Bỏ giấy phép xây dựng: Những công trình sai phép, không phép xử lý như thế nào?

Thứ Sáu, 04/07/2025, 14:25

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tới đây, những khu vực đã có quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế đô thị sẽ bỏ giấy phép xây dựng (GPXD). Đây là một bước tiến đáng ghi nhận trong cải cách hành chính. Tuy nhiên, chính sách này chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi đi kèm với cơ chế hậu kiểm minh bạch, đủ sức kiểm soát và ngăn ngừa vi phạm.

nhaso3_o.jpg -0
Công trình vi phạm về trật tự xây dựng tại số 3 ngõ 249 Hoàng Quốc Việt (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy cũ) kéo dài suốt từ 2022 đến nay nhưng giải quyết chưa đúng như quyết định cưỡng chế xử phạt ban hành từ 2/2023 khiến dư luận bức xúc.

Bước tiến trong cải cách hành chính

Từ trước đến nay, dù những khu vực đã có quy hoạch rõ ràng, thiết kế đã được phê duyệt, nhưng khi xây dựng người dân vẫn phải xin GPXD, đó là một dạng hình thức. Mới đây, để cải cách mạnh mẽ, thực chất, quyết liệt hơn, trong Công điện số 78/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cắt giảm thủ tục cấp GPXD đối với các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng đã có quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 hoặc các công trình thuộc khu vực đã phê duyệt thiết kế đô thị.

Việc bãi bỏ thủ tục này sẽ giải phóng nguồn lực và thúc đẩy tinh thần đổi mới trong quản lý đô thị. Đây là bước đi quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính, giúp loại bỏ những chồng chéo không cần thiết, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người dân lẫn doanh nghiệp.

Theo nhận định của các chuyên gia, nếu như trước kia, người dân, doanh nghiệp, thời gian thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng bị kéo dài, qua nhiều thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính vẫn còn cao. Do vậy, việc bỏ GPXD sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp nhưng cũng phải đánh giá tác động nếu có việc bỏ cấp phép đi, việc người dân được tự quyền xây dựng có ảnh hưởng gì đến quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp khác không.

Với chủ trương bỏ GPXD trong bối cảnh tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, việc vận hành hệ thống quy hoạch đô thị sẽ cần được điều chỉnh để phù hợp với mô hình hành chính mới. Trong đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quy hoạch.

Hiện nay chúng ta đã bỏ cấp quận, huyện, một số nhiệm vụ quản lý quy hoạch tổng thể và giám sát đô thị sẽ được chuyển lên cấp tỉnh. Đồng thời, nhiều thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến xây dựng sẽ được phân quyền xuống cấp phường, xã, giúp địa phương xử lý hồ sơ nhanh chóng và phù hợp thực tiễn. Trong bối cảnh này, việc bỏ GPXD sẽ tăng tốc quá trình thẩm định, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng.

249hqv_o.jpg -0
Công trình xây dựng trái phép là diện tích 2,5 tầng của căn hộ số 3, ngõ 249 Hoàng Quốc Việt.

Việc bỏ GPXD khi đã có quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế đô thị là tạo thuận lợi cho người dân, không phải đi lại nhiều lần để xin GPXD. Tuy nhiên, nếu thiếu cơ chế hậu kiểm minh bạch và giám sát chặt chẽ, chính sách này có thể tạo ra khoảng trống trong quản lý đô thị, làm gia tăng vi phạm xây dựng.

Điều đáng nói, những công trình vi phạm trước kia đã được “điểm mặt” thì giờ đây phải giải quyết như thế nào? Thực tế hiện nay, những công trình vi phạm này vẫn tồn tại, chưa bị xử lý sau khi cả nước chuyển đổi hoạt động thực hiện chính quyền theo mô hình 2 cấp thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những vi phạm này?

Công trình vi phạm, ai chịu trách nhiệm?

Theo ghi nhận của phóng viên, công trình vi phạm tại số 3 ngõ 249 Hoàng Quốc Việt (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy (cũ) nay là phường Nghĩa Đô, TP Hà Nội) từng là tâm điểm gây bức xúc cho người dân. Theo phản ánh của bà Nguyễn Lệ T, trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị Luyên (số 3 ngõ 249 Hoàng Quốc Việt) thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng, không đảm bảo an toàn cho công trình liền kề và quy định về phòng cháy chữa cháy, tiêm ẩn nguy cơ cháy nổ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xung quanh.

Vụ việc xảy ra từ năm 2022, khi gia đình bà Luyên xây dựng trái phép 2,5 tầng tại căn hộ trên và đã được phản ánh đến chính quyền phường (tại thời điểm đó là UBND phường Nghĩa Tân) nhưng không được giải quyết. Cực chẳng đã, bà T đã phải làm đơn khiếu nại, tố cáo đến cơ quan chức năng, đặc biệt là tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân cũ, thậm chí có cả nguyên lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy cũ.

Sau đó, vụ việc cũng đã được Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng UBND TP Hà Nội… ra thông báo chuyển đơn, chỉ đạo đơn vị chức năng xử lý, giải quyết nhưng đến tháng 6/20225 mới được UBND phường Nghĩa Tân thực hiện phá dỡ một phần rất nhỏ, mang tính hình thức, về cơ bản thực hiện không đúng như Quyết định cưỡng chế, xử phạt mà UBND quận Cầu Giấy đã ban hành từ tháng 2/2023 là phá dỡ phần xây dựng không có giấy phép.

Tương tự mới đây, nhiều hộ dân tại ngõ 34 phố Nguyên Hồng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội (nay là phường Láng, TP Hà Nội) cũng có đơn tố cáo trường hợp hộ gia đình sống tại số 2, ngõ 34 phố Nguyên Hồng đã có hành vi xây dựng trái phép. Theo các hộ dân, công trình này hiện đang được chủ hộ cơi nới thêm 2 tầng, xây dựng đua lô gia lấn chiếm khoảng không gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Tuy nhiên, sau khi thụ lý đơn của các hộ dân, công trình này vẫn được chính quyền cho hoàn thiện. Việc này chẳng khác nào sự thách thức, khiến cho người dân thêm phần bức xúc. Đáng lo lắng hơn, sau khi thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp, những vi phạm này được xử lý như thế nào vẫn là những băn khoăn mà người dân hồi hộp mong chờ.

so2ngo34_o.jpg -0
Công trình vi phạm về trật tự xây dựng tại số 2 ngõ 34 Nguyên Hồng cũng trong tình trạng tương tự.

Luật sư Lê Thu Hiền – Giám đốc Công ty Luật TNHH Kim Minh Châu (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng, có thể thấy, bỏ GPXD là một bước tiến đáng ghi nhận trong cải cách hành chính. Tuy nhiên, chính sách này chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi đi kèm với cơ chế hậu kiểm minh bạch, đủ sức kiểm soát và ngăn ngừa vi phạm. Do đó, đi liền với sự ủng hộ cải cách là những lo ngại xác đáng. Bởi nếu không có, cơ chế hậu kiểm minh bạch và chặt chẽ, việc miễn giấy phép có thể dẫn tới buông lỏng quản lý, phát sinh sai phạm trong thi công và sử dụng công trình sai mục đích. Đặc biệt là những công trình vi phạm, đã bị “gọi tên” trước đó cần được xử lý dứt điểm chứ không nên để người dân chạy quanh. Điển hình như trường hợp liên quan đến công trình vi phạm tại số 3, ngõ 249 Hoàng Quốc Việt nói trên.

“Dù tới đây, việc bỏ GPXD nhưng những công trình vi phạm vẫn phải bị xử lý, người để xảy ra vi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm cho dù đương nhiệm hay chuyển vị trí công tác, thậm chí đã nghỉ hưu. Tôi nghĩ rằng, với sự đối xử công bằng, nghiêm minh khi thực thi pháp luật thì sẽ không bao giờ có chuyện cán bộ “hạ cánh an toàn” nếu như để xảy ra vi phạm. Bên cạnh đó, việc bỏ GPXD cần đi đôi với việc nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan giám sát như: Thanh tra xây dựng, Đội quản lý trật tự xây dựng, UBND cấp phường, xã… để bảo đảm đô thị được phát triển đạt mỹ quan, đúng quy hoạch. Mặt khác, cần tăng chế tài, ràng buộc trách nhiệm trong môi trường hậu kiểm; mở rộng trách nhiệm dân sự, hành chính, thậm chí hình sự đối với cá nhân, đơn vị tư vấn và thi công vi phạm thì mới đủ sức răn đe”, luật sư Hiền chia sẻ.

Liên quan đến vi phạm về trật tự xây dựng, thời gian qua trên địa bàn TP Hà Nội, nhiều lãnh đạo xã, phường bị bắt giữ, khởi tố về hành vi nhận hối lộ, bảo kê để cho các công trinh xây dựng trái phép ngang nhiên tồn tại. Hậu quả, những vi phạm trên đã được phanh phui, nhiều đối tượng bị Công an TP Hà Nội khởi tố, truy tố là lãnh đạo xã, phường, đơn vị chức năng.

Điển hình: Ngày 12/4/2024, CATP Hà Nội bắt giữ Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy (nay là phường Nghĩa Đô, TP Hà Nội) có hành vi nhận hối lộ 1 tỷ đồng để bỏ qua các sai phạm cho một công trình xây dựng không có giấy phép trên địa bàn; Ngày 20/3/2025, CATP Hà Nội đã ra lệnh bắt, tạm giữ đối với ông Đặng Thanh Tùng - Chủ tịch UBND phường Thanh trì (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) này là phường Lĩnh Nam, TP Hà Nội cùng nhiều cán bộ quản lý xây dựng bị cáo buộc nhận 920 triệu đồng của nhiều hộ gia đình để bỏ qua cho sai phạm về xây dựng; Ngày 5/5/2025 CAPTP Hà Nội vừa bắt giữ Chủ tịch xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín (nay là xã Chương Dương, TP Hà Nội) và 3 cán bộ xã do nhận hối lộ, bảo kê cho xây dựng trái phép; Ngày 22/5/2025 CATP Hà Nội thực hiện lệnh bắt giữ Bí thư phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (nay là phường Hoàng Liệt, TP Hà Nội) và 3 cán bộ với cáo buộc nhận hối lộ để bỏ qua vi phạm trong lĩnh vực xây dựng.

Minh Quang - Chiến Thắng
.
.