Ai Cập "được gì" sau nỗ lực hòa giải xung đột Israel - Hamas?

Thứ Năm, 27/05/2021, 11:00
Hôm 26/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Ai Cập Sisi. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh, Cairo vừa hoàn thành xứ mệnh là trung gian hòa giải cho xung đột gần đây giữa Israel và Hamas. Giới chuyên gia nhận định, dường như Ai Cập đã chứng minh được uy tín và vai trò tại Trung Đông, buộc Washington phải có sự nhìn nhận kỹ càng hơn. 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 27/5 cho biết, Ngoại trưởng Antony Blinken đã có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Sisi tại Cairo. Theo đó, ông Blinken đã bày tỏ cảm kích vì nỗ lực hòa giải đáng ghi nhận của nước này trong vấn đề giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza, cũng như việc sơ tán công dân Mỹ tại khu vực này tới nơi an toàn. 

"Ngoại trưởng Blinken đã tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với vấn đề an ninh nguồn nước của Ai Cập và nhấn mạnh sự cấp thiết trong việc nối lại đàm phán với các bên tranh chấp liên quan về đập Đại Phục Hưng trên sông Nile", ông Price nêu rõ. 

Ngoại trưởng Blinken tới Cairo gặp Tổng thống Sisi hôm 26/5. Ảnh: seenews. 

Washington Posts dẫn đánh giá của ông Mustafa Kamel el-Sayed, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Cairo nhận định, với kinh nghiệm từng ba lần đứng ra dàn xếp thỏa thuận ngừng băn Israel - Hamas, Cairo đã áp dụng một chiến lược ngoại giao khôn khéo để thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn lần thứ tư. 

Đặc biệt, ông Sisi đã chứng minh được tầm quan trọng của Ai Cập tại Trung Đông trong chính sách khu vực của Mỹ. Bởi khi mới nhậm chức, ông Biden cảnh báo sẽ "không khoanh tay" trước những vi phạm nhân quyền của chính quyền ông Sisi. 

Một so sánh tiêu biểu cho thấy sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Ai Cập là việc suốt bốn tháng đầu tại vị, ông Biden chưa có kế hoạch điện đàm với người đồng cấp Ai Cập, dù nước này từng là đồng minh. Nhưng chỉ bốn ngày sau khi thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hamas được ký kết hôm 20/5, ông Biden đã gọi điện cho ông Sisi.

Nỗ lực hòa giải xung đột Israel - Hamas đã giúp Ai Cập "hái quả ngọt".
Ảnh: Times of  Addu.

Không chỉ "hái quả ngọt" từ Mỹ, nỗ lực thúc đẩy đàm phán của Ai Cập đã nhận được sự tán dương của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới. Hơn nữa, hình ảnh của Tổng thống Sisi cũng được cải thiện đáng kể trước người dân nước này, sau khi ông bị chỉ trích vì kế hoạch thay thế các khu dân cư bằng nhiều dự án cơ sở hạ tầng tốn kém, song chưa thể giúp đời sống của một bộ phận người dân nghèo khá lên.

Được biết, Ai Cập là quốc gia khu vực duy nhất có quan hệ gần gũi với cả Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas Palestine đang kiểm soát Dải Gaza. Từ năm 1948-1973, Ai Cập đã tham gia bốn cuộc chiến với Israel. Sau hiệp ước năm 1979, hai bên đã hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề chính trị, kinh tế và an ninh.

Năm 2016, Ai Cập, Israel và Hamas từng liên thủ nhằm tiêu diệt tàn dư của Tổ chức Nhà nước Hồi giao (IS) tự xưng tại khu vực phía Bắc Sinai, gần biên giới Dải Gaza.

Linh Đan
.
.