Ngăn chặn nạn đổ rác bừa bãi để thay đổi thói quen xấu

Thứ Năm, 03/04/2025, 08:09

Hà Nội là một trong những đô thị đầu tiên áp dụng camera tích hợp AI giám sát, xử phạt hành vi đổ rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định. Sau một tháng thực hiện dùng camera giám sát hành vi đổ rác không đúng nơi quy định tại 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, người dân đã có biến chuyển ý thức bước đầu. 

Hiện nay, hành vi vứt rác bừa bãi tại Hà Nội được quy định rõ trong Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, mức phạt tiền cho hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị có thể lên tới 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, và gấp đôi đối với tổ chức.

Ngăn chặn nạn đổ rác bừa bãi  để thay đổi thói quen xấu -0
Ảnh minh hoạ.

Ngoài ra, còn có các mức phạt khác cho các hành vi liên quan như vứt tàn thuốc lá không đúng nơi quy định hoặc không phân loại rác tại nguồn. Mặc dù số tiền phạt không nhỏ, nhưng tình trạng vứt rác bừa bãi vẫn diễn ra thường xuyên và phổ biến tại các tuyến phố, ngõ, ngách do các phường không thể bố trí lực lượng đi giám sát thường xuyên, nhất là vào các khung giờ muộn hay các ngõ vắng vẻ.

Chính vì thế, việc lắp đặt hệ thống camera giám sát hành vi đổ rác được kỳ vọng sẽ tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật và răn đe hành vi vứt rác bừa bãi. Từ ngày 1/3, Hà Nội đã lắp camera phạt “nguội” để phát hiện, xử lý nghiêm hành vi đổ trộm rác thải, bỏ rác không đúng nơi quy định tại 4 quận nội thành: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Tại quận Ba Đình, dự án lắp đặt hệ thống camera giám sát trên toàn địa bàn quận được triển khai với tổng mức đầu tư 40,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách quận, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận là đơn vị chủ đầu tư. Quận đã triển khai thi công giai đoạn 1 từ ngày 1/3/2025, đến nay đã tổ chức lắp đặt 79 camera tại những khu vực là điểm nóng về vi phạm vệ sinh môi trường.

Theo một lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình cho biết: “Camera sau khi lắp đặt xong, các tín hiệu sẽ được truyền trực tiếp về Công an 13 phường để thực hiện việc kiểm tra, giám sát hành vi đổ rác bừa bãi cũng như những hành vi gây mất trật tự, an ninh đô thị. Giai đoạn 2, quận sẽ tổ chức lắp đặt thêm 202 camera và dự kiến sẽ đấu nối khoảng 1.000 camera của các hộ gia đình và tổ chức nằm trên địa bàn quận".

Ngoài ra, việc cảnh báo vi phạm tự động sẽ được thông qua các camera phục vụ an ninh, trật tự được tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận diện khuôn mặt, biển số xe và giám sát các hành vi vi phạm trật tự, vệ sinh môi trường. Hình ảnh từ camera được truyền về phòng trực ban Công an phường để giám sát. Dựa trên dữ liệu ghi lại, tổ kiểm tra sẽ xác định người vi phạm, lập biên bản và ra quyết định xử lý.

Tính đến ngày 21/3, quận Ba Đình đã lập biên bản 120 trường hợp vi phạm, trong đó 115 người đã nộp phạt, tổng số tiền 176 triệu đồng. Các phường Cống Vị, Vĩnh Phúc và Trúc Bạch có số người vi phạm cao nhất. Ngoài camera, Công an phường cũng tiếp nhận phản ánh từ người dân.

Với các trường hợp tố giác, đơn vị sẽ trích xuất dữ liệu để làm bằng chứng xử phạt. Thực tế, việc lắp đặt camera giám sát hành vi đổ rác thải đã mang lại những tín hiệu tích cực ban đầu khi tình trạng xả rác bừa bãi tại nhiều khu vực giảm đáng kể. Trên nhiều tuyến phố, nhờ các biển cảnh báo có camera giám sát, tình trạng đổ rác thải bừa bãi đã giảm đáng kể.

Dọc trên phố Đội Cấn, nếu trước đây, các gốc cây trên vỉa hè thường là chỗ tập trung rác thải thì sau khi được treo các tấm biển “cấm đổ rác”, khu vực này đã sạch sẽ. Trên nhiều tuyến phố của quận Hoàn Kiếm, người dân cũng đã có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Và với tâm lý sợ bị phạt, tình trạng đổ rác thải tràn lan đã được hạn chế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi, mặc dù những tấm biển thông báo có camera giám sát được in chữ rất to dựng trên vỉa hè, rác vẫn được vứt ngổn ngang. Thậm chí, có điểm, thay vì vứt thẳng dưới chân tấm biển, nhiều người mang rác vứt cách đó chỉ khoảng 5-10m.

Bà Trần Thanh Huyền, sinh sống trên phố Phan Kế Bính (phường Cống Vị, quận Ba Đình) cho biết, không chỉ tối, ngay cả ban ngày rác vẫn được ném ra đường. “Nhiều người còn đội mũ, đeo khẩu trang, mặc áo chống nắng kín mít hai tay xách 2 túi rác to đùng ra vứt. Dù có camera thì cũng khó phát hiện ra người đổ rác là ai, có sinh sống ở quanh đây hay không. Tấm biển có chữ camera giám sát, cấm đổ rác to đùng thế kia mà họ còn cố tình vứt rác thì ý thức quá kém”, bà Huyền bức xúc nói. 

Để tăng cường ý thức của người dân, cùng với việc lắp camera giám sát, nhiều phường đã thực hiện cho người dân ký cam kết thực hiện tốt trật tự đô thị, vệ sinh môi trường như phường Láng Thượng, quận Đống Đa. Rõ ràng, việc lắp đặt camera giám sát hành vi đổ rác thải đã có kết quả khả quan. Nhưng chưa giải quyết được triệt để hành vi đổ rác thải bừa bãi. Theo TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên môi trường Việt Nam, vứt rác bừa bãi nơi công cộng là thói quen đã ăn sâu trong một bộ phận người dân.

“Mà đã là thói quen thì sẽ không dễ bỏ. Do đó, để chấm dứt thói quen này cần có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ nhưng cũng cần triển khai từng bước một cách hợp lý. Theo tôi, nếu thấy ai đó làm chưa đúng thì không phải chờ cơ quan chức năng xử phạt mà những người chứng kiến hành vi đó hãy mạnh mẽ lên tiếng nhắc nhở với tinh thần vì trách nhiệm với cộng đồng, vì môi trường sống. Có như vậy mới mong vấn đề này được giải quyết triệt để”, TS Nguyễn Ngọc Sinh nói.

Chi Linh
.
.