Nhiều vướng mắc trong xử lý tài sản thi hành án từ các vụ án kinh tế
“Chỉ với 4 tài sản là tòa nhà Windsor Plaza, tòa nhà Times Square, chợ Vải và Dự án BĐS Mũi Đèn Đỏ trong vụ án hình sự liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB trong tổng số 726 mã tài sản được Công ty thẩm định giá H định giá, đem so với kết quả thẩm định của Công ty CP giám định và thẩm định tài sản V - một trong 19 công ty thẩm định giá được Bộ Tài chính giới thiệu cho Ngân hàng Nhà nước đã có sự chênh lệch lên tới 193 nghìn tỷ đồng…”. Thông tin trên được TS LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nêu ra tại hội thảo “Giải pháp xử lý tài sản trong thi hành án các vụ án kinh tế” do Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 14/5…
Theo LS Phan Trung Hoài, phương pháp và kết quả định giá tài sản đảm bảo trong một vụ án hình sự ảnh hưởng không chỉ đến số liệu quy buộc người phạm tội chiếm đoạt tài sản, mà còn tác động đến kết quả thi hành án sau khi bản án có hiệu lực pháp luật nhằm khắc phục triệt để hậu quả từ vụ án. Đặc biệt, trong số 440 mã tài sản liên quan đến vụ án này không được Công ty H định giá, bị phía ngân hàng quy giá trị bằng 0, có cả những tài sản giá trị rất lớn như quyền sử dụng đất tọa lạc tại quận 1, quận 5, TP Hồ Chí Minh.
Từ thực tế trên, LS Phan Trung Hoài cho rằng, thẩm định giá có thể dẫn đến sự khác biệt lớn trong quan điểm và xác định giá trị tài sản. Bày tỏ sự đồng thuận cao khi bản án phúc thẩm giai đoạn 1 của vụ án trên đã quyết định giao cho SCB phối hợp với Cơ quan Thi hành án dân sự để tiếp tục quản lý, xử lý đối với 1.120 mã tài sản đang được thế chấp tại SCB để đảm bảo cho 1.243 khoản vay, hợp đồng tín dụng còn nghĩa vụ nợ trong vụ án… LS Phan Trung Hoài cho rằng, với nội dung này trong bản án, việc quản lý, xử lý các tài sản thế chấp để thu hồi nợ của các khoản vay, hợp đồng tín dụng sẽ được thực hiện dưới sự giám sát của VKSND Tối cao, Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Cơ quan Thi hành án dân sự. Do đó, quá trình thi hành án, Cơ quan Thi hành án dân sự sẽ phải tiến hành định giá lại toàn bộ các mã tài sản hiện đang đảm bảo cho các khoản vay để đảm bảo giải quyết triệt để việc khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án.

Tuy nhiên, theo LS Phan Trung Hoài, để việc thi hành án được “trơn tru” cần làm rõ thêm về khái niệm định giá tài sản và thẩm định giá tài sản. Đồng thời bổ sung quy định “thẩm định lại giá tài sản” vào Bộ Luật tố tụng dân sự cũng như quy định, hướng dẫn cụ thể việc xác định thời điểm định giá tài sản là thời điểm tài sản bị xâm phạm nhằm đảm bảo sự thống nhất trong quá trình áp dụng và theo hướng có lợi cho người phạm tội. Bởi quy định xác định thời điểm định giá là thời điểm cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu như hiện nay là chưa phù hợp. Trường hợp thời điểm xảy ra vụ án diễn ra cách xa thời điểm định giá sẽ dẫn tới có sự chênh lệch rất lớn trong việc xác định giá trị tài sản bị xâm hại. Ngoài ra, vụ án hình sự hay dân sự có thể được giải quyết trong một thời hạn khá dài, trải qua rất nhiều thủ tục nên việc xác định thời điểm định giá là thời điểm của sơ thẩm lần đầu hay mỗi một giai đoạn sẽ tiến hành định giá cho phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản tranh chấp cũng là vấn đề chưa được hướng dẫn cụ thể.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 3 năm gần đây Thi hành án dân sự thành phố đã thu hồi được trên 50.000 tỷ đồng, chiếm 76-96% của cả nước. Tuy nhiên vấn đề xử lý tài sản trong thi hành các vụ án kinh tế hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc. Giai đoạn truy tố, xét xử các vụ án lớn, vụ án phức tạp kéo dài dẫn tới việc các đối tượng tẩu tán tài sản, tài sản là bất động sản xuống cấp, tốn nhiều chi phí bảo quản, lưu giữ. Theo ông Hòa, qua vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã cho thấy việc phối hợp rất quan trọng. Cơ quan Thi hành án đã phối hợp với Cơ quan CSĐT, VKSND, TAND, luật sư…ngay từ đầu để làm rõ dòng tiền, tính chất tài sản.
Theo ông Hòa, trong quá trình tố tụng, các cơ quan chưa quan tâm đến tính chất tài sản dẫn đên việc Thi hành án xử lý tài sản gặp khó. Chẳng hạn tài sản theo bản án là của người phạm tội nhưng thực chất đứng tên người khác. Đặc biệt là việc xử lý tài sản là các dự án, cơ sở pháp lý không có, quá trình truy tố, xét xử kéo dài khiến giấy phép hết hạn. Như trong vụ án Hứa Thị Phấn, tòa tuyên phát mãi dự án Bệnh viện Phú Mỹ với diện tích 10ha ở Bình Chánh, nhưng thực tế giấy phép triển khai dự án đã hết hạn, về nguyên tắc phải thu hồi nên hiện nay bán đất thì không đúng, dự án thì không được cấp phép, Cơ quan Thi hành án loay hoay không biết xử lý như thế nào nên liên tục phải kiến nghị hủy bản án. Ngoài ra, việc xử lý tài sản hình thành trong tương lai, cổ phần, cổ phiếu… cũng chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể.
Ông Ngụy Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm đấu giá tài sản TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, tài sản do Thi hành án dân sự đưa ra đấu giá là loại tài sản đặc thù, chứa đựng rất nhiều rủi ro, phức tạp. Nêu ra một loạt các rủi ro về pháp lý tài sản đấu giá, ông Thắng cho rằng đó là việc Thi hành án không thu giữ được giấy tờ bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản dẫn đến khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận cho người trúng đấu giá. Khi mua dự án BĐS bị kê biên đấu giá, người mua vướng về điều kiện chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản. Tiếp theo là rủi ro khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản xuất phát từ việc tài sản đưa ra đấu giá có thể đang tồn tại tranh chấp giữa người phải thi hành án với bên thứ ba về quyền sở hữu, quyền sử dụng...
Dẫn đến các rủi ro trên, theo ông Thắng là do quyền của người mua được tài sản đấu giá chưa được bảo vệ triệt để do luật chưa quy định cụ thể trong việc thanh toán tiền thi hành án. Pháp luật về đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự vẫn chưa bảo đảm quyền lợi của người mua được tài sản… Để việc đấu giá tài sản thi hành án được thuận lợi, góp phần thu hồi nhanh tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, ông Ngụy Cao Thắng kiến nghị một loạt nội dụng, trong đó Thi hành án dân sự phải chủ động phối hợp với TAND Tối cao, VKSND Tối cao và các bộ, ngành liên quan đề xuất tháo gỡ các vướng mắc, bất cập hiện này. Thậm chí cần đề xuất cơ chế đặc thù riêng nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thi hành án đối với những vụ án kinh tế, tham nhũng.