Cảnh giác các bẫy lừa gây “sốt” bất động sản
Luật sư Phạm Văn Thạnh (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) khuyến cáo người dân khi giao dịch bất động sản, cần lưu ý tới pháp lý. Nếu thông qua môi giới, nên yêu cầu cung cấp đầy đủ, trung thực hồ sơ, thông tin về bất động sản mà mình quan tâm. Đồng thời, chính quyền địa phương như UBND phường/xã, quận/huyện nên thiết lập một hệ thống cung cấp thông tin quy hoạch dễ tiếp cận, dễ hiểu. Đây là điều quan trọng nhất để tránh tình trạng người dân mua phải “dự án ma”, dự án chưa được cấp phép.
Tiếp đó, trong quá trình quản lý nếu địa phương phát hiện có tình trạng bán đất nền “dự án ảo” thì phải xử lý nhanh, mạnh tay như là cưỡng chế hành chính và thậm chí đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm những cá nhân cố tình thực hiện những hành vi có tính chất lừa đảo khách hàng.
Việc một công ty bất động tổ chức ầm ĩ để bán đất nền ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước gây xôn xao dự luận những ngày qua, nhiều chuyên gia trong ngành bất động sản cho rằng đây là chiêu trò làm “nóng” thị trường giao dịch trong lĩnh vực này sau một thời gian dài đóng băng do dịch bệnh COVID-19.
Qua tìm hiểu, được biết công ty bất động sản xuất hiện trong đoạn clip nói trên có trụ sở tại tỉnh Bình Dương. Giám đốc Công ty N.K là V.N.K cho PV Báo CAND biết: “Đây là đất do em mua và em tách ra từng nền để bán, mỗi nền đều có thổ cư. Em cầm sổ trên tay em bán cho khách chứ có phải không có giấy tờ đâu…”.
Khi PV hỏi, đang dịch bệnh, công ty có xin phép địa phương để tổ chức mua bán sự kiện này hay không, thì ông V.N.K nói: “Hôm rồi em có điện thoại xin xã, các anh có nói không cho dựng rạp mà rạp thì đã dựng từ hôm qua rồi nên em bảo thu hết ghế lại, còn rạp thì để khách ở xa đến nếu có ngồi thì khoảng cách xa ra”.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Lê Trường Sơn cho biết, hiện dịch tại xã Lộc Khánh đang ở cấp độ 1, mọi tập trung đông người phải báo với chính quyền địa phương bằng văn bản, nhưng công ty này không thực hiện đúng quy định. Sau khi nắm được thông tin báo cáo sự việc, lãnh đạo UBND huyện Lộc Ninh đã yêu cầu Công an huyện chủ động kiểm tra, nắm bắt thông tin tình hình khu vực có diễn biến phức tạp về đất đai, kiên quyết đấu tranh xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo, lũng đoạn, xúi giục, kích động, gây bất ổn thị trường bất động sản cũng như trật tự xã hội. Đối với người mua đất, nếu ai nhận thấy bị lừa gạt, thông tin không đúng sự thật có thể làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan Công an để được hỗ trợ, xử lý theo quy định.
Trong clip trên, có một chi tiết mà nữ MC giới thiệu rằng đây là “Dự án Lộc Khánh”, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Lê Trường Sơn cho rằng việc nhóm người của công ty bất động sản này giới thiệu như vậy để bán đất cho người dân là không đúng sự thật. Vì hiện nay tại xã Lộc Khánh chưa có dự án khu dân cư nào được cấp phép.
Về chiêu trò mua bán kiểu như công ty bất động sản trên, anh Nguyễn Văn Lộc ở phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh cho biết, khoảng vài năm trở lại đây, hầu hết các nhà đầu tư tỉnh táo trong việc xuống tiền nên họ cảnh giác với chiêu trò làm giá, tạo “nóng” như vậy. Nhưng với nhà đầu tư mới bước chân vào thị trường thì dễ bị lừa. Thường thì công ty cho 2-3 môi giới kèm một khách, hoặc tạo thêm các khách hàng “chim mồi”. Mục đích tác động vào tâm lý khách hàng, để họ xuống tiền mua sản phẩm thật nhanh.
Trao đổi với PV Báo CAND, anh Quang Anh sinh sống ở Úc cho biết, nước này quản lý rất chặt việc môi giới mua bán bất động sản. Phải đi học để được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới và chịu trách nhiệm với những gì cam kết về sản phẩm của mình giới thiệu bán.
“Người môi giới được pháp luật bảo vệ và phải đóng thuế đàng hoàng. Nếu bị khách hàng hay chủ bất động sản thưa kiện môi giới sai, có thể bị cơ quan quản lý tịch thu chứng chỉ và vĩnh viễn không được cấp chứng chỉ hành nghề này; thậm chí có thể bị đi tù, tùy vào mức độ vi phạm”, anh Quang Anh chia sẻ.
Thực tế những người mua đất để ở đa phần là người mua lần đầu, lao động nghèo làm việc cả thời gian dài tích góp mong mua được mảnh đất nên không dễ nhận ra được những chiêu lừa có kịch bản, dàn dựng rất bài bản, quảng cáo quá hấp dẫn: “Sinh lợi cao, vị trí đẹp, nếu không ở thì bán cũng lời”… nhưng thực tế “dự án ma”, dự án chưa được cấp phép.
Chuyên gia bất động sản Nguyễn Ngọc Thanh cho biết, đây chỉ là chiêu trò dàn dựng, làm thị trường ảo. Mục đích của việc này đưa thông tin không đúng sự thật về lô đất nhằm thổi giá, tìm khách hàng nhẹ dạ cả tin, hám lời cao, ai không sáng suốt thì dính “bẫy”.
Thông thường triển khai một dự án về nhà ở thì chủ đầu tư trước tiên phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan về dự án thì mới được xây dựng cơ sở hạ tầng. Khi có cơ sở hạ tầng mới thực hiện các giao dịch mua bán, người dân khi mua đất dự án ở những địa phương khác nên đến chính quyền địa phương để hỏi về thông tin quy hoạch, tránh việc mua phải dự án không có thật.