Bài 2: Bài trừ ma túy, xóa sổ “tín dụng đen”
Buôn bán ma túy, cho vay lãi nặng được xem là “bầu sữa” để nuôi tội phạm và là mầm mống phát sinh nhiều loại tội phạm khác như giết người, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật…
Bởi những kẻ buôn ma túy luôn kè kè “hàng nóng” bên mình để sẵn sàng thanh toán đối thủ cạnh tranh và chống trả quyết liệt lực lượng truy bắt. Còn những kẻ cho vay lãi nặng bên cạnh việc “hút máu đồng loại”, còn gây ra nhiều vụ bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, khủng bố tinh thần… khi con nợ mất khả năng chi trả. Do vậy, Công an Bình Dương luôn tập trung bài trừ, xóa sổ các loại tội phạm này…
Chặt đứt hàng trăm “vòi bạch tuộc”
Tỉnh Bình Dương được Chính phủ đánh giá là địa phương đi đầu của cả nước trong đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ, Cơ quan CSĐT tỉnh Bình Dương đã phát hiện triệt xóa 74 vụ (148 đối tượng) về các hành vi liên quan đến “tín dụng đen”, trong đó đã khởi tố 50 vụ (91 bị can) về hành vi “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Ngoài ra còn khởi tố 9 vụ, 42 bị can liên quan đến các hành vi cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, làm nhục người khác... Trong số 74 vụ phát hiện, xử lý có 60 vụ là do các đối tượng từ tỉnh khác đến hoạt động gây án. Riêng trong giai đoạn từ tháng 9/2023 đến nay, Công an tỉnh Bình Dương đã triệt phá 9 vụ, bắt 22 đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng, tăng 900% so với cùng kỳ 2022. Với thành tích này, Công an tỉnh Bình Dương được Bộ Công an chọn là điển hình tuyên dương toàn quốc trong phòng, chống tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”.

Cuối năm 2024, Công an tỉnh Bình Dương đã triệt phá thành công chuyên án, bắt giữ nhóm đối tượng cho vay lãi nặng do Trần Hữu Đăng (SN 1998, quê Hà Nam) cầm đầu. Theo tài liệu của cơ quan điều tra, từ tháng 4/2024 đến khi bị bắt, Trần Hữu Đăng cùng đồng bọn sử dụng các tài khoản Zalo tên “MB Credits VG; Khang Tony; Lâm; Bin; Phong Vân; Phúc Huy; Tài Bảo My; Tài Lộc Chi; Dương Nhật Hạ; Hoàng Sơn; Hải VG;….” để hoạt động phạm tội với hình thức cho vay tiền góp, thu lãi và gốc theo ngày, vòng vay từ 18 ngày đến 30 ngày. Tính riêng trên địa bàn huyện Bàu Bàng, Trần Hữu Đăng cùng đồng bọn sử dụng số tiền trên 5,5 tỷ đồng, cho vay tổng cộng 22 khoản vay, giá trị các khoản vay từ 80 triệu đến 350 triệu đồng, với lãi suất từ 292%-1.000%/năm, qua đó thu lợi bất chính khoảng 2 tỷ đồng.
Trong lịch sử cho vay lãi nặng ở Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung có lẽ chưa có đối tượng cho vay nào lại có mức lãi suất “tàn khốc” như Phạm Bá Thụy, SN 1982, ngụ phường Mỹ Phước, TP Bến Cát. Thụy nhiều lần cho chị P.N.T, ngụ cùng phường vay tiền với lãi suất từ 6% - 24% một ngày, tương đương 2.160%-8.640% một năm. Ban đầu chị T. vay của Thụy số tiền 90 triệu đồng nhưng do không trả lãi kịp nên Thụy đã cộng dồn tiền lãi thành tiền vay tổng cộng hơn 10 tỷ đồng. Tổng số tiền lãi Thụy đã thu của chị T. đến khi bị bắt là hơn 4 tỷ đồng…
Đại úy Trần Văn Thông, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian gần đây các đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng ngụy trang dưới nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi hơn như cho vay bằng các hợp đồng “giả cách”, ủy quyền, hợp đồng mua bán tài sản... để cho vay với số tiền lớn trong thời gian ngắn và phải lãi suất rất cao. Đến khi mất khả năng chi trả sẽ bị buộc chuyển quyền sở hữu tài sản đã thế chấp. Gắn liền với thủ đoạn trên là thủ đoạn "mua bán nợ". Chủ nợ lập hợp đồng với công ty "mua bán nợ" (một hình thức biến tướng của công ty đòi nợ thuê) liên hệ người vay và sử dụng các thủ đoạn quấy rối, khủng bố (tạt sơn, tạt chất bẩn, nước thải…) để đòi nợ. Hiện tại, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen” còn trở nên phức tạp hơn khi các đối tượng triệt để lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội để tiếp cận và lôi kéo người vay.
Trước tình hình trên, Công an tỉnh Bình Dương đã tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh ban hành nhiều công văn, kế hoạch nhằm huy động sức mạnh của các ngành, các cấp, đoàn, hội tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm và triển khai nhiều đợt ra quân phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, lực lượng Công an chủ động phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền về các chính sách tín dụng để giúp người dân dễ dàng tiếp cận các chính sách tài chính, hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng, tổ chức tài chính hợp pháp. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh doanh tài chính, viễn thông, internet, an ninh mạng, có phương án kịp thời ngăn chặn số tin nhắn, thông báo, cuộc gọi rác của nhóm đối tượng đòi nợ và có hành vi khủng bố, đề xuất ngăn chặn các số điện thoại có biểu hiện hoạt động đòi nợ trái quy định của pháp luật”.
Quyết không để tội phạm ma túy có đất sống
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khẳng định, mục tiêu chung xuyên suốt của tỉnh Bình Dương là phải phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị để kiềm chế, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả mọi nguồn ma túy thẩm lậu vào địa bàn tỉnh dưới mọi hình thức. Tuyệt đối không để tội phạm ma túy lợi dụng địa bàn tỉnh Bình Dương để trung chuyển và sản xuất trái phép chất ma túy. Phấn đấu đến năm 2025 giảm từ 5-10% người nghiện ma túy hiện có, không để gia tăng số phường, xã, thị trấn có tệ nạn ma túy và phấn đấu tăng ít nhất 2 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy…

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trên địa bàn tỉnh Bình Dương, lực lượng Công an đã triệt xoá hơn 3.000 vụ với gần 5.900 đối tượng phạm tội ma tuý, thu giữ hơn 217kg ma tuý các loại (tăng gần 700% so với cùng kỳ); 27 khẩu súng, 82 viên đạn, 5 lựu đạn… Riêng trong năm 2024, Công an các cấp đã triệt phá gần 500 vụ, bắt giữ 1.080 đối tượng, thu giữ hơn 104kg ma túy tổng hợp và hơn 5kg heroin. Hiện tỉnh đang quản lý hơn 2.600 đối tượng ma túy và xây dựng được 5 xã, phường không còn tệ nạn ma túy. “Đối với tội phạm về ma túy, lực lượng Công an sẽ tập trung quản lý chặt các đối tượng nghiện ma túy ngoài xã hội, đối tượng có biểu hiện loạn thần, ngáo đá; triệt xóa các đường dây mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; các đối tượng lợi dụng các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT để tổ chức, sử dụng trái phép ma túy…”-Thượng tá Đỗ Ngọc Ẩn, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết.
Cụ thể hóa nhiệm vụ trên, trong năm 2024, bên cạnh thực hiện các chuyên án lớn, lực lượng Công an còn đánh mạnh vào các ổ nhóm mua bán ma túy nhỏ lẻ, các quán bar, nhà hàng, karaoke, phòng trọ… Bởi từ thực tế cho thấy, để lôi kéo nhiều con nghiện tham gia sử dụng, các đối tượng mua bán ma túy sử dụng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu các dịch vụ cho thuê phòng “bay lắc” nhằm thu hút giới trẻ là công nhân, sinh viên, học sinh. Chúng tạo lập các nhóm, hội kín với các thành viên quen biết trước, sau đó những người này giới thiệu thêm thành viên để tham gia hội. Và chỉ cần có 1 thành viên trong hội bị bắt thì chúng sẽ giải tán nhóm và xóa hết tài khoản rồi lập lại nhóm mới. Một số kẻ mua bán ma túy khác thì sử dụng quán bar, karaoke, cà phê… để làm điểm “bay lắc” hoặc tổ chức những buổi tiệc ma túy nhân dịp sinh nhật để lôi kéo bạn bè, người thân vào đường dây mua bán của mình. Bên cạnh đó, phòng trọ cũng là điểm đến của không ít con nghiện công nhân và những người lao động phổ thông, mua bán đường phố tập tành chơi “hàng”.
Công tác quản lý người nghiện, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đạt nhiều kết quả. Công an tỉnh Bình Dương đã triển khai kế hoạch rà soát, quản lý 3.143 đối tượng ma túy, trong đó 1.260 người sử dụng ngoài xã hội (40,1%). Tăng cường đảm bảo an toàn tại cơ sở cai nghiện, tổ chức tập huấn, tiếp nhận và điều trị cho 583 học viên; duy trì 91 câu lạc bộ hỗ trợ thanh niên sau cai, giúp đỡ 65 thanh niên sau cai nghiện, tái hoà nhập cộng đồng, vươn lên lập thân lập nghiệp trong năm. Mới đây, Công an tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận 2 cơ sở cai nghiện ma túy thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương và Cơ sở cai nghiện thanh niên xung phong (thuộc UBND TP Hồ Chí Minh quản lý) đóng trên địa bàn huyện Phú Giáo. Với sự thống nhất, chung một đầu mối này sẽ giúp công tác đấu tranh phòng ngừa, cai nghiện ma túy trong thời gian tới sẽ hiệu quả hơn.