Triều Tiên “đo lường” phản ứng của Mỹ

Thứ Sáu, 19/04/2019, 09:02
CHDCND Triều Tiên sáng 18-4 thông báo đã tiến hành thử một loại vũ khí dẫn đường chiến thuật mới và tuyên bố đây là một công trình vĩ đại trong quá trình tăng cường năng lực phòng thủ quốc gia.

Động thái này được đánh giá là phương pháp để Bình Nhưỡng đo lường phản ứng của Mỹ, thử thách quyết tâm của Tổng thống Donald Trump trong việc giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, hiện chưa rõ “phép thử” này sẽ có tác động “thuận” hay “nghịch”, nhất là khi vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên vốn là “ván bài” chịu sự chi phối của quá nhiều bên có lợi ích liên quan.

Đây là vụ thử vũ khí công khai đầu tiên của Triều Tiên kể từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 kết thúc ở Hà Nội mà không có thỏa thuận nào hồi cuối tháng Hai vừa qua, và đích thân Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ đạo tiến hành vụ thử. Ông gọi đây là “sự kiện có tầm quan trọng vô cùng to lớn” trong quá trình thúc đẩy sức mạnh quân sự của Quân đội Nhân dân Triều Tiên.

Ông Kim Jong Un đồng thời nhấn mạnh, việc hoàn tất việc phát triển hệ thống vũ khí là một sự kiện có ý nghĩa rất lớn trong việc tăng cường sức mạnh chiến đấu của Quân đội Nhân dân. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đặt “các mục tiêu chiến lược và từng bước” là duy trì hoạt động sản xuất đạn dược của nước này, đặt khoa học và công nghệ quốc phòng lên một “vị trí tiên phong”, đồng thời chỉ đạo các nhiệm vụ chi tiết và cách thức để đạt các mục tiêu.

Theo Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), loại vũ khí dẫn đường chiến thuật mà nước này vừa tiến hành thử nghiệm có “hệ thống dẫn đường đặc biệt” và mang theo “đầu đạn công phá mạnh”. Vụ thử được thực hiện bằng nhiều mô hình bắn khác nhau và nhằm vào các mục tiêu khác nhau. KCNA không mô tả cụ thể loại vũ khí này, song từ “chiến thuật” ám chỉ một loại vũ khí tầm ngắn, đối lập với những tên lửa đạn đạo vốn bị Mỹ coi là một mối đe dọa.

Theo chuyên gia phân tích về Triều Tiên Ankit Panda, những mô tả của KCNA về vũ khí được thử nghiệm lần này “có vẻ giống một tên lửa, có thể là một tên lửa dẫn đường chống tăng loại nhỏ, một tên lửa đất đối không hay một hệ thống pháo rocket”.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát Đơn vị số 1017 thuộc Lực lượng Hàng không và Phòng không của Quân đội Nhân dân Triều Tiên hôm 16-4. Ảnh: KCNA.

Thông thường, các tên lửa mà Triều Tiên phóng thử đều được Quân đội Mỹ và Hàn Quốc theo dõi và phát hiện. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có phản ứng chính thức nào từ phía quốc tế. Sáng cùng ngày, Bộ Chỉ huy phương Bắc (NORAD) và Bộ Chỉ huy chiến lược của Mỹ cho biết, không phát hiện một vụ phóng tên lửa từ phía Triều Tiên và đang tiến hành kiểm tra thêm.

Trong khi đó, một quan chức Nhà Trắng xác nhận, Chính phủ đã biết thông tin về vụ việc xong chưa có bình luận. Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ và Phủ Tổng thống Hàn Quốc cũng có phản ứng tương tự. Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takesi Ywaia cho biết, nước này đang giám sát chặt chẽ các hoạt động quân sự của Triều Tiên, đồng thời phối hợp với các nước đồng minh để có thêm chi tiết.

Điều này đã loại trừ khả năng vụ thử diễn ra trên tầng cao của khí quyển, như một tên lửa đạn đạo. Ít khả năng đây là một vụ thử tên lửa đạn đạo bị cấm, song vụ thử thành công là diễn biến đáng lo ngại trong mối quan hệ giữa Triều Tiên và phương Tây.

Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh tiến trình đàm phán hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên đang bế tắc, vụ thử có thể hiểu là thông điệp mới mà Triều Tiên muốn gửi tới Mỹ để bày tỏ rằng Bình Nhưỡng không thể kiên nhẫn thêm nữa. Đồng thời, việc công bố về một loại vũ khí mới cũng là phương pháp để Triều Tiên đo lường phản ứng của Mỹ, thử thách quyết tâm của Tổng thống Donald Trump trong việc giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, khi ông Trump luôn tuyên bố cuộc gặp thượng đỉnh thứ ba giữa ông và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “có thể diễn ra”.

Theo chuyên gia Harry Kazianis, thuộc Trung tâm Vì Lợi ích Quốc gia Hàn Quốc, thông qua vụ thử tên lửa, Triều Tiên đang muốn chứng tỏ năng lực quốc phòng của nước này đang phát triển từng ngày và đây là 1 lời cảnh báo đến Mỹ với sự thiếu linh hoạt của Washington trong các cuộc đàm phán hạt nhân. Và rằng, thực tế Bình Nhưỡng vẫn có thể thử nghiệm nhằm hiện đại hóa kho vũ khí bên cạnh lời hứa với Washington là không thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Chia sẻ quan điểm này, Giáo sư Koh Yu-hwan, nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Dongguk (Hàn Quốc), cho rằng vụ thử là một thông điệp mà Triều Tiên muốn gửi tới Mỹ để chứng tỏ sự không hài lòng khi các cuộc đàm phán hạt nhân bế tắc. Tuy nhiên, theo giáo sư, việc đây không phải là một tên lửa tầm xa hay một vụ thử hạt nhân cho thấy Bình Nhưỡng vẫn muốn duy trì đối thoại với Washington.

Còn ông Kim Dong-yup của Đại học Kyungnam, thì vụ thử tên lửa của Triều Tiên còn có ý nghĩa tăng cường niềm tin của người dân nước này vào sức mạnh an ninh quốc gia, bên cạnh những chính sách đối ngoại có phần mền mỏng hơn trước.

Cũng có một số ý kiến khác cho rằng, vụ thử nghiệm vũ khí mới của Triều Tiên cũng ngầm thể hiện về sức mạnh “tự lực” của quốc gia này, điều Nhà lãnh đạo Kim Jong-un liên tục nhắc tới trong các cuộc họp ban lãnh đạo đảng Lao động và kỳ họp Quốc hội Triều Tiên vừa qua. Bằng hình thức phô trương sức mạnh quân sự, Bình Nhưỡng dường như cũng muốn nói rằng nước này không đàm phán với vị thế của “kẻ yếu”.

Sau một năm 2017 đầy “sóng gió” trên Bán đảo Triều Tiên với 2 vụ thử hạt nhân và hơn 20 vụ thử tên lửa, năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 đã chứng kiến “gió đổi chiều” sang hướng ngoại giao tích cực, với hai hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore và Hà Nội. Kết quả hữu hình đầu tiên của các nỗ lực ngoại giao trên là việc Triều Tiên đã ngừng các cuộc thử nghiệm vũ khí.

Tuy nhiên, vướng mắc giữa Mỹ và Triều Tiên cho tới nay vẫn chưa được giải quyết, Bình Nhưỡng tỏ ra ưu tiên việc dỡ bỏ trừng phạt, trong khi Washington vẫn coi trừng phạt là đòn bẩy quan trọng nhằm buộc Bình Nhưỡng thực hiện các biện pháp phi hạt nhân hóa.

Chưa rõ “phép thử”của Triều Tiên đối với Mỹ sẽ có tác động “thuận” hay “nghịch”, nhất là khi vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên vốn là “ván bài” chịu sự chi phối của quá nhiều bên có lợi ích liên quan.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.