III - Thiêng liêng hai tiếng Quê hương
Lịch sử không xoay vòng để những người di cư tìm lại câu hỏi nên đi hay ở của bối cảnh quá khứ. Điều quan trọng và mang tính thời sự hiện nay là làm thế nào để việc hòa hợp dân tộc được thực hiện thiết thực, người Việt dù ở bất cứ đâu trên thế giới, bất cứ thành phần, địa vị nào cũng đều hướng về Tổ quốc, đoàn kết vì sự phát triển của quê hương, đất nước.
Trải nghiệm để thay đổi nhận thức, quan điểm
Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Bắc Nam thống nhất, non sông một dải, người Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước vẫn luôn đoàn kết “bầu bí một giàn”, chung lòng dựng xây quê hương, đất nước. Dẫu vậy, một số người trước đây từng “bên kia chiến tuyến”, sau giải phóng thì ra nước ngoài, đến nay vẫn giữ cách nhìn thù hận về quê hương. Khi được vận động trở về, họ vẫn định kiến, cho rằng “bị phân biệt đối xử” nên không có khái niệm hòa hợp. Quan niệm đó là sai lầm, đi ngược với xu thế hội nhập cũng như truyền thống bao dung, ân nghĩa của người Việt Nam. Như Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ, người Việt dù ở đâu trên thế giới, dù trước đây có thuộc “phía bên kia”, có thể khác biệt về quan điểm chính trị, trải nghiệm lịch sử hay điều kiện sống song họ đều mang trong lòng niềm tự hào dân tộc, đều là "con dân đất Việt" và nỗi nhớ da diết với hai tiếng Quê hương! Và thực tế, rất nhiều người dù trước đây “thế này, thế khác” nhưng nay đã thay đổi quan điểm, nhận thức, về thăm quê hương, có cách nhìn đúng đắn và đóng góp sức mình cho quê hương.

Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh, nguyên thành viên đoàn đàm phán Hiệp định Paris 1973 từng kể, khi ông sang dự một hội thảo liên quan đến chiến tranh Việt Nam tại Đại học Brown (Mỹ), ban tổ chức có bố trí một chương trình giao lưu với các giáo sư và khoảng một ngàn sinh viên. Một sinh viên đã hỏi: “Thưa ngài đại sứ, Việt Nam đã chiến thắng Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc nhưng tại sao lại có chuyện hàng triệu người bỏ nước ra đi?”.
Trước câu hỏi trên, Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh trả lời, việc có hàng triệu người rời Việt Nam sang Mỹ sau năm 1975 là sự thật lịch sử. Điều này có nhiều nguyên do. Trước hết là trong suốt thời gian chiến tranh, quân đội, các nhà chức trách Mỹ cũng như chính quyền Sài Gòn qua mấy đời tổng thống đều tuyên truyền“nếu Việt Cộng giải phóng sẽ có “tắm máu””. Việc tuyên truyền như vậy khiến nhiều người lo lắng nên sau 30/4/1975 họ tìm cách ra đi càng nhanh càng tốt. Đồng thời, những người ra đi gồm người thuộc chính quyền Sài Gòn cũ, những người thấy ở lại làm ăn không thuận lợi, một số người giàu có và số khác không thuộc các thành phần trên cũng đi vì sợ “tắm máu”. Một số người nữa thấy kinh tế Việt Nam nghèo, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề nên cũng kiếm đường ra đi... “Nhưng, dù nguyên nhân gì và những người ra đi khỏi Việt Nam như thế nào, chúng tôi đều coi họ thuộc dân tộc Việt Nam và luôn luôn sẵn sàng mở cửa để ai về thăm, ai về nước, ai liên lạc lại, cả ba mức đó chúng tôi đều chấp nhận, mở cửa rộng rãi” - Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh giải thích.
Sau nửa thế kỷ, sự di cư của người Việt sang Mỹ đã là một vấn đề lịch sử và giờ đây cũng không phải là lúc ngồi soát xét lại tại sao có chuyện như vậy để đổ lỗi nguyên nhân, trách nhiệm của bên nào. Lịch sử không xoay vòng để những người di cư tìm lại câu hỏi nên đi hay ở của bối cảnh quá khứ. Điều quan trọng và mang tính thời sự hiện nay là làm thế nào để việc hòa hợp dân tộc được thực hiện thiết thực, người Việt dù ở bất cứ đâu trên thế giới, bất cứ thành phần, địa vị nào cũng đều hướng về Tổ quốc, đoàn kết vì sự phát triển của quê hương, đất nước. Dù đã có những chuyển biến trong nhận thức, hành động thì một sự thật là cho đến nay, sau 5 thập kỷ chấm dứt chiến tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vấn đề hòa hợp dân tộc vẫn còn đó những điều chưa được khỏa lấp trong một bộ phận kiều bào. Trong cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ, vẫn còn đó những người chống đối sự nghiệp xây dựng, phát triển của đất nước Việt Nam, thậm chí chống đối quyết liệt suốt gần nửa thế kỷ qua. Không thay đổi nhận thức với chính mình, họ lại truyền bá tư tưởng này cho con cái, định hình một cách nhìn lệch lạc, thù hận về nơi vốn là gốc gác, tổ tiên của mình, dòng họ mình.
Tổ quốc dang rộng vòng tay với cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới không chỉ là những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc mà đã trở thành hành động chính trị của đất nước. Một trong những chủ trương được Đảng ta khẳng định rõ là: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc” (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài).
Xúc động những chuyến trở về quê hương
Có phải mỗi người khi đã là hận thù, đã là chống đối thì không thay đổi? Đó là tư duy sai lầm. Xin kể câu chuyện dưới đây của luật sư Hoàng Duy Hùng - người Mỹ gốc Việt, có nhiều chuyến trở về Việt Nam với tư cách một du khách và có bài viết đăng trên Tạp chí Quê hương. Từng là thành viên cốt cán của tổ chức phản động đảng Đại Việt, năm 1992, luật sư Hoàng Duy Hùng về Việt Nam hoạt động, bị bắt giam rồi bị trục xuất về Mỹ. Năm 1998, thành lập đảng chính trị riêng tại Mỹ để chống cộng; năm 2001, xâm nhập về Việt Nam để đặt bom khủng bố... Nhưng theo thời gian, chính ông đã thay đổi. “Lần thứ tư tôi về Việt Nam là để tham dự Lễ Giáng sinh 2019 tại Hà Nội, đón Giao thừa Tết Dương lịch 2020 ở TP Hồ Chí Minh. Và tôi khẳng định rằng được trở về bên “Mẹ Việt Nam”, tôi đã tìm thấy chính bản thân mình, tôi hạnh phúc, sung sướng vô cùng. Nói cách khác, sau rất nhiều trăn trở, băn khoăn, thậm chí cả sai lầm, nay tôi mới tìm ra được chính tôi. Tôi không còn thù hận Đảng Cộng sản Việt Nam nữa mà trân quý lòng yêu nước của các đảng viên cộng sản” – ông Hùng chia sẻ.
Vậy tại sao lại có sự thay đổi trên? Câu trả lời đó là những suy nghĩ sau khi chứng kiến sự đổi thay của đất nước. Theo ông, cũng như những quốc gia đang phát triển khác, ở Việt Nam còn có một số tiêu cực, nhưng những mặt tích cực của Việt Nam là cơ bản, lớn hơn rất nhiều và Việt Nam hôm nay đã thay da đổi thịt thật sự. Vị luật sư bày tỏ: “Nghe một vị cắt nghĩa cho tôi về việc cần quan tâm đến chữ Tâm, cho rằng hòa hợp dân tộc phải xây dựng trên chữ Tâm, ai không có Tâm thì nhận ra ngay, tôi thật sự khâm phục, nhập tâm hướng dẫn của vị cựu lãnh đạo. Rồi những người bình thường như anh Ba Trí ở Bạc Liêu đã bán hai tấn lúa để có lộ phí từ Bạc Liêu lên TP Hồ Chí Minh, chờ hai ngày để tìm cách gặp tôi. Rồi bác Bảy lặn lội từ Bến Tre lên TP Hồ Chí Minh để dặn dò tôi làm nhiều việc tốt hơn nữa cho đất nước. Rồi những người tôi gặp ở Cao Bằng, Quảng Ninh... đã giúp tôi cảm nhận sâu xa về tình cảm của đồng bào mình. Sự chân tình của họ giúp tôi củng cố niềm tin về ý nguyện của mình. Vâng, sự phát triển của đất nước và cách tiếp đón đầy tình người đã làm cho lòng tôi thật sự tỉnh ngộ và trở nên ấm áp. Tôi tìm được chính bản thân tôi trong lòng “Mẹ Việt Nam”.
Trong lần về gần đây, ông dành thời gian đi nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến Hải Phòng, Cao Bằng... nơi nào cũng thấy hình ảnh một Việt Nam tươi đẹp, năng động và phát triển. “Đương nhiên vẫn còn có một số người còn khó khăn, đói nghèo, nhưng điều này không có gì lạ, nơi nào cũng có, ở Mỹ hay ở châu Âu cũng vậy. Vấn đề quan trọng là ở chỗ Đảng, Nhà nước Việt Nam rất chú trọng hỗ trợ những hộ dân còn đói nghèo, giúp họ thoát nghèo và vươn lên. Tôi đã quay phim và phát trên mạng những hình ảnh về sự phát triển của đất nước, đã đưa ra một số nhận xét, phát biểu lạc quan về sự phát triển đó, song một số người Việt Nam ở hải ngoại không tin, cho rằng tôi khen Việt Nam thái quá. Tôi chủ trương không trả lời cho những gì xuyên tạc, vì ai không tin, cứ việc về Việt Nam. Sự thật sẽ buộc họ phải suy nghĩ lại” – ông Hoàng Duy Hùng chia sẻ.
Nhiều việc làm thiết thực được các cơ quan chức năng Việt Nam thúc đẩy, trong đó có việc gặp gỡ, đối thoại với số người chống đối đang định cư tại Mỹ, nhất là tại bang Texas và quận Cam, bang Califonia. Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn là người trực tiếp đối thoại nhiều lần với những người này, trong đó có những người chống đối khét tiếng, được cho là “định kiến ăn vào máu”. Chia sẻ điều này, ông cho rằng, thuyết phục những người đó phải bằng tình cảm, đôi khi cần cả sự dũng cảm khi phải nói những điều rất thật với họ.“Họ nói thẳng với tôi rằng họ đã theo dõi quá trình hoạt động từ trước đến nay của tôi, thấy tôi là người có tấm lòng, có sự cởi mở chân thành nên họ mới đến gặp, để xem “sự chân thành của ông ra sao” - ông nói.
Một trong những hoạt động được kiều bào quan tâm, thể hiện ý nghĩa sâu sắc trong tiến trình hòa hợp dân tộc, đó là tổ chức gặp gỡ, đưa kiều bào đi thăm quần đảo Trường Sa. Chính họ qua thực tiễn mắt thấy tai nghe để kiểm nghiệm một thực tế là chúng ta đang bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, không như luận điệu xuyên tạc khi họ nghe ở nước ngoài. Đến Trường Sa, phu nhân của Hạm trưởng tàu Nhật Tảo, Trung tá Ngụy Văn Thà (người đã chỉ huy chiến hạm Nhật Tảo bảo vệ Hoàng Sa) và Hạm phó Nguyễn Thành Trí, hai người đã hy sinh ở Hoàng Sa ra Trường Sa và tự tay thắp nén nhang tưởng niệm những người thân, người chồng của mình đã ngã xuống để bảo vệ Hoàng Sa ngày trước. Ông Nguyễn Ngọc Lập, từng là Thiếu úy Thủy quân lục chiến dưới chính quyền Việt Nam Cộng hòa; luật sư David Nguyễn, trưởng ban vận động và tổ chức bầu cử hội đồng đại diện cộng đồng người Việt quốc gia Houston và vùng phụ cận hay nhà báo Lý Kiến Trúc, câu lạc bộ văn hóa và báo chí quận Cam… cũng đã được tạo điều kiện ra Trường Sa.
Để thuyết phục ông Lập về thăm đất nước, ra Trường Sa, ông Nguyễn Thanh Sơn phải qua ba lần gặp gỡ, phân tích thân tình. Khi thăm viếng ngôi mộ mang tên hạ sĩ Hà Hữu Lộc, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 43, ông Nguyễn Thanh Sơn nói với ông Nguyễn Ngọc Lập rằng: “Bia mộ vẫn còn nguyên phiên hiệu, đơn vị…Những ngôi mộ thế này xây từ ngày xưa có ai phá đâu. Chân lý ở đâu, sự thật ở chỗ nào khi các anh cứ hô hào, kêu gọi chống Cộng, nói rằng Cộng sản không làm gì cho nghĩa trang. Trong khi đồng đội quý vị nằm đây... Nếu đất nước không có đại đoàn kết thì những ngôi mộ kia có còn những tấm bia nguyên vẹn như vậy không?”. Lặng nhìn ngôi mộ từng là chiến sĩ đồng đội của mình, ông Lập thừa nhận “chúng tôi đến để đối diện với sự thật”. Còn nhà báo, Việt kiều Lý Kiến Trúc thừa nhận “trang sử Việt Nam đã bước qua trang mới, trang sử cũ khép lại. Quên đi những trang sử đau khổ của Việt Nam mà hãy phát triển Việt Nam, muốn vậy phải giải quyết khối đại đoàn kết của người Việt trong nước và người Việt ở hải ngoại, hòa giải, hòa hợp lẫn nhau”.
Rõ ràng, bằng sự chân tình, gần gũi giữa con người với con người, bằng hiện thực xã hội qua những chuyến đi như vậy đã giúp những người vốn có tư tưởng định kiến “thâm căn cố đế” có những trải nghiệm ý nghĩa. Chúng ta chưa đặt vấn đề họ thay đổi tư tưởng chống đối bằng hành động yêu nước bởi mọi thứ không dễ trong một sớm một chiều mà điều quan trọng là từ thực tiễn cuộc sống và tình cảm thân tình để giúp họ có cách nhìn đúng mực hơn, trước hết là giảm sự xa lánh, bớt đi hận thù. Thắp nén nhang trên vùng biển chủ quyền để tưởng niệm những người đã ngã xuống vì Tổ quốc, tận mắt thấy sự quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo của những người con đất Việt, chắc hẳn mỗi người mang dòng máu Lạc Hồng đều cảm thấy tự hào, xúc động. Cái lạnh nhạt, thù hận mang ẵm trong lòng 50 năm ở bên kia bán cầu, được truyền bá bởi tư tưởng đối đầu hẳn sẽ lùi lại khi họ trở về trên biển cả quê hương, trên mảnh đất nguồn cội, nơi chôn rau cắt rốn, nơi các thế hệ con cháu vẫn vững chắc tay súng… Đó chính là những bước đi rõ ràng cho tiến trình hòa hợp, hiện thực sinh động thay cho những ngôn ngữ khô cứng.
Ông Vũ Trọng Kim, nguyên Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kể rằng, nhiều năm tham gia công tác mặt trận, ông đã có các cuộc tiếp xúc với đồng bào ta ở nước ngoài. Trong số họ có nhiều người từng tham gia chính quyền cũ. Rất nhiều người như ông Trần Bá Phúc ở Australia đã từng cầm cờ ba que tới đại sứ quán để chống cộng quyết liệt, nhưng sau lại là người rất xuất sắc trong việc vận động kiều bào ủng hộ đất nước. Có những người trước đây rất bất mãn, vì lý do này khác hoặc vì chính sách thực hiện không tới nơi tới chốn thì bây giờ đều đã thay đổi. Họ đã gạt đi những gì là cá nhân vị kỷ, họ được giải thoát. Ông Vũ Trọng Kim thừa nhận, chính sự nghiệp đổi mới của chúng ta, chính sách rộng mở với kiều bào đã thuyết phục họ một cách sâu sắc nhất, đó chính là sự tự nhận thức. Sự thật, nhiều đồng bào ta ở nước ngoài, nhất là những người có tuổi thường nghĩ nhiều hơn và mong mỏi quay về quê hương.
Sự thật nói trên cho thấy, không có khái niệm gọi là hận thù vĩnh viễn, không có chuyện người Việt “không thể dung hòa” như luận điệu tuyên truyền của các thế lực xấu. Dẫu rằng còn đó bộ phận tới nay vẫn ôm hận, không về thăm quê, vẫn giữ quan điểm chống đối dù chúng ta đã rất chân thành song những gì thể hiện trên cho thấy chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc đã từng bước đạt thực chất hơn và số người còn hận thù, định kiến cũng ngày một thu hẹp.
(Còn nữa)