Thực phẩm “bẩn” vây quanh trường học

Thứ Hai, 07/10/2024, 08:15

Bước vào năm học mới hơn 1 tháng, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) lại được đặt lên hàng đầu khi đã có những vụ ngộ độc thực phẩm diễn ra, đặc biệt liên quan đến quà vặt, đồ ăn trước cổng trường, khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Thức ăn đường phố, bao gồm cả quà vặt trước cổng trường, nguyên nhân xác định thường bị nhiễm khuẩn Ecoli - loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả. Đáng lo ngại, hàng ăn vặt được bán trên những xe lưu động rất khó kiểm soát.

“Xiên bẩn”, nước ngọt đủ màu bán rong khó kiểm soát

Gần đến giờ tan học, những xe đẩy xiên bẩn bắt đầu xuất hiện quanh cổng trường. Nhiều nhất phải kể tới những xe đồ ăn vặt hàng rong xuất hiện bên cạnh Trường THPT Nguyễn Trãi trên phố Núi Trúc, quận Ba Đình, Hà Nội với sạp đựng đủ loại “xiên bẩn”, vây quanh là những em học sinh đứng ngay tại chỗ ăn. Vào buổi chiều, tuyến phố này xuất hiện nhiều xe “xiên bẩn” bày bán hàng chục món với màu sắc bắt mắt, chưa kể sạp hàng cố định bày sẵn bàn ghế trên vỉa hè. Một nhóm học sinh sau giờ tan học rủ nhau ghé ngay vào sạp hàng ven đường, các em vô tư cho biết, đã nhiều lần ăn “xiên bẩn” và thấy tiện vì “tranh thủ ăn để còn đi học thêm ca tối”.

Vào giờ tan học, những xe thực phẩm rong bán xúc xích chiên, bò pía, bánh tráng trộn, trà sữa… cũng tụ tập gần cổng trường THCS Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội). Sau khi tan học vào buổi trưa, nhiều học sinh đói đã ghé vào mua. Có em đứng chờ bố mẹ tới đón cũng tranh thủ sà vào mua trà sữa giá rẻ và “xiên bẩn” để ăn. Các em chưa ý thức được thức ăn đường phố “3 không” này sẽ ảnh hưởng thế nào tới sức khoẻ, đặc biệt là hệ tiêu hoá, nên vẫn vô tư ăn uống.

Tương tự, tại cổng trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) học sinh tan học vào buổi trưa cũng bu quanh các xe hàng rong ở cổng trường. Tại đây, ngoài thực phẩm không rõ nguồn gốc, còn bán những cốc trà chanh giá rẻ 10.000 đồng/cốc, hoặc trà sữa 15.000 đồng - 20.000 đồng/cốc.

Còn quanh các cổng trường tiểu học ở Hà Nội, những đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán khi học sinh tan trường, như những túi thịt bò khô tẩm ướp gia vị màu vàng đậm, giá rất rẻ chỉ 10.000 đồng/túi; hay những chai nước ngọt đủ màu sắc tự chế không có nhãn mác giá rẻ chỉ từ 8.000 đồng - 10.000 đồng được các em học sinh vô tư sử dụng.

Đồ ăn vặt, nước ngọt không rõ nguồn gốc xuất xứ bán tràn lan quanh cổng trường đang là vấn đề khó kiểm soát tại Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Mới đây nhất, 13 học sinh của Trường THCS Bình Minh, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai (Hà Nội) vào giờ học buổi chiều ngày 30/9 đã được một nhóm người lạ phát nước ngọt miễn phí ở ngoài cổng trường. Sau khi uống, các em xuất hiện tình trạng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn và phải vào Bệnh viện Đa khoa Thanh Oai điều trị.

Trước đó, tại Trường THCS Nguyễn Quý Đức (Nam Từ Liêm, Hà Nội), 11 học sinh trên đường đi đến trường mua kẹo (không rõ nguồn gốc, vỏ bao kẹo màu xanh, chữ nước ngoài) và cùng chia nhau ăn. 54 phút sau, các em mệt, đau đầu, buồn nôn…

2.jpg -0
Xe “xiên bẩn” bán rong trên phố Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội.

Kiểm tra, giải toả hàng quán không đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Theo Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, thời gian qua đơn vị liên tục tiếp nhận thông tin về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại một số địa phương liên quan đến học sinh. Điển hình là vụ việc xảy ra tại Trường THCS và THPT Kiên Hải (Kiên Giang) khiến 23 học sinh ngộ độc phải nhập viện điều trị. Tiếp đến là vụ nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, khiến 55 học sinh có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, chóng mặt khi ăn thực phẩm trong tiệc liên hoan Trung thu tổ chức tại trường. Cũng xảy ra tại bữa tiệc liên hoan Trung thu là vụ nghi ngộ độc thực phẩm khiến 21 học sinh Trường THCS Tôn Đức Thắng (TP Pleiku, Gia Lai) đau bụng, buồn nôn và chóng mặt sau khi ăn tiệc…

Theo Cục ATTP, thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến quà vặt, đồ ăn trước cổng trường đã gây hậu quả nghiêm trọng. Đáng lo ngại, hàng ăn vặt được bán trên những xe lưu động rất khó kiểm soát. Vì vậy, Cục ATTP đã yêu cầu các đơn vị trong ngành Y tế các tỉnh, TP tăng cường giám sát ATTP tại khu vực trường học; phối hợp với chính quyền địa phường, ngành GD&ĐT tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo ATTP tại khu vực trường học. Cục ATTP yêu cầu Sở Y tế các địa phương tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và hướng dẫn cho các trường học, ban phụ huynh học sinh nhắc nhở các em không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, do người lạ cung cấp.

Theo ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi Cục VSATTP Hà Nội, từ nay đến cuối năm, thành phố tập trung triển khai chuyên đề “Tăng cường kiểm soát ATTP trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội” đối với các cơ sở giáo dục. Hà Nội sẽ rà soát, thống kê các cơ sở giáo dục, bếp ăn tập thể, căng tin trường học trên địa bàn. Đồng thời, điều tra, rà soát, cập nhật thường xuyên, liên tục cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, kinh doanh tạp hoá có bán thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến thức ăn ngay theo từng ngành hàng, mặt hàng thực phẩm xung quanh cổng trường.

Việc kiểm tra ATTP trong và xung quanh cổng trường sẽ tập trung vào nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, thức ăn đồ uống ăn ngay và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm ATTP.

Thiết nghĩ, việc phân cấp quản lý ATTP hiện nay đã giao cho các địa phương, vì vậy UBND các xã, phường phải tăng cường giám sát, kiểm tra, quản lý các nguồn cung cấp thực phẩm xung quanh trường học nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm; cũng như giải toả những hàng quán không đủ điều kiện kinh doanh trước cổng trường. Cơ quan chức năng cần kiểm soát chất lượng đồ ăn vặt bằng cách test nhanh và xử phạt nghiêm mình đối với những người vi phạm.

Theo lãnh đạo Cục ATTP, nhà trường cần nâng cao trách nhiệm của Ban Giám hiệu, Ban phụ huynh học sinh trong công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc tại khu vực trường học.

Trần Hằng
.
.