Vẫn dính bẫy lừa trước thủ đoạn rất cũ

Thứ Năm, 07/12/2023, 08:52

Thời gian qua, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế và các ngân hàng đóng trên địa bàn tỉnh thường xuyên cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo chuyển tiền để nhận hàng hóa ở nước ngoài gửi về Việt Nam hoặc các thủ đoạn lừa đảo liên quan đến việc tiếp nhận nguồn vốn đầu tư, tài trợ dự án từ nước ngoài. Dù thủ đoạn lừa đảo này không mới nhưng các đối tượng vẫn lừa được nhiều người nhẹ dạ, cả tin.

Vào thời điểm cuối năm, qua công tác kiểm tra giao dịch, một số ngân hàng ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ, giúp nhiều người dân ngăn chặn thành công các vụ lừa đảo bằng hình thức chuyển tiền qua ngân hàng.

Gần đây nhất, vào chiều 21/11, bà T.T.P.T. (trú ở phường Hương Hồ, TP Huế) đến quầy giao dịch số 4 Ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế để làm thủ tục tất toán trước hạn sổ tiết kiệm 35 triệu đồng sau đó nộp vào tài khoản để chuyển cho một tài khoản khác được mở tại một ngân hàng có chi nhánh ở tỉnh Sóc Trăng. Qua trao đổi với khách hàng, nữ giao dịch viên ngân hàng nắm được sự việc bà T tất toán sổ tiết kiệm nhằm mục đích có đủ số tiền 80 triệu đồng. Qua dò hỏi thêm thông tin, bà T cho giao dịch viên biết rằng, số tiền này để trả lệ phí hải quan và sân bay nhằm nhận hàng từ nước ngoài chuyển về.

Vẫn dính bẫy lừa trước thủ đoạn rất cũ -0
Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên truyền tờ rơi cảnh báo thủ đoạn lừa đảo tiếp nhận nguồn vốn từ nước ngoài.

Ngay khi nắm mục đích giao dịch của bà T, giao dịch viên ngân hàng Agribank khuyến cáo bà T xác minh, kiểm tra lại thông tin kỹ càng trước khi chuyển tiền. Qua tìm hiểu biết được do bà T nhẹ dạ, cả tin và chưa nắm rõ kiến thức về pháp luật nên giao dịch viên ngân hàng đã báo cáo sự việc đến kiểm soát phòng giao dịch cùng phối hợp giải thích, khuyên nhủ bà T để kịp thời ngăn chặn việc chuyển tiền của khách hàng.

Ngoài trường hợp của bà T, nhiều trường hợp người dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến tất toán sổ tiết kiệm để chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng lừa đảo gọi điện thoại cung cấp cũng đã được cán bộ, nhân viên ngân hàng kịp thời ngăn chặn. Điều đáng nói, dù đã được các ngân hàng cùng cơ quan Công an tăng cường tuyên truyền, cảnh báo thủ đoạn lừa đảo của tội phạm nhưng vẫn còn nhiều người nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết về pháp luật nên bị "sập bẫy" các đối tượng. Trong đó, người ít bị lừa hàng chục triệu đồng, người nhiều bị lừa hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng từ thủ đoạn "nhận hàng từ nước ngoài gửi về Việt Nam".

Như trường hợp của bà T.N.T.T. (SN 1967, trú phường Hương Sơ, TP Huế) quen với một người có tài khoản Facebook "Alfredo Williams" và được người này giới thiệu là quân nhân Mỹ. Thông qua một phần mềm dịch tự động trên mạng, Williams cho bà T biết rằng mình có một tài khoản với số tiền 1 triệu USD nhưng không còn người thân để giao giữ tiền. Qua nhiều lần trò chyện và biết bà T tin tưởng, từ tin nhắn trên Facebook, chủ tài khoản Alfredo Williams thông báo sẽ chuyển cho bà T một phần quà kèm số tiền 200.000 USD. Sau khi đối tượng báo đã chuyển bưu phẩm qua đường hàng hải thì bà T nhận được cuộc điện thoại của một người phụ nữ xưng là nhân viên hải quan và cho biết gói hàng đã về đến Việt Nam và yêu cầu bà T nộp phí 1.200 USD bằng cách chuyển tiền vào số tài khoản ngân hàng. Vì tin tưởng nên bà T đã nhiều lần thực hiện theo yêu cầu, chuyển tổng số tiền 1,3 tỷ đồng vào tài khoản của các đối tượng. Đến khi biết bị lừa đảo bà T mới vội vàng làm đơn gửi đến Công an tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trước những thủ đoạn lừa đảo tinh vi của tội phạm, để đảm bảo an ninh, an toàn trong giao dịch ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế mới đây đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh quản lý chặt các hoạt động đăng ký, mở tài khoản, đặc biệt là các tài khoản online; kịp thời phối hợp cung cấp thông tin, phong tỏa tài khoản ngân hàng có dấu hiệu vi phạm khi cơ quan Công an yêu cầu. Đối với các giao dịch nghi ngờ, ngân hàng hướng dẫn khách hàng cụ thể để tránh rút, chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường công tác truyền thông đến khách hàng về các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo qua mạng internet, các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân trong việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử và thanh toán thẻ.

Đại tá Phạm Văn Toàn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế còn cho biết, ngoài thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức nhận quà gửi từ nước ngoài về Việt Nam để chiếm đoạt tiền của các nạn nhân, nhiều người dân còn bị "sập bẫy" của các đối tượng lừa đảo qua hình thức tiếp nhận nguồn vốn từ nước ngoài trên lĩnh vực đầu tư, tài trợ dự án. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là tự xưng lãnh đạo các tổ chức nhưng không có thật. Sau đó, các đối tượng đăng tải thông tin không đúng sự thật về việc thành lập các "tổ, nhóm công tác" để thực hiện việc "giải ngân" các nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức nước ngoài; đăng tải hình ảnh, văn bản, hình ảnh chụp tại ngân hàng…. nhằm tạo lòng tin để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân.

"Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát đi thông tin cảnh báo, tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa các hoạt động lừa đảo bằng hình thức trên. Người dân tuyệt đối không tin vào các thông tin không chính thống; không được chuyển tài khoản cho người khác khi chưa biết được thông tin chính xác. Người dân, doanh nghiệp cần báo ngay cho cơ quan Công an hoặc chính quyền địa phương khi phát hiện các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo để được kịp thời giải quyết theo quy định pháp luật", Đại tá Phạm Văn Toàn khuyến cáo.

Anh Khoa
.
.