Thăm bé Gấu của người mẹ - chiến sĩ Cảnh sát kiên cường Đậu Thị Huyền Trâm
Có ai đó đã nói lực lượng CAND Việt Nam Anh hùng bởi bên cạnh những anh hùng đã được Nhà nước tuyên dương, còn có rất nhiều cán bộ Công an anh hùng trong đời sống hằng ngày "chưa được tuyên dương". Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm là một "anh hùng" như vậy...
Đã hơn 3 năm qua, tôi mới có dịp trở lại Hà Tĩnh với tư cách là giảng viên giảng dạy môn học "Khoa học lãnh đạo" cho hệ đào tạo Cao cấp chính trị của Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) mở tại Công an tỉnh Hà Tĩnh. Những ngày này, cả nước sôi nổi thi đua chào mừng 60 năm Ngày truyền thống lực lượng CSND Việt Nam, tôi cùng Đại tá Nguyễn Thanh Liêm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh và một số anh em cán bộ Công an tỉnh Hà Tĩnh đã đến thăm bé Gấu, thắp hương tưởng nhớ mẹ bé Gấu - người nữ học viên kiên cường, dũng cảm Đậu Thị Huyền Trâm.
Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm, nguyên cán bộ Công an tỉnh Hà Tĩnh, nguyên là sinh viên giỏi Khóa đại học chính quy D36 Học viện CSND. Sau khi tốt nghiệp, em về công tác tại Công an tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2016, trong khi có thai bé Gấu thì em mắc bệnh ung thư. Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm đã chịu đau, kiên quyết không chạy xạ chữa trị ung thư để sinh con. Câu chuyện của em đã khiến dư luận cả nước khâm phục, xúc động vì sự hy sinh vô bờ bến em dành cho đứa con còn nằm trong bụng mẹ.

Khi đang công tác tại Công an tỉnh Hà Tĩnh, Đậu Thị Huyền Trâm phát hiện đã mắc phải căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối khi mang thai đứa con đầu lòng được 2 tháng. Tế bào ung thư đã ăn tràn toàn thân. Hạch dày đặc quanh cổ, phổi, di căn gan, thậm chí cả tim. Để bảo vệ tính mạng con, em đã từ chối mọi biện pháp điều trị.
Ngày 24/6/2016, ở tuần thai thứ 25, em nhập viện trong tình trạng bệnh đã tiến triển rất nặng, hạch to, tràn dịch màng phổi, gây khó thở. Em được chuyển lên Khoa Gây mê Hồi sức và được hỗ trợ thở oxy, dinh dưỡng.
Tuy nhiên, đến tuần thai thứ 29, nhận thấy sức chịu đựng của bệnh nhân đã đến giới hạn, có biểu hiện suy hô hấp tăng dần, để lâu sẽ nguy hiểm tính mạng của hai mẹ con, ngày 10/7/2016, các bác sĩ Bệnh viện K và Bệnh viện Phụ sản Trung ương hỗ trợ mổ lấy thai.
Bé trai chào đời nặng 1,2 kg được đặt tên là Trần Gấu và được chuyển ngay sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương để chăm sóc và điều trị. Tuy nhiên, sau khi trải qua ca phẫu thuật đặc biệt mổ lấy con, việc kéo dài sự sống cho Đậu Thị Huyền Trâm rất khó khăn.
Ngày 17/7/2016, đồng chí Thượng tướng Tô Lâm (nay là Đại tướng Tô Lâm), Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã vào Bệnh viện K thăm, động viên em. Bộ trưởng Tô Lâm đã nói: "Đồng chí Đậu Thị Huyền Trâm là tấm gương sáng về nghị lực phi thường, về tinh thần dũng cảm, kiên cường, sẵn sàng hy sinh, tô thắm thêm hình ảnh đẹp người nữ chiến sĩ CAND".
Có một điều an ủi là trước khi mất, Đậu Thị Huyền Trâm đã được gặp con trai là bé Gấu suốt 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Vào ngày thứ năm, ngày 21/7/2016, trước khi em phải truyền hóa chất, các bác sĩ đã cho Trâm sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương bằng xe đẩy để gặp con.
Đậu Thị Huyền Trâm cảm thấy rất hạnh phúc khi được nhìn thấy con trai, nhìn thấy sự hy sinh của mình có kết quả xứng đáng. Sau khi gặp con, tinh thần của Trâm khá lên rất nhiều. Sức khỏe bé Gấu sau khi ra đời cũng khá hơn rất nhiều, bé đã có thể tự thở được. Em bé là động lực để Trâm cố gắng kéo dài thêm cuộc sống này, để mong được nhìn thấy con khôn lớn. Nhưng, có lẽ Đậu Thị Huyền Trâm cũng đã mường tượng được những gì em phải đối mặt.Và, điều kỳ diệu đã không xảy ra.Em đã mất đúng ngày 27/7/2016, ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Trước khi mất, Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm đã viết thư gửi gia đình và bạn bè để chia sẻ trên Fanpage HVCS Confessions (Fanpage được lập bởi các thành viên đang học tập, công tác tại Học viện CSND): "…Mình nghĩ lại thời gian qua mình đã sống, thực sự còn quá nhiều điều mình muốn làm. Nhưng rất may mình có gia đình, người thân, bạn bè đã sát cánh bên mình lúc này. Nghĩ xem, quan trọng gì sống bao lâu, sống thế nào mới đúng.Nhưng nếu có phép màu, cho mình thêm 5 năm nữa, hoặc 1, 2 năm nữa khoẻ mạnh chút, mình chuẩn bị một vài thứ cho những người mình thương yêu, chứ đừng để ốm đau mãi rồi đi.
Bây giờ trong tôi mọi thứ đã qua đều là kỷ niệm quý giá.Những gì đang có là tận dụng để cho mọi người biết tôi yêu mọi người thế nào. Và mỗi lần nhìn Học viện Cảnh sát chính là thời thanh xuân đẹp đẽ, sức sống và đáng sống nhất của tôi".
Tôi vẫn nhớ ngày 22/4/2018, trong chuyến công tác tại Hà Tĩnh, tôi đã cùng Đại tá Nguyễn Tiến Nam, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh (nay là Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an), Đại tá Nguyễn Thanh Liêm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh đã đến thăm và tặng quà cho cháu Trần Gấu và gia đình.
Để động viên tinh thần học tập, rèn luyện của sinh viên nhà trường, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Học viện CSND (15/5/1968-15/5/2018), Học viện CSND đã thành lập "Quỹ học bổng Đậu Thị Huyền Trâm" để dành tặng thưởng cho các sinh viên vượt khó, rèn luyện tốt, học giỏi, có thành tích khoa học và lập chiến công.
Đã 4 năm trôi qua, tôi mới có dịp trở lại thăm bé Gấu và thắp hương tưởng nhớ người nữ học viên Cảnh sát kiên cường, dũng cảm của mình. Ảnh Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm đẹp, kiên nghị được gia đình đặt trang trọng trên ban thờ gia đình. Đôi mắt Đậu Thị Huyền Trâm trong ảnh trên ban thờ vẫn rất sáng và toát lên sự kiên nghị của người chiến sĩ Công an. Em mất đi ở tuổi đời rất trẻ những đã để lại trong lòng các thầy cô giáo, các bạn đồng học và đồng đội sự khâm phục, tin yêu.
Mặc dù cuộc sống của em ngắn ngủi, chưa có điều kiện cống hiến, phục vụ nhiều cho đất nước, cho quê hương, cho ngành, nhưng Đậu Thị Huyền Trâm đã xứng đáng như câu nói của Paven Coocsagin trong tác phẩm" Thép đã tôi thế đấy" của nhà văn Nikolai Alexeevich Ostrovsky: "Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí". Em cũng xứng đáng là một trong những "mẻ thép" mà Học viện CSND Việt Nam đã "đúc" được trong quá trình xây dựng và phát triển nhà trường.
Thật là mừng khi bé Gấu đã khôn lớn lên nhiều và sang năm, bé chuẩn bị đi học tiểu học. Bố cháu và bác ruột kể, cháu phát triển tốt so với các bạn cùng lứa, tư chất thông minh, mặt mũi sáng sủa. Tuy nhiên nét mặt cháu vẫn buồn buồn, có lẽ do thiếu hơi ấm và bàn tay người mẹ chăm sóc hằng ngày.
Tôi có may mắn trong gần 10 năm (5/2009-10/2018) làm Giám đốc Học viện CSND trong thời kỳ nhà trường hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Học viện CSND Anh hùng vì có các thế hệ thầy, cô giáo và các thế hệ sinh viên anh hùng.
Có ai đó đã nói lực lượng CAND Việt Nam Anh hùng bởi bên cạnh những anh hùng đã được Nhà nước tuyên dương, còn có rất nhiều cán bộ Công an anh hùng trong đời sống hằng ngày "chưa được tuyên dương". Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm là một "anh hùng" như vậy.
Tạm biệt gia đình, tôi thầm mong cho bé Gấu khôn lớn, trưởng thành để sau này có thể bước tiếp "bước chân" của người mẹ Công an kiên cường, dũng cảm của mình.