Xả thải bừa bãi, dân Đà Lạt lãnh đủ
Chất thải nông nghiệp, bao bì đựng phân, vỏ thuốc bảo vệ thực vật chất đống tràn lan đã bị nước mưa cuốn trôi xuống các mương, suối thoát nước không chỉ gây un tắc dòng chảy, thiệt hại hoa màu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới cảnh quan, môi trường của TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Nhiều năm qua, cứ vào mùa mưa, những gia đình có đất canh tác nông nghiệp dọc các con suối trên địa bàn TP Đà Lạt, nhất là khu vực trũng, thấp lại phải sống trong cảnh thấp thỏm âu lo. Một cơn chưa hẳn đã lớn nhưng vẫn đủ để gây ra những thiệt hại đáng kể cho người nông dân. Đó là khi nước mưa từ hàng trăm hecta nhà lồng không ngấm được xuống đất, đổ dồn về vùng trũng thấp, cuốn phăng từng đống chất thải nông nghiệp về các con suối.

Nước lớn, rác nhiều, mương suối ùn ứ, chất thải nông nghiệp kẹt cứng dòng chảy. Nước mưa không thoát kịp, tràn vào các khu nhà lồng sản xuất nông nghiệp gây ngập úng cục bộ, thiệt hại về hoa màu, tài sản của chính bà con nông dân.
Hồ Xuân Hương, một thắng cảnh nổi tiếng của TP Đà Lạt cũng không nằm ngoài sự đe dọa của nguồn chất thải rắn. Những trận mưa lớn đầu mùa đã cuốn theo nguồn rác thải nông nghiệp khổng lồ đổ về phía hồ lắng Cầu Sắt. Để ngăn chặn chất thải cuốn phăng ra hồ Xuân Hương, những năm qua, ngoài thuê một đơn vị chuyên phụ trách dọn rác, làm vệ sinh mặt hồ, nhà chức trách còn phải dùng những thanh sắt để chắn ngang dòng chảy, nhằm ngăn chặn rác để chủ động thu gom. Dù vậy, không ít trận mưa lớn, rác thải rắn vẫn bị cuốn ra lòng hồ Xuân Hương, đơn vị vệ sinh môi trường phải mất cả ngày để trục vớt, thu gom.

Thắng cảnh hồ Than Thở, TP Đà Lạt nhiều năm qua bất đắc dĩ trở thành hồ chứa chất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Điều này không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và cảnh quan môi trường mà còn đánh mất hình ảnh đẹp về một thắng cảnh nức tiếng trong lòng du khách. Sau hơn một năm cải tạo, chỉnh trang, diện mạo mới về thắng cảnh hồ Than Thở đã hình thành. Thế nhưng chỉ sau một trận mưa, từng đống chất thải lớn từ suối Thái Phiên lại cuồn cuộn đổ về. Hồ nước mới được nạo vét lại ngập ngụa đủ thứ, nhiều nhất là vỉ ươm, rác nông nghiệp, vỏ chai bảo vệ thực vật, rau, hoa hư hỏng…

Ông Nguyễn Văn Hùng, một gia đình có đất canh tác gần suối Thái Phiên cho biết, sau mỗi vụ thu hoạch rau, hoa, bà con nông dân thường phải dọn dẹp vườn tược. Rất nhiều hộ có thói quen thu gom chất thải, chất đống ngay hai bên bờ suối. Các loại lọ nhựa, vỏ chai thuốc trừ sâu là chất thải nguy hại rất nhẹ, gặp nước dễ dàng bị cuốn đi trong khi bà con nông dân thường rất chủ quan, ném bỏ bừa bãi mặc dù chính quyền đã bố trí các địa điểm để tập kết loại chất thải nguy hại này. Gặp mưa lớn, dòng nước cuốn phăng từng đống chất thải xuống suối chảy về phía hạ nguồn.
“Có những người còn tiện tay quăng thẳng xuống suối cứ như đó là nơi chứa rác!..”, ông Hùng chia sẻ. Để giảm thiểu thiệt hại, mỗi khi có mưa lớn, ông Hùng và gia đình con trai phải đem cào ra suối trực chờ sẵn. Chỗ nào chất thải dồn tắc, ùn ứ, phải dùng cào khơi thông dòng chảy ngay.

Theo ông Lê Hồng Cường, đại diện Khu du lịch hồ Than Thở, những trận mưa lớn đầu mùa vừa qua đã cuốn theo rất nhiều chất thải đổ về lòng hồ. Chỉ sau một trận mưa, mọi công sức nạo vét, cải tạo, chỉnh trang hồ Than Thở của chủ đầu tư trở thành công cốc. Hình ảnh một hồ nước xấu xí lại lặp lại khi chất thải nổi bồng bềnh, phủ kín mặt hồ trong khi kinh phí nạo vét, chỉnh trang lòng hồ rất tốn kém. Bất đắc dĩ, chủ đầu tư khu du lịch này buộc phải dựng lên một số lưới thép để ngăn chặn, không cho chất thải nông nghiệp theo nước cuốn xuống lòng hồ Than Thở để chủ động thu gom.

Trong khi đó, UBND TP Đà Lạt cho biết, vào đầu mùa mưa hằng năm, các địa phương đều phải ra soát, phối hợp với người dân nạo vét, phát quang, khơi thông dòng chảy các mương, suối thoát nước. Thế nhưng, một bộ phận người dân ý thức bảo vệ môi trường chưa cao. Tình trạng chất thải nông nghiệp bị xả bừa bãi vẫn còn xảy ra phổ biến. Bên cạnh đó, nhiều mương, suối thoát nước ở TP Đà Lạt bị lấn chiếm xây dựng công trình hoặc sản xuất nông nghiệp. Điều này làm cho dòng chảy bị hạn chế, ùn ứ, không thoát nước kịp khi có mưa lớn, gây ngập úng cục bộ, làm thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân.