Điểm tựa vững vàng giúp người dân trong thiên tai, hoạn nạn
Thiên tai luôn mang đến những thách thức khắc nghiệt cho con người. Trong hoạn nạn ấy, sự giúp đỡ và tình cảm giữa lực lượng Công an với nhân dân đã tỏa sáng, như ngọn lửa sưởi ấm, điểm tựa xoa dịu những nỗi đau mà thiên tai gây ra.
Cơn bão số 3 - Siêu bão Yagi đầu tháng 9/2024 là một trong những siêu bão lớn nhất, mạnh nhất trong vòng 30 năm trên Biển Đông và trong 70 năm trên đất liền nước ta, gây nhiều tổn thất nặng nề cho các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ… Hàng trăm nghìn ngôi nhà, trường học và nhiều công trình hạ tầng bị ngập, sập đổ, hư hại, đường sá giao thông bị chia cắt, cơ sở hạ tầng, hoa màu bị tàn phá nghiêm trọng. Có nơi đã biến thành một vùng nước trắng xoá chỉ sau một đêm. Mọi hoạt động sản xuất và đời sống bị đình trệ hoàn toàn. Thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Ngay từ những ngày đầu ứng phó với cơn bão số 3, Công an huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) và Công an các xã đã thực hiện rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở và phát hiện điểm trường THCS và THPT số 3, xã Mường Hum nằm trong diện nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở từ đồi phía sau. Bất chấp mưa gió và ngập lụt, với tinh thần bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân, ngày 8/9/2024, Công an xã Mường Hum đã di chuyển 11 giáo viên và 131 học sinh ra khỏi dãy nhà bán trú tới trường mầm non và nhà văn hoá thôn Piềng Náo. Rạng sáng 9/9/2024, quả đồi phía sau trường đã sạt xuống, gây đổ sập hoàn toàn dãy nhà bán trú gồm 16 phòng ở. 142 giáo viên và học sinh đã được bảo đảm an toàn nhờ di chuyển kịp thời.
Đêm 9/9/2024, trời mưa lớn, giao thông bị chia cắt, toàn xã Cốc Lầu (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) bị mất điện, mạng viễn thông cũng hoàn toàn tê liệt. Ngày 10/9/2024, mưa bão vẫn diễn ra kèm theo thông tin khu vực dọc bờ sông thôn Kho Vàng bị sạt lở nghiêm trọng. Mặc dù trước đó, Công an xã đã vào tận thôn, bản để tuyên truyền, vận động bà con chủ động phòng, chống thiên tai, tuy nhiên việc liên tục mấy ngày liền không liên lạc được với nhóm 17 hộ dân với 115 nhân khẩu tại khu vực này khiến các anh đứng ngồi không yên. Đại úy Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Công an xã Cốc Lầu đã đề xuất với đồng chí Trưởng Công an huyện Bắc Hà về việc lập một tổ công tác gồm 3 đồng chí Công an xã, huy động thêm một đồng chí thuộc lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở, một đồng chí xã đội lên thôn Cốc Lầu, tìm đường tới nhóm 17 hộ dân đang mất liên lạc. Các anh mang theo gần chục kiện mỳ tôm và nước lọc, dao và lửa. Cung đường duy nhất có thể đi lúc này là vượt núi, băng qua những khu rừng vầu, rừng trúc… Những năm trước, người dân còn vào sâu trong rừng tìm măng nhưng nay đã ít người đi, những lối mòn giờ cỏ dại mọc lút đầu người. Họ vừa đi, vừa phạt cành, tìm lối đến với thôn Kho Vàng. Đến khoảng hơn 10h ngày 11/9/2024, Đại uý Cường và các đồng chí trong tổ công tác vỡ òa vì hạnh phúc khi họ nghe được thông tin: “Không có ai bị thương, chúng tôi đều an toàn”. Số mỳ tôm, nước uống mà các đồng chí mang theo ngay lập tức được chuyển đến cho người dân tại đây để giải quyết tình thế trước mắt. Sau khi hướng dẫn người dân ở lại khu vực lán tạm trên đỉnh núi, không đến những khu vực nguy hiểm, Đại úy Cường tiếp tục cùng 2 đồng chí khác di chuyển xuống núi, vượt qua các đoạn sườn núi, khu vực sạt lở nghiêm trọng trong thời tiết đang mưa, để tìm kiếm và hướng dẫn 4-5 thanh niên đang đi tìm lương thực về lại vị trí lán tạm chờ đợi để đảm bảo an toàn. Khoảng 17h30’, sau khi báo cáo và được sự đồng ý của các cấp, lực lượng tiếp tế của xã Cốc Lầu do đồng chí Cường dẫn đầu đã có mặt tại địa điểm lán của 17 hộ dân và bàn giao lại toàn bộ số đồ tiếp tế gồm gạo và các nhu yếu phẩm khác. Đến 22h cùng ngày, tổ công tác đã an toàn trở về trụ sở Công an xã, hoàn thành nhiệm vụ…
Sự xuất hiện của những CBCS mang sắc phục CAND đã mang lại niềm hy vọng cho người dân đang trong tình cảnh khó khăn nhất, thậm chí là ranh giới giữa sự sống và cái chết. Trên cả trách nhiệm, đó là tình người, là nghĩa đồng bào. Lực lượng CAND đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện để sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm, tổ chức tìm kiếm người mất tích và hỗ trợ xây dựng lại nhà cửa. Nhiều chiến sĩ đã thức trắng đêm, đội mưa gió, đối diện với nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt để đưa hàng cứu trợ đến tay người dân. Những hành động đó đã để lại ấn tượng tốt đẹp về sự tận tâm, tận tụy, hết lòng “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của lực lượng CAND. Có những khu vực, họ phải chạy đua với nước lũ, chẳng kịp ăn vội bát cơm, không kịp chợp mắt cho lại sức, đã phải cơ động cấp tốc đến hiện trường. Bởi họ hiểu rằng, sự có mặt của lực lượng vũ trang, lực lượng CAND là một niềm tin, điểm tựa tinh thần to lớn để thắp sáng hi vọng cho người dân trong lúc hoang mang, tuyệt vọng.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Bộ Công an (Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA), phát huy tinh thần xung kích, đi đầu, Bộ Công an đã chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành quyết liệt các biện pháp phòng, chống bão, mưa lũ, nhất là tham mưu huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đồng thời, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương đã huy động 150.000 lượt CBCS, hơn 2.000 CBCS Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tăng cường chi viện, hơn 45.000 đơn vị sản phẩm phương tiện, vật tư, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, quân trang ngày đêm triển khai các phương án, kế hoạch đảm bảo ANTT. Phối hợp sơ tán, di dời người dân cùng phương tiện, tài sản; tham gia tìm kiếm các nạn nhân mất tích, cấp cứu người bị nạn, giúp an táng người thiệt mạng. Đồng thời, phân bổ 100 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cấp cho Công an 13 địa phương hỗ trợ người dân chịu nhiều thiệt hại, tổ chức 20 đoàn công tác đến các địa phương hỗ trợ y tế, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm.
Khi bão, lũ đi qua, mỗi người một việc, lực lượng CAND lại tranh thủ thời gian để khẩn trương giúp nhân dân ổn định sinh hoạt… Nhiều tấm gương anh dũng không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng xả thân vì nhiệm vụ, hy sinh quên mình vì hạnh phúc, an toàn của nhân dân. Đó là Trung tá Trần Quốc Hoàng (SN 1987), cán bộ Trại giam Quảng Ninh (thuộc Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an) đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ phòng, chống bão số 3, bảo đảm an toàn cho trại giam và phạm nhân. Bên cạnh đó là 2 CBCS và 3 đồng chí thành viên lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở tử vong, nhiều đồng chí bị thương. Những người lính đã ngã xuống, nhưng phía sau vẫn có các đồng chí, đồng đội của các anh tiếp tục từng giờ, từng phút dấn thân vào nơi hiểm nguy, lũ lụt, sạt lở để cứu người, cứu tài sản giúp nhân dân.
Năm 2024, nhiều loại hình thiên tai đã xảy ra trên các vùng miền cả nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước đã có 515 người chết, mất tích, 2.212 người bị thương với tổng thiệt hại ước tính trên 88.748 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu của bão đã khiến 345 người thiệt mạng và mất tích; hàng nghìn người bị thương, thiệt hại về kinh tế ước trên 81.000 tỷ đồng. Trước tình hình trên, Bộ Công an đã ban hành 35 công điện, trong đó có 20 công điện của Bộ, 15 công điện của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức trực ban, ứng trực quân số đảm bảo làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, y tế… giúp nhân dân, chính quyền địa phương, tham gia công tác ứng phó thiên tai, cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả.