉ lại ở Nairobi, cơ quan an ninh của Kenya đã cảnh báo với lực lượng mật vụ bảo vệ ông Netanyahu rằng ông nên thay đổi lộ trình vì đang có một âm mưu ám sát ông.

Một cuộc tranh cãi đã nổ ra giữa lực lượng mật vụ bảo vệ ông Netanyahu với các đặc vụ an ninh Kenya xung quanh việc này. Mặc dù ông Netanyahu ngay sau đó đã lên tiếng bác bỏ thông tin về cảnh báo mối đe dọa ám sát ông, nhưng dư luận chung cho rằng mối đe dọa ám sát ông Netanyahu khi ông đặt chân đến vùng Sừng châu Phi là điều đương nhiên.

Những con tin vui mừng đoàn tụ cùng gia đình.

Nhưng cũng có người cho rằng liệu có phải đã xảy ra câu chuyện “cảnh báo ám sát” như báo chí đăng hay không. Netanyahu đặt mục tiêu cho chuyến thăm xã giao 4 nước châu Phi của mình, trong đó có Kenya, là xây dựng mối quan hệ mới, đặt trọng tâm vào đầu tư kinh tế trên nền tảng mục tiêu chung là chống khủng bố thánh chiến cực đoan.

Sẽ chẳng có ai lạ gì nếu thật sự có một âm mưu ám sát ông Netanyahu khi ông đang ở thăm Kenya, vì người dân châu Phi, và cả thành phần khủng bố Hồi giáo cực đoan, vốn không ưa thích Israel, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, Israel đang đối xử hà khắc với người tị nạn gốc Phi, đồng thời chà đạp lợi ích của người Arập Hồi giáo ở Israel và khu vực Trung Đông.

Một trong những mục đích của chuyến thăm 4 nước vùng Sừng châu Phi chính là vận động sự ủng hộ của họ trong vấn đề người Palestine, nhưng điều này xem ra khó đạt được, vì các quốc gia vùng Sừng châu Phi vốn đã lên tiếng ủng hộ Nhà nước Palestine với tư cách thành viên không chính thức của Liên Hiệp Quốc.

Chuyến công du của ông Netanyahu kết thúc hôm 8-7 tại Ethiopia. Cho dù các mục tiêu về ngoại giao, kinh tế thành công ở những mức độ khác nhau, thậm chí một số mục tiêu không đạt, nhưng bản thân ông Netanyahu có thể hoàn toàn toại nguyện với chuyến công du của mình, vì đã thực hiện được ước nguyện là quay trở lại nơi đã xảy ra một sự kiện – một kỷ niệm đau buồn của bản thân ông và gia đình ông khi mất đi một người thân.

An Châu (tổng hợp)
.
.