“Cuộc đua” tin nóng và trách nhiệm người cầm bút
Vài năm trở lại đây, vụ án luôn là mảng đề tài “nóng”, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Tờ báo nào có thông tin sớm nhất đồng nghĩa với việc sẽ giành “chiến thắng”. Cũng vì thế, áp lực với phóng viên theo dõi mảng nội chính như tôi càng thêm nặng nề…
Song khi những “đứa con tinh thần” được đông đảo độc giả đón đọc; những chiến công, thành tích của người chiến sĩ Công an trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm được đăng tải kịp thời trên các ấn phẩm của Báo… đã tiếp thêm sức mạnh, khích lệ, động viên tôi tiếp tục nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
1. Trong thời đại 4.0, áp lực của các phóng viên viết vụ án không chỉ là việc chạy đua về thời gian với các tờ báo chính thống theo từng phút, từng giây mà còn là “cạnh tranh” với thông tin trên mạng xã hội gần như cùng lúc, tức thời. Với phóng viên Báo CAND - cơ quan ngôn luận của Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an - thì áp lực ấy còn lớn hơn nhiều. Phải làm sao để phát huy được lợi thế của một người lính, một chiến sĩ Công an cầm bút, thông tin nhanh về sự việc, song đồng thời phải đảm bảo các quy định của ngành.
Khi một sự việc xảy ra, bất cứ người dân nào cũng có thể chụp ảnh, đưa tin lên mạng xã hội. Với một số phóng viên, chỉ cần chụp một bức ảnh, tham khảo một vài thông tin của chính quyền địa phương có thể lập tức đăng tải những thông tin ban đầu. Song với tờ báo CAND thì như vậy là chưa đủ…
Nếu đăng tải các thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin sai lệch sẽ ảnh hưởng đến uy tín của tờ báo, đặc biệt là những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội, bắt nguồn từ việc cạnh tranh về mặt thời gian. Vì thế, dù trong tình huống nào, tôi cũng luôn tâm niệm phải đảm bảo quy định nghiệp vụ của lực lượng Công an, những nguyên tắc nghề báo.
Là phóng viên của Báo CAND, cùng với thuận lợi, đây cũng là áp lực không nhỏ đối với tôi. Cho đến bây giờ, câu chuyện xảy ra vào một ngày cuối năm 2017, vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Khoảng 17h hôm đó, trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải thông tin về việc Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an tiến hành khởi tố bị can về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự đối với ông Phùng Đình Thực và ông Đỗ Văn Hậu - nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Trong một khoảng thời gian ngắn, thông tin trên đã được hàng loạt tờ báo đồng loạt đăng tải, trong đó có cả những tờ báo lớn…
Hôm đó, đúng vào ca trực, lại là địa bàn được phân công theo dõi nên sau khi báo cáo lãnh đạo đơn vị, tôi đã liên hệ với Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an để xác minh thông tin. Gần nửa giờ đồng hồ, các cuộc gọi hầu như không có người bắt máy. Khi ấy, tôi nóng lòng như có lửa đốt. Sau khi đấu tranh với chính mình, tôi đã báo cáo lãnh đạo đề nghị được thẩm định nguồn tin mới đăng tải rồi tìm các đầu mối để liên hệ…
Và rồi sự kiên trì của tôi đã được đền đáp một cách xứng đáng. Sau khi liên hệ được với lãnh đạo Cục An ninh điều tra, tôi đã báo cáo lãnh đạo đơn vị về thông tin thu thập được… Từ sự thận trọng đó đã giúp các thông tin được đưa lên Báo CAND online đảm bảo chính xác và rất sớm.
2. Có ai đó đã ví von nghề báo như một người thợ hầm lò, câu nói ấy quả chẳng sai. Công việc với nam giới vốn không dễ dàng, với phụ nữ càng khó khăn hơn nhiều. Một sự kiện có thể xảy ra bất cứ vào thời gian nào, ngày nghỉ, ngày lễ, lúc đêm khuya… Người phóng viên muốn hoàn thành nhiệm vụ phải bám được địa bàn, bám được cơ sở và sự đồng thuận, phối hợp, giúp đỡ của địa bàn. Bởi thế, điện thoại lúc nào cũng mở máy 24/24h để có thông tin là lên đường...
Với các phóng viên làm nội chính, quá trình “săn tin” về đường dây đánh bạc nghìn tỷ đồng do đối tượng Phan Sào Nam thực hiện có lẽ là một ấn tượng khó quên. Với tôi, đây cũng là một trong những vụ án để lại nhiều dấu ấn. Vụ án do Cục An ninh mạng, nay là Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an và Công an tỉnh Phú Thọ phối hợp điều tra.
Vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi và chỉ đạo, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi nhiều yếu tố. Do tính chất phức tạp của chuyên án, một thời gian dài, thông tin về quá trình điều tra chưa được hé lộ. Tôi còn nhớ đó là một ngày giữa năm, tôi và một đồng nghiệp ở Ban Kinh tế - Pháp luật đi công tác Lào Cai.
Để tranh thủ thời gian, chúng tôi chọn chuyến xe đêm, xuất phát vào 23h, bắt đầu từ Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội). Đến Lào Cai, chỉ chợp mắt được một giờ đồng hồ, chúng tôi đã trở dậy chuẩn bị vào huyện Bát Xát để thu thập thông tin về một vụ việc "nóng" xảy ra trên địa bàn. Khi xe ôtô vừa rời khỏi trụ sở Công an tỉnh được khoảng 15 phút thì tôi nhận được điện thoại của đồng chí Phó trưởng Ban Thời sự - Chính trị (Báo CAND), yêu cầu có mặt tại Công an tỉnh Phú Thọ để tiếp cận thông tin về vụ án đánh bạc do Phan Sào Nam và đồng bọn thực hiện.
Trong khi tôi bắt xe khách từ TP Lào Cai ngược về Công an tỉnh Phú Thọ thì đồng thời đồng chí Phó trưởng Ban Thời sự - Chính trị cùng một số phóng viên của báo ngành cũng ngược lên đất Tổ. Mặc dù đã được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an nhưng việc tiếp cận thông tin cũng không hề dễ dàng. Mọi tài liệu đều phải được xử lý một cách chi tiết, kỹ càng trước khi đăng tải… Đến cuối giờ chiều hôm đó, chúng tôi đã có được những thông tin đầu tiên, cung cấp cho bạn đọc về nội dung vụ việc, đảm bảo chính xác.
Rồi đến phiên toà xét xử vụ án diễn ra trong 15 ngày tại Toà án nhân dân tỉnh Phú Thọ, với tính chất đặc biệt của phiên toà, an ninh được siết chặt; hầu hết phóng viên của các tờ báo lớn đều có mặt; thông tin được cập nhật theo từng diễn biến nóng của phiên toà. Theo nhiệm vụ được phân công, tôi cùng một phóng viên của Ban Kinh tế - Pháp luật (Báo CAND) có nhiệm vụ theo dõi, cập nhật thông tin, đồng loạt đăng tải trên các ấn phẩm của Báo CAND. Trong đó, tôi được giao theo dõi, viết bài cho ấn phẩm An ninh thế giới, một chuyên đề của Báo CAND.
Những ngày đó, mỗi ngày, tôi chỉ chợp mắt được khoảng vài tiếng. Sau khi theo dõi phiên toà thì tỉ mỉ ghi lại những vấn đề đặt ra; sau đó tranh thủ gặp gỡ các điều tra viên trực tiếp tham gia các vụ án. Từ đó, tôi đã tìm ra được những khía cạnh mới để đăng tải về phiên toà, đáp ứng yêu cầu thông tin chuyên sâu của ấn phẩm An ninh thế giới và nhu cầu của độc giả.
Gần đây nhất là vụ Cao Tài Năng (SN 1981) và Vũ Thị Mừng (SN 1983, cùng trú tại đường Điện Biên Phủ, phường Bình Hàn, TP Hải Dương) bị khởi tố về các tội danh giết người, cướp tài sản, che giấu tội phạm và xâm phạm thi thể, hài cốt xảy ra tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Đây là vụ án điển hình có nguyên nhân phát sinh tội phạm từ việc cho vay, mượn tiền với lãi suất cao, không có khả năng thanh toán, dẫn đến một vụ án đặc biệt nghiêm trọng.
Trong vụ án này, hai đối tượng phạm tội đều là những người có học thức; quá trình phạm tội có sự chuẩn bị kỹ càng về tâm lý; phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm đánh lạc hướng phát hiện của cơ quan điều tra…, thông tin quá trình điều tra vụ án, đều được giữ kín. Trong quá trình ấy, tôi đã thường xuyên nắm bắt diễn biến về quá trình điều tra vụ án.
Nhưng ngay cả khi hồ sơ vụ án được chuyển đến Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, thông tin vẫn không được cung cấp cho cơ quan báo chí. Với mong muốn là người đầu tiên tiếp cận thông tin, tôi đã trao đổi với Đại tá Lê Ngọc Châu, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương (hiện là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) được tiếp cận hồ sơ vụ án, quá trình điều tra và đối tượng trước phiên toà xét xử.
Trong quá trình đó, tôi đã khéo léo khai thác được những câu chuyện phía sau của vụ án, những giây phút đấu trí của các điều tra viên với tội phạm. Từ đó, việc đưa tin vụ án đảm bảo tính thời sự, song vẫn hấp dẫn bạn đọc bởi tính nhân văn chứ không phải là việc mô tả một vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng một cách trần trụi nhưng đồng thời cũng đảm bảo yêu cầu chính trị, pháp luật và nghiệp vụ của ngành.
Có ai đó đã ví von nghề báo như một người thợ hầm lò, câu nói ấy quả chẳng sai. Công việc với nam giới vốn không dễ dàng, với phụ nữ càng khó khăn hơn nhiều. Một sự kiện có thể xảy ra bất cứ vào thời gian nào, ngày nghỉ, ngày lễ, lúc đêm khuya… Người phóng viên muốn hoàn thành nhiệm vụ phải bám được địa bàn, bám được cơ sở và sự đồng thuận, phối hợp, giúp đỡ của địa bàn. Bởi thế, điện thoại lúc nào cũng mở máy 24/24h để có thông tin là lên đường...