Sau bầu cử là đơn kiện

Thứ Tư, 11/11/2020, 07:29
Đội ngũ vận động tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9-11 (giờ địa phương) đã chính thức đệ đơn kiện lên một tòa án liên bang tại bang Pennsylvania để yêu cầu kiểm tra lại tính minh bạch và kết quả bầu cử.

Người đứng đầu Nhà Trắng phát động cuộc chiến pháp lý cho thấy việc chuyển giao quyền lực sẽ không có dấu hiệu diễn ra trong êm đềm. Mặc dù vậy, nước Mỹ từng trải qua nhiều lần căng thẳng vì kết quả bầu cử và đều giải quyết thành công.

Không phải lần đầu tiên

Ê kíp vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump đã kiện đích danh người đứng đầu ngành ngoại giao của bang Pennsylvania, bà Kathy Boockvar và hội đồng bầu cử các hạt có thiên hướng ủng hộ đảng Dân chủ, trong đó có Philadelphia và Pittsburgh. Hành động pháp lý này nhằm có được một lệnh khẩn cấp từ tòa án để ngăn chặn các quan chức Pennsylvania công nhận chiến thắng của ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden tại bang này.

Theo Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện Mỹ, Tổng thống Donald Trump có toàn quyền đưa ra những cáo buộc về các sai phạm trong quá trình bầu cử. Ông nhấn mạnh: “Các tòa án địa phương sẽ giải quyết các mối quan tâm. Các thể chế của chúng ta được xây dựng cho việc này. Chúng tôi có sẵn hệ thống để xem xét các mối quan tâm. Tổng thống Donald Trump hoàn toàn có quyền xem xét các cáo buộc về bất thường và cân nhắc các lựa chọn pháp lý của mình”.

Trước đó 1 ngày, đội ngũ tranh cử của Tổng thống Donald Trump thông báo đã kiện lên tòa án ở Arizona rằng, đơn vị bầu cử ở hạt Maricopa đông dân nhất của bang này đã vi phạm khiến nhiều phiếu bầu trong ngày bầu cử chính thức (3-11) bị bỏ. Đơn kiện gửi lên Tòa Thượng thẩm Maricopa nêu rõ, một số quan sát viên của phe Cộng hòa và 2 nhân chứng đã phát hiện các nhân viên phục vụ bầu cử hướng dẫn sai cho các cử tri trong việc sử dụng thùng bỏ phiếu khiến kết quả bỏ phiếu không chính xác và làm thiệt hàng nghìn phiếu bầu cho Tổng thống Donald Trump. Đơn kiện yêu cầu tòa án cho phép thực hiện quy trình đánh giá thủ công với những thùng phiếu có vấn đề và cấm công nhận kết quả bầu cử cho tới khi hoàn tất đánh giá.

Cùng ngày, tại cuộc họp báo tại trụ sở của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa ở Washington D.C, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Ronna McDaniel, cùng với Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany và cố vấn  trưởng chiến dịch tranh cử Matthew Morgan đã kêu gọi sự minh bạch, cho rằng còn nhiều lá phiếu hợp pháp chưa được kiểm đếm.

Nhân viên bầu cử kiểm phiếu bầu Tổng thống Mỹ tại điểm bỏ phiếu ở Easton, bang Pennsylvania.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany nhấn mạnh: “Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng. Chúng tôi muốn bảo vệ quyền của người dân Mỹ. Chúng tôi muốn một con số trung thực, chính xác, đúng luật. Chúng tôi muốn một sự minh bạch tối đa. Chúng tôi muốn mọi phiếu bầu hợp pháp được kiểm đếm và chúng tôi muốn mọi phiếu bầu bất hợp pháp bị loại bỏ”.

Ngay sau khi đội ngũ của ông Donald Trump tiến hành đệ đơn kiện lên tòa án tại Pennsylvania, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr đã cho phép các công tố viên liên bang điều tra “những cáo buộc đáng kể về bất thường trong bầu cử và thống kê phiếu bầu”. Trong thư gửi các công tố viên liên bang, Bộ trưởng Barr cho biết do hoạt động bỏ phiếu hiện đã kết thúc, ông cho phép các công tố viên liên bang theo đuổi các cáo buộc xác đáng về những bất thường trong việc bỏ phiếu và lập bảng biểu bỏ phiếu trước khi đưa ra xác nhận về bầu cử theo thẩm quyền cho phép đối với những trường hợp nhất định.

Người đứng đầu Bộ Tư pháp Mỹ nhấn  mạnh các cuộc điều tra và việc rà soát có thể được tiến hành trong trường hợp có những cáo buộc rõ ràng và đáng tin cậy về những bất thường, và nếu điều này đúng, có thể tác động tới kết quả bầu cử liên bang tại một bang riêng lẻ. Các cuộc điều tra về gian lận bầu cử thông thường là do các bang tự tiến hành theo luật bầu cử riêng của những bang này. Theo New York Times, ngay sau động thái này của ông William Barr, người đứng đầu các cuộc điều tra gian lận cử tri tại Bộ Tư pháp Mỹ Richard Pilger đã từ chức. 

Cuộc chiến pháp lý này cũng được nhận định sẽ không gây ra khủng hoảng xã hội hoặc khủng hoảng chính trị như ở một số quốc gia khác. Mỹ đã có truyền thống giải quyết những vấn đề liên quan đến tranh chấp bầu cử, chuyển giao quyền lực từ rất lâu. Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ rơi vào căng thẳng vì kết quả bầu cử. Nước Mỹ từng trải qua nhiều lần tranh chấp và đều giải quyết thành công.

Bắt đầu chuỗi ngày sóng gió nhất

Sáng 10-11 (giờ Việt Nam), Tổng thống Trump bất ngờ đăng tải dòng Tweet nói rằng ông đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper. Quyết định này của người đứng đầu Nhà Trắng không mấy ngạc nhiên bởi Bộ trưởng Mark Esper từ lâu đã nằm trong danh sách những nhân vật bất đồng ý kiến với Tổng thống Donald Trump, kể từ khi ông Mark Esper phản đối việc sử dụng quân đội để trấn áp các cuộc biểu tình, bạo loạn bùng phát trên nhiều thành phố lớn của Mỹ sau cái chết của công dân da màu George Floyd hồi tháng 5-2020.

Ông Mark Esper đã viết sẵn đơn từ chức một vài tuần trước cuộc bầu cử vì thế ông biết ngày này trước sau gì cũng sẽ đến. Đối với bất cứ chính quyền nào, việc sa thải Bộ trưởng Quốc phòng qua một dòng Tweet sẽ là vấn đề lớn, nhưng đối với chính quyền Tổng thống Trump việc sử dụng Twitter dường như đã thành thông lệ. Tuy nhiên, quyết định của ông Donald Trump có thể thu hút sự chú ý vì đây là bước khởi đầu cho chuỗi ngày sóng gió và biến động nhất trong lịch sử chính trị hiện đại của Mỹ.

Trước thềm cuộc bầu cử, ông Donald Trump liên tục công kích Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray vì không điều tra một cách hiệu quả những cáo buộc tham nhũng trong cơ quan này. Washington Post hồi cuối tháng 10 đưa tin, ông Donald Trump đang xem xét sa thải ông Christopher Wray sau cuộc bầu cử. Động thái này có thể đe dọa cả chiếc ghế của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr – một người trung thành với ông Donald Trump, nhưng lại không ủng hộ việc Tổng thống cáo buộc FBI đã có những sai phạm khi điều tra cuộc bầu cử năm 2016. Trong khi đó, Axios cũng đưa tin, ông Donald Trump có thể sa thải giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Gina Haspel.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.