Lập 41 công ty "ma” để buôn bán hóa đơn, hai chị em ruột hầu tòa

Thứ Tư, 03/07/2024, 14:52

Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang đóng vai trò cầm đầu, thành lập 41 công ty "ma”, trong đường dây mua bán, in ấn trái phép hóa đơn có quy mô lớn, doanh số hóa đơn xuất khống hàng ngàn tỷ đồng.

Ngày 3/7, TAND TP Hồ Chí Minh mở phiên xét xử sơ thẩm các bị cáo trong vụ án in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế do Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang cùng 38 đồng phạm thực hiện. Trong đó Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang, Hoàng Ngọc Phượng Trân (em ruột Trang) và Ngô Thị Bích Thủy (kế toán) bị truy tố về tội “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn”; 36 bị cáo khác về các tội “Mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế”.

Lập 41 “công ty ma” để buôn bán hóa đơn giá trị gia tăng, hai chị em ruột hầu tòa -0
Bị cáo Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang (hàng đầu, thứ 3 từ phải qua) và các đồng phạm.

Theo cáo trạng, từ tháng 4/2017 đến tháng 3/2023, Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang tổ chức, điều hành đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khống, cho khách hàng tại nhiều tỉnh thành.

Bị cáo Trang đã thuê Ngô Thị Bích Thủy mua lại nhiều pháp nhân, thành lập nhiều công ty "ma”, sau đó Trang chỉ đạo em gái là Hoàng Ngọc Phượng Trân sử dụng các pháp nhân, công ty này xuất bán hàng chục ngàn hóa đơn GTGT khống. Nhiều cá nhân, pháp nhân dùng hóa đơn GTGT khống đó để quyết toán, kê khai nhằm trốn thuế.

Sau khi lập các công ty, Trang tìm khách hàng theo thông tin trên mạng internet, liên hệ qua Zalo để chào bán hóa đơn GTGT khống với giá 1,5-2%/tổng trị giá ghi khống trên hóa đơn trước thuế GTGT.  Để hợp thức hóa việc mua bán, Mỹ Trang yêu cầu khách hàng lập hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng nguyên tắc về việc mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ.

Khách hàng có nhu cầu mua hóa đơn GTGT sẽ liên lạc với Trang thông qua điện thoại, cung cấp thông tin công ty, loại hàng hóa, số lượng, đơn giá ghi khống trên hóa đơn, thông tin hợp đồng, giá trị hợp đồng cần xuất khống.

Bị cáo Trang chỉ đạo em ruột là Hoàng Ngọc Phượng Trân soạn thảo hợp đồng, xuất mẫu hóa đơn để khách hàng xác nhận, sau đó thỏa thuận giá thì tiến hành thực hiện việc thanh toán.

Để tránh bị phát hiện, mỗi công ty được thành lập, sau khi hoạt động khoảng 3-4 tháng, Mỹ Trang sẽ đóng mã số thuế, ngưng giao dịch, lập, sử dụng công ty/pháp nhân mới nhằm tránh sự kiểm tra của cơ quan thuế.

Kết quả điều tra xác định Hoàng Đăng Ngọc Mỹ Trang đã sử dụng 41 công ty "ma", gồm: 21 công ty mua lại; lập mới 10 công ty tại TP Hồ Chí Minh và 10 công ty tại Đồng Nai.

Quá trình điều tra xác định, 31 công ty tại TP Hồ Chí Minh đã xuất khống 35.273 hóa đơn GTGT cho hơn 6.476 cá nhân/tổ chức. Tổng trị giá hàng hóa/dịch vụ ghi trên hóa đơn trước thuế GTGT là hơn 4.035 tỷ đồng, thuế GTGT hơn 389 tỉ đồng. Tổng giá trị trên hóa đơn sau thuế GTGT hơn 4.424 tỷ đồng; thu lợi bất chính theo tỷ lệ từ 1,5% - 2%/tổng giá trị ghi trên hóa đơn trước thuế GTGT. Riêng 10 công ty tại Đồng Nai được tách hành vi giải quyết.

Trang và đồng phạm thu lợi bất chính từ 1,5% đến 2%/giá trị trên hóa đơn trước thuế GTGT, tương đương từ 60 - 80 tỷ đồng.

Để thuận tiện thực hiện hành vi phạm tội, Mỹ Trang đã thuê em ruột cùng các bị cáo khác để phụ giúp nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh; giao nhận giấy tờ, chứng từ, quản lý con dấu của các công ty, kế toán…

Trong đó có 13 bị cáo là môi giới, đã mua lại các hóa đơn GTGT khống với mức phí từ 1,8% đến 4,5% rồi bán lại cho doanh nghiệp với mức phí 3% đến 10% để hưởng chênh lệch.

Đối với các bị cáo là nhân viên kế toán, giám đốc, phó giám đốc các công ty, đã có hành vi mua hóa đơn GTGT khống có nguồn gốc từ hai chị em bị cáo Trang, Trân để đưa vào sử dụng, quyết toán, kê khai với các cơ quan thuế nhằm mục đích trốn thuế. 

Trong vụ án này bị cáo Trang từng có tiền án về tội “Tổ chức đánh bạc”, bị TAND TP Dĩ An, Bình Dương tuyên phạt 18 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, đang trong thời gian thử thách và chưa được xóa án tích.

Phiên tòa diễn ra từ ngày 3 - 8/7.

Bùi Thanh
.
.