Tái diễn thu mua, chế biến gỗ trái phép ở Thanh Hoá

Thứ Năm, 03/04/2025, 08:00

Sau một thời gian lắng xuống, thời gian gần đây, hàng loạt cơ sở thu mua, chế biến nguyên liệu gỗ rừng trồng trái phép trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đồng loạt hoạt động trở lại, bất chấp các quy định của pháp luật.

Theo tìm hiểu của phóng viên, các cơ sở nói trên phần lớn vi phạm về quy hoạch vùng nguyên liệu, thực hiện không đúng quy hoạch sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích, không được cơ cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép…

Cơ sở băm gỗ dăm của hộ gia đình ông Nguyễn Đình Tứ, ở thôn Ngọc Sơn, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá hoạt động không đảm bảo quy định của pháp luật về quy hoạch, sử dụng đất, bị UBND huyện Thường Xuân niêm phong, đình chỉ, yêu cầu ngừng hoạt động. Tuy nhiên, theo thông tin phản ánh chúng tôi nhận được, thời gian qua, cơ sở băm dăm của hộ gia đình ông Tứ ngang nhiên bóc niêm phong, tổ chức hoạt động thu mua gỗ keo và băm dăm giữa "thanh thiên bạch nhật".

Theo quan sát của phóng viên, cơ sở băm dăm này nằm trên khu đất có diện tích ước đoán hàng ngàn mét vuông, nằm trong khu dân cư, phía trước là đường làng, phía sau là ruộng lúa, cách trụ sở UBND xã Lương Sơn khoảng 300m. Thời điểm chúng tôi ghi nhận, phía sau cơ sở là bãi tập kết gỗ keo thô, chưa bóc vỏ, mỗi khi hoạt động, một dàn máy sẽ tiến hành bóc vỏ keo, dàn máy còn lại băm gỗ keo đã bóc vỏ thành gỗ dăm. Dăm ở đây không chất thành đống trên bãi mà từ băng chuyền chảy thẳng vào thùng chiếc xe tải cỡ lớn đang chờ sẵn trên sân (xe tải 6 chân). 

Tái diễn thu mua, chế biến gỗ trái phép ở Thanh Hoá -0
Hộ gia đình ông Nguyễn Đình Tứ ở xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân ngang nhiên bóc niêm phong của UBND huyện tiếp tục thu mua gỗ keo, băm dăm.

Phóng viên phản ánh sự việc trên đến ông Lương Xuân Thiêm - Chủ tịch UBND xã Lương Sơn nhưng ông này trao đổi khá hời hợt, thiếu trách nhiệm: "Vừa rồi họ xin nổ máy để bảo dưỡng… Mình cũng thông báo cho họ dừng nhưng chắc chắn họ chẳng dừng đâu, họ cũng không sai gì lắm so với quy định, họ đang thiếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất…". Theo tìm hiểu của phóng viên, hộ gia đình Nguyễn Đình Tứ đang sử dụng đất ở, đất cây lâu năm để xây dựng nhà xưởng (diện tích 1980m2), lắp đặt máy móc thiết bị để sản xuất kinh doanh băm dăm mà chưa đăng ký biến động về đất đai, không được cấp phép băm dăm. 

Huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá là một trong những địa phương có khá nhiều cơ sở thu mua gỗ keo, băm dăm trái phép hoạt động, thời gian qua, UBND huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các xã kiểm tra, xử lý, đóng cửa các cơ sở trái phép. Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, gần đây, nhiều cơ sở thu mua gỗ keo trái phép ở huyện Như Thanh tiếp tục hoạt động trở lại.

Cụ thể, tại thôn Đồng Bớp, xã Mậu Lâm, thời điểm phóng viên có mặt, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hùng; hộ gia đình ông Bùi Văn Hải đang tổ chức thu mua gỗ, tập kết thành bãi lớn. Đáng chú ý, trong thôn còn có hộ gia đình ông Nam đang tổ chức xây dựng bàn cân, nghi là dùng cho hoạt động thu mua gỗ keo… Trao đổi với phóng viên, ông Quách Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Mậu Lâm cho biết: Các hộ dân kể trên đều thuê đất ở của các hộ gia đình khác trong thôn làm nơi thu mua, tập kết gỗ keo. Số gỗ keo sau khi thu mua sẽ được tiếp tục vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ. Khi phóng viên phản ánh các cơ sở trên hoạt động trở lại, Phó Chủ tịch UBND xã Mậu Lâm nói rằng sẽ kiểm tra thông tin.

Theo báo cáo của UBND huyện Như Thanh, trong tổng số 44 cơ sở thu mua, chế biến gỗ trên địa bàn, chỉ có 7 cơ sở được giao, cho thuê đất; 37 cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh trên đất ở, đất sản xuất nông nghiệp được Nhà nước giao cho các hộ. Đáng chú ý, số cơ sở vi phạm về lĩnh vực đất đai, quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường và phòng cháy chữa cháy là 41/44 cơ sở.

Mới đây, ngày 21/3/2025, UBND huyện Như Thanh có văn bản số 774/UBND-NNMT gửi UBND các xã, thị trấn, các phòng chức năng, nhấn mạnh: "Tiếp tục tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, hộ kịnh doanh thu mua, sản xuất, chế biến nguyên liệu gỗ rừng trồng trên địa bàn để chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư xây dựng, sử dụng đất, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy… Giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các cơ sở trước đó đã dừng hoạt động nhưng có hiện tượng lén lút tái hoạt động trở lại". 

Giữ năm 2024, ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Mai Anh 88 (địa chỉ tại thôn Tân Lập, xã Trường Lâm, TX Nghi Sơn), với tổng số tiền là 460 triệu đồng. Đáng chú ý, tại Quyết định số 4109/QĐ - XPHC, UBND thị xã Nghi Sơn xử phạt Công ty TNHH Mai Anh 88 số tiền 85 triệu đồng. Theo đó, Công ty TNHH Mai Anh 88 không thực hiện theo đúng nội dung tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Cụ thể, doanh nghiệp thực hiện băm dăm gỗ, không sản xuất các sản phẩm theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp (viên nén năng lượng); dự án chậm tiến độ, sai mục tiêu đầu tư. 

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Sơn - Đội trưởng, Đội kiểm tra quy tắc xây dựng thị xã Nghi Sơn cho biết: Công ty TNHH Mai Anh 88 chưa chấp hành Quyết định xử phạt, chưa thực hiện nộp phạt vào Kho bạc Nhà nước. Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, cùng với các hoạt động, sản xuất kinh doanh khác thì tình trạng băm dăm tại cơ sở này vẫn đang tiếp diễn. 

Không chỉ huyện Thường Xuân, Như Thanh, thị xã Nghi Sơn…, hoạt động thu mua, chế biến rỗ rừng trồng trái phép còn diễn ra tại nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Giữa năm 2024, thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thanh Hóa (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường), trên địa bàn tỉnh có hơn 100 cơ sở băm dăm, chế biến gỗ và lâm sản hoạt động không đúng quy định (vi phạm về quy hoạch, đất đai, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy…).

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hoá tiếp tục có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục xử lý dứt điểm các vi phạm về sử dụng đất, đầu tư, xây dựng, phòng cháy chữa cháy... tại các điểm, cơ sở thu mua nguyên liệu gỗ rừng trồng trên địa bàn huyện Như Thanh và các địa phương khác trong tỉnh và hoàn thành xong trong tháng 5/2025.

Hoạt động kinh doanh trái phép của các cơ sở thu mua, chế biến gỗ rừng trồng không chỉ vi phạm pháp luật về quy hoạch, sử dụng đất mà còn gây nên hệ lụy xấu trong hoạt động kinh doanh, đó là tình trạng tranh mua, tranh bán…

Trần Thắng
.
.