Những hình ảnh hào hùng tạo nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”
Chủ Nhật, 18/12/2022, 10:30
Đã 50 năm đã trôi qua, nhiều thế hệ người dân Hà Nội vẫn không thể quên 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, ngoan cường của quân và dân Thủ đô, tạo nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” lịch sử chấn động thế giới.
Sau khi Hội nghị Paris đi vào bế tắc do bất đồng về các điều khoản, Mỹ đã phát động chiến dịch Linebacker II với mục đích san phẳng miền Bắc nước ta, “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá” kéo dài từ ngày 18/12 đến 30/12/1972. Đây cũng là chiến dịch quân sự cuối cùng của Mỹ ở Việt Nam, và quân đội Mỹ đã “tất tay” khi đưa vào tham chiến “pháo đài bay” B-52 – con át chủ bài của Không quân Mỹ lúc đó với hy vọng sẽ dập tắt mọi nguồn chi viện cho miền Nam Việt Nam và đặc biệt là ý chí chiến đấu của quân và dân ta.
Tuy nhiên, chỉ trong 12 ngày đêm, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay trong đó có 34 chiếc B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ)…
Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không(18/12/1972 - 18/12/2022), Trung tâm bảo tồn di sản Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) đã tổ chức triển lãm "Từ mặt đất đến bầu trời" từ ngày 14/12 đến 29/12.
Đây là nơi trưng bày những hiện vật liên quan đến chiến thắng lịch sử của quân dân Thủ đô cùng câu chuyện của những người đã trực tiếp tham gia cuộc chiến.
Và lần đầu tiên Hầm chỉ huy tác chiến năm đó được mở cửa cho người dân tham quan. Chiếc điện thoại được các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu sử dụng để liên lạc trong giai đoạn từ năm 1967 đến năm 1975 được đặt trong Hầm chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng tham mưu.
12 ngày đêm lửa xé trời Thủ đô, làm nên bản hùng ca “Điện Biên Phủ trên không” là minh chứng lịch sử của ý chí kiên định, niềm tin sắt đá, bản lĩnh, trí tuệ, chủ động, sáng tạo của quân và dân Hà Nội.
Trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân Thủ đô đã đào 40 vạn hố cá nhân và 9 vạn căn hầm tập thể, đủ chỗ trú ẩn an toàn cho 90 vạn người. Cứ 20 mét lại có một hố cá nhân nằm so le ở hai bên vỉa hè.
Trung tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Tuân – Phi công đầu tiên bắn rơi “pháo đài bay” B52 vào ngày 27/12/1972.
Với trang bị chủ lực là tiêm kích MIG-17 và MIG-21 yếu thế hơn so với các loại máy bay hiện đại của Mỹ lúc đó nhưng đã gây tổn thất nặng nề cho Không quân Mỹ. Chỉ trong 12 ngày đêm, các phi công tiêm kích của ta cùng lực lượng tên lửa và dân quân đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 máy bay B-52, 5 máy bay F 111 và 42 máy bay chiến thuật khác.
Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972 đã khẳng định khẳng định trí tuệ, bản lĩnh con người Việt Nam trước vũ khí công nghệ cao của quân đội Mỹ lúc bấy giờ.
Hình ảnh nữ du kích Hà Thị Nhiên (Nam Định) kéo xác máy bay Mỹ năm 1966 bên cạnh xác chiếc B-52 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam là minh chứng rõ ràng nhất cho chiến thắng của quân dân Việt Nam trước sự xâm lược của quân đội Mỹ.