“Tạo dựng tương lai chung trong thế giới rạn nứt”
- Thủ tướng sẽ có bài phát biểu tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2017
- Ông Tập Cận Bình sẽ nói gì tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới?
Hội nghị thường niên lần thứ 48 Diễn đàn Kinh tế thế giới đã khai mạc sáng 23-1 tại Davos, Thụy Sỹ, và diễn ra đến hết ngày 26-1, quy tụ nhiều chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp, người nổi tiếng và các nhà hoạt động xã hội tiêu biểu từ khắp mọi nơi trên thế giới.
Theo CNN, với hơn 400 phiên họp, chương trình của diễn đàn năm nay sẽ tập trung vào bốn chủ đề chính, bao gồm: thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững; vấn đề lãnh đạo trong một thế giới đa cực và đa khái niệm; khắc phục những chia rẽ trong xã hội và tạo dựng phương thức quản trị phù hợp với sự phát triển công nghệ.
Trong một cuộc họp báo được tổ chức ngày 16-1, ngay trước thềm Hội nghị WEF, người sáng lập đồng thời là Chủ tịch điều hành WEF, ông Klaus Schwab đã đưa ra cảnh báo về “sự rạn nứt do cạnh tranh gia tăng giữa các quốc gia cũng như sự chia rẽ sâu sắc trong các xã hội”, theo Xinhua. Từ đó, ông Schwab khẳng định: “Hội nghị thường niên của chúng ta được tổ chức nhằm vượt qua những rạn nứt này với việc tái khẳng định lợi ích chung của các quốc gia cũng như đảm bảo sự tuân thủ của các bên về việc giữ vững cam kết xã hội thông qua tăng trưởng bao trùm”.
Ông cũng cho biết thêm: “Các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức xã hội dân sự không thể tự giải quyết được những thách thức to lớn toàn cầu. Chúng ta cần sự hợp tác chặt chẽ”.
Cùng chung quan điểm này, ông Borge Brende, cựu Ngoại trưởng Na Uy, Chủ tịch của WEF, nhấn mạnh: “Thế giới đang phải đối mặt với nhiều thay đổi mang tính hệ thống. Những thách thức chỉ có thể được giải quyết bằng phương thức hợp tác và đa phương”.
Ông Borge Brende cũng nói thêm rằng: “10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới đã ghi nhận tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chưa đủ bao trùm và không tạo ra đủ công ăn việc làm”. Đây được coi là bài toán lớn mà các nhà lãnh đạo và người đứng đầu doanh nghiệp tham dự WEF 2018 sẽ cùng thảo luận và tìm lời giải.
Tại hội nghị thường niên của WEF năm 2018, bên cạnh Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người có bài diễn văn trong phiên khai mạc hội nghị, truyền thông thế giới đang rất quan tâm đến sự tham dự của những lãnh đạo các tổ chức quốc tế như Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres; Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevêdo; Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus; Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Angel Gurría.
WEF cũng sẽ chào đón nhiều nguyên thủ quốc gia đại diện cho những nền kinh tế lớn của thế giới như Thủ tướng Anh Theresa May; Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, người dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng trong ngày 24-1. Đặc biệt, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ tham dự và phát biểu trong ngày cuối cùng diễn ra hội nghị, ngày 26-1.
![]() |
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trong phiên khai mạc Hội nghị WEF 2018 tại Davos, Thụy Sĩ, ngày 23-1. Ảnh Reuters. |
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tham dự hội nghị được cho là một trong những bất ngờ lớn nhất tại WEF năm 2018. Không dừng lại ở đó, nếu không có thay đổi bất ngờ vào phút chót, đoàn đại biểu của Mỹ tham dự WEF 2018 cũng sẽ hùng hậu nhất từ trước đến nay khi ông Trump sẽ tham dự Diễn đàn tại Davos cùng 8 bộ trưởng, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Bộ trưởng Năng lượng Rick Perry, Bộ trưởng An ninh nội địa Kirstjen Nielsen, Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao, Bộ trưởng Lao động Alex Acosta, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và ít nhất 7 quan chức cấp cao khác của chính phủ. Đây cũng là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ tham dự hội nghị diễn đàn này kể từ thời ông Bill Clinton năm 2000.
Trước thông tin này, nhiều người đặt ra câu hỏi về sự tham dự của ông Trump cùng đoàn đại biểu đông đảo gồm hàng loạt tướng lĩnh hàng đầu của chính phủ, trong khi chủ đề của WEF năm nay là “Tạo dựng một tương lai chung trong một thế giới rạn nứt”, được cho là khác biệt so với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, của chính ông Trump, vốn đề cao và bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ đầu tiên.
Tuy nhiên, theo Reuters, cùng với việc 2 nhà lãnh đạo Pháp, Đức được cho là sẽ đem đến thông điệp tái khẳng định cam kết cải tổ Liên minh châu Âu sau khi Anh quyết định rời khỏi cũng như quyết tâm bảo vệ những giá trị dân chủ tự do, giới chuyên gia chính trị quốc tế đánh giá rằng sự xuất hiện của ông Trump là một dấu hiệu tốt. Thông báo tham dự WEF đầy bất ngờ của ông Trump được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ sa thải cựu cố vấn cao cấp Steve Bannon, người được cho là kiến trúc sư của chính sách “Nước Mỹ trên hết”.
Trong một tuyên bố trên trang web chính thức, WEF nhấn mạnh: “Sự tham gia của Tổng thống Trump sẽ giúp các đại biểu có được một cái nhìn trực tiếp về những ưu tiên chính trị và kinh tế của Mỹ”.
Được thành lập năm 1971, Diễn đàn Kinh tế thế giới là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở chính tại Davos, bang Geneva, Thụy Sĩ, là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới. Ngoài các cuộc họp quốc tế thường niên và nhiều cuộc họp khu vực khác, Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng xuất bản các kết quả nghiên cứu và khuyến khích các thành viên cùng thực hiện các sáng kiến mang lại lợi ích cho toàn thế giới.