Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hướng tới sách hay và bạn đọc

Thứ Năm, 18/04/2024, 08:40

Sau 10 năm kể từ Ngày Sách Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên và nâng cao, mở rộng thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đến nay, sự kiện này đã trở thành hoạt động thường niên, có sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc cả nước.

Xung quanh sự kiện này, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành đã có cuộc trao đổi với chúng tôi quanh hoạt động xuất bản sách, phát triển văn hóa đọc Việt Nam cũng như Ngày Sách năm nay.

Phóng viên: Xin ông cho biết, sau 10 năm tổ chức, Ngày Sách Việt Nam, nay là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam có vai trò, vị trí như thế nào trong ngành sách nói riêng, phát triển văn hóa đọc nói chung?

Ông Nguyễn Nguyên: Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định chọn ngày 21/4 là Ngày Sách Việt Nam, đến năm 2021 thì nâng lên thành Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam, tức là chúng ta không chỉ tôn vinh người làm sách mà còn tôn vinh  bạn đọc, hướng đến bạn đọc. Bằng sự quan sát trực tiếp trong các đợt tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, có thể thấy rằng, trong thời gian vừa qua, văn hóa đọc có nhiều tín hiệu tích cực, thể hiện ở 2 khía cạnh. Đó là sự quan tâm của chính quyền các cấp với văn hóa đọc và sự quan tâm của bạn đọc, của xã hội đối với sách.

3 năm qua, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức rộng khắp trên các tỉnh, thành phố. Năm 2024, tất cả các tỉnh, thành phố đều có hoạt động, sự kiện trong Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Đây là khác biệt vô cùng lớn so với năm đầu tiên chúng ta triển khai tổ chức Ngày Sách Việt Nam. Khía cạnh thứ hai là sự quan tâm của bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ. Hiện nay, có nhiều câu lạc bộ đọc sách, trong đó có nhiều câu lạc bộ ở trên các nền tảng mạng xã hội đã cho thấy rằng văn hóa đọc, việc đọc sách của người Việt, của bạn trẻ có những tín hiệu tích cực.

6-1.jpg -0
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành.

Phóng viên: Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 có đến 4 thông điệp. Vì sao năm nay Ban tổ chức lại đưa ra nhiều thông điệp như thế, thưa ông?

Ông Nguyễn Nguyên: Mặc dù có đến 4 thông điệp nhưng các thông điệp này đều có điểm chung là sách hay, hướng tới bạn đọc. Chúng tôi hiểu rằng văn hóa đọc phải được lan tỏa hướng tới nhiều đối tượng bạn đọc khác nhau và mỗi thông điệp gắn với những đối tượng bạn đọc nhất định. Với thông điệp “Sách hay cần bạn đọc”, chúng ta hiểu rằng gốc của sự phát triển ngành sách là văn hóa đọc. Nếu không có bạn đọc thì cũng không có ngành sách. Thông điệp thứ hai là “Sách quý tặng bạn”.

Gần đây, cùng với phong trào đọc sách, chúng tôi kỳ vọng, mong muốn rằng sản phẩm sách sẽ trở thành món quà tặng thường xuyên trong các hoạt động, sự kiện với ý nghĩa là trở thành một nét đẹp văn hóa. Thông điệp thứ 3 là “Mua sách hay, tặng sách thật” xuất phát từ thực tế là chúng ta đang phải đối diện với tình trạng vi phạm bản quyền sách rất nhiều. Để giải quyết căn cơ bài toán này, hơn bao giờ hết, việc thay đổi nhận thức của bạn đọc mang tính chất quyết định. Vì thế, độc giả muốn có những cuốn sách hay thì cần phải mua sách thật.

Chúng tôi kỳ vọng, bạn đọc mua sách hay, sách thật để các nhà xuất bản có điều kiện, có động lực phát triển lâu dài. Thông điệp cuối cùng là “Sách hay – mắt đọc, tai nghe”. Đây là câu chuyện của phát triển, đáp ứng yêu cầu hiện tại. Người đọc sách không chỉ trải nghiệm bằng cách đọc như truyền thống mà còn có những hình thức trải nghiệm khác.

Ví dụ, tại Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 năm 2024, chúng tôi có triển lãm sách 3D, trình chiếu Mapping. Trong thời gian vừa qua, chúng ta thấy sách nói rất phát triển. Thông điệp “Sách hay – mắt đọc, tai nghe” khẳng định ngành sách muốn phát triển thì cần tiếp cận được bạn đọc, đáp ứng nhu cầu bạn đọc.

Phóng viên: Xin ông cho biết, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông có thống kê cụ thể nào thể hiện về phát triển văn hóa đọc Việt Nam?

Ông Nguyễn Nguyên: Thống kê về văn hóa đọc rất quan trọng. Mặc dù, việc quản lý văn hóa đọc là nhiệm vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng chúng tôi cũng đã có những đề nghị khảo sát về văn hóa đọc từ năm 2021. Tuy nhiên, khảo sát này chưa có con số so sánh với các nước trong khu vực. Năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trực tiếp phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát. Hơn 1 tuần trước, chúng tôi đã có văn bản gửi cho 2 đơn vị quan trọng có lượng khách hàng lớn là Viettel và Zalo. Hai đơn vị này sẽ gửi câu hỏi khảo sát đến toàn bộ khách hàng của mình.

Dự kiến, mỗi đơn vị có khoảng 40 – 50 triệu. Như vậy, chúng ta sẽ có lượng người tham gia tương đối lớn và có thể cho ra kết quả khảo sát tương đối sát thực. Chúng tôi cũng chỉ lựa chọn 10 câu hỏi để từ đó chúng ta có những con số giá trị, có sự so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tôi cũng phải nói thêm là thời gian qua có rất nhiều thông tin về khảo sát văn hóa đọc của nhiều quốc gia trên thế giới nhưng là những thông tin không chính thức. Trong quá trình trao đổi công tác với Hiệp hội xuất bản các nước, tôi được biết, các con số công bố của họ đều mang tính tuyên truyền gắn với sự kiện nào đó của nước đó. Thực tế, theo con số chúng tôi nắm được, Việt Nam thuộc top đầu về lượng sách xuất bản hàng năm.

Hiện nay, chúng ta đã xuất bản là từ 500 – 600 triệu bản sách, mặc dù chiếm khoảng 60% trong số đó là sách giáo khoa, sách giáo trình và các loại sách khác phục vụ đào tạo và số lượng sách để bạn đọc nâng cao dân trí, giải trí, giáo dục thẩm mỹ chưa nhiều, chỉ trên 2 bản sách/ người. Chúng tôi đang nỗ lực đến năm 2030 sẽ nâng lên 4 bản sách/người. Đây cũng là mục tiêu mà lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông giao cho các đơn vị trong ngành xuất bản và Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ đóng vai trò dẫn dắt.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (Ngày Sách) năm 2024 bao gồm nhiều hoạt động được tổ chức trong suốt tháng 4 nhưng tập trung nhiều nhất từ ngày 17/4 – 1/5 Lễ khai mạc Ngày Sách được tổ chức vào tối 17/4 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và trực tuyến trên các nền tảng của một số đơn vị báo chí. Dịp này, Ban tổ chức trưng bày các bộ sách quý về di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám; ảnh và sách về đất nước, con người Việt Nam trên các phiên bản điện tử hiện đại và các ấn bản trực tiếp; tủ sách về các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tủ sách về biển đảo; tủ sách giới thiệu các tác phẩm đạt Giải thưởng Sách quốc gia; tủ sách công nghệ…

Tại khu vực Hồ Văn có Hội sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 với các không gian giới thiệu, quảng bá sách của các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành sách, doanh nghiệp công nghệ. Hội sách cung cấp trên 40.000 đầu sách có giá trị và mỗi ngày sẽ có từ 3 – 5 sự kiện tọa đàm, giới thiệu sách; giao lưu tác giả, tác phẩm; chương trình nghệ thuật...

Dịp này, Cục Xuất bản, In và Phát hành phối hợp với Cục Thông tin đối ngoại và các nhà xuất bản, các cơ quan liên quan tổ chức triển lãm, Hội chợ sách online trên nền tảng số quốc gia vietnam.vn với chủ đề “Sách hay tìm bạn đọc”. Bạn đọc còn có thể trực tiếp lựa chọn mua sách thông qua sự kết nối trực tiếp giữa nền tảng vietnam.vn với sàn mua bán sách trực tuyến Books365.vn.

Hoa Nguyễn
.
.