Australia lần đầu tiên có thủ tướng là siêu triệu phú

Thứ Hai, 21/09/2015, 14:40
Ngày 15/9 vừa qua, ông Malcolm Turnbull, 61 tuổi, cựu Bộ trưởng Bộ Truyền thông đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Australia, trở thành nhà triệu phú đầu tiên đứng đầu Chính phủ của "lục địa thứ 5".

Thủ tướng thứ 29 của Australia sắp tới phải đối mặt với nhiều thách thức như nền kinh tế Australia đang suy yếu cũng như sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Tự do. Ngoài ra, ông còn phải giải quyết một số vấn đề đối ngoại cấp thiết hiện nay, đặc biệt là trong khu vực. Mặc dù là thành viên đảng Tự do bảo thủ, song ông Malcolm Turnbull được đánh giá là chính khách có những quan điểm tiến bộ hơn so với người tiền nhiệm Tony Abbott.

Tân Thủ tướng M. Turnbull sinh ngày 24/10/1954 tại thành phố Sydney. Cha ông làm nghề môi giới bất động sản, mẹ là nhà văn kiêm phát thanh viên. Ông tốt nghiệp Viện Đại học Sydney năm 1978 với 2 tấm bằng cử nhân về Khoa học Xã hội nhân văn và Luật học đều thuộc loại xuất sắc. Với thành tích này, Turnbull được nhận học bổng du học tại Trường đại học Oxford của Anh chuyên ngành Luật Hành chính công. Trong thời gian này, M. Turnbull còn thường xuyên viết bài cho nhiều tờ báo của  Anh, Mỹ và Australia.

Malcolm Turnbull và phu nhân Lucy Hughes.

Cuối năm 1980, Turnbull trở về quê hương hành nghề luật sư, cùng với người đồng nghiệp Bruce McWilliam đứng ra thành lập Công ty Luật Turnbull McWilliam, trụ sở tại Sydney. Luật sư Turnbull trở nên nổi tiếng trong giới tư pháp quốc tế vào năm 1986, khi đứng ra biện hộ cho cựu điệp viên Anh Peter Wright (1916-1995), khiến Chính phủ Anh phải bỏ lệnh cấm việc phát hành cuốn hồi ký "Spycatcher" (Nghề do thám), do Peter  Wright chấp bút kể về quãng đời hoạt động cho Cơ quan Tình báo đối nội Anh (MI-5), một trong những đầu sách trinh thám bán chạy nhất với hơn 2 triệu bản được tiêu thụ hết ngay trong lần ấn hành đầu tiên.

Năm 1987, song song với lĩnh vực luật học, luật sư  Turnbull lao vào công việc kinh doanh. Sau 20 năm, doanh nhân M. Turnbull đã là một trong những người giàu nhất Australia, với số tài sản ước tính là 186 triệu đôla Australia (AUD), tương đương 132 triệu USD qua việc góp vốn bằng cổ phiếu vào các công ty hàng đầu trong các lĩnh vực như: đầu tư tài chính, bảo hiểm, khai thác lâm sản, phát triển công nghệ, dịch vụ viễn thông và Internet…

Luật sư Turnbull gia nhập đảng Tự do (LPA) từ năm 1981, một trong 2 chính đảng lớn nhất ở Australia. Năm 2004, ứng viên đảng LPA M. Turnbull đã trúng cử vào Quốc hội Australia, được tín nhiệm bầu làm Thủ quỹ đảng LPA kiêm Bí thư bang New South Wales. Trong cuộc cải tổ nội các vào năm 2007, Thủ tướng John Howard đã bổ nhiệm M. Turnbull làm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đỉnh cao trong sự nghiệp chính trị của vị luật sư kỳ cựu kiêm doanh nhân thành đạt Turnbull diễn ra vào trung tuần tháng 9/2008, khi ông được bầu làm thủ lĩnh LPA cũng là người đứng đầu phe đối lập. Sau khi LPA giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tháng 9/2013, Thủ tướng Tony Abbott đã bổ nhiệm luật sư Turnbull vào chức vụ Bộ trưởng Bộ Truyền thông.

Đến tháng 9/2015, Bộ trưởng M. Turnbull đã chính thức lên tiếng thách thức quyền lãnh đạo LPA của đương kim Thủ tướng Tony Abbott, tái diễn sự việc tương tự mà ông Abbott từng làm 6 năm trước để loại bỏ "kỳ phùng địch thủ" Turnbull khỏi vai trò thủ lĩnh LPA. Kết quả cuộc bỏ phiếu trong nội bộ Ban lãnh đạo LPA vào ngày 14/9, với chiến thắng áp đảo 54-44 nghiêng về mình khiến ông Turnbull trở thành nhà lãnh đạo mới của đảng này, được quyền đứng ra thành lập nội các mới theo quy định của Hiến pháp Australia giành cho vai trò của vị thủ lĩnh chính đảng có đa số ghế nghị sĩ trong Quốc hội.

Tony Abbott là chính khách cực kỳ bảo thủ theo kiểu Anh, hoài nghi về vấn đề biến đổi khí hậu và không muốn thoát khỏi sự ảnh hưởng từ các quốc gia sử dụng tiếng Anh, trong khi Malcolm Turnbull, là người tự do trong các quan điểm xã hội của mình. Đối với thế giới bên ngoài, Turnbull thể hiện là người tinh tế hơn ông Abbott.

Về vấn đề kinh tế, trong khi ông Abbott cầm quyền theo hệ tư tưởng bảo thủ thì Turnbull là nhà tư tưởng sâu sắc hơn và sẽ đưa ra chính sách kinh tế tự do độc lập. Turnbull không giấu giếm việc ông là người hâm mộ John Key, Thủ tướng New Zealand giành chiến thắng qua 3 cuộc bầu cử nhờ vào những cải cách kinh tế của mình. Turnbull nhấn mạnh đến sự xoay trục sang châu Á và nhận định Trung Quốc là chìa khóa cho sự tái cân bằng kinh tế, đem lại cơ hội khổng lồ cho giới doanh nhân Australia.

Thủ tướng M. Turnbull bên gia đình.

Phát biểu với báo giới sau lễ nhậm chức, tân Thủ tướng Malcolm Turnbull cho biết: "Người dân Australia cần những hành động thực tế có sức thuyết phục, chứ không phải là những câu khẩu hiệu suông. Chính phủ Australia sẽ thổi một luồng gió mới vào nền kinh tế đất nước, qua một nội các biết tôn trọng ý nguyện của nhân dân, có khả năng ứng phó với các vấn đề phức tạp để đưa ra được quyết sách kịp thời và thích hợp".

Các chuyên gia phân tích cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Turnbull, Australia sẽ có những thay đổi tinh tế trong cách Canberra ngoại giao với Washington và Bắc Kinh. Ông Turnbull coi Trung Quốc là nhân tố đã làm thay đổi lớn tình hình địa chính trị hiện nay, đồng thời đánh giá Mỹ đã chưa có hành động cần thiết để phản ứng tốt hơn trước thách thức như thế. Mặc dù, Turnbull ca ngợi hành động xoay trục sang châu Á của Mỹ là "yếu tố bảo đảm sự ổn định vô cùng quan trọng trong sự phát triển hòa bình tại khu vực chúng ta", song tân Thủ tướng quan sát thấy Washington đang loay hoay tìm cách phản ứng trước sức mạnh đang lên của Trung Quốc.

Mặc khác, Turnbull cũng chỉ trích thái độ ứng xử của Bắc Kinh khi tuyên bố "Trung Quốc cần minh bạch hơn về các mục đích của họ trong khu vực". Turnbull cũng tỏ ý nghi ngờ cam kết hòa bình từ Trung Quốc đối với các đảo và bãi đá ngầm ở biển Đông.

Không giống Tony Abbott, tân Thủ tướng Turnbull không đánh giá cao mối liên kết tình báo - quân sự giữa Mỹ - Australia và các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore v.v… được thiết kế nhằm mục đích kiềm chế sức mạnh hải quân của Trung Quốc. Về cuộc khủng hoảng ở Iraq và Syria, Turnbull có đường lối khác hẳn Abbott - người cho phép Australia tham gia huấn luyện quân sự ở Iraq và mới nhất là hành động mở rộng những cuộc không kích hỗ trợ chiến dịch của các lực lượng Iraq tấn công các mục tiêu của tổ chức khủng bố IS sau khi IS chiếm đóng thành phố Mosul nước này hồi năm 2014.

Ông Turnbull lập luận rằng: "Điều quan trọng là không đánh giá thấp về mối đe dọa an ninh quốc gia từ IS mà cũng không nên đánh giá quá cao mối đe dọa này. Chúng ta nên cẩn thận để không phát ngôn hay làm những điều gì có thể góp phần làm gia tăng ảo tưởng".

Kim Dung – Duy Ân (tổng hợp)
.
.