Bế tắc trong việc xử lý tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác”?
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa có báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội về kểt quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại kỳ họp trước liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Tại báo cáo, Bộ KH&CN cho biết, đang tiến hành nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn sim rác. Đến nay đã có một số tiến triển, với hơn 17 triệu thuê bao không đúng thông tin hoặc không chính chủ đã bị khóa hoặc thu hồi. Tuy nhiên, Bộ cũng đánh giá tình trạng tin nhắn, cuộc gọi rác vẫn tiếp tục là vấn đề nhức nhối.
Mỗi tháng chặn hơn 50,5 nghìn số có dấu hiệu phát tán cuộc gọi rác
Sáng đầu tuần, anh Phùng Thái Sơn (Thanh Trì, Hà Nội) đang tất bật chuẩn bị cho cuộc họp sớm ở cơ quan cùng đối tác thì có cuộc điện thoại đến. Tưởng cuộc gọi quan trọng, anh Sơn mở máy lên thì bên kia là một giọng nói nữ giới thiệu là nhân viên của công ty chứng khoán. Quá bực bội, anh Sơn hỏi tại sao chưa từng chơi chứng khoán mà nhân viên lại có số của anh và gọi làm phiền đầu giờ sáng thế này, lập tức đầu dây bên kia tắt máy ngay.

Cũng trong ngày, đồng nghiệp của anh Sơn là chị Mai Phương cũng nhân được cuộc gọi giới thiệu là doanh nghiệp từ phía Singapore muốn tìm đối tác và được người quen giới thiệu gọi cho chị Phương. Giờ họ muốn gửi cho chị Phương một đường link nhờ điền thông tin cá nhân để lập hồ sơ đối tác. Biết là gặp đối tượng lừa đảo, chị Phương liền gắt lên: “Có muốn tôi báo công an không?” thì lập tức điện thoại bên kia ngắt ngay kết nối. Chi Mai Phương cho biết thêm, mỗi ngày chị đều phải nhận rất nhiều cuộc gọi rác ngoài ý muốn, trong đó có những cuộc gọi đầy dấu hiệu mạo danh để lừa đảo và không ít cuộc gọi nhỡ, nhá máy liên tục.
Theo Bộ KH&CN, Việt Nam đang nằm trong số khoảng 20 quốc gia đã triển khai yêu cầu đối soát, xác thực thông tin của người sử dụng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước khi kích hoạt (đã được quy định cụ thể tại Nghị định 163/2024/NĐ-CP). Từ năm 2023, với sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của Bộ Công an, Bộ KH&CN đã hướng dẫn, đôn đốc các nhà mạng đối soát 125 triệu thuê bao, bảo đảm các SIM thuê bao di động có thông tin trùng khớp với thông tin được đối soát trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó bảo đảm các SIM thuê bao hiện nay đều có thông tin đầy đủ, đúng quy định. Tuy nhiên, qua đối soát đơn vị đã xử lý 17 triệu thuê bao trong đó chuẩn hoá 11 triệu và chặn 6 triệu thuê bao.
Cũng trong hai năm 2023, 2024 Bộ KH&CN đã tiền hành thanh tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao trên địa bàn cả nước đối với 8 doanh nghiệp viễn thông di động với tổng số tiền xử phạt 1.815 triệu đồng. Đồng thời, Bộ đã đình chỉ phát triển mới 2 tháng của 3 doanh nghiệp gồm Vietnamobile, Vnsky, Mobicast khi phát hiện vi phạm về SIM rác trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Trong tháng 11, 12/2024, liên quan đến việc thu thập, sử dụng dữ liệu cá nhân và việc thực hiện các cuộc gọi rác, tin nhắn rác, Bộ đã xử phạt 3 doanh nghiệp tài chính với tổng số tiền là 430 triệu đồng, yêu cầu xoá bỏ thông tin của gần 30 triệu cá nhân thu thập không đúng quy định. Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn tin rác, cuộc gọi rác. “Trong năm 2024 trung bình mỗi tháng chặn hơn 50,5 nghìn số có dấu hiệu phát tán cuộc gọi rác”, Bộ KH&CN thông tin thêm.
Sẽ phối hợp cùng Công an xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về SIM rác
Mặc dù liên tục thanh tra, kiểm tra, song Bộ KH&CN thừa nhận vấn đề tồn tại hiện nay là còn các SIM có thông tin thuê bao đúng quy định tuy nhiên không chính chủ dẫn đến bị các đối tượng sử dụng cho các hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật.
Để khắc phục tình trạng này, theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng cần tiếp tục hoàn thiện thế chế, pháp luật về quản lý thông tin thuê bao; tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, bảo đảm xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Chỉ đạo các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ trong việc chủ động phát hiện, xử lý SIM rác, không chính chủ; ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Mặt khác cần tuyên truyền, hướng dẫn và chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông chủ động rà soát, hoàn thiện các quy trình, quy định phù hợp với quy định của Luật Viễn thông năm 2023; Nghị định 163/2024/NĐ-CP liên quan đến công tác quản lý thuê bao di động mặt đất. Tiếp tục chủ động thanh, kiểm tra các doanh nghiệp viễn thông và nếu phát hiện SIM có thông tin không đúng quy định sẽ xử lý nghiêm vi phạm (dừng phát triển thuê bao).
Đặc biệt, cần phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị liên quan trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về SIM rác, SIM không chỉnh chủ, phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác trong đó làm rõ trách nhiệm của các bên (doanh nghiệp, người sử dụng) và xử lý nghiêm vi phạm. Đồng thời, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm của bản thân trong việc đảm bảo SIM chính chủ trên các phương tiện thông tin đại chúng.