An toàn vệ sinh thực phẩm - nỗi lo toàn xã hội

Cần có giải pháp hiệu quả đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (kỳ cuối)

Thứ Ba, 04/06/2024, 09:05

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm. Số vụ ngộ độc giảm so với cùng kỳ năm 2023 (5 tháng đầu năm 2023 xảy ra 40 vụ ngộ độc), nhưng số người mắc lại tăng hơn 1.000 người. Đáng chú ý, có nhiều vụ xảy ra làm hàng trăm người ngộ độc thực phẩm…

Theo cơ quan chức năng, các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra chủ yếu vi phạm quy định an toàn thực phẩm của cơ sở nhỏ lẻ, đặc biệt là thức ăn đường phố; thực trạng kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc ở cổng trường học, các khu công nghiệp với đối tượng là học sinh, công nhân… chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tại các địa phương, các cơ quan được phân công không đồng nhất và có sự đan xen; việc quản lý cơ sở sản xuất thực phẩm quy mô nhỏ chưa hiệu quả...

Cần có giải pháp hiệu quả  đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (kỳ cuối) -0
Người bán thực phẩm đường phố luôn tìm cách chống đối khi bị cơ quan chức năng xử lý.

Tại TP Hồ Chí Minh, các cấp chính quyền cho biết thường tổ chức những đợt truy quét, xử phạt vi phạm hành chính đối với người và tịch thu phương tiện, nhưng giống những đợt sóng, lớp này bị xử lý thì lớp kia lại ào tới ngay sau đó để “chiếm lĩnh trận địa”. Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, cá nhân đã liên tục xảy ra gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng con người.

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm cũng thường xuyên được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp đến từng đơn vị, doanh nghiệp, khu phố, tuy nhiên, thực tế có rất nhiều học sinh tại hầu hết các trường học, người bệnh và người nuôi bệnh tại các bệnh viện, công nhân trong các khu công nghiệp… vẫn xem thường, cứ vô tư sử dụng các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh này vào mỗi buổi sáng, trưa và giờ tan tầm vì giá rẻ.

Người dân lo ngại việc kiểm soát vệ sinh ATTP và mong Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh vừa được thành lập và các ngành chức năng ở TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh, thành lân cận cần kiểm tra gắt gao nguồn nguyên liệu dùng chế biến, nhất là trong mùa nắng nóng, đề phòng cảnh báo sớm việc thực phẩm gây ngộ độc liên tục từ đầu năm đến giờ, vì tình trạng này đã đáng báo động từ lâu.

Là người đi nhiều nước trên thế giới, anh Nguyễn Ngọc Thanh ở quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh cho biết, ở các nước phát triển, trong đó có cả các nước ở gần Việt Nam đều không có tình trạng buôn bán hàng rong trước cổng trường học, bệnh viện, khu công nghiệp hay nơi tụ tập đông người... Công tác quản lý và kiểm soát buôn bán thực phẩm được họ thực hiện rất tốt. Họ làm được thì mình cũng làm được, điều quan trọng là chúng ta có thực sự quyết tâm làm hay không.

Nhiều người dân cho rằng, hàng rong đường phố là cầu nối tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng, hàng lậu, hàng trôi nổi, hàng hết hạn sử dụng... Nếu cho bán hàng rong thực phẩm, đồ ăn thì phải quản được chất lượng, mức độ an toàn, còn nếu không thể nào quản lý được thì cần cấm triệt để, không thể cấm nửa vời, vừa cho bán vừa sợ gây bệnh. Đừng để đến khi xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm mới ráo riết vào cuộc xử lí.

“Không dẹp được hàng rong thì có 10 cái Sở An toàn thực phẩm cũng bó tay. Người bán hàng rong thường từ các tỉnh xa đến hoặc người có hoàn cảnh khó khăn, hàng ngày cứ lo quay cuồng với chuyện cơm, áo, gạo, tiền thì lấy đâu ra thời gian đi tìm nguồn gốc thực phẩm rõ ràng mà đảm bảo. Trong khi đó, ý thức nhiều người dân còn thấp, họ chấp nhận đánh cược sức khỏe của con em mình chỉ vì tiện và nhanh mà mua đồ ăn hàng rong thì chịu thôi. Có cung sẽ có cầu và để thu hút đông người sử dụng, người bán hàng chắc chắn sẽ hạ giá nên để có được lợi nhuận, họ sẽ lược bỏ tất cả tiêu chí an toàn”- anh Nguyễn Trọng Nhân ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Một thực trạng đó là khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở đều có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP theo quy định, nhưng vẫn xảy ra ngộ độc. Do đó, không để việc có giấy chứng nhận nhưng lại thu gom các nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ để cung cấp cho bếp ăn tập thể các trường học, công ty.

Mùa hè, với thời tiết nóng và ẩm, nếu thiếu nước sạch, trang thiết bị bảo quản thực phẩm không đầy đủ, không bảo đảm vệ sinh, việc gia tăng sử dụng nước đá, chế biến thức ăn không gia nhiệt kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 giờ… nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm rất cao; nhất là thức ăn được chế biến có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như thịt, cá, hải sản, sữa…

Mùa hè cũng làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác thải, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh, ruồi nhặng, chuột… Bên cạnh đó, hành vi không bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng đang trở thành nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, thời điểm nắng nóng tiềm ẩn rất nhiều mối nguy mất ATTP. Do đó, Sở An toàn thực phẩm đẩy mạnh các hoạt động chống thực phẩm bẩn, tăng cường các lực lượng chuyên ngành và liên ngành thanh tra, kiểm tra với tất cả 21 quận, huyện, TP Thủ Đức, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo đảm ATTP.

Tuy nhiên, một điều khó khăn đối với Sở An toàn thực phẩm đó là việc kiểm soát bên trong trường học có thể kiểm tra đột xuất, không báo trước để kịp thời phát hiện các vi phạm, nhưng bên ngoài trường học thật sự rất khó, nhất là các điểm kinh doanh hàng rong. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, TP Hồ Chí Minh có hơn 13 triệu dân, việc kiểm soát ATTP là thách thức lớn và không có lực lượng thanh tra, kiểm tra nào có thể đủ để kiểm soát được toàn bộ. Do đó, người dân cần nâng cao ý thức, chủ động chọn mua thực phẩm từ những điểm bán uy tín như một cách đầu tư cho sức khỏe.

“Phụ huynh cũng cần chủ động hạn chế cho con sử dụng quà vặt ngoài cổng trường, hạn chế cho con tiền tiêu khi đến trường. Vì rất có thể có những vụ ngộ độc đã xảy ra mà chúng ta chưa phát hiện như rối loạn tiêu hóa rồi về nhà tự xử lý", bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay.

Theo Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế, kiến thức của các nhóm đối tượng người sản xuất, kinh doanh, người chế biến và người tiêu dùng thực phẩm đang được nâng cao đáng kể, nhưng việc thực hành đúng về ATTP còn khá hạn chế; không tuân thủ các quy định bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể; kinh doanh thức ăn đường phố ở địa điểm ô nhiễm; sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm bị ô nhiễm… Điều đó sẽ gia tăng nguy cơ xảy ra ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo để bảo đảm ATTP, phòng tránh được ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè, người dân cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm; bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh, nên thực hiện ăn chín, uống chín.

Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.  Vấn đề đảm bảo ATTP rất quan trọng, bởi không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, mà cả đến an ninh trật tự, kinh tế xã hội và vấn đề an sinh. Do đó, ngoài việc tự ý thức bảo vệ của mỗi cá nhân, ngành chức năng cần đưa ra các biện pháp và quyết liệt thực hiện nghiêm.

Đức Cương - Nguyễn Cảnh
.
.